[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 7,40-53″]
Khi ấy, sau khi nghe Chúa Giêsu giảng, có nhiều người trong đám dân chúng nói rằng: “Ông này thật là tiên tri”. Kẻ khác nói: “Ông này thật là Ðấng Kitô”. Người khác nữa lại nói: “Ðấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao? Nào Kinh Thánh chẳng nói: Ðấng Kitô xuất thân bởi dòng dõi Ðavit, và từ làng Bêlem, quê hương của Ðavit?” Vì thế, dân chúng bất đồng ý kiến với nhau về Người. Trong số đó, có một ít kẻ định bắt Người, nhưng không ai dám ra tay bắt Người. Vậy khi những người thừa hành đến với thượng tế và biệt phái, các ông này hỏi họ rằng: “Tại sao các ngươi không điệu nó tới?” Các người thừa hành thưa rằng: “Chẳng hề có ai nói như người ấy”. Các người biệt phái trả lời rằng: “Chớ thì các ngươi cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong các vị thủ lãnh và các người biệt phái, có ai tin nó đâu? Chỉ có lũ khốn nạn đó nó không biết gì lề luật”. Nicôđêmô là người đã tới gặp Chúa Giêsu ban đêm, cũng là người trong nhóm họ, nói với họ rằng: “Chớ thì luật của chúng ta có lên án cho ai mà không nghe họ, hoặc không biết rõ họ làm gì không?” Nhưng họ trả lời rằng: “Hay ông cũng là người Galilêa? Hãy đọc kỹ Kinh Thánh, ông sẽ thấy rằng không có tiên tri nào phát xuất từ Galilêa”. Sau đó ai về nhà nấy.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
TIN NHẬN CHÚA GIÊSU
“Sau khi nghe Chúa Giêsu giảng, có nhiều người trong đám dân chúng nói rằng: ‘Ông này thật là tiên tri’. Kẻ khác nói: ‘Ông này thật là Ðấng Kitô’” (Ga 7,40-41a).
Tại Xêdarê – Philípphê, Đức Giêsu đã hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai ?” Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” Sau đó, Đức Giêsu lại hỏi chính các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Ông Phêrô đã trả lời: “Thầy là Đấng Kitô” (x. Mc 8,27-30). Như thế, xem ra vấn đề về nguồn gốc của Đức Giêsu là một ẩn số đối với người đương thời. Và việc tin nhận Ngài là Đấng Kitô mang lại một ý nghĩa lớn lao cho cuộc đời người môn đệ.
Trang Tin mừng theo thánh Gioan hôm nay thuật cuộc tranh luận thứ hai về nguồn gốc của Đức Giêsu. Sau cuộc tranh luận thứ nhất, Đức Giêsu đã mặc khải cho dân chúng biết về nguồn gốc thần linh của mình là “từ nơi Thiên Chúa mà đến, và chính Người đã sai tôi” (x. Ga 7,25-30). Do đó, cuộc tranh luận thứ hai này không nhằm vào nguồn gốc thần linh của Đấng Kitô, bởi lẽ “Đấng Kitô khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả” (Ga 7,27), nhưng là nguồn gốc trần thế của Đấng Kitô, vì “theo Kinh Thánh thì Đấng Kitô từ dòng dõi vua Đavít và từ Bêlem, làng của vua Đavít” (Ga 7,42). Trong khi đó, không ai lại không biết đến nguồn gốc của Đức Giêsu: con của bác thợ mộc làng quê Nazareth (x. Mt 13,55). Như thế, một cách nào đó, người ta đã phủ nhận tư cách thiên sai của Đức Giêsu, vì “Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilê sao ?” (Ga 7,41) Ẩn sau câu hỏi mang tính khẳng định này là một thái độ kiêu căng tự mãn. Họ không chấp nhận Đức Giêsu là Đấng Kitô.
Nhưng giả như, Đức Giêsu cũng xuất thân từ Bêlem, làng của vua Đavít, liệu họ có tin Người là Đấng Kitô không? Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện của ba nhà đạo sĩ Phương Đông tìm kiếm Đấng Kitô. Khi vào thành Giêrusalem, các đạo sĩ đã hỏi vua Hêrôđê về nơi sinh của Đấng Kitô. Và không ai trong thành lại không biết Đấng Kitô sinh tại Bêlem, miền Giuđê, khi họ được các thượng tế và kinh sư bảo cho biết (x. Mt 2,1-5). Thế mà, không một ai lên đường tìm kiếm Người. Thành thử, thật khó để có thể tin nhận Đức Giêsu là Đấng Kitô, nếu chỉ dựa vào những suy tính hay kiến thức của loài người. Và cũng khó có thể tin nhận Đức Giêsu là Đấng Kitô, nếu không biết thành tâm kiếm tìm Người. Quả thật, đức tin không đến từ việc suy tư, học hiểu theo kiểu loài, nhưng là ân huệ Thiên Chúa ban cho những ai biết khiêm tốn đón nhận Lời mặc khải và không ngừng nỗ lực kiếm tìm Người.
Mùa Chay thánh là cơ hội thuận tiện để mỗi người chúng ta canh tân đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận khi chịu Phép Rửa tội. Bằng cách, chúng ta hãy biết khiêm tốn đón nhận Lời mặc khải, lời có sức cứu chữa và giải thoát linh hồn chúng ta, qua việc sốt sắng tham dự thánh lễ và lắng nghe lời Chúa. Đàng khác, chúng ta hãy biết chân thành sám hối, không ngừng nỗ lực tìm đến với lòng thương xót của Chúa qua Bí tích Hòa giải, để được gặp Chúa và được đón nhận lời thứ tha.
Lạy Chúa, xin hãy ban Thánh Thần làm mềm tâm hồn chai cứng của chúng con. Xin Chúa đừng để chúng con trở nên kiêu căng tự mãn, nhưng cho chúng con biết tìm đến với Chúa, biết mở lòng ra đón nhận mặc khải của Chúa, để chúng con luôn tin nhận Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật. Amen.
[/loichua]