Thứ Bảy sau Chúa Nhật 10 Thường Niên – Ngày 17/06/2017

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 5, 33 – 37″]

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con lại còn nghe dạy người xưa rằng: ‘Đừng bội thề, nhưng hãy giữ lời ngươi đã thề với Chúa’. Phần Thầy, Thầy bảo các con: Đừng thề chi cả, đừng lấy trời mà thề, vì là ngai của Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì là bệ đặt chân của Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả; cũng đừng chỉ đầu mà thề, vì con không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hoặc ra đen được. Nhưng lời các con phải: có thì nói có, không thì nói không; nói thêm thắt là do sự dữ mà ra”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

SỐNG TRUNG THỰC TRONG LỜI NÓI VÀ VIỆC LÀM

“Nhưng hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không ; thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5, 37).

Lời nói đóng một vai trò quan trọng trong giao tiếp và tình cảm. Trong giao tiếp, lời nói giúp thiết lập mối tương quan giữa người với người. Trong tình cảm, lời nói biểu lộ suy nghĩ, ước muốn của người nói với người nghe. Ông bà ta có câu: Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Ngày nay, trong đời sống xã hội và nhất là trong lĩnh vực truyền thông, người ta coi lời nói như là phương tiện để lừa lọc kẻ khác. Có người dùng lời nói để ngụy biện cho hành động xấu xa, tội lỗi của mình. Thậm chí, nhiều người lấy Danh Chúa để thề thốt nhằm tăng giá trị cho lời nói của mình. Chính vì thế, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải trung thực trong lời nói của mình, có thì nói có, không thì nói không. Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng lấy Danh Chúa mà thề bởi đó là sự xúc phạm đến Danh thánh thiện của Người. Danh Thiên Chúa không phải là bức bình phong nhằm che đậy sự dối trá và lừa lọc của con người.

Là Kitô hữu, chúng ta phải sống trung thực trong lời nói của mình. Sự trung thực trong lời nói là điều cốt yếu để thiết lập mối tương quan tốt đẹp giữa con người trong gia đình, xã hội và với chính mình. Trong gia đình, ông bà, cha mẹ với con cái, cháu chắt, anh chị em với nhau cần có sự trung thực trong lời nói, không nại vào tình cảm máu mủ. Ngoài xã hội, tương quan này được thiết lập giữa bạn bè trong cùng lớp, đồng nghiệp trong cùng một công ty, giữa bề trên với bề dưới…luôn luôn đòi hỏi sự trung thực để xây dựng và phát triển. Với chính mình, sự trung thực đòi buộc chúng ta dám từ bỏ những cám dỗ của thế trần. Đồng thời, chọn lựa con đường bước theo chân Chúa Giêsu để nên thánh.

Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong nhà Chúa, được ở trên núi thánh của Ngài? Là kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng, bụng nghĩ sao nói vậy, miệng lưỡi chẳng vu oan, không làm hại người nào, chẳng làm ai nhục nhã. (Tv 15, 1 – 3). Amen.

[/loichua]

Comments are closed.