[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 2,16-21″]
“Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật lại chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỉ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.
Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu ; đó là tên mà sứ thần đẵ đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
MẸ THIÊN CHÚA – MẸ CỦA SỰ NGHÈO KHÓ
“Họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ”
Đã là con người, ai cũng được sinh ra bởi một người phụ nữ. Và không ai hiện hữu trên trần gian này mà lại không có một người mẹ. Hài Nhi Giêsu mà chúng ta đang chiêm ngắm hơi máng cỏ đơn sơ, cũng được sinh ra bởi một người phụ nữ, đó là Đức Maria. Từ lúc Mẹ nói lời “xin vâng”, thánh ý Thiên Chúa đã được hiện rõ trên cuộc đời Mẹ. Với lòng khiêm tốn và sự vâng phục tuyệt đối, Mẹ đã chấp nhận sự khó nghèo để hạ sinh Hài Nhi Giêsu trong cảnh nghèo khó.
Thánh sử Luca, trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, hé mở cho chúng ta thấy đặc tính của vương quyền Đấng Mêsia : một vương quyền không có danh dự và quyền bính trần thế, vương quyền của Đấng “không có nơi tựa đầu”. Đi liền trước đoạn trích Tin Mừng chúng ta vừa nghe, sự khó nghèo của Đức Giêsu và cũng được thấy nơi Đức Maria, được Thánh sử Luca mô tả trong một câu vắn gọn “bà sinh con đầu lòng lấy tã bọc con rồi đặt nằm trong máng cỏ”. Hành động của Đức Maria là kết quả của tâm tình sẵn sàng thực hiện cách trọn vẹn chương trình cứu độ của Thiên Chúa, được thấy rõ khi Mẹ thưa lên : “vâng tôi đây là nữ tỳ Thiên Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi theo lời sứ thần nói”. Đức Maria đã sống và “hằng ghi nhớ” trải nghiệm về việc sinh con trong một điều kiện thật nghèo khó : Mẹ nghèo đến độ không đủ khả năng để sắm sửa cho Hài Nhi Giêsu – Đấng Mêsia – một điều tối thiểu mà các bà mẹ thường làm cho các trẻ khi mới sinh ra. Vì lẽ, “hai ông bà không tìm được chỗ trọ trong nhà”. Do đó, Mẹ đã phải đặt con mình trong một “máng cỏ” giản dị, nghèo hèn, hoàn toàn trái ngược với địa vị của “Con Đấng Tối Cao”. Quả thật, Đức Maria đã sống và tham dự vào mầu nhiệm tự huỷ của Đức Giêsu nơi máng cỏ. Việc “không tìm được chỗ trọ trong nhà” như một lời tiên báo về một sự khước từ trong cuộc đời dương thế của Đức Giêsu, và cũng là sự từ khước đối với Đức Maria. Và vì thế, Đức Maria đồng kết hiệp với sứ mạng đau khổ của con mình là thực thi chương trình cứu độ.
Trong chương trình cứu độ của Đức Giêsu, tất cả mọi người đều được tham dự, nhưng đối với Chúa, những người mang thân phận nghèo hèn, bệnh tật, đau khổ, cô thế cô thân,…vẫn được Chúa đoái thương cách đặc biệt. Thế giới hôm nay đang có những biến động về kinh tế, các thảm hoạ tự nhiên, cùng với đó là sự tranh chấp giữa con người gây ra những hiểu lầm và chiến tranh, đưa nhân loại đi vào con đường của sự đổ nát, đói khát, đớn đau và sợ hãi tột cùng. Cùng với Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa – Nữ Vương Hoà Bình, mà chúng ta mừng lễ ngày mai, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, xin Chúa thương đổi mới tâm hồn mỗi người chúng ta, để chúng ta cũng cảm nghiệm được nỗi khổ đau của biết bao người ; Đồng thời, xin Chúa xót thương những người đã qua đời, ủi an nâng đỡ những người bị thương tích thể xác hay tinh thần, và cho những ai đang khốn khổ trong cơn hoạn nạn sớm thấy được hoà bình ló rạng phía cuối chân trời.
Chúng ta cùng nhìn lên Chúa Giêsu, Đấng đã hiến mạng sống mình mà ban bình an cho nhân loại. Xin Chúa khơi lên trong tâm hồn chúng ta một khao khát biến đổi, một trái tim có thể cảm thấu được nỗi thống khổ của anh chị em, hầu có thể “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp”, và “đem chân lý vào chốn lỗi lầm”.
[/loichua]