Bài 58. Kiềm chế miệng lưỡi
1. Lời Chúa: Thánh Gia-cô-bê dạy: “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân. Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng (Gc 3,2b-3).
2. Câu chuyện: Bộ phận nào trong cơ thể tốt nhất và xấu nhất ?
– Ngày xưa có một vị Pha-ra-on nước Ai Cập gửi tặng nhà hiền triết Bi-as một con vật quí hiếm để làm của lễ tế thần. Thế nhưng nhà vua lại muốn thử tài khôn ngoan của nhà hiền triết, nên gửi kèm theo bức thư có nội dung như sau: “Sau khi cúng kiếng xong, nhà ngươi phải trả lại cho ta cái gì trong con vật quý hiếm này vừa tốt nhất lại vừa xấu nhất”. Nhà hiền triết bèn xẻo ngay cái lưỡi của con vật mà trao cho thị vệ mang về cho nhà vua. Qua việc trả lại cái lưỡi, nhà hiền triết muốn nói rằng: Cái lưỡi là phần tốt nhất nếu biết sử dụng, nhưng đồng thời cũng là phần xấu nhất nếu không biết sử dụng nó.
– Ê-sốp là một nô lệ, nhưng được chủ là ông San-tô tin yêu. Ngày nọ, khi nhà có khách đến chơi, ông chủ sai Ê-sốp ra chợ mua thức ăn đã khách, nhưng lại không dặn phải mua gì. Êsôpe bèn rinh về đủ các thứ lưỡi: nào là lưỡi lợn, lưỡi bò và cả lưỡi ngựa… rồi chế biến nấu nướng. Lạ miệng ăn ngon nên chủ và thực khách đều hài lòng.
– Lần sau nhà lại có khách và chủ tiếp tục sai Ê-sốp đi chợ mà không dặn phải mua gì. Ê-sốp một lần nữa lại mua toàn các loại lưỡi, chỉ có điều khác là về cách chế biến thêm bớt gia vị và chủ khách đều hài lòng. Ông chủ hỏi lý do tại sao lại mua lưỡi thay vì đổi món khác thì Ê-sốp trả lời rằng: “Thưa ông, phàm trên đời này, mọi sự tốt xấu, lợi hại… đều do cái lưỡi mà ra, và đều do người ta có biết sử dụng cái lưỡi cách khéo léo hay vụng về mà thôi. Vì thế 2 lần tôi đều mua lưỡi về chế biến đồ ăn mà ông chủ và quan khách vẫn không nhàm chán…”
Cũng nhờ khéo nói hợp với ý chủ, nên Ê-sôp ngày càng được chủ tin yêu hơn và về sau còn được giải phóng khỏi thân phận nô lệ lầm than nữa.
3. Suy niệm:
Lưỡi là một bộ phận quan trọng của con người để nói cho người khác về suy nghĩ, ước muốn của mình, nên người ta thường định nghĩa: “Con người là một con vật biết nói”.
1) Trên bình diện cá nhân:
– “Lòng đầy thì trào ra ngoài miệng”: Dựa vào lời nói của một người mà người khác có thể đoán biết được phần nào về tâm tính của họ: Một người sẽ được đánh giá là khôn ngoan nếu nói ra những điều hay lẽ phải mang tính xây dựng. Ngược lại sẽ bị coi là khờ dại nếu thốt ra những lời không đúng hay không đúng lúc đúng chỗ như người đời thường nói: “Lưỡi người khôn ngoan tạo nên danh dự. Mồm kẻ ngu dại gây đổ vỡ tan hoang”. Chúng ta cần nói ra những lời xây dựng và tránh thốt ra những lời thô tục hay thêm điều đặt chuyện nhằm hạ uy tín danh dự của kẻ khác.
– “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”: Ý thức được tầm mức quan trọng của cái lưỡi như vậy, nên chúng ta cần cài đặt một cái “phanh” vào trong miệng lưỡi, để mỗi khi cảm thấy ngứa mồm, muốn nói những lời có thể gây nguy hại, thì chúng ta cần “sì tốp” lại ngay.
2) Trong tương quan xã hội:
– Ý thức sự tác hại của lời nói xấu: Chúng ta thường hay xúc phạm đến tha nhân bằng lời nói. Người ta có thể dùng lưỡi để phạm tội nói xấu người khác bất cứ tại đâu, khi nào và với ai. Người Anh cũng có câu tục ngữ cho thấy tác hại của lời nói: “Không nọc nào độc hại cho bằng nọc độc của cái lưỡi”. Ai trong chúng ta cũng đều có kinh nghiệm khi có lần phải chịu đựng những dư luận xuyên tạc ác ý: “Có ít xít ra nhiều !” của người ác cảm với ta. Nhưng ta cần ý thức rằng: “Chuyện đâu còn đó”: Nếu ta thực sự có lỗi thì hãy khiêm tốn tu sửa càng sớm càng tốt. Còn nếu ta bị kẻ xấu hãm hại thì cũng đừng lo, vì “Cây ngay không sợ chết đứng ! “. Các lời đồn ác ý sẽ mau tan biến như bọt sà bông khi đối diện với sự thật, như lời Chúa phán: “Sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8,31-32) .
– Phương cách hoá giải: Trong cuộc sống, chắc chắn chúng ta sẽ không thể tránh hết những sự buồn phiền do miệng lưỡi thế gian gây ra, vì không ai có thể làm vừa lòng hết mọi người như câu ca dao: “Ở sao cho vừa lòng người: Ở rộng người cười, ở hẹp người chê”. Và: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Khi nghe dư luận sai trái bất lợi cho mình, chúng ta cần bình tĩnh tự chủ. Cần tránh “chêm dầu vào lửa” khi vội phản ứng gay gắt với đối phương. Trái lại nếu ta áp dụng phương thế: “Mật ngọt chết ruồi”: Một lời nói bình tĩnh có tình có lý, kèm theo chứng cứ cụ thể sẽ có sức mạnh thuyết phục người nghe, giúp xóa bỏ thù hận, xây dựng tình hiệp thông đoàn kết và mang lại niềm vui và bình an cho cộng đoàn.
4. Thảo luận: Người ta thường nói: “Im lặng là đồng loã ? “. Vậy bạn nên im lặng hay nên nói ra sai lỗi của ai đó để tránh hậu quả nghiêm trọng ? Tại sao ?
5. Lời cầu: Lạy Chúa Giê-su. Trong cuộc sống chung gia đình, cộng đoàn và xã hội, xin cho chúng con tránh nói hành nói xấu tha nhân, hầu duy trì tình đoàn kết nội bộ. Trừ trường hợp tội ác nghiêm trọng cần xử lý, xin cho chúng con biết cầu nguyện và kín đáo góp ý xây dựng người có lỗi theo lời Chúa dạy và bỏ qua các sai lỗi nhỏ bé của anh em đối với chúng con.- Amen.