Cũng là hạt cơm, nhưng sao khi ăn cơm bụi, con và nhanh thế, còn khi ăn cơm của Ngoại, con lại nhẩn nha đến vậy. Phải chăng là vì ở Sài Gòn hối hả này, thời gian người ta dành ra để tận hưởng những hạt cơm thật sự ít.
Con lớn lên từ những hạt cơm của Ngoại, lúc khô, lúc nhiều nước, lúc ngon lúc dở, lúc còn nóng, lúc là bát cơm nguội con về muộn còn sót lại, nhưng không khi nào thiếu một thứ “tình thương” ở trong đó. Phải chăng đó là thứ gia vị mà con học hoài vẫn chưa hiểu hết được, ăn mãi vẫn chưa nếm đủ vị ? Phải chăng đó là thứ mà mọi người, dù là ai, con cái, cháu chắt, người thân hay người dưng, dù đi đâu vẫn muốn về ăn với Ngoại một bữa cơm ? Và phải chăng đó là thứ các cậu, các dì, các anh, các chị, các em con, mỗi khi về nhà, gặp một khoanh cá kho thôi cũng đủ mừng.
Ngày còn nhỏ, con ăn bằng tô và cái muỗng thật lớn, để không phải chìa bát xin Ngoại xới ; lớn lên rồi, con ăn bằng chén, và không xới thật đầy, để khi con ăn hết, lại được chìa bát xin cơm, và thấy mình nhận được sự chia sẻ.
Ngày còn nhỏ, con chan thêm canh rau đay vào, húp thật nhanh để còn ra chơi với chúng bạn ; lớn lên rồi con hiểu, chan canh vào cơm cũng là một cách để nuốt trôi cuộc sống, nhưng như vậy thì không thể nếm trải đủ đắng cay ngọt bùi của từng hạt gạo.
Ngày còn nhỏ, con thích bê cơm lên ngồi xem TV, để không bỏ lỡ những tập Tây Du Kí thú vị ; lớn lên rồi con mới biết, ăn như thế là chính mình đã bỏ lỡ một điều còn cao hơn “thú vị”, đó là nghi thức của một gia đình.
Con biết nấu cơm từ khi Ngoại bắt đầu bệnh. Con biết học cách nêm nếm, thế nào là mặn thế nào là nhạt. Con biết cố gắng ghi nhớ, khi Anh con đi xa về thì nên nấu canh đậu hũ và hẹ, khi trời nóng thì phải ăn đồ luộc, và khi con học thi, thì phải hầm bí đỏ. Con biết học cách để ý những thói quen ăn uống của mọi người, và hơn tất cả, con học được rằng những điều lớn lao phải bắt đầu từ những thứ giản dị, ví như sự kính trọng, phải bắt đầu bằng cách xới cơm, đưa cây tăm, rót chén nước.
Con đi học về và biết rằng Ngoại không còn ăn được nhiều như xưa nữa. Con biết rằng Ngoại sống không phải bằng hạt cơm, mà là bằng cảm giác của bữa cơm có con cháu ăn cùng. Và con nhận ra rằng, rồi một ngày nào đó, những hạt cơm của Ngoại sẽ không còn tồn tại một cách hữu hình nữa, nhưng có hề chi, khi con hiểu rằng, trong những hạt cơm Ngoại cho đi, Ngoại đã để lại đủ “tình thương” để cho con cháu dùng cả một đời người.
Và, dù là đã đủ, nhưng con vẫn muốn tối nay lại về xin cơm Ngoại, Ngoại nhé.
Giuse Trần Tuấn Uy
Giáo xứ Đồng Phát – Giáo Phận Xuân Lộc