Giáo Dục Công Giáo – Năm Mươi Năm – Sau Thông Điệp Hòa Bình Trên Trái Đất (PACEM IN TERRIS)

Di sản giáo dục của Giáo hội Công giáo khai mở bằng việc Đức Kitô rao giảng trong các thành thị của Judea và việc Ngài truyền dạy các môn đệ của Ngài. Sau khi Ngài chết và sống lại, các môn đệ của Ngài tập hợp lại để thi hành lệnh truyền của Ngài “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc16,15). Trong bối cảnh của sự hiểu biết ngày nay về sứ mệnh giáo dục, sứ mệnh của các môn đệ là sứ mệnh đòi hỏi khắt khe, nhưng hạn hẹp: loan truyền tin mừng của Phúc âm.

Qua các thế kỷ, sứ mệnh giáo dục của Giáo hội Công giáo đã phát triển và mở rộng. Quá trình loan báo Tin Mừng đã được các môn đệ mở đầu thì ngày nay đã phát triển thành giáo hội lớn nhất trên thế giới. Sứ mệnh đó đã mở rộng vượt quá việc truyền bá câu chuyện về Đức Kitô. Khi các nhà truyền bá Phúc Âm ban đầu loan truyền tin mừng, họ đã tìm kiếm một nền tảng hợp lý cho đức tin. Cụ thể, các Giáo phụ tiên khởi đã đặt nền móng hợp lý cho đức tin Kitô giáo, và trong quá trình đó các ngài đã đưa Giáo hội Công giáo đi đầu về sự uyên bác và sự thuyết trình được trình bày có biện luận chặt chẽ. Một hệ thống giáo dục học đường mà khi bắt đầu chỉ là những trường nhỏ thuộc nhà thờ chính tòa và các chủng viện, đã tiến triển thành hệ thống đại học. Các trung tâm nghiên cứu quan trọng được thành lập, được củng cố và được nuôi dưỡng tại Bologna, Paris, và Coimbra và khắp châu Âu. Trong lúc đó, giáo hội trở thành nơi chất chứa, người bảo quản và tổng hợp kiến thức cả thần học và tự nhiên từ cả các nền văn hóa cũ và mới. Sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Giáo hội đã lan tới Tân Thế Giới thế nào thì sứ mệnh giáo dục của Giáo hội cũng mở rộng ở đó như vậy. Ý tưởng coi đại học như một thể chế dành cho sự phát triển tập trung kiến thức của con người đã là một trong những món quà cao quý của Giáo hội Công giáo cho cộng đồng thế giới.

Cho dù xuất hiện mãi sau này, nhưng ý tưởng về việc giáo dục đại chúng đã nhận được nguồn cảm hứng trong thế kỷ XVI và XVII từ cuộc sống và hoạt động của các giáo sĩ và tu sĩ, chẳng hạn như thánh Francis de Sales. Các dòng tu được thành lập dành để giáo dục giáo dân. Hiện nay, Giáo hội Công giáo có hệ thống giáo dục lớn nhất thế giới. Các hoạt động loan truyền Tin Mừng và phát triển trí tuệ được kết hợp với mở thêm các trường học giáo xứ được điều hành bởi các dòng tu của các linh mục, các sư huynh và các nữ tu là những người coi công việc này là trọng trách được Chúa giao cho.

Triết lý Giáo dục Công giáo

Từ những nỗ lực này một Triết lý giáo dục Công giáo đã mở ra. Triết gia người Pháp, Jacques Maritain, viết rằng “giáo dục con người là làm cho con người thấy rõ” bản chất tinh thần và vật chất của mình (tr. 9). Ông nhận xét tiếp, “Mục đích tối hậu của giáo dục làm cho con người quan tâm tới cuộc sống cá nhân và tiến bộ tinh thần của mình” (tr. 13). Ông còn nói thêm “Điều quan trọng hơn cả chính là nội tâm, nguồn sống động của lương tâm cá nhân trong đó phát sinh chủ nghĩa lý tưởng, và sự quảng đại, ý thức về luật pháp và ý thức về tình bạn, kính trọng người khác, nhưng đồng thời sự vững chắc không lệ thuộc công luận” (tr. 16). Giáo dục “là hướng dẫn con người trong động lực tiến hóa qua đó con người hình thành bản thân như một con người – được trang bị kiến thức, và các đức tính luân lý – trong khi đồng thời truyền đạt cho người đó di sản tinh thần của quốc gia và nền văn minh sở tại, và nhờ đó duy trì những thành quả lâu đời của bao thế hệ” (tr. 10).

Thánh Giáo Hoàng John XXIII trong thông điệp Pacem in Terris (1961) đã nêu rõ chính sách chính thức của Giáo hội như sau:

Luật tự nhiên cũng mang lại cho con người quyền chia sẻ các lợi ích của văn hoá, và do đó quyền được hưởng một nền giáo dục cơ bản và đào tạo về kỹ thuật và nghề nghiệp theo kịp với giai đoạn phát triển giáo dục trong đất nước sở tại. Mọi nỗ lực phải nhằm bảo đảm rằng con người có thể được, dựa trên phẩm chất, tiếp tục học cao hơn nữa, để bao nhiêu có thể họ có thể nắm giữ những chức vụ và đảm nhận các trách nhiệm trong xã hội của con người phù hợp với những năng khiếu tự nhiên của họ và những kỹ năng mà họ đã thủ đắc (13).

Ngay cả khi, năm sáu thập niên trước đây, Maritain và Thánh John XXIII đề ra các lý tưởng giáo dục này, các ngài cũng nhìn nhận những mối đe dọa lớn lao cho sự giáo dục cá Kitô hữu. Trong số đó mối đe dọa chính yếu là sự bá chủ giáo dục bởi kiến thức khoa học (Maritain, tr. 5). Tuy nhiên, ít ai có thể hoài nghi về những lợi ích phi thường cho con người mà sự hiểu biết và áp dụng phương pháp khoa học của chúng ta đã mang lại. Nó đã mang lại vô kể lợi ích cho con người, nhưng con người đã và còn phải tiếp tục trả giá.

Nền giáo dục hiện đại, đáng chú ý nhất, đó là, nền giáo dục khoa học, đã là tất cả nhưng đã lột trần nội dung bản thể học của nó (Maritain, tr. 4). Những câu hỏi thiết yếu, chẳng hạn như,“Con người là gì?” “Liệu có linh hồn hay không?” “Tinh thần có tồn tại không hay chỉ có vật chất thôi?” “Con người tự do hay được định đoạt?” “Cuộc sống cao thượng là gì?” hiếm khi được đặt ra. Nhưng nếu và khi một câu hỏi như thế được nêu ra, câu trả lời được chấp thuận duy nhất là câu có thể quan sát và đo lường được. Nhưng Maritain cho biết, học sinh ngày nay có thể có vài câu trả lời cho câu hỏi “Con người là gì?”, nhưng hiếm khi họ đối mặt với ý tưởng Hy Lạp, Do Thái, và Kitô giáo về con người:

Con người là một động vật được phú cho lý trí, chân giá trị cao nhất của nó nằm trong trí năng; và con người là một cá nhân tự do trong tương quan riêng tư với Thiên Chúa, sự công chính cao cả của nó cốt ở việc tự nguyện tuân giữ lề luật của Chúa; và con người là một tạo vật tội lỗi và bị thương được được mời gọi đến cuộc sống của Thiên Chúa và sự tự do của ân sủng và sự hoàn thiện tối thượng của nó bao gồm tình yêu (tr. 7).

Như vậy, học sinh thời nay thừa hưởng và sống ở cơ chế, bị teo tóp của vấn đề họ là ai và, vì thế, những gì họ phải làm với cuộc sống của họ. Chính triết lý giáo dục phổ biến này và nền văn hóa nó đã tạo ra là cái các trường và các đại học Công giáo phải đấu tranh và tìm cách vượt qua. Dường như không chỉ sự thánh hóa các linh hồn ở vào tình trạng nguy ngập. Trong khi một số sản phẩm của kiến thức khoa học đóng góp cho sự thăng tiến con người, một số sản phẩm kỹ thuật khác (chẳng hạn, vũ khí hạt nhân, và các công cụ của chiến tranh vi trùng) tăng thêm đe dọa cho chính sự tồn tại của nhân loại. Như vậy, sứ mệnh giáo dục Công giáo đã tiến triển vượt quá việc loan báo Tin Mừng, nhưng lại trở thành một đối trọng để hoặc hiệu chỉnh những bóp méo của kiến thức khoa học hiện đại về sự hiểu biết của chúng ta về nhân tính và ý nghĩa của sự hiện hữu.

Bản chất của nền Giáo dục Công giáo

Như Aristotle đã dạy chúng ta trong Nicomachean Ethics và như đã được lặp lại bởi các nhà sư phạm Công giáo suốt bao thế kỷ, mục đích của giáo dục là sự hạnh phúc. Theo sự hiểu biết của Công giáo, mục đích là sự hạnh phúc ở đời này và đời sau. Vậy bản chất của giáo dục mà Giáo hội sẽ phải cổ vũ để dẫn đưa con người tới sự hạnh phúc là gì?

Theo ý kiến hiện nay, “giáo dục” là một trong những từ mà khi được áp dụng sẽ bao gồm một bề dày kinh nghiệm của con người. Nó bao gồm từ khi lọt lòng đến lúc chết. Ngay cả khi giới hạn trong giáo dục học đường, lĩnh vực áp dụng cũng rất rộng rãi. Trong khi lẽ ra phải có một sợi dây tri thức nhất quán xuyên suốt, khá rõ ràng những gì các nhà sư phạm Công giáo nên cung cấp cho trẻ năm tuổi và các sinh viên đại học thì khác nhau. Hơn nữa, nội trong một nhóm tuồi cũng có những khác biệt lớn về khả năng tri thức và năng lực lãnh nhận và thụ hưởng từ một chương trình học. Dù vậy, như triết gia Michael Pakaluk (2011) đã viết, ba câu hỏi tạo sinh khí cho nội dung của một nền giáo dục Công giáo chất lượng tốt: Biết nó có tốt không? Biết nó có lợi ích không? Biết nó có vui thú không?

Câu trả lời cho câu hỏi “biết có tốt không” là Chân lý. Trong khi người đời định nghĩa chân lý là một sự kiện, định lý, hoặc nguyên tắc được chứng minh hoặc không thể bàn cãi, Thánh Thomas lại khẳng định rằng chân lý là sự tương hợp của trí năng với sự vật, Veritas est adoequatio intelletus et rei (S.Th., 1274). “Sự vật” là thực tại, chất liệu của sự sống. Một số thuộc vật chất và một số thuộc tinh thần. Mối quan tâm đặc biệt của nhà sư phạm Công giáo là trả lời những câu hỏi cốt lõi đó của con người thường bị các nhà sư phạm thế tục bỏ qua hoặc trả lời một cách hời hợt. Những câu hỏi chẳng hạn như,“Bản chất đích thực của một người là gì và một cuộc sống xứng đáng là gì?” “Các chân lý về sự hiện hữu của Thiên chúa là gì và làm sao con người có thể biết được Thiên Chúa?”; “Con người tự do hoặc đã được định đoạt, và nếu tự do, con người phải sử dụng sự tự do của mình như thế nào?” (Pakaluk, 2011).

Câu hỏi về “biết có lợi không” được trả lời bởi liệu nó có tạo ra một điều có ích hay không. “Kiến thức hữu ích nhất tạo ra các hàng hóa tuyệt hảo. Do đó, kiến thức hữu ích nhất dù sao cũng bao gồm: sự am hiểu các nguyên tắc của một xã hội tự do; sự hiểu biết về cách tạo ra sự tạo ra sự giàu có; sự hiểu biết về một cuộc hôn nhân và cuộc sống gia đình hạnh phúc; sự hiểu biết về các đức tính tốt.” (Pakaluk, 2011) Nó cũng bao gồm những khối kiến thức, chẳng hạn như khoa học tự nhiên, toán học, ngôn ngữ, môn luận lý và các môn tri thức khác.

“Biết có vui thú” phải được hướng dẫn bởi sự hiểu biết và đánh giá của chúng ta về điều đáng mong muốn. Con người bị lôi cuốn đến với cả những thú vui thanh cao và thấp hèn và một trong những thực tại của cuộc sống ngày nay là chúng ta bị vây bọc và là mục tiêu của những thú vui đụng chạm đến các thèm muốn thấp kém, các khoái lạc của chúng ta, chẳng hạn như sách báo khiêu dâm, lôi cuốn các bản tính xác thịt của chúng ta, và, chẳng hạn những trò bắn giết thú vật, làm thỏa mãn khía cạnh thú tính của chúng ta. Do đó, điều quan trọng là sự giáo dục Công giáo bộc lột và giáo dục học sinh vừa hiểu vừa đánh giá đúng văn học tốt và thi ca, âm nhạc, điêu khắc và khiêu vũ. Sự có được động tá thể chất, trong thể thao hoặc khiêu vũ, cũng là chất liệu thích hợp của một nền giáo dục toàn diện.

Ngoài những trường chuyên, chẳng hạn như các trường hướng nghiệp hay chuyên ngành, các trường Công giáo phải được hướng dẫn rõ ràng bởi những câu hỏi hướng-mục-đích về chân lý phổ quát, tính hữu ích và niềm vui. Các chương trình học ở mỗi cấp độ phải được quy định và kiểm tra bởi những tiêu chuẩn này.

Giáo dục và Giáo dục học đường

Cho tới những thế kỷ gần đây, sự giáo dục chính quy là một sự kiện hiếm hoi và thất thường. Vì những lý do của sự tồn tại dựa vào nhau, cha mẹ là nhà giáo dục đầu tiên của con cái. Trừ một số ít may mắn có gia sư, các phụ huynh và gia đình mở rộng là những người cung cấp sự giáo dục. Các mục đích của loại giáo dục tồn tại này là sự tồn tại liên tục và chỉ để tái tạo một cách thành công cuộc sống của cha mẹ mình.

Trước kia, sứ mệnh giáo dục Công giáo mở rộng vượt quá việc loan báo tin mừng tới việc tạo ra và phổ biến kiến thức. Giáo dục chính quy ở nhà trường trước tiên dành cho các giáo sĩ và rồi cho những người thế tục ưu tú. Sự bành trướng rộng rãi nền giáo dục xảy ra khi Giáo hội mở rộng sứ mệnh này hơn nữa để bao gồm toàn bộ giáo dân. Ban đầu hồi thế kỷ XVI và XVII, Giáo hội đấu tranh cho sự phát triển cái đã trở thành sự giáo dục ở trường tiểu học và trung học. Khi các cơ chế của nhà nước phát triển, nó nắm quyền giáo dục học đường, nhưng thường có sự hợp tác và có những mục đích chung với các giới chức tôn giáo.

Tuy nhiên, lịch sử của ba thế kỷ qua đã chứng kiến tình trạng ngày càng tan vỡ và phân hóa giữa các mục đích và hoạt động giáo dục của giáo hội và nhà nước. Hồi thế kỷ XVIII, các học giả và nhà hoạch định chính sách của Pháp đã đưa ra sự biện hộ cho nỗ lực giáo dục học đường độc quyền của nhà nước cho dân thường. Hồi thế kỷ XIX, “các thử nghiệm” của nền cộng hòa mới là Pháp và Mỹ, phát triển những hệ thống học đường đại quy mô do nhà nước quản lý, những hệ thống dần dần xóa sạch yếu tố và viễn cảnh tôn giáo khỏi giáo dục học đường.

Kinh nghiệm của nước Mỹ là một ví dụ về sự tục hóa giáo dục học đường dần dần, nhưng dường như không thể ngăn chặn tại nhiều vùng của thế giới. Những người định cư ban đầu trong khu kiều dân Massachusetts của Tân Thế Giới đã sợ rằng con cái của họ, bị cắt đứt khỏi những gì mà họ cho là thế giới văn minh, sẽ gặp nguy hiểm. Vào năm 1647, cơ quan lập pháp còn non kinh nghiệm của thuộc địa Massachusetts đã đối phó lại và thông qua Đạo luật Old Deluder Satan (Eberling, 1999). Nó thúc đẩy dân định cư thiết lập trường học để dạy chữ với mục đích rõ rệt là để đọc Kinh thánh. Sự tiếp cận Kinh thánh được xem như cách hiệu quả nhất để thoát khỏi nanh vuốt Satan. Trong thực tế, họ dùng quyền của nhà nước để thiết lập hệ thống trường tiểu học và trung học vì mục đích tinh thần. Đó là bảo đảm cho con cái họ được học các chân lý của Kitô giáo.

Kinh thánh Tin Lành và các nguyên tắc đạo đức Kitô giáo là những trụ cột chính trong các trường học suốt thời kỳ Thuộc địa Mỹ và cả những năm nước Mỹ mới trở thành một quốc gia độc lập. Các nhà lãnh đạo cuộc Cách mạng Mỹ và những người thành lập đất nước mới này đã bênh vực việc thiết lập trường công được hỗ trợ thuế và biện minh cho việc dạy đạo đức dựa trên tôn giáo nhằm nâng “cao ý thức trách nhiệm đạo đức của quần chúng vốn cần thiết cho sự an toàn của chính họ và chính quyền pháp trị” (Ryan và Bohlin, 1999, tr. 20).

Tuy nhiên, những căng thẳng về sự kiểm soát nội dung giáo dục học đường bắt đầu hồi thế kỷ XIX. Trước tiên, nhằm biện minh cho “việc xúc tiến hiệu lực công cộng,” các viên chức giáo dục bang, chẳng hạn như Horace Mann và những người khác, đã tiến hành thay thế các trường do Giáo hội bảo trợ bằng “trường công.” Mann nhấn mạnh rằng “thày giáo tại bàn làm việc của họ thực thi một ơn gọi thánh hơn thừa tác viên ở tòa giảng của họ” (Glenn, 2012, tr. 40). Thứ hai, vấn đề của việc bang cổ vũ một tôn giáo cá biệt đã làm giảm đột ngột số người Công giáo Ái Nhĩ lan và Đức nhập cư ồ ạt hồi thế kỷ XIX, những người lo lắng về sự tiếp xúc với Kinh thánh Tin lành, đã đua nhau bỏ trường công và thiết lập một mạng lưới rộng lớn các trường Công giáo.

Chủ nghĩa tục hóa gia tăng của quốc gia đã dẫn đến việc dần dần loại bỏ viễn cảnh tôn giáo khỏi các trường công do bang hỗ trợ hồi cuối thế kỷ XIX và thế kỷ XX. Các di tích của Kitô giáo, chẳng hạn như các cuộc rước và bài hát Giáng sinh vẫn còn, nhưng sau Thế chiến II chẳng bao lâu thì người ta đã cố tình làm cho trường công trở thành “các vùng phi-tôn giáo.” Do vậy suốt một khoảng thời gian gần 140 năm, bang đã giành được cái mà Charles Glenn gọi là “sự gần như độc quyền giáo dục của trường công” (tr. 40), một nền giáo dục loại trừ và bác bỏ có hệ thống sự hiểu biết thần học về cuộc sống của con người.

Mười hai năm đầu thế kỷ XXI, các trường công của Mỹ dạy dỗ 88% học sinh tiểu học và trung học, chỉ có 6% theo học các trường Công giáo trước kia rất rộng lớn. Trong khi tính yếu kém tri thức của chương trình học trong hệ thống trường công và sự trống rỗng đạo đức của văn hoá của nó được thừa nhận rộng rãi, cha mẹ Công giáo có ít lựa chọn. Họ phải đóng thuế nặng cho hệ thống giáo dục do nhà nước bảo trợ hàng năm chi tiêu trung bình gần 12.000 mỹ kim cho mỗi học sinh (Ryan và Cooper, 2013, tr. 365). Để con cái của họ theo học thần học, đại đa số cha mẹ Công giáo phải dựa vào các chương trình ngắn, tuần-một-lần, do các giáo xứ điều hành. Dù được nhiều giáo viên tình nguyện đầy thiện chí dạy dỗ, ít người có hiểu biết thần học hoặc sự chuẩn bị Kinh thánh cho công việc. Ngoại trừ thiện chí của họ, giáo dục tôn giáo của giới trẻ Mỹ là một thất bại rõ rệt.

Trong những năm đầu thế kỷ XXI, cuộc nghiên cứu lớn nhất và công phu nhất của Mỹ về các thực hành và niềm tin tôn giáo của giới trẻ Mỹ được tiến hành bởi một nhóm các nhà xã hội học được Christian Smith dẫn đầu. Dưới tựa Nghiên cứu Quốc gia về Giới trẻ và Tôn giáo, nó khảo sát một mẫu được chọn kỹ lưỡng gồm 3340 thanh thiếu niên. Một trong những phát hiện gây ngạc nhiên nhất của nghiên cứu này là mức độ tương đối thấp về lòng đạo đức và tính không nghiêm của thanh thiếu niên Công giáo so với các thanh thiếu niên thuộc các truyền thống Kitô giáo khác của Mỹ. Trong số những phát hiện của họ là khi đem so với những người Tin Lành Bảo Thủ, những người Tin Lành da mầu và những người theo Giáo phái Mormon, thanh thiếu niên Công giáo:

–   Có mức tham dự các nghi lễ tôn giáo thấp hơn;

–   Tham dự các nghi lễ tôn giáo ít hơn nếu hoàn toàn để cho họ tự quyết;

–   Tường thuật rằng tôn giáo của họ ít quan trọng hơn trong việc định hình cuộc sống hàng ngày và các quyết định cuộc đời của họ;

–   Về cơ bản họ tự cảm thấy ít gần gũi với Thiên Chúa;

–   Có phần hoài nghi hơn về các niềm tin tôn giáo của họ;

–   Giảm tin rằng Thiên Chúa là hữu thể đích thân để tâm đến cuộc sống của con người ngày nay;

–   Về cơ bản giảm tin vào ngày phán xét khi đó Thiên Chúa sẽ thưởng một số người và phạt những người khác;

–   Giảm tin vào phép lạ, sự hiện hữu của các thiên thần, và cuộc sống sau khi chết;

–   Tin tưởng hơn thuyết luân hồi, thuật chiêm tinh, tâm linh học và bói toán;

–   Giảm cam kết cá nhân sống cuộc sống vì Thiên Chúa;

–   Cầu nguyện ít thường xuyên hơn;

–   Giảm tham gia vào các nhóm trẻ tôn giáo;

–   Ít thường xuyên tham dự Lớp học Chủ nhật/CCD, dự tĩnh tâm, dự hội nghị tôn giáo hoặc tập hợp hoặc cắm trại, hoặc dự một sứ vụ tôn giáo hoặc dự án phục vụ;

–   Thường xuyên hơn cho biết rằng họ buồn chán trong giáo hội;

–   Ít cho biết rằng cộng đoàn của họ giúp họ hiểu hoạt động tình dục và đạo đức tình dục riêng của họ (Smith, 2005, tr. 272-291). 

Cuộc khảo sát cũng tường thuật rằng chỉ 19% thanh thiếu niên Công giáo Mỹ tham dự thánh lễ hàng tuần và 40% không bao giờ tham dự. Tóm lại, ánh sáng mà Nghiên cứu Quốc gia về Giới trẻ và Tôn giáo chiếu rọi về các thanh thiếu niên Công giáo thuộc nhóm người không biết hoặc không hiểu các giáo huấn cốt lõi của giáo hội của họ là gì và dường như không mấy quan tâm tới tôn giáo trong đó họ đã được sinh ra (Smith, tr. 194).

Cũng vậy, dù kém tính thực nghiệm hơn, các bài phê bình về giáo dục cao đẳng và đại học Công giáo đã cho thấy những kết quả cũng ảm đạm như thế từ những nỗ lực truyền đạt cho các sinh viên các chân lý của Tin mừng và giành được sự cam kết về hoạt động của giáo hội (Hendershott, 2009; Arthurs, 2008; Reilly, 2003). Chẳng hạn, một nghiên cứu năm 2003 phát hiện ra rằng tại các trường cao đẳng Công giáo, sự đồng thuận với giáo lý của Giáo hội về một loạt vấn đề, chẳng hạn như phá thai, tình dục trước hôn nhân và hôn nhân đồng giới, những suy giảm từ năm đầu đến năm chót (McMurtrie, tr. a. 38). Dường như cho dù những nỗ lực lịch sử của những thế hệ các linh mục, nữ tu và giáo dân tận tâm, những nỗ lực hiện nay của Giáo hội Công giáo ở Mỹ để cung cấp một nền giáo dục lành mạnh cả về thần học và khoa học đã thất bại. Liệu những thất bại này chỉ có ở Mỹ hay không thì rất đáng ngờ.

Sự Khôn ngoan của Nhà Nước với tư cách Nhà Giáo Dục hàng đầu

Như Giáo hoàng John XXIII đã chứng minh trong Pacem in Terris, công quyền, nghĩa là, những quyền lực quốc gia, nhận được quyền của họ từ Thiên chúa (a. 46), và phải tìm thấy sức mạnh bắt buộc của họ từ trật tự luân lý (a. 47), để sự hấp dẫn đầu tiên của nó không phải là sự sợ hình phạt hoặc sự hứa hẹn phần thưởng nhưng là lương tâm cá nhân (a. 48). Ngoài ra, mối quan tâm chính của chính quyền dân sự là bảo đảm rằng các quyền lợi cá nhân phải được nhìn nhận, tôn trọng, và am hợp với các quyền lợi khác, được bảo vệ và cổ vũ (a. 60). Hơn nữa, những nhà cầm quyền quốc gia phải gia tăng phúc lợi vật chất và tinh thần của công dân (a. 57), và đôi khi chính quyền dân sự phải chú ý hơn tới những thành viên thiếu khả năng bảo vệ quyền lợi của họ và khẳng định những đòi hỏi chính đáng của họ (a. 56).

Dưới ánh sáng của sự hướng dẫn do Giáo hoàng John XXIII đưa ra, quyền lãnh đạo hiện nay của những nhà cầm quyền quốc gia đối với giáo dục xem ra để làm cân bằng mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với công chúng mà họ khẳng định phục vụ. Chắc chắn, nhà nước quan tâm tới việc toàn thể công dân được giáo dục. Nhà nước phải lo bảo đảm rằng giới trẻ kiến lập được những thái độ và thói quen cần thiết để chung sống hài hòa. Nhưng nhà nước cũng có quyền trả lời những câu hỏi chủ yếu và quan trọng nhất trong giáo dục, “Cái gì đáng biết?” và “Con người phải cố gắng trở nên cái gì và làm gì với cuộc sống của mình?”

Có vẻ như đối với những nhà cầm quyền quốc gia là để đưa ra những câu trả lời cho các vấn đề giáo dục nền tảng nhất này, và do đó, định hình và kiểm soát niềm tin và vũ trụ quan của giới trẻ, đe dọa quyền tự do hành đạo và các quyền của cha mẹ kiểm soát sự giáo dục của con cái của họ. Thế kỷ XX đã chứng kiến hai ví dụ đau lòng về việc nhà nước kiểm soát giáo dục tại Đức thời Đức Quốc Xã và tại Nga thời Sô Viết nơi trường học trở thành công cụ rõ ràng để nhà nước đàn áp tôn giáo.

Dù những ví dụ này là cực đoan, khả năng để nhà nước chuyên chế kiểm soát giáo dục là một thực tại toàn cầu. Tinh tế hơn, và có lẽ nguy hiểm hơn vì nó được lẳng lặng áp đặt bởi các uỷ ban và các quan chức khó hiểu của nhà nước, là loại chương trình học mới được áp đặt vài năm trước đây tại Quebec Công giáo đáng tin cậy xưa kia. Kể từ năm 2008, một chương trình tôn giáo mới, có tựa là “Đạo đức và Văn hoá Tôn giáo” phải được dạy trong tất cả các trường, công, tư và tôn giáo (Benson, 2011). Mục đích được vin vào của giáo trình đó là “làm cho học sinh ý thức về các giáo lý của rất nhiều niềm tin tôn giáo của Quebec–những tôn giáo lớn, cộng với những thần thoại bản xứ và cả các niềm tin Wicca–nhằm giúp các học sinh dễ dàng phát triển tâm linh ngõ hầu thúc đẩy sự hoàn thành ý nguyện riêng.” (Kay, 2011)

Gần đây, tại bang California của Mỹ Cơ quan Lập pháp đã mạnh mẽ thông qua và thống đốc hăng hái phê chuẩn Đạo luật Giáo dục FAIR (SB 48). Đạo luật Giáo dục FAIR là luật chỉ dẫn thứ bảy về giới tính nhằm dạy học sinh trong bang xem đồng tính luyến ái, chuyển đổi giới tính (phẫu thuật để chuyển đổi giới tính), và lưỡng tính là tốt và tự nhiên. Trong số các điều khoản của dự luật là sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy phải tích cực cổ vũ “người Mỹ đồng dục nữ, đồng dục nam, lưỡng tính, và chuyển giới” như những mẫu gương và trẻ em từ sáu tuổi sẽ được dạy hâm mộ tình trạng đồng tính luyến ái, “hôn nhân” đồng giới, lưỡng tính, và chuyển đổi giới tính (Badash, 2011). Hai chương trình áp đặt của bang, các khóa học từ đó trong cả hai trường hợp thì học sinh cũng như giáo viên không được phép lựa chọn, là những ví dụ của sự tin tưởng gia tăng vào các nhà cầm quyền quốc gia để định hướng sự giáo dục giới trẻ. Như vậy, giáo dục học đường không chỉ bị đe dọa bởi thế thống trị của thuyết duy nghiệm, như được Maritain đưa ra bảy mươi năm trước, nhưng còn bởi ý thức hệ trần tục hiện nay của nhà nước.

Những câu hỏi kết luận

Sự thẩm tra về tư tưởng giáo dục này được diễn tả trong Pacem in Terris nhằm nêu ra hai câu hỏi, Thứ nhất, liệu Giáo hội sẽ đem lại sự lãnh đạo cho người Công giáo và những người có tín ngưỡng khác để tái khẳng định quyền và trách nhiệm chính yếu của cha mẹ là giám sát việc giáo dục con cái của họ không? Nghĩa là, liệu Giáo hội sẽ hoạt động để hạn chế vai trò của nhà nước trong việc tạo điều kiện dễ dàng cho các nỗ lực của cha mẹ và những người đại diện được chọn của họ nhằm giáo dục giới trẻ không?

Thứ hai, liệu những lời kêu gọi mới đây của Giáo hoàng John Paul II và Benedict XVI về loan báo Tin Mừng sẽ bị giảm giá trị do tình trạng giáo dục Công giáo yếu kém không? Phải chăng sứ mệnh giáo dục của Giáo hội đã giảm bớt, đã trở nên không hiệu quả, và đã bị coi thường là làm suy yếu khả năng của người Công giáo đáp lại lời kêu gọi của các giáo hoàng là loan truyền Tin mừng của các Phúc Âm? Phải chăng giáo dục Công giáo sẽ không chuẩn bị đủ “đội quân” để hoàn thành sứ mệnh loan báo Tin Mừng này? 

KEVIN RYAN

(Ban Mục Vụ Giáo Dục Công Giáo Gp. Sàigòn chuyển ngữ) 


 References

Aquinas, St. Thomas (1274) SummaTheologica 1.16.1.

Arthur, James (2008) “Faith and Secular­ization in Religious Colleges and Uni­versities”. Journal of Beliefs. Vol. 29, issue 2. pp. 197-202.

David Badash (2011) SB 48: California’s FAIR Education Act Is This Year’s Prop 8. Is It DOA? In Bigotry Watch, News, Pol­itics, Religion. September 2, 2011.

Benson, Iain. What can be Learned from the Experiences ofVarious Societies in Dealing with their Principal Trouble Spots? In Universal Rights in a World of Diversity – The Case of Religions Freedom, XVII Plenary Session of the Pontifical Academy of Social Sciences, Acta 17, eds M.A. Glendon and H. Zacher, Vatican City, 2012, pp. 253-290.

Eberling, E.R. Massachusetts Education Laws of 1642,1647, and 1648, in Historical Dictionary of American Education, ed. Richard J. Altenbaugh. Greenwood Press, 1999.

Hendershott, A. (2009) Status Envy: The Politics of Catholic Higher Education. New Brunswick, NJ:Transaction Press.

Glenn, C.L. (2011) Disestablishing Our Secular Schools in First Things. January, 2012, pp. 39-43.

Kay, B. (2011) The court will decide if Quebec allows a choice in religious education. Accesses January 30,2012. Available at http://full- comment.nationalpost.com/2011/05/18 /barbara-kay-court-will-decide-if-que- bec-allows-a-choice-in-religious-edu- cation/

Maritain, Jacques (1943) Education at the Crossroads. New Haven, CN:Yale Uni­versity Press.

McMurtrie, B. (2003) Catholic Colleges Fail to Impart Church’s Teaching, Study’s Author Says. The Chronicle of Higher Ed­ucation 48 (March 21,2003).

Pakaluk, Michael (2011) What every well- educated Catholic should know. The Boston Pilot, June 3, p. 14.

Reilly, Patrick J. (2003) Are Catholic Col­leges Leading Students Astray? The Catholic World Report, March 2003: 38- 46.

Ryan, K. and Cooper, J.M. (2013) Those Who Can, Teach. Belmont, CA:Widsworth Cengage Learning.

Ryan, K. and Bohlin, K.E. (1999) Building Character in Schools. San Francisco, CA: Jossey Bass.

Smith, C. with Denton, M.L. (2005) Soul Searching: the Religious and Spiritual Lives of American Teenagers. Oxford, UK: Oxford Press.

Comments are closed.