[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 2,13-17″]
Khi ấy Chúa Giê-su đi dọc theo bờ biển, toàn dân đến cùng Người và Người giảng dạy họ. Khi vừa đi qua, Người thấy ông Lê-vi con của An-phê, đang ngồi nơi bàn thu thuế. Người bảo ông : “Hãy theo Ta”. Ông liền đứng dậy theo Người. Và xảy ra là khi Người dùng bữa tại nhà ông, nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng đồng bàn với Chúa Giê-su và các môn đệ của Người, vì đã có nhiều kẻ theo Người. Những luật sĩ và biệt phái thấy Người ngồi ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, liền nói với các môn đệ Người rằng : “Tại sao thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi”. Nghe vậy, Chúa Giê-su bảo họ: “Những người khoẻ mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
HIẾN DÂNG CẢ CUỘC ĐỜI CHO CHÚA
.
Người phương Tây có câu ngạn ngữ như sau: “Mỗi thánh nhân đều có một quá khứ, mỗi tội nhân đều có một tương lai”. Điều này muốn gởi cho chúng ta một tâm tình về thân phận con người trước mặt Chúa đều là bất xứng. Như lời kinh thờ lạy mà chúng ta thưa lên rằng với Chúa “con là vật phạm hèn đều là không trước mặt Chúa”. Cái không đó, Chúa nhìn nhận con người là hình ảnh tuyệt vời của Thiên Chúa, là Đấng mà tình yêu đang ngỏ lời và cứu độ nhân loại đang sống trên con đường lữ hành.
Trong đoạn Lời Chúa hôm nay, Chúa Giêsu rất được nhiều người thương mến, bằng chứng dân chúng tập họp đến với Người và lắng nghe lời Người giảng dạy. Tuy nhiên, giữa khung cảnh đông người như thế, Chúa đã có cái nhìn đến ông Lêvi, đang ngồi tại bàn thu thuế bằng cái không. Không tội lỗi, không lời bàn của dân chúng, không mặc cảm khi Chúa đến gần ông. Quả thật, cái nhìn của Chúa Giêsu hôm nay khác hẳn với cái nhìn của dân chúng hằng ngày nhìn ông. Cái nhìn của Chúa đã mời gọi ông tiến bước “Hãy theo Ta” để đón nhận nguồn ơn cứu độ và thực thi sứ mạng của Chúa sau này. Đồng thời, cái nhìn của Chúa đã làm cho khoảng cách của ông ngày càng gần Chúa hơn, và nhờ đó giúp cho các bạn của ông có cơ hội đến gần với Chúa trong bữa tiệc tại nhà ông Lêvi. Quả thật, cái nhìn của Chúa đã biến đổi cuộc đời của ông, khi mà xã hội xem ông là người tội lỗi cần phải tẩy chay và xa lánh; sau này ông trở thành vị Tông đồ Matthêu thuộc nhóm mười hai, và đặc biệt hơn trở nên người viết Tin Mừng về Chúa Giêsu. Qua đây, chúng ta nhận thấy cuộc đời đã bị xem là thu thuế và tội lỗi, thì ông đã nhận ra tình yêu của Chúa mà hiến dâng chính cả cuộc đời cho Chúa để Chúa gìn giữ, nâng đỡ và biến đổi trở nên con người mới thuộc về Đức Kitô.
Ý thức thân phận thụ tạo bất xứng trước mặt Chúa, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi hãy hiến dâng cả cuộc đời cho Chúa, vì như lời Thánh Phaolô đã cảm nghiệm điều này: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay, tôi sống kiếp phàm trần trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi”. (Gl 2,20). Cùng với đó, như khúc hát “Vì ngoài Chúa ra” đã vang lên ở nhiều nơi trong những ngày tháng như sau: “Quyền quý, lợi danh tựa cánh hoa mỏng manh. Một cơn gió vô tình làm hoa kia xa cành. Hạnh phúc đời con là Chúa luôn ở cùng. Là phúc vinh Thiên Đàng muôn đời bất tận”. Chắc chắn, những tâm tình lắng đọng này sẽ nâng đỡ chúng ta để dám sẵn sàng hiến dâng chính mình cho Chúa bằng một đời sống thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa.
Lạy Chúa, cuộc đời chúng con có là tất cả hồng ân của Chúa ban. Tuy nhiên, chúng con đã chưa sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa. Xin Chúa giúp sức, biến đổi và làm mới cuộc đời của chúng con trong tình yêu của Chúa. Chúng con xác tín rằng chính tình yêu Chúa sẽ phủ lấp muôn vàn tội lỗi, yếu hèn của chúng con trong ơn thánh. Để rồi, nhờ ơn sáng Chúa, chúng con sẵn sàng mau mắn đáp trả, bỏ lại và bước theo Chúa. Amen
[/loichua]