THAO THỨC CỦA MỘT NHÀ ĐÀO TẠO TÂM HUYẾT
Mới đây, nhân dịp công tác mục vụ tại miền Nam, ngày 12.02.2025 vừa qua, Đức Cha Phêrô Kiều Công Tùng Giám mục chính toà Giáo phận Phát Diệm đã có chuyến viếng thăm đầy ý nghĩa và ấm áp tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc, nơi đào tạo những mục tử tương lai của Giáo Hội. Đây không chỉ là một cuộc gặp gỡ thông thường, mà còn là dịp để Đức Cha chia sẻ những tâm tư sâu sắc và truyền đạt những thao thức của một mục tử với công việc đào tạo môn đệ cho việc truyền giáo, đồng thời khơi gợi trong các chủng sinh sự nhận thức về sứ mệnh cao cả mà họ sẽ thực hiện trong tương lai. Đức Cha Phêrô dựa trên bài nói chuyện từ cuộc gặp gỡ của Đức thánh cha Phanxicô với các nhà đào tạo của các Đại Chủng Viện vào ngày 25.01.2025 để chia sẻ một số ưu tư.
Thao thức của một Mục Tử đối với việc đào tạo
Với tâm hồn của một mục tử đầy yêu thương và quan tâm, Đức Cha Phêrô đã nhấn mạnh rằng việc đào tạo chủng sinh không chỉ là trách nhiệm của các ban giảng huấn, mà đây còn là nhiệm vụ của mỗi người trong cộng đoàn Đại Chủng Viện. Đức Cha dẫn câu hỏi Chúa Giê-su đã hỏi Thánh Phêrô: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không?” (Ga 21,16), để nhấn mạnh rằng mối liên hệ giữa tình yêu đối với Chúa và yêu thương đoàn chiên là không thể tách rời. Một mục tử chỉ có thể thực sự yêu mến Thầy khi biết yêu thương và chăm sóc đàn chiên của mình, khi mang lấy mùi chiên, chia sẻ cùng họ những niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống.
Tự đào tạo đóng vai trò quan trọng trong tiến trình đào tạo
Đức Cha cũng khẳng định rằng việc tự đào tạo là yếu tố quyết định trong hành trình trưởng thành của mỗi chủng sinh. Đào tạo không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu kiến thức từ quý giáo sư, nhưng còn bao gồm việc mỗi chủng sinh tự mình nỗ lực xây dựng nhân cách, rèn luyện đức tin và khả năng sống hòa hợp trong cộng đoàn. Chính sự tự ý thức và nỗ lực học hỏi, rèn luyện không ngừng sẽ giúp các chủng sinh trở thành những mục tử thánh thiện và đích thực trong tương lai. Đức Cha nhấn mạnh rằng chỉ khi các chủng sinh tự mình tìm kiếm sự hoàn thiện trong mọi lĩnh vực – từ trí thức đến tâm linh – thì họ mới có thể trở thành những người mục tử thật sự, phục vụ Chúa và Giáo Hội một cách hiệu quả.
Cộng Đoàn – môi trường đào tạo và trưởng thành
Một điểm đáng chú ý trong bài chia sẻ của Đức Cha là việc hình thành và nuôi dưỡng các mối tương quan trong cộng đoàn. Đại Chủng Viện không chỉ là nơi học tập, mà còn là một môi trường sống, nơi các chủng sinh học cách sống và yêu thương nhau trong tinh thần cộng đoàn. Đức Cha đã chỉ ra rằng, trong cộng đoàn, mỗi người đều là một thành viên của một gia đình lớn, cùng chung mục đích đào tạo nên những mục tử đầy lòng nhiệt huyết và yêu thương. Quý Cha, quý Sơ, anh chị em nhân viên cùng các chủng sinh đều có một sứ mệnh chung: đó là giúp đỡ và đồng hành cùng nhau trong hành trình đào tạo, để mỗi người đều có thể tìm thấy ý nghĩa và sự trưởng thành trong cộng đoàn đó.
Bên cạnh đó, Đức Cha lấy minh chưng cụ thể từ những ngày nghỉ Tết vừa qua : đây không chỉ là dịp để các chủng sinh trở về thăm gia đình, mà còn là thời gian quý báu để các chủng sinh tự đào luyện mình trong môi trường cộng đoàn tại giáo xứ. Thời gian này giúp các chủng sinh không chỉ nghỉ ngơi mà còn có cơ hội kết nối, xây dựng các mối tương quan lành mạnh với cộng đoàn giáo xứ, từ đó phát triển phẩm hạnh và tinh thần phục vụ. Những mối tương quan này, khi được xây dựng trên nền tảng chân thành và yêu thương, sẽ góp phần tạo dựng sự tin tưởng vững chắc, là nền tảng cho quá trình đào tạo.
Đón nhận và nuôi dưỡng các mối tương quan
Đức Cha cũng đã chia sẻ rằng trong cộng đoàn Chủng viện, các chủng sinh sẽ gặp phải một môi trường đa dạng, nhiều anh em cùng chung chí hướng đến từ nhiều vùng miền, với nhiều nền văn hóa và tính cách khác nhau. Đây chính là cơ hội quý giá để họ học cách đón nhận, sống hòa đồng và xây dựng những mối tương quan chân thành với tất cả mọi người. Việc này không chỉ giúp các chủng sinh hoàn thiện nhân cách mà còn giúp họ chuẩn bị tốt hơn cho sứ mệnh mục vụ sau này.
Mặt khác, việc nuôi dưỡng các mối tương quan trong cộng đoàn cũng không phải là điều dễ dàng. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ra những gợi ý quý báu để nuôi dưỡng tình yêu thương trong cộng đoàn: đó là lòng yêu mến chân thành, sự gần gũi và thân thiện, lòng trắc ẩn và khả năng sống khó nghèo, để có thể ở giữa và mang lấy mùi chiên. Một mục tử cần có khả năng phục vụ và yêu thương, không phải để tìm kiếm sự phục vụ cho bản thân, mà là để giúp đỡ, dẫn dắt đoàn chiên đến với Chúa.
Văn chương phục vụ trong đào tạo
Cuối cùng, Đức Cha Phêrô cũng chia sẻ về vai trò quan trọng của văn chương trong việc đào tạo chủng sinh. Trích dẫn lá thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về “vai trò của văn chương trong đào tạo”, ngài nhấn mạnh rằng văn hóa đọc đang dần bị mai một trong xã hội hiện đại, và điều này là một tín hiệu đáng báo động. Văn chương không chỉ là công cụ để phát triển trí thức mà còn là phương tiện giúp chủng sinh hình thành và phát triển những giá trị tâm linh và mục vụ. Đức Cha kêu gọi các chủng sinh không ngừng rèn luyện bản thân qua việc đọc sách, việc suy tư và học hỏi từ những di sản văn hóa tinh thần của của những người đi trước, để có thể trở thành những mục tử như lòng Chúa mong ước.
Những gì còn lưu lại
Chuyến thăm của Đức Cha Phêrô Kiều Công Tùng tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong lòng các chủng sinh, không chỉ về kiến thức mà còn về cách sống và phục vụ. Những lời chia sẻ của ngài đã khơi gợi trong các chủng sinh sự thao thức, lòng nhiệt huyết, và ý thức về sứ mệnh cao cả mà họ sẽ lãnh nhận trong tương lai. Qua đó, họ không chỉ được củng cố về mặt kiến thức và đức tin, mà còn được trang bị những giá trị sống quý báu để trở thành những mục tử đầy lòng yêu thương, hòa hợp và sẵn sàng phục vụ đoàn chiên của Chúa.
Chủng sinh Phêrô Nguyễn Duy Trường