Giải Đáp Phụng Vụ: Xướng Câu “Lễ Xong, Chúc Anh Chị Em Đi Bình An, Alleluia, Alleluia” Trong Các Thánh Lễ Nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi 1: Con là một phó tế. Ở giáo xứ cũ của con, chúng con luôn hát vào cuối thánh lễ “lễ xong, chúc anh chị em đi bình an, Alleluia, Alleluia” trong suốt mùa Phục sinh. Cha phó của con trong giáo xứ mới đã nói với con là đừng hát như vậy – rằng câu này chỉ được hát trong tuần Bát nhật Phục sinh và Lễ Hiện Xuống mà thôi. Con không thể tìm thấy các hướng dẫn trong Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (GIRM) cho việc này. Xin cha giúp con khi Mùa Phục Sinh sắp kết thúc rồi? – G. S., Wildwood, Florida, Hoa Kỳ.

Hỏi 2: Khi nào chúng ta sử dụng câu “per eundem Christum Dominum nostrum” thay cho hình thức đơn giản “per Christum Dominum nostrum.” – C.M., Cavite, Philippines

Đáp: Vì hai câu hỏi không liên quan này là khá kỹ thuật và có thể được trả lời với sự ngắn gọn tương đối, tôi chọn cách giải quyết chúng chung với nhau.

Đối với câu hỏi đầu tiên, cha phó của bạn là chính xác. Công thức “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an, Alleluia, Alleluia” chỉ được sử dụng trong tuần Bát nhật Phục sinh và trong ngày lễ Hiện Xuống. Nó được sử dụng cả trong Thánh lễ và trong các Giờ Kinh Phụng vụ, và do đó sẽ khép lại mùa Phục sinh với Kinh Chiều Lễ Hiện Xuống.

Mặc dù nó không có trong Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (GIRM), nhưng nó được ghi rõ trong chữ đỏ ở cuối Thánh lễ Vọng Phục Sinh, mà trong đó, sau khi giới thiệu âm nhạc cho nghi thức giải tán với Alleluia đôi, chữ đỏ nói: “Thực hành này được tuân giữ trong suốt tuần Bát nhật Phục sinh.”

Thực hành này cũng được chỉ định vào cuối Thánh Lễ Hiện Xuống.

Liên quan đến câu kết lời nguyện “per eundem Christum Dominum nostrum (nhờ cũng một Đức Kitô, Chúa chúng ta)”, nó không còn được sử dụng trong các văn bản phụng vụ theo hình thức thông thường của nghi lễ Rôma. Nó vẫn được sử dụng trong các văn bản đạo đức, vốn giữ lại các công thức phụng vụ cũ.

Tiêu chuẩn liên quan đến các kết luận của lời nguyện nhập lễ có thể được tìm thấy trong Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (GIRM) số 54, và trong số 77 cho lời nguyện tiến lễ. Hiện nay Sách lễ tiếng Anh in đầy đủ các câu này nhằm tránh lẫn lộn.

“Lời nguyện nhập lễ

“54. Tiếp đến, linh mục mời cộng đoàn cầu nguyện; và mọi người cùng linh mục thinh lặng trong giây lát, để ý thức mình đang ở trước thánh nhan Thiên Chúa và có thể nói lên trong lòng những nguyện ước của mình. Rồi linh mục đọc lời nguyện, quen gọi là “lời nguyện nhập lễ”, lời nguyện này nói lên đặc tính của việc cử hành. Theo truyền thống ngàn xưa của Hội Thánh, lời nguyện nhập lễ thường hướng về Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, và kết bằng câu kết dài có tính Ba Ngôi, như sau:

“- Nếu hướng về Chúa Cha: Per Dominum nostrum Iesum Christum Filium tuum, qui tecum vivit et regnat in unitate Spiritus Sancti, Deus, per omnia saecula saeculorum (Chúng con cầu xin nhờ Ðức Giêsu Kitô, Con Chúa (Cha), là Thiên Chúa và là Chúa chúng con. Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa (Cha) trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời);

“- Nếu lời nguyện hướng về Chúa Cha, nhưng cuối lời nguyện đã nhắc tới Chúa Con, thì: Qui tecum vivit et regnat in unitate Spiritus Sancti, Deus, per omnia saecula saeculorum (Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa (Cha), trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời);

– Nếu hướng về Chúa Con, thì: Qui vivis et regnas cum Deo Patre in unitate Spiritus Sancti, Deus, per omnia saecula saeculorum (Chúa là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời).

“Cộng đoàn kết hợp với lời nguyện và thưa lời tung hô Amen để nhận lời nguyện làm của mình. Trong Thánh lễ, luôn chỉ đọc một lời nguyện nhập lễ duy nhất.”

“Lời nguyện tiến lễ

“77. Sau khi đặt lễ vật trên bàn thờ và hoàn tất những nghi thức đi kèm, qua lời mời cộng đoàn cùng cầu nguyện và đọc lời nguyện tiến lễ, linh mục kết thúc phần chuẩn bị lễ vật và sửa soạn đọc kinh nguyện Thánh Thể.

“Trong Thánh lễ chỉ đọc một lời nguyện tiến lễ và kết bằng câu kết ngắn, nghĩa là: Per Christum Dominum nostrum (Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con). Nhưng nếu ở cuối lời nguyện vừa nói tới Chúa Con, thì đọc: Qui vivit et regnat in saecula saeculorum (Người hằng sống và hiển trị muôn đời).

“Cộng đoàn kết hợp với lời cầu nguyện và làm cho lời cầu nguyện trở thành của mình khi đáp lại bằng lời tung hô: Amen.”

Đối với lời nguyện hiệp lễ, cũng dùng câu kết ngắn như trong lời nguyện tiến lễ.

Trong hình thức ngoại thường, các quy tắc là phức tạp hơn và lời nguyện hiệp lễ tuân theo các quy tắc tương tự như các quy tắc của lời nguyện nhập lễ.

Đối với các câu kết của lời nguyện nhập lễ, các khả năng sau đây được sử dụng tùy thuộc vào cấu trúc của lời nguyện:

– Per Dominum nostrum Iesum Christum Filium tuum, qui tecum vivit et regnat in unitate Spiritus Sancti, Deus, per omnia saecula saeculorum

-Per Eundem Dominum nostrum Iesum Christum Filium tuum, qui tecum vivit et regnat in unitate Spiritus Sancti, Deus, per omnia saecula saeculorum

– Qui tecum vivit et regnat in unitate Spiritus Sancti, Deus, per omnia saecula saeculorum

– Qui vivis et regnas cum Deo Patre in unitate Spiritus Sancti, Deus, per omnia saecula saeculorum

Nếu có đề cập đến Chúa Thánh Thần trong lời nguyện, câu kết được chỉnh như sau “in unitate eiusdem Spiritus Sancti, Deus, per omnia saecula saeculorum.”

Do đó, tiêu chuẩn để thêm từ ngữ “per eundem” trong hình thức ngoại thường gần giống như mẫu thứ hai của hình thức thông thường: một lời nguyện hướng về Chúa Cha với sự nhắc đến Chúa Con. Như đã đề cập trước đó, điều này cũng có thể được áp dụng cho các lời nguyện khác, chẳng hạn lời nguyện hiệp lễ.

Một thí dụ nổi tiếng về điều này là lời nguyện hiệp lễ của lễ Truyền tin, vốn cũng được sử dụng trong kinh Truyền tin (Angelus):

“Orémus. Grátiam tuam, quǽsumus, Dómine, méntibus nostris infunde; ut qui, Ángelo nuntiánte, Christi Fílii tui incarnatiónem cognóvimus, per passiónem eius et crucem, ad resurrectiónis glóriam perducámur. Per eúndem Christum Dóminum nostrưm.”.

“Lạy Chúa, chúng con xin Chúa ban ơn xuống trong linh hồn chúng con là kẻ đã nhờ lời thánh thiên thần truyền, mà biết thật Chúa Kitô là Con Chúa đã xuống thế làm người, thì xin vì công ơn Chúa chịu nạn chịu chết trên cây thánh giá, cho chúng con ngày sau khi sống lại được đến nơi vinh hiển, cùng vì công nghiệp Chúa Kitô là Chúa chúng con. Amen. (Zenit.org 19-5-2020)

Nguyễn Trọng Đa

Comments are closed.