Quan điểm triết học của Hegel: Điều hiện thực thì hữu lý

Karl Rosenkranz, một cựu môn sinh thuộc cánh hữu khuynh của Hegel và đồng thời là người viết tiểu sử Hegel (1770-1831), đã kể lại giai thoại sau đây:

Một ngày kia vị nam tước trẻ xứ Uxkull đã đăng ký xin được trao đổi chuyện trò với triết gia Hegel ở Heidelberg và nhận thấy rằng, sau khi ông đi sâu vào trong các tác phẩm của Hegel thì ông tỏ ra vô cùng say mê ngưỡng mộ, nhưng đồng thời từ từ ông cũng tỏ ra chẳng hiểu được những gì đã được viết trong đó cả và cuối cùng ông bực mình xếp sách lại. Trước sự kiện đó, Hegel vẫn bình tĩnh chứ không lấy làm ngạc nhiên và đề nghị trước khi tiếp tục đọc về triết học, thì đọc các tác phẩm khảo cứu về tiếng La-tinh, về đại số học và về thiên nhiên. Điều đó muốn nói lên rằng các tư tưởng và lối tư duy của Hegel vô cùng thâm thúy, sâu sắc và trừu tượng như thế nào. Vì thế, khi một người không chuyên môn về triết học mà cầm đọc bất cứ tác phẩm nào của triết gia Hegel, người đó sẽ có cảm giác như mình đang bị lạc vào một khu rừng dày đặc các „cây cối tư tưởng“ và không sao tìm được lối ra. Và nếu người đó không gặp được một người quen biết những đường đi nước bước trong “khu rừng tư tưởng“ hướng dẫn, thì người đó sẽ bị „chết ngạt“ trong sự chán nãn.

Các khuynh hướng triết học của Kant và Fichte chưa hoàn toàn dàn xếp được một cách ổn thỏa sự tương quan giữa sự nhận thức và đối tượng, giữa sự tri thức và đối vật được tri thức, như Hegel sau này đã đòi hỏi. Nơi triết gia Kant tư duy và quan niệm đứng đối diện nhau như hai phạm vi hoàn toàn dị biệt, trong đó quan niệm được coi như nguyên lý cho chất thể (cũng được gọi là mô chất) thuộc cảm quan. Trong sự nhận thức, dữ kiện cần phải được thiết định một cách rõ ràng nhờ các phạm trù. Đối với Hegel, lối giải thích như thế là chưa thỏa đáng, ông muốn trình bày nội dung của vũ trụ như là sự biểu lộ của tinh thần. Chất thể và phương pháp luận của tinh thần cần phải đồng nhất.

Điều đó đã hé mở cho thấy rằng khuynh hướng triết học của Hegel là thuần tuý duy tâm (Idealismus). Hegel cho rằng sự ý thức của con người và lịch sử tự thể hiện tuần tự trong từng giai đoạn biện chứng cho tới khi đạt đến „tuyệt đối“. Trong đó lý trí, luân lý đạo đức, tư duy đúng đắn và tính thẩm mỹ của con người được hướng dẫn bởi một tinh thần siêu hình học toàn diện, tức nguyên tắc siêu hình học. Hai tác phẩm quan trọng nhất của Hegel là „Phänomenologie des Geistes“ – Hiện tượng luận về tinh thần (1807) và “Wissenschaft der Logik“ – Khoa học luận lý (1812-1816). Đây là hai tác phẩm đã tạo nên những tác động thực tiễn có tính cách quyết định trên các môn sinh của Hegel và trên chủ thuyết Mác-xít.

Trước hết, tác phẩm „Phänomenologie des Geistes“- (Hiện tượng luận về tinh thần), xuất bản vào tháng 3 năm 1807, là kết quả công trình nghiên cứu của Hegel ở Jena và là tác phẩm vĩ đại đầu tiên của ông. Chính tựa đề tác phẩm đã cho thấy Hegel quan tâm đặc biệt đến những diễn xuất của tinh thần. Với những diễn xuất đó, tức những cấp độ của tinh thần, cho thấy tinh thần biểu lộ ra trong vũ trụ như thế nào.

Nhờ thế các đối tượng đã được nhận thức không được nêu lên thành vấn đề, nhưng là những cấp độ của sự ý thức mà sự tri thức của nó có tương quan với một điều gì đó, có tương quan với thực tại. Theo Hegel, sự ý thức là sự tương quan giữa tri thức và thực tại. Nhưng thực tại xét như là thực tại lại trở nên một nội dung được tri thức. Đứng đối diện với sự tri thức luôn là một cái gì đó thuộc chủ đề hay mang tính cách đối tượng, tức cái mà sự tri thức muốn thấu triệt, trong hệ thống thuật ngữ của Hegel là thực tại. Điều đó cũng là chuẩn độ mà sự nhận thức cần phải hướng tới, tức qui luật của sự nhận thức.

Bây giờ sự ý thức cần phải tuần tự xem xét là liệu sự tri thức về thực tại có phải là một tri thức đúng nghĩa hay không, trong đó cả hai cùng so sánh với nhau, để qua đó tính chất độc lập của thực tại trước hết tự trung lập hóa mình và chính nó trở thành sự tri thức mang tính cách đối tượng. Trong biện chứng này, sự ý thức tiến bước từng cấp độ một cho tới khi thực tại hoàn toàn được loại bỏ và sự tri thức có thể được coi là sự tri thức tuyệt đối. Như vậy, điều ở bên kia sự tri thức được dẫn đưa từng cấp độ vào trong sự tri thức với mục đích là loại bỏ tính cách nhị nguyên luận giữa tri thức và đối vật được tri thức, hay nói một cách rõ ràng hơn, giữa chủ thể và đối tượng. Nhờ thế, theo Hegel, cả vấn đề của Kant cũng được giải quyết ổn thỏa.

Trong phần giới thiệu và dẫn nhập, Hegel đã nêu rõ mục đích của ông là trình bày sự tiến triển của tri thức mãi cho tới khi đạt được sự tri thức tuyệt đối. Tinh thần sẽ lập tức „nhìn thấy rõ được chính mình“. Điều đó bắt đầu từ cấp độ trực tiếp của sự xác thực thuộc cảm giác và tiếp tục tiến tới sự chấp nhận và sự nhận thức của trí năng. Trong những chương tiếp theo được bàn về sự ý thức tự giác hay sự ý thức về mình, người ta sẽ đạt tới được một sự ý thức không còn nhằm tới một đối tượng, nhưng nhằm tới một sự ý thức tự giác khác. Ở đây sự ý thức tự giác về sự tự do đóng một vai trò chủ yếu. Hegel chứng minh qua một ví dụ thời danh „sự tương quan giữa ông chủ và người nô lệ“, để minh chứng cho biết người ta phải làm thế nào để sự ý thức tự giác và sự ý thức đối tượng được nối kết lại với nhau.

Hoàn toàn khác chứ không phải như nơi Karl Marx, theo Hegel, chính ông chủ bị phóng thể (entfremdet), chứ không phải người đầy tớ hay người lao công. Qua đó, vấn đề lệ thuộc vào nhau là triết học của Hegel dẫn tới tinh thần và vì thế dẫn tới sự tự do. Ông chủ hưởng thụ kết quả việc làm của người người đầy tớ, nhưng lại hoàn toàn không hề nhận thức được công sản xuất của người đầy tớ. Còn người đầy tớ có được một sự nhận thức rõ hơn về diễn biến đó, nhưng anh lại không thể thụ hưởng được sự tự do thuộc về anh. Trong biện chứng pháp này, người đầy tớ phải tranh đấu „với sự sợ hãi tuyệt đối“ hầu để được công nhận và để đạt tới được sự tự do thuộc về anh.

Tiếp theo sau đó là sự chiêm ngắm thiên nhiên và những cấp độ khác của sự ý thức, như: thế giới đạo đức cùng với gia đình, sự giáo dục và sau cùng là những cấp độ của tinh thần tuyệt đối, mà trong đó cái vòng biện chứng được chấm dứt. Nghệ thuật, tôn giáo và sự tri thức tuyệt đối của tất cả những cấp độ từng xảy ra trước đều trực thuộc ở đây.

Trong tầm nhìn của Hegel có cả sự phát triển của tôn giáo. Vâng, tương tự như sự nhận thức, tôn giáo cũng tiến dần từ tôn giáo tự nhiên, rồi tiến sang tôn giáo nghệ thuật cho tới tôn giáo mặc khải. Nhưng bao lâu tôn giáo và tinh thần còn phân biệt nhau, thì tôn giáo thực sự chưa hiện thực đúng với bản chất của mình, tức chưa phải là tôn giáo theo đúng nghĩa của nó. Trong khi những tôn giáo có trước Kitô giáo luôn luôn chỉ có thể nhận thức được Thiên Chúa qua một vài phán lệnh nào đó của Người mà thôi, thì trong Kitô giáo con người đạt tới được sự tự do thực sự.

Biện chứng pháp là công việc sửa chữa của một sự tri thức tự kiểm tra lấy chính mình. Mỗi cấp độ là thật, nhưng lại bị loại bỏ bởi cấp độ kế tiếp sau đó, cuối cùng qua đó chính ý niệm chân lý cũng tự thay đổi từ triết học ý thức tiến tới sự tri thức tuyệt đối. Trong biện chứng pháp của Hegel không có ý niệm chân lý cố định, ngoại trừ „cái thật là cái toàn thể“ của tất cả mọi tương hệ. Vì thế, vấn đề được đề cập tới ở đây không phải là thuyết tương đối (relativismus) nhưng là thuyết tương hệ (relationismus).

Cùng với thuyết tương hệ này Hegel còn lên tiếng phê bình một cách rất quả quyết nền triết học từ trước cho tới lúc bấy giờ. Cho tới thời điểm đó, biện chứng pháp của Hegel là một đòn tấn công mạnh mẽ nhất chống lại truyền thống triết học theo khuynh hướng Aristote, một truyền thống triết học kéo dài mãi cho tới Kant, chủ trương rằng sự nhận thức là kết quả của sự phán đoán. Nghĩa là sự nhận thức chứa đựng một địa vị ưu thắng nào đó trong hình thức luận lý học. Chắc chắn rằng, theo Hegel, hình thức luận lý học như thế là không sai, nhưng bất khả sử dụng trong nhận thức triết học. Ví dụ: câu nói „hoa hồng thì đỏ“ chắc chắn là không sai, nhưng lại chưa diễn tả hết tất cả sự thật về hoa hồng, vì hoa hồng còn có nhiều đặc điểm khác nữa. Trước tiên, toàn diện những xác định về hoa hồng nói lên sự thật về hoa hồng, nhưng toàn diện những xác định đó lại không biểu lộ ra trong phán đoán mang tính cách hình thức luận lý. Trong khi đó Hegel đã phát triển học thuyết của ông về câu nói một cách thuần lý thuyết – rồi bấy giờ trọn vẹn hệ thống ý niệm sẽ nắm bắt được sự thật.

Nhưng „Hiện tượng luận về tinh thần“ nói chung chỉ được hiểu là một sự nhập đề hay là một sự sửa soạn mà thôi. Bởi vì nó là một khoa học về tinh thần thực tiễn, một tinh thần thực sự có được sự tri thức tuyệt đối như là kết quả. Nhưng hiện tượng luận về tinh thần chưa phải là khoa học của tinh thần đó hay của chính tri thức tuyệt đối. Đây là điều Hegel khai triển trong tác phẩm chính của ông „Khoa học luận lý“, mà sứ vụ của nó là một lần nữa trình bày trong cái toàn thể mang tính cách biện chứng song song cùng với những ý niệm về „hiện tượng luận“ mà ý niệm nền tảng tuyệt đối của nó là ý niệm về cái tuyệt đối.

Sau khi đoàn môn sinh của Hegel tan rã và chia làm hai cánh đối kháng nhau – tả khuynh và hữu khuynh – thì tại Đức Quốc triết học của Hegel đã từ từ mất đi vai trò lãnh đạo của nó. Trong khi những môn sinh của Hegel thuộc cánh hữu khuynh hay những môn sinh đã lớn tuổi, mà dẫn đầu là Karl Rosenkranz, đã đặc biệt nhấn mạnh quan niệm về lịch sử có tính cách chung quả luận, thì những môn sinh còn trẻ như Ludwig Feuerbach, Bruno Bauer hay Karl Marx, và cả Kierkegaard hay về sau này Schelling, v.v… đã phê bình Hegel là đã bỏ qua thực tại cụ thể. Ảnh hưởng của Hegel trên những khuynh hướng tư tưởng đó vẫn tiếp tục tồn tại cho tới những trào lưu hiện sinh với những tên tuổi như Jean-Paul Sartre hay Martin Heidegger và rồi mãi cho tới nhóm trí thức khuynh hướng Frankfurt.

Sự đón nhận và tiếp tục phát triển triết học Hegel đã xảy khác hẳn vào hậu bán thế kỷ XIX ở Ý, ở Anh và ở các nước Tư-lạp-phu (Đông Âu), cũng như ở bắc Mỹ (người ta nghĩ ngay đến những tên tuổi như Charles Sander Peirce hay ngày nay đến Robert Brandom), nơi ông đã từng hành động như người phát huy truyền thống. Sự tiếp nhận rộng rãi này chứng minh cho thấy được ít nhất là một phương diện của tư duy Hegel, đó là cuộc hành trình của ý thức triết học vẫn còn dài, chứ chưa thể kết thúc nay mai được.

Lm Nguyễn Hữu


Sách tham khảo:
Georg Wilhelm Friedrich Hegel: Phänomenologie des Geistes. Felix Meiner Verlag, 1986, 631 Seiten.

Comments are closed.