Ngày 19/12/2024 – Mùa Vọng

Lời Chúa: Lc 1,5-25

Thời vua Hêrôđê cai trị miền Giuđê, có một vị tư tế thuộc nhóm Avigia, tên là Dacaria; vợ ông là Êlisabét cũng thuộc dòng tộc tư tế Aharon. Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì. Nhưng họ lại không có con, vì bà Êlisabét là người hiếm hoi. Vả lại, cả hai đều đã cao niên. Sau đây là chuyện xảy ra trong lúc ông đang lo việc tế tự trước nhan Thiên Chúa khi đến phiên của nhóm ông: Trong cuộc bắt thăm thường lệ của hàng tư tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong Đền Thờ của Đức Chúa. Trong giờ dâng hương đó, toàn thể dân chúng cầu nguyện ở bên ngoài.

Bỗng một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án. Thấy vậy, ông Dacaria bối rối, và nỗi sợ hãi ập xuống trên ông. Nhưng sứ thần bảo ông: “Này ông Dacaria, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Êlisabét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan. Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời. Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần. Em sẽ đưa nhiều con cái Ítraen về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. Được đầy Thần Khí và quyền năng của ngôn sứ Êlia, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa.” Ông Dacaria thưa với sứ thần: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy ? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi.” Sứ thần đáp: “Tôi là Gáprien, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo Tin mừng ấy cho ông. Và này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi.” Dân chúng đợi ông Dacaria, và lấy làm lạ sao ông ở lại trong cung thánh lâu như thế. Lúc đi ra, ông không nói với họ được, và dân chúng biết là ông đã thấy một thị kiến trong cung thánh. Còn ông, ông chỉ làm hiệu cho họ và vẫn bị câm. Khi thời gian phục vụ ở Đền Thờ đã mãn, ông trở về nhà. Ít lâu sau, bà Êlisabét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. Bà tự nhủ: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.”

 

LÔGIC CỦA THIÊN CHÚA

“Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu” (Lc 1,25).

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay kể về sự kiện sứ thần Gabriel báo tin cho ông Dacaria về việc bà Êlisabét sẽ sinh con, dù hai ông bà đã cao tuổi và hiếm muộn. Câu chuyện nhắc nhở chúng ta về ân sủng của Thiên Chúa, Đấng luôn hành động vượt ngoài lôgic của con người. Những thử thách của họ cũng chính là hình ảnh phản chiếu những điều “không” mà mỗi chúng ta đối diện trong cuộc sống.

Bài Tin Mừng mở ra hai điều phủ định của hai nhân vật chính. Ông Dacaria và bà Êlisabét đều là những người công chính, sống đúng theo lề luật Chúa, nhưng lại phải đối mặt với sự đau khổ vì hiếm muộn, nghĩa là không có con; và tuổi cũng vào lúc “tóc bạc da mồi,” nghĩa là không còn trẻ. Mô típ “hai không” này, nghĩa là già nua và son sẻ, xuất hiện rất nhiều trong Kinh Thánh, điển hình nơi bài đọc 1 với câu chuyện về Samson (Abraham và Sara (St 11,30); Isaac và Rebeca (St 25,21-24); Encana và Anna (1 Sm 1,1-20)…). Trong bối cảnh của hai ông bà, Thiên Chúa sẽ sai sứ thần đến báo tin rằng họ sẽ có một người con, và người con ấy sẽ là Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế. Phản ứng của ông Dacaria cho thấy một thái độ khá phổ biến: đó là sự hoài nghi trước lời hứa lạ lùng của Thiên Chúa. Câu hỏi của ông: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy?” phản ánh sự hạn chế của con người khi đứng trước những việc vượt ngoài khả năng hiểu biết. Logic của Thiên Chúa luôn vượt xa lôgic của con người và có sức chất vấn suy tưởng của chúng ta.

Thực tế, mỗi người đều có những lúc phải đối diện với hoàn cảnh thử thách khiến mình nghi ngờ hoặc mất niềm tin vào Chúa. Đó có thể là những thử thách về sức khỏe, gia đình, ơn gọi, hay ước mơ lâu nay vẫn chưa thành hiện thực. Giống như ông Dacaria, chúng ta có thể tự hỏi: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy?” Lý lẽ, lập luận, lôgic của chúng ta tràn ngập những điều “không.” Nhưng noi theo đời sống của Dacaria và Êlisabet, chúng ta vẫn tiếp tục hy vọng và trông mong, để rồi với những điều “tưởng là không thể,” Thiên Chúa lại ra tay hành động để biến chúng thành những điều “không thể tưởng được!” Với những chất liệu rất riêng của cuộc sống, những sự “không” đậm nét riêng tư, chúng ta cần những giây phút trải lòng trước Thánh Thể, để cuộc đời của mỗi người chúng ta trở nên một mô típ của phép lạ, nghĩa là để ân sủng đi bước trước và biến đổi đời sống. Chi tiết Dacaria bị câm cũng mở ra cho chiều kích của ân sủng. Đứng trước những mầu nhiệm vĩ đại, con người chỉ có thể nín lặng và chiêm ngắm. Thinh lặng chính là “mảnh đất màu mỡ” để ân sủng trổ sinh (x. ĐGH Phanxicô, Tông hiến Vultum Dei Quarere (2016), số 33). Thinh lặng cũng là lúc để chúng ta học cho biết lôgic của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, thánh ý Ngài luôn vượt xa sự hiểu biết hạn hẹp của con người chúng con. Khi đối diện với những thử thách, đau khổ, hay những điều “không” trong cuộc sống, xin Chúa giúp chúng con nhận ra rằng mọi sự đều nằm trong kế hoạch yêu thương của Ngài. Xin cho chúng con biết thinh lặng trước mầu nhiệm của Chúa và để ân sủng Người dẫn dắt và biến đổi từng khoảnh khắc trong cuộc đời chúng con. Amen.

 

Comments are closed.