Thứ 6 Tuần Bát Nhật Phục Sinh – Ngày 06/04/2018

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 21,1-14 “]

Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: Simon Phêrô, Tôma cũng gọi là Ðiđymô, Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Họ đồng thanh đáp: “Thưa không”. Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu, liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.

Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây”. Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách.

Chúa Giêsu bảo rằng: “Các con hãy lại ăn”. Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi: “Ông là ai?” Vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Ðây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

NHỊP CẦU TÌNH YÊU

“Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: Chúa đó” (Ga 21,7a).

Trong bầu khí hân hoan của những ngày Bát Nhật Phục Sinh, thánh sử Gioan tiếp tục kể lại những lần Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra, đây là lần thứ ba Người hiện đến với các môn đệ. Trong khi các môn đệ đang từ bỏ lý tưởng theo Thầy Giêsu, trở về với công việc vất vả lao nhọc thường ngày, trở về với thói quen vận dụng kinh nghiệm nghề nghiệp tìm kế sinh nhai, Chúa Giêsu lặng lẽ xuất hiện trên bãi biển vào sớm tinh sương. Người có đó như vừa lạ vừa quen, vừa gần vừa xa, âm thầm đến gần bên, trở nên bạn đường, chỉ bảo, hướng dẫn và đồng hành cùng các ông.

Bình thường, các môn đệ sẽ nhận ra ngay sự quen thuộc của Thầy yêu dấu, nếu trong tim luôn dành sẵn một chỗ cho Người. Không phải các ông không yêu Thầy, nhưng lúc này, những trăn trở của phận người, những lao nhọc của công việc, những âu sầu đau khổ về biến cố thương khó và tử nạn vừa qua đang xâm chiếm tràn ngập trí lòng. Các ông chưa thể nhận ra kia là Thầy Giêsu kính yêu. Chưa biết ai đang chỉ bảo, nhưng lời nói đượm vẻ quan tâm và có sức truyền lệnh lạ lùng ấy, khiến các ông bị thôi thúc làm theo, thả lưới bên phải mạn thuyền. Bất ngờ và kinh ngạc trước mẻ cá lạ thường, các ông như bừng tỉnh và nhận ra. Các ông nhận ra sự nối kết giữa: lệnh truyền, sự vâng lời và kết quả mỹ mãn dường như đã từng một thời quen thuộc. Khi tất cả còn đang ngỡ ngàng, thì bất giác “người môn đệ Chúa yêu nói với ông Phêrô: Chúa đó” (Ga 21,7a).

Có phải vì được Chúa yêu, nên người môn đệ này nhận ra Chúa trước hết? Hay vì yêu Chúa nhiều hơn, nên ông mới nhận ra Người đầu tiên? Chắc chắn việc nhận ra Chúa phải là kết quả của gặp gỡ tình yêu. Vì chỉ có tình yêu hai chiều mới tạo nên một dạng cầu nối: hiệp thông, năng động, bền bỉ và nhạy bén như thế. Đây thực là nhịp cầu tình yêu, là nơi gặp gỡ trao ban và đáp trả. Thiên Chúa luôn yêu thương hết mọi người, Ngài yêu bằng mối tình muôn thuở (x. Gr 31,3), yêu đến nỗi hiến trao Con Một (x. Ga 3,16). Phần không thể thiếu để nối kết nhịp cầu là tình yêu đáp trả của mỗi người. Như những môn đệ khi ấy, người yêu nhiều đã nhận ra Chúa sớm hơn; Thì nay, trong hành trình thiêng liêng của mỗi người, ai yêu nhiều cũng sẽ tiến triển nhiều hơn, tiến bước xa hơn.

Thăng tiến trong đời sống thiêng liêng là bằng chứng cụ thể của một đời sống đức ái chân thực. Tình yêu rộng mở cả hai chiều: hướng thượng – mến Chúa và hướng ngang – yêu người. Mến Chúa đòi hỏi nỗ lực vâng giữ Lời Chúa một cách minh nhiên, dù trước mắt người khác hay chỉ ở một mình. Yêu người đòi một sự bác ái, cảm thông, tế nhị, nhạy bén và vị tha. Như thánh Phaolô nói: “Đừng ai tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm ích lợi cho người khác” (1Cr 10,24). Tìm lợi ích cho người lân cận phải được cụ thể: qua từng câu nói quan tâm nâng đỡ, qua công việc chung đồng trách nhiệm và bổn phận, qua việc chia sẻ của ăn và những phương tiện sống hàng ngày; cùng với những bổn phận khác mà chỉ có tình yêu vị tha mới nhạy cảm nhận ra, như gương Đức Mẹ Maria, người đã yêu mến quan tâm và nhận ra cảnh thiếu rượu ở tiệc cưới Cana.

Lạy Chúa Giêsu rất nhân lành và khiêm nhường. Khi xưa, Chúa đã đến bên các môn đệ, âm thâm khơi lên tình yêu và thay đổi cuộc sống của họ, biến họ trở nên những kẻ lưới người như lưới cá. Ngày nay, Chúa tiếp tục hiện diện bên chúng con theo nhiều cách thế khác nhau, nhất là trong các Bí tích, đặc biệt Bí tích Thánh Thể. Chúng con nài xin Chúa khơi lên trong lòng chúng con ngọn lửa tình yêu nồng cháy và biến đổi chúng con nên khí cụ bình an của Chúa cho mọi người anh em. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.