[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 13,1-15″]
Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.
Ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simôn Ítcariốt, ý định nộp Đức Giêsu. Đức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
Vậy, Người đến chỗ ông Simôn Phêrô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” Đức Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” Ông Phêrô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” Đức Giêsu đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”. Ông Simôn Phêrô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa”. Đức Giêsu bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!” Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch.”
Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
YÊU CHO ĐẾN CÙNG
«Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng» (Ga 13,1).
Một bài hát với những ca từ như sau: «Thánh giá là chữ T, người nằm gian tay chữ Y là tình yêu, yêu đến tận cùng». Đó chính là tình yêu của thầy Giêsu hiến trao cho nhân loại và Ngài yêu đến cùng dù cho con người phản bội, bất trung. Tình yêu này đã được thánh sử Gioan diễn tả qua cử chỉ của Chúa Giêsu với các môn đệ trong bữa ăn cuối cùng.
Theo lẽ thường tự nhiên của con người thì trước giờ hấp hối, người ta thường bất an và có cảm giác hoang mang vì phải xa người thân. Chúa Giêsu cũng biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Nhưng đó không phải là thời giờ của sự buồn bã, mà là lúc Chúa Giêsu biểu lộ trọn tình yêu cao cả của Người. Vì tình yêu mà Chúa Giêsu đã xuống thế làm người và chịu chết trên thập giá để cứu độ chúng ta. Trong Tin mừng hôm nay, tình yêu ấy được biểu lộ ra bằng hành động, là rửa chân cho các môn đệ: “Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13,5). Hành vi rửa chân là một cử chỉ quen thuộc bên Đông phương thời bấy giờ. Đây là công việc của người tôi tớ thường làm cho chủ hoặc khách của ông chủ để diễn tả lòng hiếu khách. Khi Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, Ngài đã từ bỏ địa vị và chấp nhận là người tôi tớ (x.Pl 2,6-11), để phục vụ các môn đệ. Các ông hoàn toàn bỡ ngỡ trước cử chỉ này của Chúa Giêsu, thậm chí một người như Phêrô đã từng sống và cùng bôn ba trên mọi nẻo đường với Ngài, ông không thể tin được những gì đang xảy ra mà thốt lên: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao? Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” (Ga 13,7-8). Chúa Giêsu thực hiện việc rửa chân không chỉ tẩy sạch bụi bặm của tội lỗi, mà còn cho các ông được thông phần với Người là cuộc khổ nạn và sự sống đời đời. Có lẽ bây giờ các môn đệ chưa hiểu hết điều mà Chúa Giêsu vừa làm nhưng sau này các ông sẽ hiểu, và sẵn sàng hiến dâng mạng sống cho Tin mừng.
Chúa Giêsu đã tự khiêm, tự hạ và nêu cao bài học khiêm nhường phục vụ cho các môn đệ cũng như cho mỗi người chúng ta qua cử chỉ rửa chân. Chỉ vì tình yêu mà Chúa đã hiến thân và làm những gì tốt nhất cho các môn đệ. Tình yêu này đã thúc đẩy Ngài thiết lập Bí tích Thánh Tẩy nhằm rửa ta sạch tội lỗi, để ta được giao hòa và thông phần sự sống thần linh của Ngài. Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi sống và trao ban tình yêu ấy cho tha nhân bằng lời nói, hành động trong cuộc sống thường ngày với tinh thần bác ái và vô vị lợi.
Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta đến cùng và chấp nhận chết trên thập giá để cho chúng ta được sống. Xin cho mỗi người chúng ta biết yêu như Chúa đã yêu và thể hiện tình yêu ấy qua việc phục vụ cho mọi người xung quanh. Amen.
[/loichua]