[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 6, 7- 15“]
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:
“Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ đến chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
“Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Ðấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
CẦU NGUYỆN BẰNG KINH LẠY CHA
Câu ý lực: “Chúng con nguyện danh Cha cả sáng” (Mt 6,9)
Ba trụ cột của Mùa Chay là bác ái, cầu nguyện và chay tịnh. Hôm qua, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta làm những nghĩa cử bác ái cho những người bé mọn (x. Mt 25,40). Hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta cách cầu nguyện. Theo các thánh sử, suốt cuộc đời ba năm rao giảng, Chúa Giêsu chỉ dạy các môn đệ một kinh duy nhất: kinh Lạy Cha. Chúa Giêsu đã thường xuyên cầu nguyện bằng lời kinh này. Có nhiều đề tài trong lời kinh Lạy Cha, xin gợi ra hai tư tưởng sau:
Trước hết, Chúa gợi lên cụm từ “chúng con”. Chúa Giêsu dạy chúng ta một tinh thần cầu nguyện mang tính liên đới. Dù cầu nguyện một mình, chúng ta vẫn đọc từ “chúng con” 8 lần, trong 72 chữ, 324 ký tự của bản kinh Lạy Cha tiếng Việt. “Chúng con” là những người cùng hiện diện cầu nguyện với chúng ta, là những kitô hữu cùng tôn vinh Cha và tất cả những ai chưa nhận biết Cha. Ngày nay, nhiều nơi sống thiếu tình liên đới, chủ nghĩa cá nhân lan rộng, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo “quan niệm ‘thân ai nấy lo’ sẽ nhanh chóng dẫn đến một tình trạng hỗn loạn còn tệ hại hơn bất cứ đại dịch nào” (Fratelli Tutti, số 36). Tình liên đới khởi đầu bằng lời cầu nguyện, sau là yêu thương mỗi con người, bất kể sự khác biệt về thể lý và môi trường sống (Fratelli Tutti, số 1). Mỗi khi đọc kinh Lạy Cha, ta hãy nhớ đến mọi người, từ những người gần ta nhất đến những người xa ta nhất, về mặt thể lý cũng như tinh thần. Trong ngày 8 tháng 3, chúng ta thể hiện tình liên đới, cầu nguyện cho những người phụ nữ đã góp phần làm nên cuộc đời ta hiện tại.
Kế đến là cụm từ “nguyện danh Cha cả sáng” (Mt 6,9). Chúa Giêsu dạy chúng ta tâm tình đầu tiên dâng lên Chúa Cha không phải xin ơn, nhưng là chúc tụng: “chúng con nguyện danh Cha cả sáng”. Câu này có hai nghĩa: thứ nhất, ngợi khen danh Chúa là Đấng duy nhất con người phải phụng thờ; và thứ hai, biến đổi cuộc đời ta từ tư tưởng, lời nói và hành động trở thành lời ca tụng Chúa. Thánh Inhã có câu tâm niệm: “để Chúa được vinh quang hơn”. Hơn nữa, kinh Tiền Tụng Chung 4 còn ghi “những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ”. Như vậy, vinh quang Thiên Chúa là con người được cứu độ; và để Thiên Chúa được vinh quang hơn, ta cần biến đổi đời mình trở nên tốt hơn, thánh thiện hơn.
“Lời Chúa sẽ không trở về nếu không sinh kết quả” (Bài đọc 1 Is 55,11). Mỗi ngày, chúng ta đọc kinh Lạy Cha ít nhất 8 lần: ba lần trong thánh lễ, kinh sáng – chiều và năm lần khi lần hạt Mân Côi. Mỗi lần đọc kinh Lạy Cha là chúng ta đọc lời của Chúa Giêsu, cùng với Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha. Xin Chúa giúp chúng ta ý thức lời mình đọc và sinh ích lợi nhờ lời “kinh Tin Mừng” này.
[/loichua]