Giải đáp phụng vụ: Có đặc quyền phụng vụ không? Nói thêm về tư thế đúng khi đọc Ca Tiếp Liên

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Cách đây hơn 20 năm, khi mới được truyền chức linh mục, con đã tham gia một Hội, qua thư diện tử, được gọi là Hội Cận Đông (Near East Society). Con đóng khoản gia nhập là 200 USD. Có một vài đặc quyền khi tham gia Hội này. Con còn nhớ hai đặc quyền. Một là nếu bạn đi hơn 50 dặm, bạn có thể thay thế Phụng Vụ Các Giờ Kinh bằng lần chuỗi Mân Côi. Con không nhớ đã làm như thế chưa. Đặc quyền kia là có thể dâng Thánh lễ trên Khung vải Hy Lạp thay thế bàn thờ (antimension); quyền này được bao gồm với giấy chứng nhận thành viên của Hội. Thưa cha, con có thể dùng Khung vải Hy Lạp khi con đi xa không (nhưng con đã làm mất nó từ lâu). Hội này còn tồn tại không? Nếu có, liệu các đặc quyền ấy vẫn còn hiệu lực chăng? Thưa cha, con tò mò hỏi thế. – J. H., Austin, Texas, Hoa Kỳ.

Đáp: Hội Phúc Lợi Công Giáo Cận Đông (The Catholic Near Eastern Welfare Association, CNEWA) vẫn còn tồn tại. Đây là một tổ chức nổi tiếng, trong đó có các thành viên như Đức Hồng y Timothy Dolan, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận New York (Hoa Kỳ), và nhiều giám chức Hoa Kỳ và Canada khác.

Trang điện tử của Hội có thể được tìm thấy tại http://www.cnewa.org/default.aspx?ID=27&pagetypeID=1&sitecode=HQ&pageno=1

Theo trang điện tử này:

“Ở khắp Trung Đông, Đông Bắc Châu Phi, Ấn Độ và Đông Âu, Hội Phúc Lợi Công Giáo Cận Đông (CNEWA) hoạt động ở những nơi có nạn nghèo đói, chiến tranh và người vô tội di dời chỗ ở. Là một cơ quan của Vatican, chúng tôi cung cấp ngân sách để đảm bảo cho các Giáo hội phương Đông và các nữ tu tận tụy – họ điều hành các phòng khám, trường học, trại mồ côi và các đền thánh – có đủ tiền để thực hiện công việc quan trọng của họ. Bằng cách đó, chúng tôi giúp họ hỗ trợ và bảo vệ các gia đình, người già và người bệnh. Chúng tôi hỗ trợ ơn gọi của các nữ tu và linh mục tương lai. Chúng tôi tài trợ cho các chương trình mục vụ nhằm củng cố các cộng đồng Kitô giáo. Và chúng tôi đang làm tất cả các việc này từ năm 1926. CNEWA không phải là một tổ chức cứu trợ toàn cầu lớn. Nhưng ở hơn một chục quốc gia – với sự hỗ trợ từ các người thiện tâm như bạn – chúng tôi gửi lòng nhân từ đến tất cả những ai cần nó, bất chấp đức tin của họ là gì.”

Tôi đã không thể tìm thấy tài liệu nói về việc thay thế Phụng Vụ Các Giờ Kinh bằng lần chuỗi Mân côi. Tôi cho rằng nó đã được ban phép trong các bối cảnh khác, khi việc đi xa 50 dặm là một cái gì đó của thách thức, chứ không phải là đi làm hàng ngày từ vùng ngoại ô trong một chiếc xe hơi có máy lạnh. Mặc dù nó có thể không bị bãi bỏ, tôi nghĩ rằng không nên sử dụng nó ngày nay ở các quốc gia như Hoa Kỳ, và các linh mục nên đọc Các Giờ Kinh Phụng vụ – và lần chuỗi Mân côi.

Chúng tôi đã viết về Khung vải Hy Lạp thay bàn thờ (antimension) trong bài ngày 8-12-2015. Chúng tôi định nghĩa nó như sau:

“Một khung vải thay bàn thờ, từ tiếng Hy Lạp “thay cho bàn thờ”, là một trong các vật dụng quan trọng nhất của bàn thờ trong truyền thống phụng vụ Kitô giáo Byzantine. Nó là một khung hình chữ nhật, bằng vải hay vải lanh hoặc vải tơ tằm, thường được trang trí với hình vẽ Chúa Kitô được táng trong mồ và bốn Thánh sử, cùng các đoạn Kinh Thánh liên quan đến phép Thánh Thể. Một di tích nhỏ của một vị tử đạo được khâu vào khung vải. Thánh lễ không thể được cử hành mà không có một khung vải thay bàn thờ, vốn phải được thánh hiến bởi một Giám mục, và thực sự được Giám mục trao cho linh mục như lả bằng chứng của việc ngài cho phép linh mục ấy cử hành Phụng Vụ Thánh.

“Khung vải thay bàn thờ là một vật để thay thế thật sự cho bàn thờ. Một linh mục có thể cử hành Thánh lễ trên khung vải thay bàn thờ, ngay cả khi bàn thờ chưa được thánh hiến. Trong trường hợp khẩn cấp, khi không có sẵn một bàn thờ, khung vải thay bàn thờ phục vụ một nhu cầu mục vụ rất quan trọng, qua việc thay thế cho bàn thờ chưa được thánh hiến ngoài các nhà thờ hoặc nhà nguyện.”

Liên quan đến đặc quyền được trao cho CNEWA, để sử dụng nó trong nghi lễ Latinh, năm 1975 Linh mục Archimandrite Januarius M. Izzo, OFM, đã xuất bản một nghiên cứu học thuật tại Đại học Giáo Hoàng thánh Antôn ở Rôma, mang tên: “The Antimension in the Liturgical and Canonical Tradition of the Byzantine and Latin Churches. An Inter-ritual Inter-confessional Study. Khung vải thay bàn thờ trong truyền thống phụng vụ và giáo luật của các Giáo hội Byzantine và Latinh. Một nghiên cứu liên tôn và liên nghi lễ.)

Trong nghiên cứu này, ngài bình luận về đặc quyền đã cấp cho CNEWA sử dụng Khung vải thay bàn thờ.

“Thánh Bộ các Giáo Hội Phương Đông đã ban đặc quyền cho nhiều linh mục và Giám mục của Nghi lễ Latinh, cho phép họ cử hành thánh lễ trên Khung vải Hy Lạp thay bàn thờ, thay vì dùng đá bàn thờ lưu động Latinh, không chỉ trong các nhà thờ của Nghi lễ phương Đông mà còn ‘do công đức đặc biệt của họ đối với các Giáo hội phương Đông, nhưng ngay cả bên ngoài các nhà thờ của Nghi lễ phương Đông, bất cứ khi nào có một số bất tiện trong việc sử dụng bàn thờ di động Latinh, trong một chuyến đi miễn là họ tuân theo Nghi lễ Latinh trong tất cả các chi tiết khác, và đặt một Khăn thánh trên Khung vải này.

“Một năng quyền như thế, khi ban cho các Giám mục Nghi lễ Latinh, bổ sung thêm câu: ‘Năng quyền tương tự, cùng trong thư này, được nhìn nhận cho một hoặc hai linh mục, khi họ trong cùng hoàn cảnh cùng đi với Ngài, Giám mục N.N.’”

“Cũng Thánh Bộ trên, ngày 26-1-1928, đã ban đặc ân này cho các thành viên (và những người trong tương lai sẽ tham gia) của Hội Phúc Lợi Công Giáo Cận Đông (CNEWA), một hội chuyên cầu nguyện và hỗ trợ từ thiện nhân danh các Giáo hội phương Đông và người nghèo vùng Cận Đông; đây dường như là lần đầu tiên một đặc ân chung trong vấn đề này được trao cho một Hội tương đối lớn, thay vì cho các cá nhân đơn lẻ. Nhiều linh mục triều và linh mục Dòng của Hoa Kỳ và Canada đã ghi danh vào C.N.E.W.A., để hưởng đặc quyền sử dụng Khung vải Byzantine thay cho bàn thờ. Họ nhận được Khung vải này từ Thánh Bộ các Giáo hội phương Đông, một số Giám mục Nghi lễ Byzantine, hoặc từ C.N.E.W.A.”

Trong các đặc quyền chung, một khi được cấp, chúng thường có giá trị trừ khi người sở hữu tự nguyện không sử dụng, hoặc bị thu hồi rõ ràng cách minh nhiên bởi cơ quan đã cấp cho họ, hoặc trừ khi hoàn cảnh thay đổi hoàn toàn, đến mức đặc quyền không thể được thực thi theo bất kỳ cách nào. Bởi vì, ít nhất là theo như tôi biết, không có trường hợp nào trong số những trường hợp là phù hợp với đặc quyền này, tôi chỉ có thể phỏng đoán rằng Hội vẫn duy trì nó.

Liệu bạn đọc trên đây của chúng tôi, sau hơn 20 năm không còn hoạt động rõ ràng, có còn chính thức là thành viên của Hội, và do đó còn có đặc quyền hay không, sẽ phụ thuộc vào các quy tắc thành viên nội bộ của chính CNEWA.

Sau khi tôi trả lời về tư thế đúng trong khi đọc Ca Tiếp Liên (ngày 14-5), một bạn đọc ở Boston đã hỏi:

“Tôi có một câu hỏi liên quan về tư thế trong các dịp khác, khi không hát Alleluia chẳng hạn. Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) số 63 nói: ‘Khi chỉ có một bài đọc trước Tin Mừng thì: a. Trong mùa phải hát A-lê-lu-ia, có thể hát hoặc bài thánh vịnh có chữ A-lê-lu-ia, hoặc thánh vịnh và A-lê-lu-ia với câu tung hô,’ có các tùy chọn có thể so sánh trong Graduale Simplex (xem Praenotanda 20) và Graduale Romanum (xem Praenotanda 9).

“Nếu một thánh vịnh Alleluia được sử dụng (thay thế Alleluia), thì liệu cộng đoàn có phải đứng sau bài đọc đầu tiên, trong khi hát Thánh vịnh Alleluia (có lẽ tương tự như Đêm Vọng Phục Sinh) không? Hay họ nên đứng sau thánh vịnh Alleluia, trước khi linh mục / phó tế xướng “Chúa ở cùng anh chị em’? Có sự khác biệt nào tùy thuộc vào việc thánh vịnh Alleluia được hát hoặc ngâm đọc / đọc không?”

Để có thể trả lời câu hỏi trên, cần trích dẫn đầy đủ các điều 61-63 của Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma:

“Thánh vịnh đáp ca

“61. Sau bài đọc thứ nhất là thánh vịnh đáp ca; bài ca này là thành phần trọn vẹn của phụng vụ Lời Chúa, và có tầm quan trọng lớn về phụng vụ và mục vụ, vì giúp ích cho việc suy gẫm Lời Chúa.

“Thánh vịnh đáp ca liên quan trực tiếp đến mỗi bài đọc và thường lấy ở sách Bài Ðọc.

“Thánh vịnh đáp ca nên được hát, ít là phần đáp của giáo dân. Do đó, người hát thánh vịnh hát tại giảng đài, hay tại một nơi thuận tiện, đang khi toàn thể cộng đoàn ngồi nghe và thường thường lại còn tham dự bằng những câu đáp, trừ khi thánh vịnh được hát liên tục, không có câu đáp. Tuy nhiên, để dân chúng có thể hát thánh vịnh đáp ca cách dễ dàng hơn, một số bản văn đáp ca và thánh vịnh đã được lựa chọn cho từng mùa trong năm, hoặc cho từng loại thánh nhân, để mỗi khi hát thánh vịnh, có thể dùng các bản văn này thay cho bản văn hợp với bài đọc liên hệ. Nếu không hát thánh vịnh, thì đọc theo cách thích hợp giúp suy gẫm Lời Chúa.

“Thay vì thánh vịnh ghi trong sách Bài Ðọc, còn có thể hát ca tiến cấp lấy ở sách Graduale Romanum, hay thánh vịnh đáp ca, hoặc tung hô A-lê-lu-ia lấy ở sách Graduale simplex, như thấy có ghi trong các sách đó.

“Tung hô trước khi đọc Tin Mừng

“62. Sau bài đọc đi liền trước bài Tin Mừng thì hát A-lê-lu-ia, hay bài hát khác, theo luật chữ đỏ, như mùa phụng vụ đòi hỏi. Lời tung hô này được thực hiện ở tư thế đứng, vì cộng đoàn tín hữu chào đón Chúa sẽ nói với mình trong Tin Mừng và biểu lộ đức tin bằng bài ca. Mọi người đứng cùng hát, được ca đoàn hoặc một ca viên khởi xướng, hoặc lặp lại câu ca đoàn hay một ca viên đã hát.

“a. A-lê-lu-ia được hát trong các mùa ngoài Mùa Chay. Câu thì lấy ở sách Bài Ðọc, hay sách Graduale.

“b. Trong Mùa Chay, thì thay vì A-lê-lu-ia, hát câu trước Tin Mừng ghi trong sách Bài Ðọc. Cũng có thể hát một thánh vịnh khác cũng gọi là ca liên tục (tractus), như có trong sách hát Graduale.

“63. Khi chỉ có một bài đọc trước Tin Mừng thì:

“a. Trong mùa phải hát A-lê-lu-ia, có thể hát hoặc bài thánh vịnh có chữ A-lê-lu-ia, hoặc thánh vịnh và A-lê-lu-ia với câu tung hô.

“b. Trong mùa không phải đọc A-lê-lu-ia, có thể hát thánh vịnh với câu trước Tin Mừng, hoặc chỉ thánh vịnh thôi;

“ c. A-lê-lu-ia hay câu trước Tin Mừng, nếu không hát thì có thể bỏ. (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang.)

Một phần quan trọng của các điều này của Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma là mới cho huấn thị, và được rút ra từ phần giới thiệu năm 1981 cho Sách Bài Đọc. Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma số 63, khi liệt kê các tùy chọn này khi chỉ có một bài đọc, thực hiện một số thay đổi so với phiên bản trước của Huấn thị.

Chẳng hạn, nó không còn cho phép sử dụng chỉ thánh vịnh hay chỉ Alleluia (GIRM 1975 38a), mà đòi hỏi một số hình thức kết hợp cả hai. Tương tự như vậy, trong Mùa Chay, không còn có thể chỉ sử dụng Lời tung hô trước Tin Mừng.

Các lý do đằng sau điều này là tầm quan trọng lớn hơn mà Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma số 61 dành cho ca hát, hoặc ít nhất là đọc ngâm suy niệm, thánh vịnh đáp ca như là một phần không thể thiếu trong Phụng vụ Lời Chúa. Điều quan trọng nữa là việc hát Alleluia hoặc câu trước Tin Mừng có thể được bỏ qua, nếu không được hát. Do đó, thánh vịnh phải luôn luôn được sử dụng, ngay cả khi câu tung hô Tin Mừng được bỏ qua.

Với ưu tiên này của thánh vịnh và chất lượng đọc ngâm cơ bản của nó, tôi sẽ nói rằng tư thế thích hợp sẽ là ngồi một cách tự nhiên. Đây cũng là trường hợp trong lễ Phục Sinh, khi Alleluia có thể được sử dụng như một câu đáp thay thế cho điệp khúc thông thường gần như mỗi ngày, hoặc khi lấy tùy chọn sử dụng một thánh vịnh Alleluia như được đề cập trong Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma số 63.

Trường hợp đặc biệt là tư thế đứng trong khi hát Thánh vịnh 117 trong Đêm Vọng Phục Sinh là một ngoại lệ đối với quy tắc chung, vì nó đi theo và mở rộng theo câu xướng ba lần Alleluia long trọng của linh mục. (Zenit.org 11-6-2019)

Nguyễn Trọng Đa

Comments are closed.