THÁNH MARCÔ TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG – Ngày 25/04/2024

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 16, 15-20″]

Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc, thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”.

Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

TRUYỀN GIÁO LÀ SỐNG LỜI CHÚA

“Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật” (Mc 16, 15).

Bài Tin Mừng hôm nay là phần kết của Tin Mừng Thánh Mác-cô, vị thánh sử mà chúng ta mừng kính hôm nay. Đoạn Tin Mừng mô tả lệnh truyền của Đấng Phục Sinh và đưa chúng ta đến khung cảnh của cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, trước khi Người lên trời. Trong cuộc gặp gỡ này, Chúa đã truyền lệnh cho các Tông Đồ: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật”. Lệnh truyền này là lời quan trọng của Thầy Giêsu mong muốn các môn đệ phải thực hiện. Giáo hội cũng đã nhìn nhận: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha” (Ad Gentes, số 2).

“Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật”. Đây là nhiệm vụ của người cho đi, nhưng làm sao để có được Tin Mừng mà đi loan báo, vì không ai có thể cho đi cái mà mình không có. Do đó chúng ta được thúc đẩy chăm chuyên trong việc học và sống Lời Chúa. Việc loan báo Tin Mừng sẽ có sức thuyết phục hơn nếu có những dấu lạ kèm theo. Những dấu lạ này không hẳn là các phép lạ lớn lao, mà chính là đời sống gương mẫu, đạo đức, thánh thiện của mỗi người chúng ta. Mỗi người tự rèn luyện bản thân mình bằng một đời sống cầu nguyện, học hỏi, sống hiệp thông chia sẻ với mọi người để có thể giới thiệu Chúa cho anh chị em. Hãy mở lòng để Chúa Thánh Thần soi dẫn bước đường, giúp chúng ta ra đi loan báo Tin Mừng, dù thành công hay thất bại thì việc làm của ta với một lòng tín thác vào Thiên Chúa, khi ta dấn thân thì vẫn là bước chân đẹp đi trên con đường của Chúa nơi trần gian: “Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin Mừng” (Rm 10,15).

Truyền giáo không dễ cũng chẳng khó. Khó – dễ tùy vào bản thân từng người. Hơn nữa, lời cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng được lan rộng khắp nơi cũng có giá trị thật lớn lao đòi hỏi chúng ta cộng tác nhiệt thành. Với thánh Phaolô: khi chưa cảm nhận được những giá trị từ nơi Đức Kitô, ông là người hăng say lùng bắt các Kitô hữu để đem về trị tội; nhưng một khi được cảm hóa bởi Đức Kitô, ông đã khẳng định: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi” (Pl 3,8). Sứ vụ loan báo Tin Mừng phải là một trách nhiệm và bổn phận của người Kitô hữu. Thánh Phaolô nói: “Đối với tôi rao giảng Tin Mừng, không phải là lý do để tự hào, nhưng là một sự cần thiết buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).

“Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết hăng say làm chứng cho Chúa, để danh Chúa ngày càng được nhiều người nhận biết và tin theo. Qua đó, chúng con biết dùng chính cuộc sống và các phương tiện mình có, để làm cho sự hiện diện của Chúa ngày càng sống động ngay trong môi trường sống của mình.” Amen.

[/loichua]

Comments are closed.