Thứ 7 Tuần II Mùa Chay – Ngày 23/03/2019

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 15,1-3.11-32″]

Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này:

“Người kia có hai con trai. Ðứa em đến thưa cha rằng: ‘Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con’. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của, thì gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó mới hồi tâm lại và tự nhủ: ‘Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: ‘Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha’. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: ‘Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa’. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: ‘Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu; hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy’. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: ‘Ðó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu ấy trở về mạnh khoẻ’. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào, nhưng anh trả lời: ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn; còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó’. Nhưng người cha bảo: ‘Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy'”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

SỰ THA THỨ, TUYỆT ĐỈNH CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20).

Trong đời sống gia đình, khi có người con sống trong lầm lỡ, phóng túng, ăn chơi bất chấp luân thường đạo lý, cha mẹ thường rất đau khổ và chán nản, và đôi khi có những hành xử không mấy tốt đẹp. Thế nhưng, Thiên Chúa không hành động theo kiểu như thế, Ngài luôn bao dung, tha thứ và chờ đợi con người trở về, cho dù người đó có tội lỗi mấy đi chăng nữa. Lòng thương xót của Thiên Chúa vượt trên tội lỗi của con người.

Khi nghe dụ ngôn người cha nhân hậu, chúng ta có thể nói đây là áng văn tuyệt tác của Tin Mừng Luca và được xem là dụ ngôn hay nhất của Chúa Giêsu. Với bút pháp tài hoa, thánh Luca đã phác họa cho chúng ta thấy hình ảnh thật đẹp về người cha giàu lòng thương xót. Với người con thứ, khi nghe anh xin phân chia tài sản, ông đã làm theo những yêu cầu của anh mà không có một ngăn cản hay điều kiện nào. Thế rồi, khi có số tài sản, anh bắt đầu vui hưởng cuộc sống tự do phóng túng, phung phá hết gia tài, cạn kiệt sức khỏe. Với lối sống này, anh dần hủy hoại đời mình đến nỗi đánh mất nhân phẩm và hậu quả là bị đẩy xuống hạng thấp nhất như súc vật. Sống trong tình cảnh tồi tệ đó, anh đã hồi tâm và bừng tỉnh dậy sau một cuộc sống lệch lạc, để tìm lối về với nhà cha mình. Lời thú tội của anh thật sâu lắng và chân thành, anh nhận thấy mình bất xứng trước tình yêu bao la của người cha. Khi thấy người con, ông mừng vui khôn tả như thể quyên đi tất cả những lỗi lầm trong quá khứ. Ông không niêm phong nhịp đời của anh với bước đường phóng đãng, nhưng trao tặng cho anh cái ôm hôn ấm áp tình cha con và phục hồi quyền làm con như thuở ban đầu. Từ đây, ông diễn tả và chia sẻ niềm vui lớn lao của mình với mọi người vì “con ta đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Với người con cả, khi thấy cha mình đối xử nhân từ với người em, anh không thể chấp nhận vì trong tâm hồn anh tình yêu đối với người em giờ đây chỉ còn là sự ghen tỵ. Anh không muốn tham dự buổi tiệc và chia sẻ niềm vui cùng gia đình, thậm chí còn tính sổ và tính công với cha mình. Trước thái độ đóng kín cõi lòng của người con cả, người cha vẫn kiên nhẫn và mời gọi anh bước vào quỹ đạo tình yêu vô điều kiện, để đón nhận người em ăn năn hối cải trở về.

Ca dao có câu: “Thương con cho roi cho vọt, ghét con cho ngọt cho bùi”. Tình phụ tử của người cha trong dụ ngôn đã vượt qua khuôn khổ đó, ông không một lời trách móc, không một lời răn đe, cũng chẳng có hình phạt nào, mà chỉ có cử chỉ yêu thương như một minh chứng của lòng thương xót, thứ tha. Mang thân phận con người, ai trong chúng ta cũng có sự yếu đuối, bất toàn, tội lỗi và rất cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Thế nên, Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chúng ta làm một cuộc hoán cải, phản tỉnh lại chính mình trở về với Ngài. Và để đón nhận tình yêu của Ngài, chúng ta hãy đón nhận và yêu thương anh em mình bằng một cuộc đời không ngừng tha thứ và dìu đưa những người đang còn sa chìm trong tội lỗi về với lẽ xót thương. Chúng ta hãy quên đi những phần đời không đáng nhớ khi anh em có lỗi với mình, và hãy nhớ lấy những phần đời không thể quên khi mình đã được Thiên Chúa tha thứ xót thương.

Lạy Chúa, Chúa luôn sẵn sàng và đi bước trước trong việc tha thứ. Xin cho chúng con cảm nhận được lòng Chúa xót thương, thống hối và nhận ra lỗi lầm để trở về với Chúa, nhờ đó cuộc sống của chúng con sẽ được biến đổi, trở thành hiện thân và sứ giả sống động của lòng thương xót Chúa. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.