[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 1,21b-28″]
“Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền”.
(Ðến thành Capharnaum) ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.
Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Ðấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
LỜI UY QUYỀN CỦA CHÚA
“Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền” (Mc 1,21)
Trong cuộc sống, chúng ta có rất nhiều cơ hội được lắng nghe Lời Chúa, nhưng thử hỏi được mấy lần ta thực sự chú ý vào Lời Chúa? Lời Chúa có thực sự cuốn hút chúng ta trong các giờ cử hành phụng vụ và đạo đức? Bài Tin Mừng hôm nay sẽ giúp chúng ta ý thức lại về giá trị thánh thiêng từ Lời Chúa, để rồi chúng ta có thể yêu mến Lời Chúa hơn, chăm chú lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống.
Trong Tin mừng, thánh sử Marco trình bày Đức Giêsu là một Đấng rất uy quyền trong lời nói cũng như trong hành động.
Về uy quyền trong lời nói, Lời Đức Giêsu rao giảng là tin mừng giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết. Lời nói của Ngài rất thực tế và hấp dẫn có thể thay đổi tâm hồn con người, biến cải con người nên thánh thiện đạo đức. Hơn nữa những gì Chúa rao giảng thì Chúa đã thực hành trong cuộc sống chứ không như các kinh sư “nói mà không làm; nói một đàng làm một nẻo”. Điều này đã được dân chúng, các thính giả của Ngài xác nhận: “Ngài giảng dạy người ta như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1,21).
Về uy quyền trong hành động, Chúa dùng Lời uy quyền của mình mà chữa người bị quỷ ám: “Hãy im đi và ra khỏi người này”. Lời Chúa phán đã làm cho đám thần ô uế run sợ và lập tức xuất khỏi người đó.
Ngày nay, Lời Chúa vẫn uy quyền qua lời giảng của các linh mục, qua biết bao việc thiện nguyện và bác ái âm thầm, và qua những biến cố vui buồn của cuộc sống. Trước Lời uy quyền đó, chúng ta cần có thái độ khiêm tốn để nhận ra; luôn luôn khao khát đón nhận Lời Chúa với tâm hồn yêu mến bằng cách siêng năng đọc Lời Chúa, thường xuyên suy đi gẫm lại và có những quyết tâm sống theo Lời Chúa hướng dẫn. Đồng thời, chúng ta hãy để cho Lời Chúa chữa lành ta khỏi những tội lỗi, những thói quen xấu, những cám dỗ hầu biến đổi đời mình mỗi ngày nên tốt hơn theo Lời Chúa mời gọi.
Kinh nghiệm của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu về Lời Chúa là: “Trên hết mọi sự, chính Lời Chúa nuôi dưỡng tôi trong các kinh nguyện của tôi; nơi Lời Chúa, tôi gặp được tất cả những gì cần thiết cho linh hồn hèn mọn của tôi. Trong đó, tôi luôn khám phá ra những ánh sáng mới, những ý nghĩa còn ẩn giấu và huyền nhiệm” (số 127_GLHTCG)
Nguyện xin Lời uy quyền của Chúa thanh tẩy những ô uế nơi chúng ta, để chúng ta có thể nhận ra và thán phục Lời quyền năng của Chúa. Ước mong sao Lời uy quyền của Chúa thấm sâu vào tâm hồn chúng ta, tựa hồ như cây xanh tươi bên dòng suối lành, lá hoa tươi tốt trổ bông, trái thơm trái ngọn trổ sinh.
[/loichua]