Bài tin mừng hôm nay đề cập đến các biến cố đã gây nhiều chấn động đến dư luận dân chúng thời đó. Những người Galilê bị Philatô giết đang khi họ dâng hi tế. Mười tám người bị tháp Siloê đổ xuống đè chết. Ngày hôm nay bản liệt kê có thể kéo dài thêm: những người chết vì thảm họa động đất tại Pakistan, vì chiến tranh tại Syria, vì tai nạn giao thông dịp Tết vừa qua tại Việt Nam, những người chết đói ở các trại tị nạn, những nạn nhân các cuộc bạo hành và thù oán của con người. Trước những trường hợp ấy, chúng ta có thể đặt ra câu hỏi: Tai sao những việc đó đã xảy ra? Tại sao lại chính họ chứ không phải người khác? Ai chịu trách nhiệm?
Đối diện trước những sự kiện bi thảm đó, tất cả chúng ta đều giận dữ. Và bị cám dỗ trách Chúa: “Nếu Chúa hiện diện, nếu Người tốt lành, Người đã không cho phép những sự đó xảy ra”. Hoặc: “Họ đã làm gì nên tội chống lại Thiên Chúa mà lại phải bị đau khổ như thế?”
Chúng ta cảm thông những nỗi lòng và tiếng kêu thống thiết ấy. Đó là điều thường thấy trong lời cầu nguyện cho những người đã bị đau khổ thử thách quá nhiều mà chúng ta vẫn thường gặp trong Kinh Thánh.
Từ đó, chúng ta cần phải lắng nghe câu trả lời của Chúa Giêsu: “Những nạn nhân các tai họa ấy không phải là những tội phạm nặng hơn những người khác”. Họ hoàn toàn không xứng đáng với những gì đã xảy ra cho họ. Chúng ta không có quyền nói rằng Thiên Chúa đã trừng phạt họ, vì như thế là bôi nhọ hình ảnh Người. Thật vậy, Thiên Chúa là Cha chúng ta, luôn yêu thương từng người con và chỉ muốn họ được hạnh phúc. Điều mà Chúa Giêsu mong muốn chúng ta thực hiện, là tất cả chúng ta phải đặt lại vấn đề về chính mình; chúng ta phải cắt nghĩa các biến cố đó như những dấu chỉ mà Ngài ban cho chúng ta.
Bài Tin Mừng nầy đưa ra cho chúng ta một lời cảnh báo rất dứt khoát: nó nhắc chúng ta nhớ cần phải khẩn cấp đi vào con đường sám hối chân thật. Sám hối là thay đổi não trạng, là có một cách suy nghĩ khác, một cách nhìn khác về Thiên Chúa, tha nhân và thế giới: “Hãy thật lòng trở về với Ta”. Sự sám hối đích thực bao gồm một cuộc thay đổi tận gốc những cách xử thế của chúng ta. Tắt một lời chúng ta cần phải đặt tất cả Tin Mừng vào trong đời sống chúng ta.
Sám hối còn là hòa nhập vào cuộc sống bí tích. Phép Rửa đã dìm chúng ta vào đại dương tình yêu là chính Thiên Chúa. Từ lúc đó, không gì còn có thể diễn ra như trước kia. Trọn cuộc sống chúng ta phải thấm nhuần tình yêu ấy ở trong Thiên Chúa. Tiếc thay, nhiều khi tất cả chúng ta đều quay lưng lại với Người và xa cách Người. Chính vì thế mà bí tích Hòa giải được đề nghị cho chúng ta. Thế nhưng, ngày nay, bí tích Hòa giải bị khủng hoảng trầm trọng, nhiều người không còn đi xưng tội nữa vì nghĩ rằng nó không còn ích lợi nào cả. Tuy nhiên, mỗi lần chúng ta xưng tội, chính Chúa tiếp nhận chúng ta, nâng chúng ta lên, và giúp chúng tìm lại niềm tin tưởng mà chúng ta đã đánh mất. Có tác giả nói rằng bí tích Hòa giải là một liệu pháp tốt nhất nhằm chống lại một bệnh kinh niên lâu ngày.
Trong phần thứ hai, Chúa Giêsu kể lại dụ ngôn cây vả khô héo. Ngài sử dụng một hình ảnh dễ hiểu nhằm nhấn mạnh về sự cần thiết phải sám hối, và cho người tội lỗi hiểu rằng họ được ban cho một cơ hội tốt để tiếp nhận một sự sống chân thật. Người thợ làm vườn hi vọng mãnh liệt trong khi chủ vườn lại muốn chặt bỏ và đốt đi. Anh sẽ xới đất, bón phân lần chót. May ra nó sẽ cho trái.
Thiên Chúa của chúng ta cũng như người chủ vườn cho thấy một sự kiên trì lạ lùng. Chắc chắn điều đó không có nghĩa là Người không dứt khoát. Người luôn muốn cho chúng ta điều tốt nhất. Vì thế, Người không ngừng chìa tay ra cho chúng ta. Sự lầm lạc của chúng ta, tội lỗi chúng ta không làm cho Người thất vọng. Trái lại, Người làm tất cả mọi sự để đưa chúng ta lại gần Người, vì Người tuyệt đối muốn chúng ta được cứu độ. Người đặt trên đường những dấu chỉ cần thiết để chỉ đường cho chúng ta, đi theo chúng ta, và hối thúc chúng ta.
Đó là Tin Mừng trong chủ nhật thứ ba mùa chay nầy. Thiên Chúa không ngừng tin tưởng nơi chúng ta. Ngài tin chúng ta, Người tin vào sự sám hối của chúng ta. Lòng thương xót vô biên của Người là một bằng chứng cho lòng hi vọng của Người. Người say mê chúng ta và tiếp tục chịu mọi sự khổ vì chúng ta. Người luôn sẵn sàng đến tìm chúng ta đang ở nơi rất xa và rất thấp.
Cuộc sống của chúng ta khá giống một công trường đang xây dựng. Trên một công trường ngổn ngang bề bộn đủ mọi thứ, nhưng điều mà chúng ta lưu ý nhất, đó chính là tòa nhà một khi hòan tất. Đó cũng là điều mà Thiên Chúa nhìn chúng ta. Người muốn điều tốt nhất cho chúng ta, và Người làm mọi sự để chúng ta mang lại hoa trái cho Nước Chúa.
Vậy chúng ta hãy tiếp nhận lời mời gọi khẩn cấp trở về với Chúa. Mùa Chay mang đến cho chúng ta cơ hội tốt đẹp đó. Đó là một cơ hội mới mà chúng ta không được để mất. Con người sẽ đi vào chỗ hư vong nếu không tin vào Thiên Chúa. Sám hối, trước tiên là tin vào Tin Mừng. Sự hoán cải cắm rễ trong niềm xác tín một vì Thiên Chúa cứu độ, một vì Thiên Chúa mở rộng đôi tay tiếp nhận không điều kiện. Thế thì chúng ta hãy mạnh dạn tin tưởng tiến bước.
Phục Vụ Lời ĐCV Xuân Lộc