Thứ Ba Tuần II Mùa Vọng – Ngày 10/12/2024

Lời Chúa: Mt 18,12-14

Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.

 

TÔI ĐI TÌM TÔI

“Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?” (Mt 18,12)

“Ta dành riêng giọt máu này cho con đó” (Blaise Pascal, Pensée, 553). Đây là lời mà triết gia Blaise Pascal đã lắng nghe được khi trầm mặc về phận người trước sự cứu độ bằng giá máu của Chúa Kitô. Đó là điều hết sức kỳ diệu. Là phận người, là thân cát bụi nhưng lại được tạo thành từ hư vô, được tái tạo từ tội lỗi, đặc biệt là được cứu chuộc bởi giá máu của Chúa Kitô nên phận cát bụi này thật đáng giá, đáng giá đến nỗi có thể nói rằng: “cát bụi tuyệt vời” (Trịnh Công Sơn, Cát Bụi). Đó là chưa kể đến bao nhiêu công lao trời biển của thân phụ mẫu, bao nhiêu ân tình nợ nghĩa của rất nhiều người. Chính vì thế, có lẽ phải thực hiện cuộc hành trình “tôi đi tìm tôi” để trân trọng sự tuyệt vời của thân cát bụi hầu có sống thì sống cho tròn, có chết thì chết cho đầy.

Khoa sư phạm Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một lý do hết sức chính đáng để “tôi đi tìm tôi”. So sánh 2 con số 99 và 1 cho thấy một Thiên Chúa chẳng những không để con người ở trong cái “không đời đời” nhưng còn luôn kiếm tìm những ai trên đà hư mất. Khi tìm thấy thì rất vui mừng. Tuy ngôn ngữ chỉ là 2 từ “vui mừng”, nhưng thật sự lúc ấy chín tầng trời hớn hở reo ca vì Nước Chúa thực đã trị và đã đến trên một tâm hồn. Ý thức Chúa đang tìm ta ra sao, sẽ giúp ý thức được “tôi đi tìm tôi” như thế nào. Thêm vào đó, đôi khi trong thực tế, chúng ta sống trong cảnh tranh tối tranh sáng giữa lý tưởng cao đẹp và thực tại chua chát mà chính mình lại không hề hay biết: là kẻ lạc lối mà cứ nghĩ mình là người dẫn đạo, là kẻ nhận lãnh mà cứ nghĩ mình là người ban phát, là kẻ “khốn nạn, nghèo khổ, đui mù và trần trụi” (Kh 3,17) vì coi lập trường của mình là lý do của sự hiện hữu mà cứ nghĩ mình phúc phần, giàu có, tinh tường và sung túc vì biết đón nhận lập trường của tha nhân.

Lời Chúa – Lời sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi, xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ, phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người (x. Dt 4,12) là một phương thế hữu hiệu giúp chúng ta trong hành trình “tôi đi tìm tôi”. Máng Cỏ, Thập Giá, Nhà Tạm tưởng chừng như không nói gì nhưng lại nói rất nhiều cũng sẽ giúp chúng ta, vì cái vui và náo nhiệt lắm lời nghèo lẽ có chăng chỉ được “một vài trống canh” (Nguyễn Du, Truyện Kiều, 3254). Bên cạnh đó, nhịp sống của vũ hoàn và chính nơi tha nhân cũng là phương thế giúp chúng ta trên hành trình ấy: nhìn đóa hồng, cánh sen nở không một chút gian dối mà thấy thẹn với chữ “thật”, nhìn đường đi của đàn kiến mà thấy thẹn với chữ “nhẫn”, nhìn người thân cận đang kêu gào mà thấy thẹn với chữ “yêu”.

Cuối hành trình “tôi đi tìm tôi”, có một Khổng Tử “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” (Khổng Tử, Đại Học), có một Trịnh Công Sơn tìm thấy một thuở ru ta để rồi ru người, ru đời… Nhưng với niềm tin được tạo thành, được tái tạo, được cứu độ, được kiếm tìm bởi một Thiên Chúa, có lẽ cuối cùng của hành trình “tôi đi tìm tôi” nơi mỗi chúng ta là sống cho tròn và chết cho đầy với lý tưởng: “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,7).

Cầu Chúa dẫn lối và ban ơn hầu giúp chúng ta đi trọn nhất có thể hành trình “tôi đi tìm tôi” để kẻo lỡ đi khắp nơi mà chẳng tìm được gì hoặc là muốn tìm mà lại chẳng hề bước chân đi.

Lạy Chúa, xin ban soi lối và ban ơn cho chúng con hầu chúng con đi trọn nhất có thể hành trình đi tìm chính mình, để kẻo lỡ chúng con đi khắp nơi mà không tìm được gì hoặc là muốn tìm mà lại chẳng hề bước chân đi.

 

Comments are closed.