Bài 38. Lời đồn: nguyên nhân và cách khắc phục
1. Lời Chúa: Chúa phán: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta. Vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).
2. Câu chuyện: Từ tọc mạch đến “tám” chuyện.
– Một đêm kia, một người đàn bà nghe tiếng đối đáp giữa hai vợ chồng nhà hàng xóm liền chú ý lắng nghe, nhưng cũng chỉ nghe câu được câu chăng. Sáng hôm sau, bà lại thấy ông chủ nhà hàng xóm ấy đánh xe ngựa ra khỏi nhà thật sớm, và cả tháng sau vẫn không thấy về. Bà muốn qua nhà thăm hỏi bà vợ, nhưng lại không dám vì sợ mang tiếng là kẻ lắm điều, ưa tọc mạch vào chuyện riêng nhà người khác. Một hôm, nhân họp mặt với mấy bà bạn, bà đã kể cho họ những điều “tai nghe mắt thấy” bên nhà hàng xóm, và còn nhận định: vì cãi nhau nên ông chồng đã tức giận bỏ nhà đi luôn. Sau đó câu chuyện một đồn ra mười, mười đồn thành trăm, và chẳng bao lâu sau thì cả thị trấn nhỏ đều biết chuyện đôi vợ chồng nhà đó đã cãi nhau suốt đêm và ông chồng ngay từ sáng sớm đã giận dữ bỏ nhà để đi theo bồ nhí.
– Khi nghe những lời đồn đãi bị thêu dệt như thế, bà cảm thấy áy náy lương tâm. Nhất là từ khi biết ông kia đi làm ăn xa và sắp về nhà đón vợ con đến nơi ở mới. Sau cùng bà quyết định đi xưng tội. Sau khi phân tích cho bà thấy tác hại của những lời đồn đại, cha giải tội đòi bà phải đi thanh minh những điều đã nói hôm trước. Bà vâng lời cha: gọi điện thoại nói lại sự thật với từng người trong nhóm bạn kia. Sau đó bà vui vẻ đến cho cha biết công việc mình đã làm. Nhưng thay vì khen, vị linh mục lại im lặng. Bấy giờ bà hỏi: “Sao vậy cha ? Con đã vâng lời làm theo lời cha dạy rồi mà”. Vị linh mục liền trả lời: “Tôi biết. Nhưng tội của bà vẫn còn đó!”. Rồi để chứng minh tác hại của những lời đồn đại, cha bảo bà đi chợ mua một con gà mang về nhà làm thịt, nhưng trên đường từ chợ về nhà, bà sẽ mang theo cái kéo. Cứ đi được mươi bước bà sẽ dùng kéo cắt một đám lông gà, rồi thả đám lông đó xuống bên đường. Hôm sau khi bà trở lại, cha lại đòi bà phải đi thu gom lại tất cả số lông gà hôm trước đã thả dọc đường. Dù đã vất vả mất cả buổi sáng kiếm tìm, nhưng bà cũng chỉ mang về được ba sợi lông vũ. Bấy giờ vị linh mục mới nói: “Bà thấy đó: Những lời đồn đại của ta về người khác vốn không có thực, nên nhẹ nhàng giống như những sợi lông tơ, khi đã thả ra, nó sẽ bị gió cuốn bay đi khắp nơi, và ta sẽ không bao giờ có thể thu gom lại đầy đủ được”.
3. Suy niệm:
– Qua câu chuyện trên, có lẽ mọi người chúng ta đều ý thức được tác hại của dư luận. Lúc đầu có thể chỉ là một câu chuyện được kể cho vui. Nhưng khi được truyền từ miệng người này sang tai người khác, nó sẽ dần bị biến tướng theo hướng xấu.
– Tuy nhiên, có người lại nói: những người sống gần nhau phải biết quan tâm đến nhau. Nếu chủ trương “Đèn nhà ai, nhà ấy rạng !”… thì chẳng phải là thái độ ích kỷ, khép kín, vô tâm và vô tình lắm sao ?”
– Để trả lời cho vấn nạn này, chúng ta cần làm theo lời Đức Khổng Tử: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (Điều mình không muốn, đừng làm cho người), và lời dạy của Chúa Giê-su: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12a). Như thế chúng ta sẽ vừa sống chan hòa yêu thương, lại vừa không bị mang tiếng là kẻ tò mò, ưa tọc mạch “tám” vào chuyện riêng của người khác.
4. Thảo luận: Khi nghe một lời đồn đại, bạn nên phản ứng thế nào ? Tỏ vẻ khó chịu và không tiếp tục nghe, hay cứ nghe rồi đặt vấn đề với người nói để phân tích về tính xác thực của câu chuyện? Tại sao bạn làm như vậy ?
5. Lời cầu: Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con tránh thái độ tọc mạch, khi thích nghe những lời đồn đại không xác thực làm mất danh dự của người khác. Cho chúng con tránh nói thêm bớt những điều bất lợi cho tha nhân, hầu giữ được sự công minh chính trực, xứng đáng là con yêu của Chúa Cha, theo lời Chúa dạy: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta.”- Amen.