Lời Chúa: Mc 1, 21-28
Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.
Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
LỜI QUYỀN NĂNG
“Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1, 22).
Bí mật Thiên sai trong Tin Mừng Mác-cô được bật mí ngay khi khởi đầu sứ vụ rao giảng của Chúa Giê-su. Trong không gian của hội đường và thời gian của ngày Sa-bát Do Thái, Chúa Giêsu giảng dạy đã khiến mọi người đi từ “sửng sốt” đến “kinh ngạc” và danh tiếng của Người đồn ra khắp nơi.
Sau khi nghe Chúa Giêsu giảng dân chúng nhận xét và so sánh “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư”. Các kinh sư chỉ là những con người hữu hạn, giảng dạy theo truyền thống của cha ông. Còn Đức Giê-su chính là Ngôi Lời Thiên Chúa. Một bên là bản chính một bên là bản sao hàng ngàn lần qua môi miệng của con người, thì các kinh sư làm sao sánh được. vì thửa xưa Thiên Chúa phán dạy qua các ngôn sứ, nhưng ở đây Thiên Chúa phán dạy trực tiếp qua Thánh Tử Giê-su (Dt 1, 1-2). Dân chúng nhận xét rất đúng nhưng chưa thể nhận biết Đức Giê-su là ai. Sau khi nghe Chúa Giêsu giảng, thần Ô uế, kẻ “vừa ăn cắp vừa la làng” hét lên rằng: “Chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi”. Thiên Chúa xuống để cứu thì nó ngăn cản, Thiên Chúa xây thì nó phá. Thế mà còn già miệng nói không liên quan gì, lại còn tỏ vẻ “biết ông là ai rồi”. Sau khi nghe ma quỷ phân bua, Đức Giê-su không đối thoại chỉ ra lệnh cho nó. Quỷ sai ngoan ngoãn tuân lệnh Đấng Thiên Sai, đành để lại ‘sân khấu’ cho Đức Giê-su.
Sau khi nghe nhận xét của dân chúng, tiếng la hét của Ma quỷ và Lời uy quyền của Đức Giê-su người Ki-tô hữu chúng ta nhận ra điều gì? Thứ nhất, trên thế gian này rất nhiều người siêu quần bạt chúng, nhiều học thuyết tưởng chừng như là chân lý. Nhưng thánh Phao-lô khuyên rằng: “Hãy nhìn xem cuộc đời họ kết thúc thế nào…. Đức Giê-su Ki-tô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời. Đừng để cho đủ thứ học thuyết xa lạ mê hoặc anh em”(Dt 13, 7-8). Thứ đến, ma quỷ là thù địch, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé chúng ta để phá hủy công trình của Thiên Chúa (1 Pr 5,5-14). Khi đối diện với Ma quỷ và cám dỗ của nó, chúng ta không thể đối thoại với nó mà hãy ‘đứng vững trong đức tin mà chống cự’. Vì Thiên Chúa nguồn mạch ân sủng sẽ ban cho ta được vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường cùng vinh quang trong Đức Ki-tô (Dt 13, 9-10).
Là những người bước theo Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta được diễm phúc hơn dân chúng và các kinh sư thời xưa. Vì ngày nay chúng ta có Thánh Kinh – Thánh Truyền và Thánh Thể. Do đó, chúng ta được mời gọi trung thành với giáo huấn của Giáo Hội, có một tương quan mật thiết cá vị với Lời Chúa, bằng việc chú tâm trong giờ nguyện gẫm, trong giờ kinh và đọc Kinh Thánh; đồng thời siêng năng tham dự thánh lễ cách tích cực và siêng năng lãnh nhận các bí tích nhất là bí thích Thánh Thể, để tâm hồn mình chứa đầy Chúa. Nếu chưa đầy Chúa thì tâm hồn ta sẽ chứa những thứ khác và thần ô uế sẽ la lên trong lòng mình rằng đó là chuyện của tôi liên quan gì đến ai.
Chúng ta cùng cầu xin Chúa, cho chúng ta siêng năng nguyện gẫm và tìm hiểu Lời Chúa để biết Chúa rõ hơn, và siêng năng lãnh nhận các Bí tích cách tích cực nhất là Bí tích Thánh Thể để tâm hồn ta Chứa đầy Chúa thay vì chứa những thứ bất xứng khác.