Bài 24. Kiến tạo môi trường làm việc thân thiện
1. Lời Chúa: Thánh Phê-rô khuyên các tín hữu như sau: “Tất cả anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau. Hãy yêu thương nhau như anh em. Hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đứng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa. Nhưng trái lại, hãy chúc phúc. Vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc” ( 1Pr 3,8-9).
2. Câu chuyện: Được cứu sống nhờ có lòng nhân hậu
Thời Giáo Hội sơ khai, ở Gia-phô, trong số các môn đệ có một bà tên là Ta-bi-tha, có nghĩa là Linh Dương. Bà này đầy công đức vì những việc lành và bố thí bà đã làm. Trong những ngày ấy, bà mắc bệnh và qua đời. Người ta tắm xác cho bà và đặt ở lầu trên. Vì Lốt gần Gia-phô, nên khi các môn đệ nghe biết ông Phêrô ở đó, liền cử hai người đến mời: “Xin ông đến với chúng tôi, đừng trì hoãn.”
Ông Phê-rô đứng dậy cùng đi với họ. Tới nơi, người ta đưa ông lên lầu trên. Các bà góa xúm lại quanh ông, vừa khóc vừa cho ông xem những áo dài và áo choàng bà Linh Dương đã may khi còn sống cho họ. Ông Phê-rô cho mọi người ra ngoài, rồi quỳ xuống cầu nguyện. Sau đó, ông quay lại về phía thi hài và ra lệnh: “Bà Ta-bi-tha, hãy đứng dậy !” Bà ấy mở mắt ra và khi thấy ông Phê-rô, liền ngồi dậy. Ông đưa tay đỡ bà đứng dậy, rồi gọi các bà góa lại và cho thấy bà đang sống. Cả thành Gia-phô đều biết việc này và có nhiều người đã tin vào Chúa. (Cv 9,36-42)
3. Suy niệm: Kiến tạo môi trường làm việc thân thiện.
Trong công việc làm ăn kinh tế: Không ai có thể một mình mà thành công. Sẽ có những lúc chúng ta cần tới sự giúp đỡ của đồng nghiệp để giải quyết những khó khăn gặp phải. Sau đây là một số gợi ý giúp chúng ta kiến tạo môi trường làm việc thân thiện trong công sở hay tại các xí nghiệp nhà máy sản xuất:
1) Đối xử tốt với mọi người:
Một nụ cười hay lời chào vui vẻ khi gặp đồng nghiệp là cách thể hiện sự thân thiện tích cực. Bạn cũng nên để ý đến những hành động nhỏ cho tha nhân nhưng lại có ảnh hưởng lớn như: giúp mở cửa, giữ nút thang máy, nhặt đồ đánh rơi… Bạn muốn làm việc với những người bạn tốt và chắc đồng nghiệp của bạn cũng vậy !
2) Nhiệt tình giúp đỡ tha nhân:
Sau khi làm xong công việc của mình, thay vì nghỉ ngơi thư giãn, bạn lại sẵn sàng giúp đỡ một đồng nghiệp đang bị “ngập đầu” giải quyết những phàn nàn của khách hàng. Đồng nghiệp của bạn khi ấy sẽ rất cảm kích và chắc chắn sau này khi bạn ở trong tình huống tương tự, họ cũng sẽ hỗ trợ bạn hết mình.
3) Chủ động chấp nhận những khó khăn:
Chắc chắn bạn sẽ gặp nhiều vất vả để giải quyết các việc khó khăn. Nhưng nếu bạn chủ động nhận phần việc khó hơn cho mình, bạn đã thể hiện được bản lãnh, chứng tỏ bạn là con người tự tin, không ngại khó. Đây cũng là cơ hội để bạn hoàn thiện kỹ năng và nâng cao kiến thức. Sếp và đồng nghiệp chắc sẽ đánh giá cao tinh thần tích cực và sự nhiệt tình làm việc của bạn.
4) Ứng xử lịch thiệp:
Nơi bạn làm việc là một tập thể thu nhỏ, vì vậy bạn cần ý thức về hành động của mình để tránh cho đồng nghiệp khỏi khó chịu. Ví dụ: bạn sẽ tắt đèn và các thiết bị khác trong phòng sau khi họp xong… Khi các thiết bị văn phòng như máy in, máy fax, điện thoại gặp trục trặc mà bạn không giải quyết được, đừng làm ngơ mà hãy kịp thời thông báo cho người có trách nhiệm để giải quyết sự cố.
Trong môi trường làm việc, mọi người ngồi gần nhau, bạn đừng để những sở thích cá nhân của mình ảnh hưởng đến người khác. Chẳng hạn: Nếu bạn thích nghe nhạc giải lao giữa giờ, hãy dùng ê-cút-tơ áp tai nghe; Khi nói chuyện điện thoại, hãy hạ thấp giọng hoặc tìm chỗ vắng người để nói chuyện; Đừng ăn những món nặng mùi như sầu riêng tại nơi làm việc để tránh gây khó chịu cho người khác…
5) Nhiệt tình tiếp đón đồng nghiệp mới:
Ấn tượng về ngày đầu tiên của bạn tại công ty thế nào ? Bạn không quen biết ai, bạn bối rối không biết nhà vệ sinh ở đâu hay cách sử dụng máy fax ra sao ? Đừng để điều này xảy ra với đồng nghiệp mới, đặc biệt nếu họ làm việc chung trong cùng nhóm với bạn. Khi thấy họ lạc lõng trong môi trường mới, bạn hãy chủ động bắt chuyện, giới thiệu họ với các bạn đồng nghiệp khác, giúp họ hòa nhập nhanh với nhóm. Lòng tốt của bạn chắc chắn sẽ được họ ghi nhận với sự cảm kích biết ơn !
6) Lắng nghe góp ý xây dựng của người khác:
Trong cuộc họp, dù bạn nghĩ giải pháp của bạn là tối ưu có thể đáp ứng được khó khăn hiện tại, nhưng cũng không mất gì nếu bạn sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các đồng nghiệp khác. Hãy thể hiện sự tôn trọng dành cho họ và khen những đóng góp dù nhỏ bé của họ. Khi lắng nghe ý kiến từ nhiều phía khác nhau, có thể bạn sẽ có được giải pháp phù hợp hơn với những gì bạn đã nghĩ trước đó.
7) Đề cao sự giúp đỡ của đồng nghiệp:
Trong tình huống bạn đã hoàn thành xuất sắc công việc với sự hỗ trợ phần nào của đồng nghiệp. Hãy bày tỏ sự biết ơn chân thành đối với họ và cho sếp biết phần đóng góp quý báu của họ trong dự án này. Họ sẽ cảm thấy tự hào vì đã giúp ích cho bạn và cho việc chung. Mối quan hệ giữa bạn và đồng nghiệp sẽ ngày một tốt hơn sau này.
Lời khuyên cuối cùng dành cho bạn trong việc xây dựng các mối quan hệ tốt tại công sở hay xí nghiệp: Hãy đối xử với mọi người theo cách mà bạn muốn họ đối xử với bạn. Rồi sẽ tới lúc ai nấy đều muốn được hợp tác làm việc chung với bạn. Con đường thăng tiến của bạn do đó sẽ ngày một rộng mở.
4. Thảo luận: Bạn nhận định thế nào về 7 cách giúp xây dựng quan hệ tốt với bạn đồng nghiêp, là điều kiện giúp bạn thành công trong công việc ?
5. Lời cầu: Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con ý thức tầm quan trọng của thái độ nhiệt tình giúp đỡ tha nhân trong cộng đoàn, công sở hay nhà máy xí nghiệp… Xin cho chúng con luôn sống lời Chúa là quan tâm phục vụ tha nhân và đối xử tốt với các đồng nghiêp, như chúng con muốn được họ đối xử tốt với chúng con.- Amen.