Giải đáp phụng vụ: Khi hết Bánh thánh, linh mục có thể Truyền phép thêm được không?

  Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

  Hỏi: Gần đây con đã dự Thánh lễ tại một hội nghị Công giáo ngoài thành phố, trong một trung tâm hội nghị, nơi có đông người tham dự. Ngay sau phần Rước Lễ bắt đầu, các linh mục dồng tế nhận ra rằng ngay cả khi bẻ bánh ra nhiều phần nhỏ, cũng vẫn thiếu khoảng 100 bánh. Một linh mục, khi thấy rằng bánh thánh đã gần hết, nói: “Tôi sẽ truyền phép thêm một số nữa”. Sau đó, con thấy ngài đứng ở một bàn cạnh, truyền phép đợt bánh thứ hai và một chén thánh có rượu. Rồi ngài giải thích với cộng đoàn rằng việc truyền phép như vậy là đúng, bởi vì chúng ta chưa kết thúc Thánh lễ mà. Thưa cha, liệu việc linh mục ấy làm là không hợp lệ và bất hợp pháp chăng? Liệu các tín hữu rước lễ với đợt bánh thứ hai này có rước Chúa Kitô thật chăng? – N. B., Bethesda, Maryland, Hoa Kỳ.

  Đáp: Vị linh mục ấy chắc chắn là sai lầm, mặc dù ngài làm việc đó với thiện ý, khi tin rằng mình hành động đúng. Sự việc rằng ngài đã truyền phép cả bánh và rượu ít nhất cho thấy rằng ngài đã biết Giáo luật cấm truyền phép chỉ bánh hoặc chỉ rượu.
  Như Điều 927 của Bộ Giáo luật nói: “Cho dù nhu cầu khẩn thiết tột độ, tuyệt đối cấm chỉ truyền phép một chất thể này mà không có chất thể kia, hoặc truyền phép cả hai chất thể ở ngoài Thánh Lễ” (Bản dịch Việt ngữ của các  Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).

  Ngài dường như tin rằng bằng cách truyền phép bánh và rượu trong bối cảnh Thánh lễ, ngài đã không vi phạm điều luật cấm.
  Tuy nhiên, những gì ngài đã làm là thực ra cử hành một Thánh lễ khác trong Thánh Lễ, vì việc truyền phép hai hình bánh rượu mới bao hàm một hy tế mới. Do đó, ngài đã chống lại khía cạnh thứ hai của điều luật, bằng cách truyền phép cả hai hình bên ngoài việc cử hành Thánh lễ, mặc dầu ngài đang cử hành một Thánh lễ khác.

  Trường hợp này là khác với trường hợp được tiên liệu trong Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), số 324, mà trong đó vì lý do nào đó, rượu không được truyền phép đúng cách:
  “Nếu sau truyền phép hay lúc rước lễ, vị tư tế mới nhận ra không phải rượu được rót, mà là nước, thì hãy đổ nước đó trong một bình, rồi rót rượu và nước vào chén thánh, đọc phần trình thuật liên quan đến truyền phép chén, mà truyền phép rượu đó, không buộc truyền phép bánh lần nữa” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).
  Nguyên tắc tương tự có thể được áp dụng nếu, như đã từng xảy ra, một giáo dân nói với linh mục sau Thánh lễ rằng ngài đã quên truyền phép rượu. Quá trình này là cần thiết cho hy tế, và do đó cho Thánh lễ, được hoàn tất.

  Về tính hợp lệ của “đợt bánh thứ hai”. tôi sẽ nói rằng chúng là hợp lệ cho việc rước lễ, và chưa có sự hiện diện thực sự của Chúa.
Linh mục nên làm gì trong trường hợp thiếu bánh thánh?

  Tôi nghĩ rằng giải pháp tốt nhất là xin lỗi cách đơn giản về những gì đã xảy ra. Đôi khi, các linh mục chúng ta nại đến các “giải pháp” xa hoa, trong khi điều cần thiết là nhận ra sự sai lầm, và khả năng phạm sai lầm của mình.
  Điều này là đặc biệt đúng trong các tình huống, như đã được mô tả, khi hậu quả của việc không thể Rước lễ trong hoàn cảnh ấy không hàm ý một thiệt hại tinh thần lớn cho các tín hữu, và một giải pháp rước lễ khác có thể được tìm thấy tại một thời điểm nào đó trong ngày.
  Trong một số trường hợp, chẳng hạn như các lãnh thổ truyền giáo, khi Thánh Lễ và việc Rước là các kho báu hiếm hoi, một linh mục trong tình trạng khó khăn như trên cần cử hành Thánh Lễ khác ngay sau Thánh lễ trước, để cho không ai bị tước quyền Rước lễ trong một thời gian dài.

  Sau khi tôi trả lời như trên, nhiều người đã gửi thêm các gợi ý khá bất ngờ.

  Một số linh mục từ Ấn Độ và Indonesia đã gợi ý rằng một giải pháp khả thi cho việc thiếu Bánh thánh, là nên nhúng bánh chưa truyền phép vào chén thánh có rượu như là một cách thức Rước lễ chỉ với Máu Thánh mà thôi.

  Trong khi đề xuất này được thực hiện với thiện ý rõ ràng, việc này không thể thực hiện được vì sự thực hành này đã bị bác bỏ một cách rõ ràng trong số 104 của Huấn thị “Redemptionis Sacramentum” (Bí Tích Cứu độ):

  “Không cho phép người rước lễ tự chấm Mình Thánh vào chén thánh, cũng không được nhận trên tay Mình Thánh đã được chấm vào Máu Thánh Chúa Kitô. Cũng thế, bánh thánh dành để rước lễ bằng cách chấm, phải được làm bằng một chất thành sự và được truyền phép; vậy, tuyệt đối cấm dùng bánh không có truyền phép hoặc làm với một chất khác” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam)

  Một chủng sinh từ Manila, Philippines, đã yêu cầu làm rõ về nguyên tắc cần được áp dụng, nếu một linh mục được cho biết sau Thánh lễ rằng ngài đã quên truyền phép rượu.
  Nguyên tắc là rằng theo Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), số 324, “linh mục rót rượu và nước vào chén thánh, đọc phần trình thuật liên quan đến truyền phép chén, mà truyền phép rượu đó, và rước Máu Thánh này ngay. Nếu cần, ngài có thể thực hiện hành động này một cách riêng tư, nhưng nên làm ngay mà không trì hoãn gì cả”.

  Tình huống này là khác với tính huống mà một bạn đọc từ Vương quốc Anh minh họa, mà trong đó một linh mục quên rước Máu Thánh từ chén thánh, trước khi cho Rước lễ, và chỉ nhớ sau khi chén thánh đã hết sạch.

  Về mặt kỹ thuật, điều này sẽ được gọi là sự bất thường, vì linh mục có nghĩa vụ phải Rước lễ dưới cả hai hình Bánh và Rượu. Lỗi này cũng đôi khi xảy ra ở các lễ đồng tế đông người, mà trong đó, do thiếu quy hoạch cẩn thận, một số linh mục không được Rước Máu Thánh.
  Trong khi việc này không nên xảy ra, nó không ảnh hưởng đến sự hợp lệ của Thánh lễ cho linh mục hoặc các tín hữu. Điều duy nhất cần phải nhớ cho việc này là phải học bài học một cách nghiêm chỉnh, xin tha thứ cho bất kỳ sơ suất nào có thể gây nên tội, và phải cẩn thận hơn và chu đáo hơn trong thời gian tới.

  Một bạn đọc ở Hartford, Connecticut, Hoa Kỳ, hỏi về tình huống sau đây: “Trước khi cho rước Mình Thánh và Máu Thánh, chủ tế nói với người giúp lễ mang một bình nước lớn đến bàn thờ, và ngài bỏ thêm nhiều nước vào rượu đã được truyền phép, có lẽ để đảm bảo rằng sẽ có đủ Máu Thánh cho hơn 300 người tham dự. Điều này là khá bất ngờ đối với con, và dường như có thể làm tổn hại đến tính toàn vẹn của Máu châu báu của Chúa Kitô. Liệu Thánh lễ này là vô hiệu chăng, do việc tự ý thêm nước vào Máu châu báu?”.

  Một lần nữa, hành động này, trong khi là rất bất hợp pháp, sẽ không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của Thánh Lễ. Tuy nhiên, nó có thể, tùy thuộc vào số lượng nước được thêm vào Máu châu báu, làm hỏng tính toàn vẹn của Máu Thánh, đến nỗi nó không còn chứa đựng sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô nữa.
  Điều này trong thực tế chắc chắn sẽ xảy ra, nếu số lượng nước là nhiều hơn một nửa. Trong trường hợp như vậy, những người đã rước hỗn hợp này, sẽ chỉ rước Mình Thánh trong lúc Rước Lễ mà thôi. Vị linh mục sẽ chịu trách nhiệm nặng nề vì việc pha thêm nhiều nước, như thế là vô tình phạm một hành động chất thể của sự thờ ngẫu tượng, trong khi rước một hỗn hợp, vốn không phải là Máu châu báu của Chúa Kitô.
  Sự hư hỏng của rượu có thể càng bị nghi ngờ hơn, trong trường hợp số lượng nước ít hơn. Nhưng điều này sẽ không bao giờ biện minh cho sự thiếu tôn trọng đối với Chúa của chúng ta, bằng cách thêm một hình chưa được truyền phép (cho dù nước hoặc thậm chí nhiều rượu hơn) vào Máu Châu báu do lý do tiện dụng.
  Ngoài ra, quá trình này là không bao giờ cần thiết, ngay cả khi số lượng Máu Thánh được xem là không đủ cho các người có mặt.

Sự tùy chọn cho rước cả hai hình, bằng cách chấm, là một tùy chọn mở. Và thậm chí khi điều này không thể thực hiện được, không bao giờ có nghĩa vụ cho rước lễ cả hai hình.
  Như trong trường hợp trước đây của việc thiếu Bánh thánh, một lời xin lỗi của linh mục là giải pháp tốt nhất.

  Một bạn đọc khác hỏi về thời điểm chính xác của việc bánh và rượu trở nên Mình và Máu của Chúa Kitô. Chúng tôi đã đề cập đến chủ đề này trong câu trả lời của chúng tôi ngày 25-11 và 9-12-2003. Mời quý vị xem lại.

  Cảm ơn Chúa vì các bạn đọc thận trọng của chúng tôi, là những người muốn cho tôi luôn có tính chính thống của Hội Thánh.

  Về việc thêm nước vào chén thánh sau khi đã truyền phép (xem bài ngày 31-5), tôi nói rằng sự hư hỏng của Rượu “trong thực tế chắc chắn sẽ xảy ra, nếu số lượng nước là nhiều hơn một nửa. Trong trường hợp như vậy, những người đã rước hỗn hợp này, sẽ chỉ rước Mình Thánh trong lúc Rước Lễ mà thôi”.

  Điểm quan trọng mà tôi chưa khéo léo trình bày là rằng hỗn hợp ấy không còn chứa đựng sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô nữa. Tuy nhiên, việc diễn đạt có thể dễ dàng được hiểu rằng người ta không còn rước đầy đủ Chúa Kitô nữa: Mình Thánh, Máu Thánh, linh hồn và thần tính của Chúa, do chỉ dưới hình Bánh mà thôi. Tương tự như vậy, trong các trường hợp đặc biệt, vì lý do y tế, một người chỉ có thể rước Máu Thánh, thì lúc ấy người này cũng rước toàn thể Chúa Kitô. Tôi xin lỗi vì bất kỳ sự nhầm lẫn hay sự khó hiểu nào đó, mà tôi có thể đã gây ra.
  Mặc dù việc Rước lễ dưới hai hình là trọn vẹn hơn, theo quan điểm của dấu hiệu, và luật Hội Thánh giờ đây đã cho các Giám mục ban phép rộng rãi cho việc này, việc Rước lễ dưới hai hình hay chỉ dưới hình Bánh vẫn là cách thức thông thường về Rước lễ trong Hội Thánh.

   Tôi sẽ tận dụng cơ hội để trả lời một số câu hỏi khác phát sinh trong bối cảnh này.
  Một bạn đọc ở Virginia, Hoa Kỳ, hỏi: “Về bánh mì “được làm bằng chất khác” với chất thể bổ sung (ngoài bột và nước), con hiểu rằng bởi vì nó là chất không hợp lệ, nó không thể được biến nên Mình thánh và Máu thánh của Chúa Giêsu. Thưa cha, điều này là đúng không?”.

  Trong khi không có việc cấm tuyệt đối về sử dụng bánh mì tự chế, vốn tôn trọng các điều kiện cho chất thể hợp lệ, nó thường là không thực dụng lắm. Việc làm ra các bánh thánh là điều gì đó của nghệ thuật, và các bánh tự chế thường là rất dễ vỡ và giòn.

  Ngoài ra, nếu các chất khác được thêm vào (thí dụ, đường, mật đường hoặc mật ong), xác suất rằng nó không còn là chất hợp lệ là rất cao, mặc dù người ta sẽ phải xem xét từng trường hợp riêng về giá trị của nó.
  Như Huấn thị “Redemptionis Sacramentum” (Bí tích Cứu độ), số 48, nói: “Hy Tế Thánh Thể phải được cử hành với bánh không men, bằng bột mì nguyên chất và mới chế biến, không chút nào sợ hư. Do đó, bánh được làm với một chất khác, dù đó là một loại ngũ cốc, hay là bánh mà người ta đã thêm vào đó một chất khác hơn bột mì, với một số lượng đến nỗi, theo ý kiến chung, người ta không thể xem đó là bánh làm bằng lúa mì, thì bánh đó không làm thành chất thể thành sự cho việc cử hành Hy Tế và Bí Tích Thánh Thể. Việc đưa vào những chất thể khác để làm bánh dùng cho Phép Thánh Thể, như là trái cây, đường hay mật, là một lạm dụng nặng nề. Dĩ nhiên, bánh lễ phải được làm bởi những người không những có tiếng là liêm khiết, mà còn có khả năng trong lãnh vực này và dùng những dụng cụ thích hợp” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

  Hội Thánh đòi hỏi sự chắc chắn, chứ không phải xác suất về tính hợp lệ của các bí tích. Do đó, chất nghi ngờ không bao giờ được sử dụng trong bất kỳ trường hợp nào. Một linh mục, khi thấy mình trong tình huống như vậy, không nên tiến hành cử hành Thánh lễ, cho đến khi mọi nghi ngờ bị xóa bỏ.
  Một linh mục Scotland hỏi: “Liệu việc Rước lễ dưới hai hình là cần thiết cho tính hợp lệ của hàng giáo sĩ tại một buổi lễ đồng tế chăng? Liên quan đến việc này, liệu một linh mục đã không Rước lễ dưới hai hình, tại một buỗi lễ đồng tế, ngài có nhận tiền bổng lễ của lễ đồng tế ấy chăng?”.
  Nói đúng ra, ngoại trừ trường hợp một linh mục, do đau ốm, đã được Giám mục cho phép đặc biệt để chỉ Rước lễ dưới một hình, việc Rước lễ dưới hai hình là cần thiết cho tất cả các vị đồng tế tại một buổi cử hành hợp lệ. Nhưng sẽ là không thông thường để đòi hỏi sự hợp lệ, khi Thánh lễ – nghĩa là việc truyền phép trọn vẹn – được cử hành và ít nhất là chủ tế rước lễ dưới cả hai hình.
  Vì vậy, nếu do một tai nạn nào đó, một vị đồng tế đã không thể Rước Máu Thánh, ngài có thể nhận được tiền bổng lễ bình thường, nếu đó là Thánh lễ suy nhất trong ngày của ngài.

  Một linh mục không bao giờ có thể nhận được một khoản bổng lễ cho một Thánh Lễ đồng tế, nếu ngài cử hành một Thánh lễ khác trong cùng một ngày – thí dụ, tại giáo xứ của ngài và tại một lễ tang. Ngài có thể đề nghị một Thánh Lễ đồng tế cho bất kỳ ý lễ nào ngài mong muốn, nhưng không nhận được một khoản bổng lễ.

   Tình trạng tham gia không hợp lệ trong một thánh lễ đồng tế có thể phát sinh, nếu một linh mục nơi ngài tham gia, có thể nói như thế, như là một vị khách không mời, và ngay từ đầu ngài không có khả năng tham gia đầy đủ và hợp lệ.

   Tôi đã không may mắn nhìn thấy điều này xảy ra trong Thánh lễ Giáo hoàng, nơi đó các linh mục tham dự đã lôi dây các phép từ túi áo ra, mang vào và đọc lời truyền phép. Có nhiều lý do phụng vụ và thần học để nghi ngờ tính hợp lệ của thủ tục này, mặc dù vấn đề này chưa được giải quyết chính thức. (Zenit.org 17-5, 31-5 và 14-6-2005)

Nguyễn Trọng Đa

Comments are closed.