Lời Chúa: Mc 16,15-20
Hôm ấy, Đức Giêsu hiện ra với Nhóm Mười một và nói với các ông rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe”.
Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
HÃY ĐI RAO GIẢNG TIN MỪNG
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15)
Lời Chúa phán truyền vẫn còn vang vọng tới hôm nay: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Chúa không nói riêng một ai nhưng Người muốn tất cả cùng tham gia vào sứ mạng này. Mừng lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng các sứ truyền giáo hôm nay, đây là dịp thuận lợi để Kitô hữu ý thức sâu xa về sứ mạng của mình, và cũng là điểm nhấn đào tạo trong năm thần học IV này.
Công đồng Vaticano II, trong Sắc lệnh truyền giáo (Ad Gentes, số 1) nói rằng: tình trạng thế giới hiện nay đặt nhân loại trong một hoàn cảnh mới, vì thế Giáo Hội, là muối đất và ánh sáng trần gian (x. Mt 5,13-14), càng được kêu mời khẩn thiết hơn để cứu rỗi và canh tân mọi loài thụ tạo, để mọi sự được tái lập trong Chúa Kitô. Vì vậy, Giáo Hội dành mọi nỗ lực để loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người. Vậy theo Công đồng, không một tín hữu nào có thể khước từ nhiệm vụ loan báo Tin Mừng. Đó không thể là một việc theo sở thích, nhưng mỗi tín hữu phải coi đây là vấn đề sống đạo, vấn đề của Giáo hội và là trách nhiệm của chính mình.
Thế nên mỗi người tín hữu phải biết sống sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Sứ vụ này phải khởi đi bởi một lối sống thấm đượm Tin Mừng từ lòng mến Chúa, yêu người nơi mỗi người. Chúng ta không thể là một người Kitô hữu tốt mà lại đối xử thiếu yêu thương với anh chị em chung quanh. Điều này không chỉ lỗi luật Chúa mà còn là cớ vấp phạm cho những người chưa biết Chúa. Nhà lãnh tụ Mahatma Gandhi của Ấn Độ đã từng nói: “Nếu những người Kitô giáo sống đúng tinh thần giáo lý của họ. Tôi sẽ mời gọi cả dân tộc Ấn trở lại”. Chúng ta không thể rao giảng Lời Chúa mà còn mang nặng tính bè phái, tỵ hiềm, chia rẽ. Lối sống này không đem về cho Giáo hội những linh hồn mới mà còn đẩy nhiều người ra khỏi Giáo Hội bởi cách sống ích kỷ, độc đoán của những người mang danh Kitô hữu. Vậy nên, trước hết mỗi được mời gọi dấn thân một cách quảng đại để đem tình yêu Chúa nối kết tình người, đưa con người đến cùng Thiên Chúa và giúp con người xích lại gần nhau. Và khi đã đi đến với tha nhân bằng một tình yêu chân thành, không khoe khoang, không giả dối, chính họ sẽ nhận ra Chúa nơi người môn đệ của Chúa. Trong thư mục vụ năm 2003, các Giám mục Việt Nam có nói: Trước khi rao giảng bằng lời nói, hãy rao giảng bằng đời sống, chúng ta hãy nêu gương về đời sống hiệp nhất yêu thương, không có lời rao giảng nào có sức thuyết phục bằng sự hiệp nhất yêu thương như lời Chúa phán: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Nhìn vào những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta thấy có những con người bất toàn, và cũng có những con người thất trung. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm ra đi loan báo Tin Mừng, vì Chúa Giêsu Phục Sinh đã tha thứ và phục hồi tư cách cho chúng ta. Sống đời thừa sai là làm chứng rằng chúng ta đã được ơn tha thứ và đã gặp Đấng Phục sinh. Vì chính Chúa Giêsu Phục sinh cùng hoạt động với chúng ta trong sứ vụ Người giao phó.
Lạy Chúa, rao giảng Tin Mừng là sứ mạng Chúa đã trao phó cho mỗi người Kitô chúng con, xin giúp chúng con luôn sống yêu thương như Chúa để trở nên chứng tá cho Chúa giữa cuộc sống hôm nay.