Đức Thánh Cha Phanxicô: Cần Sống Chậm Lại Để Có Giờ Đối Thoại Giữa Các Thế Hệ
Hồng Thủy – Vatican News
Đức Thánh Cha mong muốn chúng ta nhận ra tầm quan trọng của người cao tuổi ở giữa chúng ta, và học hỏi từ họ rằng nhịp sống đích thực là nhịp sống của mối quan hệ hài hòa giữa các thế hệ.
Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 2/3/2022 Đức Thánh Cha tiếp tục về chủ đề ý nghĩa và giá trị của tuổi già, được nhìn dưới ánh sáng của Lời Chúa. Cụ thể, ngài suy tư về đóng góp của người cao tuổi cho sự phát triển của một xã hội thực sự nhân văn, trong đó mỗi lứa tuổi có sự đóng góp của mình.
Đức Thánh Cha nói rằng người già có nhiều điều để dạy chúng ta về ý nghĩa của cuộc sống; sự khôn ngoan của họ, trưởng thành theo thời gian, có thể giúp chúng ta đối mặt với những câu hỏi và thách đố luôn mới do xã hội đang phát triển nhanh chóng ngày nay đặt ra. Ngài cũng nhấn mạnh rằng sự liên kết giữa người trẻ và người già – điều không thể thiếu cho một cuộc sống xã hội lành mạnh – có thể giúp chúng ta, giữa nhịp sống điên cuồng ngày nay, nhớ rằng, như những con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi có một cái nhìn toàn diện hơn về cuộc sống chung của chúng ta, tái khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta và quan tâm đến nhu cầu của anh chị em chúng ta.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong tường thuật của Kinh Thánh về các gia phả tổ tiên, người ta ngay lập tức bị ấn tượng với tuổi thọ quá cao của họ: các gia phả nói rằng họ sống hàng thế kỷ! Chúng ta đặt câu hỏi: trong các gia phả này, khi nào tuổi già bắt đầu? Đâu là ý nghĩa của việc những người cha thời cổ đại này sống rất lâu sau khi đã sinh con cái? Những người cha và các con sống với nhau hàng thế kỷ! Thời gian hàng thế kỷ này, được thuật lại theo văn phong nghi lễ, mang lại một ý nghĩa biểu tượng rất sâu sắc cho mối quan hệ giữa tuổi thọ và gia phả.
Cần thời gian để khám phá những trải nghiệm và bí ẩn của cuộc sống
Như chúng ta thấy, việc trao truyền sự sống con người, điều rất mới mẻ trong vũ trụ được tạo dựng, đòi hỏi một sự bắt đầu từ từ và kéo dài. Mọi thứ đều mới mẻ, vào khởi đầu lịch sử của một thụ tạo, là tinh thần và sự sống, ý thức và tự do, sự nhạy cảm và trách nhiệm. Sự sống mới – sự sống con người – bị lồng trong sự căng thẳng giữa nguồn gốc của nó “theo hình ảnh và giống với” Thiên Chúa, và sự mong manh của thân phận con người của nó, là một điều mới lạ cần được khám phá. Và nó đòi hỏi một khoảng thời gian bắt đầu lâu dài, trong đó sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các thế hệ là điều không thể thiếu để giải mã những trải nghiệm và đối mặt với những bí ẩn của cuộc sống. Trong thời gian dài này, phẩm chất thiêng liêng của con người cũng từ từ được trau dồi.
Mỗi thế hệ có những câu hỏi về cuộc sống
Theo một nghĩa nào đó, mỗi giai đoạn trong lịch sử loài người lại mang đến cảm giác này: cứ như thể chúng ta phải bắt đầu lại từ đầu, một cách bình tĩnh, những câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống, khi viễn cảnh về thân phận con người dường như tràn đầy những trải nghiệm mới và các câu hỏi cho đến nay chưa được giải đáp. Chắc chắn, việc tích lũy ký ức văn hóa giúp có thêm sự quen thuộc cần thiết để đối mặt với những giai đoạn mới. Thời gian chuyển trao giảm đi, nhưng thời gian để hoà nhập luôn đòi hỏi sự kiên nhẫn. Lối sống quá vội, điều hiện đang ám ảnh mọi giai đoạn của cuộc đời chúng ta, khiến mọi trải nghiệm trở nên hời hợt hơn và ít “hữu ích” hơn. Những người trẻ tuổi là nạn nhân vô thức của sự phân chia này giữa thời gian trên đồng hồ, cần phải gấp gáp, và thời gian của cuộc sống, đòi hỏi một “sự dậy men” thích hợp. Tuổi thọ cao cho phép trải nghiệm những khoảng thời gian dài và nhận ra những thiệt hại của sự vội vàng.
Nhịp điệu chậm của tuổi già mở ra không gian về ý nghĩ của cuộc sống
Đức Thánh Cha nhận xét: Tuổi già chắc chắn có những nhịp độ chậm hơn: nhưng đó không chỉ đơn thuần là những thời gian chậm chạp ù lì. Thật vậy, thước đo của những nhịp điệu này mở ra, cho tất cả, những không gian về ý nghĩa của cuộc sống, những không gian không biết đến nỗi ám ảnh về tốc độ. Việc mất liên lạc với nhịp sống chậm hơn của tuổi già đóng lại những không gian này đối với tất cả mọi người. Chính từ chiều kích này, tôi đã mong muốn thiết lập Ngày Ông Bà, vào ngày Chúa Nhật cuối cùng của tháng 7. Sự liên minh giữa hai thế hệ ở hai thái cực – trẻ em và người già – cũng giúp hai thế hệ còn lại – người trẻ và người lớn – gắn kết với nhau để làm cho cuộc sống của mọi người trở nên phong phú hơn trong nhân loại.
Cần đối thoại giữa các thế hệ
Chúng ta cần đối thoại giữa các thế hệ: nếu không có đối thoại giữa người trẻ và người già, giữa những người lớn, mỗi thế hệ sẽ bị cô lập và không thể truyền tải thông điệp. Hãy suy nghĩ: một người trẻ không kết nối với nguồn gốc của mình, là ông bà, thì không nhận được sức mạnh, như một cái cây không nhận được sức mạnh từ gốc rễ và phát triển èo ọt, bệnh tật, phát triển mà không có điểm quy chiếu. Đây là lý do tại sao chúng ta cần tìm kiếm, như một nhu cầu của con người, sự đối thoại giữa các thế hệ. Và cuộc đối thoại này, chính xác là giữa ông bà và các cháu, những người thuộc hai thái cực, là điều quan trọng.
Lối sống quá vội sẽ nghiền nát cuộc sống
Chúng ta hãy tưởng tượng một thành phố trong đó sự chung sống của các lứa tuổi khác nhau tạo thành một phần không thể thiếu trong quy hoạch tổng thể về cuộc sống của nó. Chúng ta hãy suy nghĩ về sự hình thành của các mối quan hệ tình cảm giữa tuổi già và tuổi trẻ, điều thể hiện trên phong cách tổng thể của các mối quan hệ. Sự chồng chéo của các thế hệ sẽ trở thành nguồn năng lượng cho một chủ nghĩa nhân văn thực sự hữu hình và đáng sống. Thành phố hiện đại có xu hướng thù địch với người già (và không phải ngẫu nhiên, cả với trẻ em). Xã hội với tư tưởng vất bỏ này: loại bỏ nhiều trẻ em không được mong muốn và loại bỏ những người già; nó loại bỏ họ vì họ không có ích với lương hưu, cho việc hồi phục… Lối sống vội sẽ đặt chúng ta vào một cái máy ly tâm và nó cuốn chúng ta đi như những cánh hoa giấy. Chúng ta hoàn toàn đánh mất tầm nhìn tổng thể. Mỗi người nắm giữ mảnh nhỏ của riêng mình, điều trôi theo dòng chảy của thị trường-thành phố, điều khiến những nhịp điệu sống chậm hơn bị cuốn mất và tốc độ chính là tiền bạc. Lối sống quá vội sẽ nghiền nát cuộc sống, không làm cho nó trở nên mãnh liệt hơn.
Cần “mất thời gian”
Và để có sự khôn ngoan chúng ta cần “mất thời gian”. Khi bạn về nhà và nhìn thấy con trai, con gái của bạn và “bạn mất thời gian”, nhưng trong cuộc trò chuyện này, là điều cơ bản cho xã hội, bạn cần “mất thời gian” với các con; và khi bạn về nhà, có ông bà – có thể không còn minh mẫn lắm hoặc đã mất đi một chút khả năng nói -, và bạn ở với ông hoặc bà, bạn “mất thời gian”, nhưng sự “lãng phí thời gian” này củng cố gia đình nhân loại. Cần phải dành thời gian, một khoảng thời gian không sinh ra tiền bạc, với trẻ em và người già, bởi vì họ cho chúng ta một khả năng khác để nhìn cuộc sống.
Tương quan giữa người già và người trẻ phục hồi niềm hy vọng
Tiếp tục bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhận định: Đại dịch, trong đó chúng ta vẫn buộc phải sống, đã bắt sự sùng bái lối sống vội phải dừng lại. Và trong thời gian này, các ông bà đã đóng vai trò như một bờ đê chống lại “sự khô cằn” tình cảm nơi những người trẻ nhất. Liên minh hữu hình của các thế hệ, điều giúp hài hòa thời gian và nhịp điệu, trả lại cho chúng ta niềm hy vọng không sống cuộc sống vô ích. Và nó khôi phục cho mỗi người chúng ta tình yêu đối với những sự sống dễ bị tổn thương của chúng ta, chặn đứng con đường dẫn đến nỗi ám ảnh về sống vội, thứ vốn chỉ đơn giản là tiêu thụ. Từ khóa cho mỗi người trong các bạn, tôi nghĩ: bạn có biết mất thời gian không, hay bạn luôn vội vã chạy theo tốc độ? “Không, tôi đang vội, tôi không thể …”? Bạn có thể mất thời gian với ông bà, với người già không? Bạn có thể dành thời gian chơi với con cái của bạn, với lũ trẻ không? Hãy suy nghĩ một chút. Và điều này mang lại cho mọi người tình yêu đối với cuộc sống dễ bị tổn thương của chúng ta, ngăn chặn – như tôi đã nói – con đường dẫn đến nỗi ám ảnh về tốc độ, thứ đơn giản chỉ là sự tiêu thụ. Nhịp điệu của tuổi già là một nguồn lực không thể thiếu để hiểu được ý nghĩa của cuộc sống được đánh dấu bởi thời gian. Người già có nhịp điệu của họ, nhưng đó là những nhịp điệu giúp ích cho chúng ta. Nhờ sự trung gian này, mục đích của cuộc sống – gặp gỡ với Thiên Chúa – trở nên đáng tin cậy hơn: đó là một dự án được ẩn giấu trong việc tạo dựng con người “theo hình ảnh của Người và giống với Người” và được đóng ấn trong Con Thiên Chúa làm người.
Ý nghĩa của cuộc sống
Ngày nay tuổi thọ của con người cao hơn. Điều này cho chúng ta cơ hội gia tăng sự liên kết giữa mọi thời đại của cuộc sống; và với ý nghĩa của cuộc sống một cách trọn vẹn. Ý nghĩa của cuộc sống không chỉ ở tuổi trưởng thành, từ 25 đến 60; không. Ý nghĩa của cuộc sống là tất cả, từ khi sinh ra đến khi chết đi và bạn phải có khả năng nói chuyện với mọi người, có những mối quan hệ tình cảm với mọi người, như vậy sự trưởng thành của bạn sẽ phong phú hơn, mạnh mẽ hơn. Và nó cũng cung cấp cho chúng ta ý nghĩa cuộc sống, đó là tất cả.
Vẻ đẹp của nhịp điệu cuộc sống
Xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta trí thông minh và sức mạnh để thực hiện sự thay đổi này. Sự lấn át của thời gian của đồng hồ phải được chuyển đổi thành vẻ đẹp của nhịp điệu cuộc sống. Đây là sự cải cách mà chúng ta phải thực hiện trong lòng mình, trong gia đình và xã hội. Hãy biến đổi sự lấn át của thời gian, thứ luôn hối thúc chúng ta, thành nhịp điệu của cuộc sống. Sự liên minh của các thế hệ là điều cần thiết. Trong một xã hội mà người già không nói chuyện với người trẻ, người trẻ không nói chuyện với người già, người lớn không nói chuyện với người già hoặc với người trẻ, đó là một xã hội vô sinh, không có tương lai, một xã hội không nhìn về phía chân trời nhưng chỉ ngắm nhìn chính mình. Và trở nên đơn độc. Xin Chúa giúp chúng ta tìm ra thứ âm nhạc phù hợp cho sự hòa hợp này của các độ tuổi khác nhau: trẻ nhỏ, người già, người lớn, tất cả cùng nhau: một bản giao hưởng đối thoại tuyệt đẹp.
Nguồn: https://www.vaticannews.va/