Năm 2019, Hội Thánh tại Việt Nam – theo định hướng mục vụ Hội đồng Giám mục đã đề ra trong Thư Chung 2016 – giữa những mối quan tâm mục vụ sẽ quan tâm cách đặc biệt đến việc “Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn”. Các Đức Giám mục của chúng ta, cách riêng, nêu ra ba loại đối tượng phạm trù: các gia đình di dân, các gia đình của các cặp hôn phối khác tôn giáo/tín ngưỡng, và các “gia đình” li thân, li dị tái hôn. Để Hội thánh thể hiện một sức bật mục vụ có tính tập trung, chúng tôi đề nghị điểm nhấn mục vụ chi tiết và cụ thể hơn theo thời gian của năm mục vụ tới:
Giai đoạn 1 (từ tháng 12/2018 – 3/2019): đồng hành với các gia đình di dân;
Giai đoạn 2 (từ tháng 4 – tháng 7/2019): đồng hành với gia đình các cặp hôn nhân khác đạo;
Giai đoạn 3 (từ tháng 8 – tháng 11/2019): đồng hành với các “gia đình” li thân, li dị tái hôn.
Chúng ta thiếu điều thiết yếu của mục vụ
Đức Thánh Cha Phanxicô, trong các Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình 2014 và 2015 vừa qua, khi nói về việc Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn đã có nhận xét về sự khiếm khuyết này trong thực hành của Giáo hội hiện nay: “Những phúc đáp của cuộc tham vấn đã thực hiện cho thấy rằng trong các hoàn cảnh khó khăn hoặc nguy kịch phần đông người ta không nhờ đến các trợ giúp của mục vụ đồng hành, vì họ không cảm thấy được sự thông cảm, gần gũi, hay không thực tế,cụ thể. Bởi vậy, giờ đây chúng ta nên tìm cách tiếp cận với các cuộc khủng hoảng hôn nhân bằngmột cái nhìn nhạy cảm hơn với những gánh nặng của đau đớn và thống khổ họ phải chịu” (Amoris laetitia, 234).
Trong thực tế các gia đình trong những lúc khó khăn, khốn khổ, chênh vênh không cảm thấy được Hội thánh quan tâm, giúp đỡ, họ cảm thấy cô đơn, và càng ngày càng rời xa Giáo hội. Hướng tới một viễn tượng Mục vụ Đồng hành có nghĩa là bắt đầu một cuộc hoán cải mục vụ, mà để đồng hành thực sự hiệu quả chúng ta cần thời gian, cần kiên trì, và hành động thực tế. Chương trình Mục vụ này cần phải được phác thảo cho tốt và đi đến chạm tới đời sống của người ta. Đức Thánh Cha Phanxicô xác định Đồng hành là tiêu chuẩn trọng tâm của Mục vụ gia đình, ngài nói:
“Hội Thánh muốn đến với các gia đình trong sự cảm thông khiêm tốn, và ước muốn của Hội thánh là “đồng hành với mỗi gia đình và mọi gia đình để họ có thể khám phá ra cách tốt nhất để vượt qua những khó khăn mà họ gặp phải trên hành trình của họ”[1]. Không phải chỉ đưa vào các kế hoạch mục vụ lớn lao với mối bận tâm chung chung đối với gia đình là đủ. Để các gia đình có thể mỗi lúc một trở nên là chủ thể tích cực của mục vụ gia đình hơn nữa, đòi hỏi ta phải có “một nỗ lực loan báo Tin mừng và huấn giáo hướng vào trong chính gia đình”[2], theo định hướng này” (AL 200).
Đồng hành là gì?
Đồng hành là việc Hội thánh khởi đầu đến với con cái mình để thiết lập một mối quan hệ bền vững và ngày càng tiến triển. Đồng hành không nhằm giải quyết tức thời các vấn đề cuộc sống, ngược lại, Hội thánh ý thức cần có thời gian và kiên nhẫn giúp người ta, cách riêng những người đang ở trong hoàn cảnh khó khăn hoặc “trái qui tắc”, được lớn lên đến mức trưởng thành trong tình yêu đích thật. Không để họ cô đơn lạc lõng, dưới ánh sáng Lời Chúa Hội thánh giúp phân địnhmục vụ để nhận ra sự thật của con người trong hoàn cảnh thực tế hiện tại còn xa với sự thật của tình yêu như Chúa muốn. Mục vụ Đồng hành cần giúp nhìn sâu vào hoàn cảnh thực tế, cả trong những trường hợp rất chông chênh, hoặc đã đổ vỡ, và ý thức luật tiệm tiến là tiêu chuẩn căn bản của sự phân định và sẽ không thực hành được nếu không có sự đồng hành. “Vấn đề là một lộ trình đồng hành và phân định nhằm hướng dẫn các tín hữu này đi đến ý thức về tình trạng của họ trước mặt Thiên Chúa” (AL 300). Chìa khóa của sự phân định này là sự thật của dây hôn phối, như là diễn tả đầu tiên của Lòng Thương Xót, được Tông huấn Amoris laetitia xem như là tiêu chuẩn căn bản (AL 211). Sau cùng, Hội thánh giúp các cá nhân tín hữu và gia đình họ hội nhập cách hài hòa trọn vẹn vào Thân Mình Đức Kitô toàn thể, tức là Gia đình Hội thánh. Hội nhập hoàn toàn, vào mốihiệp thông hội thánh, là mục đích sau cùng của Đồng hành. Hội nhập dựa trên cơ sở của bí tích Rửa tội như ơn huệ khởi đầu chung và hiệp thông Thánh Thể như là mục đích sau cùng của toàn thể tiến trình Đồng hành.
Từ đó, có thể gợi lên những đề tài suy tư mục vụ cho năm 2019 tập trung vào những hành động mục vụ trong Đồng hành, thể hiện qua các từ khóa sau đây: ĐỒNG HÀNH – PHÂN ĐỊNH – HỘI NHẬP, như sau:
- Chúa Giêsu dạy chúng ta đồng hành
- Gia đình là nơi đồng hành đầu tiên
- Qui luật của đồng hành: sự tiệm tiến theo thời gian
- Đồng hành với các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn
- Các bước của lộ trình đồng hành
- Phân định để làm gì?
- Cách thức phân định
- Phân định cái gì?
- Hội nhập: trở về để hiệp thông trọn vẹn
- Chăm sóc những thương tích cản trở ta tham dự trọn vẹn
- Làm thế nào để khích lệ những người li dị tiến bước trên đường hướng về tham dự trọn vẹn?
- Hội nhập: xây nhà trên đá. Tiếp cận mục vụ toàn diện.
Ủy ban Mục vụ Gia Đình
Theo HĐGMVN
[1] Relatio Finalis (RF) 2015, 56.
[2] RF 2015, 89.