Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thờ – Ngày 2/2/2024

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 2,22-32″]

Khi đã đủ thời gian, đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Chúa”.

Ông bà cũng lên để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.

Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông.

Ông đã được Thánh Thần linh báo là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa.

Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để làm điều người ta quen làm theo luật dạy, 28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

“Muôn lạy Chúa, giờ đây

theo lời Ngài đã hứa,

xin để tôi tớ này được an bình ra đi.

Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ

Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:

Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,

là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

ĐỜI DÂNG HIẾN VÀ ĐỀN THỜ

“Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa” (Lc 2,23)

Trong Kinh Mân Côi, mầu nhiệm Vui thứ bốn: “Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong Đền Thánh, ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.” Sự vâng lời của cha mẹ Đức Giêsu không chỉ có nơi đời sống công chính khi giữ trọn Lề Luật, mà còn trải dài trong suốt cuộc đời trung thành với Thiên Chúa và với nhau. Nhờ lời hứa của Thiên Chúa mà cụ Simêon đã chờ đợi cả đời để chính mắt trông thấy ơn cứu độ. Nơi nữ ngôn sứ Anna, bà cũng đã dành cả đời để cầu nguyện phụng sự Thiên Chúa và không rời khỏi Đền Thờ.

“Chúa Giêsu cũng như các tiên tri trước Người, tỏ lòng tôn kính rất sâu xa đối với Đền thờ Giêrusalem. Ở đó, Người đã được thánh Giuse và Đức Maria tiến dâng, bốn mươi ngày sau khi Người ra đời. Lúc mười hai tuổi, Người quyết định ở lại trong Đền thờ để nhắc cha mẹ Người nhớ rằng Người phải lo việc của Cha Người. Trong quảng đời ẩn dật của Người, Người đều lên Đền thờ mỗi năm ít nhất để mừng lễ Vượt Qua; thừa tác vụ công khai của Người được đánh dấu như theo nhịp điệu những lần Người hành hương lên Giêrusalem.” (GLHTCG. 583)

Lời tiên tri của Simêon đã nên ứng nghiệm, khi Đức Giêsu sẽ trở thành viên đá gây vấp phạm cho nhiều người Do Thái, khi Người dùng bữa với những người thu thuế và tội lỗi, một cách rất thân mật; chống lại những người tự cho mình là công chính mà khinh chê người khác (Lc 18,9), Người còn tuyên bố trước mặt nhóm Pharisêu rằng mọi người đều có tội (Ga 8,33-36) và công khai tha tội, công khai coi mình ngang hàng với Thiên Chúa (Mc 2,7; Ga 5,18) (GLHTCG. 587-591) Vì thái độ của mình đối với Lề Luật và đối với Đền Thờ, Chúa Giêsu đã trở thành mục tiêu cho người ta chống đối. Chúa Giêsu là ánh sáng muôn dân, là vinh quang của Israel, nhưng cũng là dấu hiệu cho người đời chống báng. Cuộc dâng hiến Đức Giêsu trong Đền Thờ tiên báo cuộc dâng hiến sau này của Người trên Thập Giá và cũng mang ý nghĩa cho cả cuộc đời của Người được dâng cho Chúa Cha. Chính Đức Giêsu cũng vì vâng lời Chúa Cha mà mang lấy tất cả tội lụy của trần gian.

Đời dâng hiến của mỗi người chúng ta không bắt đầu từ ngày vào chủng viện, hay ngày lãnh tu phục, hay ngày truyền chức, khấn dòng, mà là ngay từ những ngày đầu đời khi chúng ta lãnh nhận Phép Thánh Tẩy. Sứ mạng được tiên báo của chúng ta là tiếp tục công trình cứu độ của Chúa Giêsu thiết lập, nâng dậy những anh chị em đã mất lòng trông cậy vào Thiên Chúa, là thuyết phục những người chống đối Chúa quay trở lại, giúp họ nhận ra Vị Cứu Tinh đích thực. Suốt cuộc đời Chúa Giêsu đã dâng hiến trọn vẹn cho Chúa Cha để hoàn tất ý muốn của Người.

Chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi người luôn ý thức noi gương Chúa Giêsu, dành cả cuộc đời để thi hành ý Chúa Cha, dù phải chịu lụy, đó mới thực sự là ý nghĩa Đời Dâng Hiến của mỗi người.

[/loichua]

Comments are closed.