Thứ Ba Tuần I Thường Niên – Ngày 9/1/2024

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 1,21-28″]

Khi ấy, Đức Giêsu và các môn đệ đi vào thành Caphacnaum. Ngay ngày Sabát, Người vào hội đường giảng dạy.Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư. Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”. Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”. Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!”. Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Galilê.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

QUYỀN NĂNG CỦA CHÚA

“Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.” (Mc 1,22)

Sau khi mời gọi được bốn môn đệ đầu tiên đi theo Ngài (Mc 1,16-20), Chúa Giêsu không còn chờ đợi nữa, Người đã bước vào sứ vụ loan báo Tin Mừng và thực thi Thánh Ý của Chúa Cha. Tại Capharnaum, Người đã giảng dạy, xua trừ ma quỷ và chữa lành bệnh nhân. Qua việc rao giảng và trừ quỷ ở hội đường Capharnaum, Chúa Giêsu đã cho thấy quyền năng và uy lực của Người, cùng với đó là thái độ, phản ứng của dân chúng trước những sự việc này.

“Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền, chớ không như các luật sĩ.” Việc Chúa Giêsu được mời giảng Thánh Kinh cho cộng đoàn, nêu cao giá trị con người là do bản chất bên trong hơn là hình thức bên ngoài. Đối với các luật sĩ chỉ biết lập lại những bài học đã sẵn. Họ phải dựa theo truyền thống của cha ông chứ không dám có ý kiến riêng. Còn Chúa Giêsu khiến người ta chú ý nhờ chính uy quyền cao cả, phát xuất từ bên trong con người của Ngài. Chúa Giêsu đã lấy các sứ điệp của mình ra giảng dạy và dạy một cách xác tín trong tư cách là Đấng Messia. Chúa trục xuất quỷ bằng lệnh truyền, chứng tỏ Chúa có uy quyền trên ma quỷ. Tuy nhiên, Chúa không muốn người ta vội vã quả quyết Ngài là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” vì thời giờ chưa thuận tiện. Chúa Giêsu chỉ muốn mạc khải mầu nhiệm này một cách tiệm tiến, để tránh một nhiệt tình bồng bột của quần chúng, có thể làm sai lệch ý nghĩa sứ vụ của Người. Dân chúng kinh ngạc và hỏi nhau về nét mới mẻ trong lời giảng của Chúa Giêsu và về uy quyền đặt biệt của Người trên cả tà thần. Họ đã bàn tán với nhau về những điều khiến họ cảm phục Chúa Giêsu sau khi nghe lời Người giảng và chứng kiến phép lạ Người làm.

Mở đầu hoạt động công khai của mình, việc đầu tiên Chúa Giêsu làm là nhằm thuyết phục người ta tin tưởng vào quyền năng của Người, quyền năng trong lời giảng dạy và trong hoạt động. Thái độ đầu tiên chúng ta phải có đối với Chúa Giêsu cũng phải là tin tưởng vào quyền năng và tình thương của Người. Nhưng tin tưởng không phải chỉ là hình thức suông mà chúng ta còn phải dám phó thác vào Chúa và dấn thân thực hành Lời Chúa dạy, để rồi những điều hay lẽ phải của lời giảng dạy mà chúng ta cảm phục, được lan rộng ra khắp chung quanh. Thế giới ngày nay vẫn cần những bước chân của các sứ giả Tin mừng để rao truyền Tin vui cứu độ khắp nơi. Nhưng có lẽ, sẽ cần hơn chính là những nhân chứng bằng cuộc sống. Chính gương sáng từ cuộc sống sẽ là lời giảng dạy hùng hồn và có sức thuyết phục nhất để khắc họa dung mạo Chúa Giêsu cho mọi người.

Với ý thức là người thuộc về Chúa và được Chúa chọn gọi và sai đi qua Bí Tích Rửa Tội, xin Chúa cho chúng con biết tin tưởng bước theo Chúa và làm chứng cho Chúa trong cuộc sống thường nhật của chúng con. Xin Chúa ban ơn cho chúng con luôn biết tin tưởng vào quyền năng và lòng thương xót của Chúa, để nhờ đó chúng con có thể thực thi thánh ý Chúa trong sứ mạng Chúa trao. Amen

[/loichua]

Comments are closed.