Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc
I. Quá trình hình thành Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc
Năm 1975, công việc huấn luyện chủng sinh trải qua một bước ngoặt: các chủng viện tạm thời đóng cửa. Mãi đến năm 1986, Đại Chủng viện Thánh Giuse Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh mới được hoạt động lại và trở thành nơi đào tạo linh mục cho 6 Giáo phận: Tp. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Mỹ Tho, Phan Thiết, Phú Cường và Xuân Lộc. Con số ứng sinh được đề nghị thì nhiều, nhưng số lượng được chấp thuận lại rất hạn chế và cứ hai năm mới được chiêu sinh một lần trong khi nhu cầu của các Giáo phận lại rất lớn. Do đó, Đức cha Phaolô-Maria Nguyễn Minh Nhật, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, đã đề xuất dự án mở Đại Chủng viện tại Xuân Lộc. Dự án này được Hội đồng Giám mục Việt Nam chấp thuận và kiến nghị với Chính phủ. Ngày 26/10/1999, Ban Tôn giáo Chính phủ thông báo cho Đức Giám mục Giáo phận biết là Thủ tướng đã có chủ trương cho mở Đại Chủng viện tại Xuân Lộc với danh xưng Cơ Sở II Đại Chủng viện Thánh Giuse Tp. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án còn gặp nhiều trở ngại.
Ngày 30/09/2004, Đức cha Phaolô-Maria Nguyễn Minh Nhật nghỉ hưu. Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh lên kế vị đã tích cực xúc tiến để dự án sớm được thực hiện.
Ngày 14/12/2005, Chính phủ chính thức chấp thuận cho thành lập Đại Chủng viện Thánh Giuse Cơ sở II tại Xuân Lộc để đào tạo linh mục cho 4 Giáo phận: Xuân Lộc, Bà Rịa, Đà Lạt và Phan Thiết.
Xây dựng cơ sở
Với sự cộng tác tích cực của cả Giáo phận, Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh đã cho thực hiện công trình xây cất Đại Chủng viện trên khu đất trước đây là Tiểu Chủng viện thánh Phaolô.
Ngày 26/08/2006: Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng Đại Chủng viện và nâng cấp Tòa Giám mục.
Ngày 26/09/2008: Thánh lễ Tạ ơn công trình gần hoàn thành, nhân dịp có khóa họp của Hội đồng Giám mục Việt Nam tại Tòa Giám mục Xuân Lộc.
Ngày 19/03/2009: cung hiến nhà nguyện Đại Chủng viện và kết thúc công trình xây dựng Đại Chủng viện.
Ngày 03/01/2011: khởi công xây dựng tòa nhà mới cho Ban Triết học để nhận thêm chủng sinh. Từ niên khóa 2011 – 2012, Đại Chủng viện chiêu sinh mỗi năm 75 chủng sinh mới và, vì vậy, số lượng chủng sinh trong Đại Chủng viện sẽ lên tới 525.
Ngày 13/04/2012: Thánh lễ Tạ ơn công trình tòa nhà Ban Triết học gần hoàn thành, nhân dịp có khóa họp của Hội đồng Giám mục Việt Nam tại Tòa Giám mục Xuân Lộc, và kết thúc cuộc viếng thăm mục vụ của Đức Tổng Leopoldo Girelli, Đại Diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam.
Sinh hoạt của Đại Chủng viện
Năm 2006, vì nhu cầu và hoàn cảnh đòi hỏi, Đại Chủng viện đã bắt đầu hoạt động trong khi còn đang xây dựng cơ sở vật chất. Ngày 01/10/2006 Đại Chủng viện Xuân Lộc khai giảng Khóa đầu tiên với 66 chủng sinh của riêng Giáo phận Xuân Lộc, vì các Giáo phận khác chưa kịp chuẩn bị ứng sinh.
Từ niên khóa 2007 – 2008, Đại Chủng viện bắt đầu đón nhận các chủng sinh của 3 Giáo phận Bà Rịa, Đà Lạt và Phan Thiết. 26/09/2010: Với tinh thần truyền giáo, Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc đã cho Đại Chủng viện nhận chủng sinh từ các Giáo phận còn quá thiếu linh mục. Trong niên khóa 2010 – 2011, Đại Chủng viện đã mở cửa đón nhận các chủng sinh của 3 Giáo phận ngoài Bắc: Hưng Hóa, Lạng Sơn và Phát Diệm.
25/04/2011: Phái đoàn Nhà Nước đến thăm Đại Chủng viện với mục đích công bố sắc lệnh của Chính phủ chính thức công nhận Đại Chủng viện Xuân Lộc là một Đại Chủng viện độc lập với danh xưng chính thức: “Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc”.
Tiếp tục phát huy tinh thần truyền giáo, Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc đã nhận thêm các chủng sinh của các Giáo phận ngoài Bắc. Do đó, trong niên khóa 2011 – 2012, Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc có 336 chủng sinh thuộc 9 Giáo phận: Xuân Lộc, Bà Rịa, Đà Lạt, Phan Thiết, Hải Phòng, Hưng Hóa, Lạng Sơn, Phát Diệm và Thanh Hóa.
Tổ chức và tăng cường nhân sự
Ngay từ những ngày đầu, Đại Chủng viện đã được tổ chức và điều hành do một Ban Đào tạo, dưới sự hướng dẫn của Cha Giám đốc Giuse Nguyễn Năng.
25/07/2009: Cha Giám đốc Giuse Nguyễn Năng được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Phát Diệm.
15/09/2009: Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo, từ Roma, đã về làm Giám đốc Đại Chủng viện do lời mời của Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc. Ban Đào tạo và Giáo sư của Đại Chủng viện đã được tăng cường liên tục để đáp ứng các nhu cầu huấn luyện cho các chủng sinh mỗi ngày mỗi đông số. Trong niên khóa 2011 – 2012, nhân sự lo việc đào tạo trong Đại Chủng viện Xuân Lộc gồm có 21 linh mục và 1 phó tế trong Ban Giám đốc và Giáo sư nội trú, 31 linh mục và 2 giáo dân trong Ban Giáo sư ngoại trú.
II. Đường hướng huấn luyện chủng sinh
1. Viễn tượng và mục đích việc đào tạo
Mục đích việc huấn luyện trong chủng viện là đào tạo chủng sinh thành linh mục cho Giáo Hội của Chúa. Trong khi trung thành noi theo những chỉ dẫn của Giáo Hội, công việc huấn luyện chủng sinh trong chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc muốn đưa ra những áp dụng cụ thể, với những dấu nhấn cần thiết để làm nổi bật khuôn mặt của linh mục tương lai, như những Linh Mục hạnh phúc trong ơn gọi và hăng say, nhiệt thành trong sứ vụ, thể hiện qua 5 yếu tố sau đây:
Say mến Chúa Giêsu đến độ gắn bó với Chúa, trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa, hạnh phúc được thuộc trọn về Chúa, để Chúa trở thành lực đẩy cho tất cả cuộc sống và công tác tông đồ, và luôn được thúc đẩy bởi lòng ước ao giới thiệu Chúa Kitô chịu đóng đinh cho tha nhân. Sẵn sàng hy sinh, từ bỏ tất cả vì Chúa, theo những đòi hỏi và tinh thần của 3 Lời khuyên Phúc âm, cho lòng được thanh thoát để sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì Chúa muốn và để có khả năng sử dụng tất cả những gì mình có để phục vụ Chúa và lo cho công việc Nhà Chúa. Đầy lòng thao thức, hăng say mục vụ và truyền giáo: với tinh thần và tâm tình của Chúa Giêsu Mục tử nhân lành, thương yêu chăm sóc đoàn dân Chúa trao phó và thao thức lo lắng để anh chị em lương dân được biết Chúa.
Có khả năng trí thức về chiều sâu và chiều rộng để hiểu sâu xa mầu nhiệm Chúa; hiểu ngọn nguồn, căn rễ các vấn đề của con người và của xã hội đương thời dưới ánh sáng của Đức Tin và có sáng kiến mục vụ đem Tin Mừng đến người thời đại cách thích hợp.
Thấm nhuần tình yêu đối với Giáo Hội: trong tinh thần đức tin, yêu mến Đức Thánh Cha, gắn bó với Giáo phận, kính yêu và vâng lời Bề trên, thương yêu và cộng tác chân thành với anh em linh mục, với mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận, đồng thời tâm tư cũng rộng mở ra các nhu cầu chung của Giáo Hội hoàn vũ và của công việc truyền giáo khắp nơi trên thế giới.
2. Những yếu tố được để ý đặc biệt trong hành trình huấn luyện
Tất cả chương trình sống và các sinh hoạt trong chủng viện nhắm đến mục tiêu huấn luyện nói trên. Một số yếu tố được lưu tâm đặc biệt:
a) Đời sống thiêng liêng
Chương trình đào tạo nhắm giúp các chủng sinh luyện tập để có đời sống nội tâm sâu xa, có nếp sống thân tình và gần gũi với Chúa Giêsu Thánh Thể, yêu mến suy niệm Lời Chúa để được biến đổi trong tâm tư, tiêu chuẩn và nếp sống theo tinh thần của Chúa, có lòng xác tín và yêu thích việc cầu nguyện theo cộng đoàn cũng như riêng tư cá nhân. Do đó, ngoài những giờ cầu nguyện đã được ấn định trong chương trình của chủng viện, các chủng sinh được khích lệ tìm giờ viếng Chúa Giêsu Thánh Thể và giờ cầu nguyện riêng để sống thân mật với Chúa.
b) Những yếu tố nhân bản được nhấn mạnh
Các văn kiện của Giáo Hội về đào tạo linh mục, nhất là Tông huấn Pastores dabo vobis (s. 43-44) nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc đào tạo nhân bản trong hành trình đào tạo linh mục. Trong hoàn cảnh văn hóa, xã hội Việt Nam hiện nay, chủng viện lưu ý chủng sinh về những điểm sau đây: Những đức tính nhân bản cần luyện tập: Tinh thần công bằng, lòng ngay thẳng, lòng nhân ái, sự tín trung trong lời nói, tinh thần trách nhiệm trong cộng đoàn, lòng chung, tinh thần trách nhiệm của người tông đồ và của người lãnh đạo, tinh thần khiêm nhường, tinh thần “kính trên nhường dưới”, hòa hợp 3 yếu tố: vâng lời – cộng tác – sáng kiến, tình yêu gia đình và lòng yêu quê hương dân tộc theo ánh sáng Đức Tin. Những tật xấu cần diệt trừ:Gian dối, trọng hình thức, bệnh thành tích, tính ươn lười, tính toán tư lợi, danh vọng, tự ái, ăn nhậu, tính hưởng thụ.
c) Việc sử dụng các phương tiện truyền thông tân tiến: xe gắn máy, điện thoại di động, máy vi tính, tivi, internet, 3G, MP4, iPod, iPhone, iPad…
Các phương tiện truyền thông là những phương tiện có thể làm cho cuộc sống thêm phong phú và giúp ích rất nhiều cho việc tông đồ, nhưng chúng cũng có thể dẫn đến đam mê, làm bại hoại tâm hồn. Thay vì sử dụng chúng như dụng cụ để xây đắp cuộc đời và để phục vụ, nhiều người đã trở thành nô lệ và cuộc sống trở nên mệt mỏi và trống rỗng. Do đó, chủng sinh được hướng dẫn để luyện tập cho lòng được thanh thoát và tự do để có thể sử dụng chúng một cách tích cực, như những phương tiện để phục vụ Chúa và làm ích cho tha nhân.
Lý tưởng: cuộc luyện tập nhằm giúp chủng sinh làm chủ chính mình để khi không còn kỷ luật cộng đoàn, không có ai bên cạnh, vẫn có khả năng quyết định chỉ sử dụng chúng khi cần, và chỉ sở hữu các phương tiện ở mức độ cần thiết theo tinh thần khó nghèo của Lời khuyên Phúc âm. Tự luyện: hành trình luyện tập cốt yếu là việc tự luyện, theo nghĩa là mỗi chủng sinh phải ý thức về tầm quan trọng của sự tự chủ trong tương quan với những phương tiện tân tiến này và ra sức luyện tập. Qui luật: Để trợ lực cho những lúc yếu đuối, cần phải có những qui luật. Ngoài những qui luật chung, mỗi chủng sinh phải tự biết mình để, nếu cần, đưa ra những qui luật riêng cho chính mình, sau khi đã bàn hỏi với Cha Linh hướng.
d) Tinh thần và chương trình Ngày Chúa Nhật Mục Vụ
Chương trình Ngày Chúa Nhật Mục Vụ nhắm 4 mục đích: i) khơi dậy, nuôi dưỡng tinh thần và lòng thao thức mục vụ, truyền giáo nơi các chủng sinh. ii) giúp các chủng sinh ý thức những nhu cầu mục vụ chính yếu hiện nay. iii) tạo cơ hội để các chủng sinh có thể tiếp xúc cụ thể với những nhu cầu mục vụ, truyền giáo đó. iv) học hỏi kinh nghiệm nơi những vị đang dấn thân phục vụ trong các môi trường mục vụ truyền giáo.
Do đó, mỗi niên khóa, các chủng sinh sẽ được hướng dẫn đến những môi trường mục vụ truyền giáo khác nhau.
Các mảng mục vụ truyền giáo: trừ Triết I ở nhà học tập kỹ năng mục vụ, Triết II: Giới Trẻ, Thiếu Nhi ; Thần I: Dân nghèo, bệnh nhân, người già ; Thần II: Di dân ; Thần III : Sinh viên, Tân tòng ; Thần IV: Truyền giáo.
Trong niên khóa 2011-2012, để ý đặc biệt đến những điểm sau đây:
Luyện tập tinh thần dấn thân và óc sáng kiến mục vụ.
Tinh thần đơn sơ và khó nghèo: trên nguyên tắc, đem theo túi đồ ăn để khỏi làm phiền và khỏi trở thành gánh nặng cho các giáo xứ.
Luyện tập lòng thao thức mục vụ theo gương Chúa Giêsu (x. Lc 4, 40-44): khi xong công tác mục vụ sẽ về chủng viện ngay, không thăm viếng bạn bè hay gia đình. Khi về chủng viện, nếu còn thì giờ, sẽ đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để cầu nguyện cho những người hay những hoàn cảnh đã gặp trong ngày mục vụ.
3. Phương thức huấn luyện
a) Nguyên tắc
Mục đích của việc huấn luyện trong chủng viện không phải là chỉ dạy cho biết nhiều ý niệm và lý thuyết triết học, thần học hay trau dồi khả năng kỹ thuật cho hoàn hảo, nhưng là huấn luyện con người trên mọi chiều kích, giúp các chủng sinh được biến đổi từ một thanh niên thành một môn đệ của Chúa trong ơn gọi linh mục. Do đó, hai tác nhân chính yếu là Chúa Thánh Thần với sức mạnh và ơn thánh của Ngài và người chủng sinh. Các cha giáo trong chủng viện và các yếu tố khác chỉ đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ, khích lệ… Vì vậy, việc huấn luyện phải được gắn liền với việc tự huấn luyện.
b) Phương thức
Để đạt được mục đích theo nguyên tắc trên đây, mỗi lớp sẽ có 3 cha đồng hành phụ trách : Ban Đồng hành : hướng dẫn và uốn nắn đời sống nhân bản và mục vụ ; Ban Linh hướng : hướng dẫn và uốn nắn đời sống thiêng liêng ; Ban Học vấn : uốn nắn các suy tư, rèn luyện khả năng lãnh hội và diễn đạt tư tưởng.Công tác của Ban Huấn luyện sẽ theo phương thức sau đây:
Gây ý thức và chỉ dẫn.
Khích lệ các chủng sinh gặp gỡ và lắng nghe tiếng Chúa.
Thúc đẩy và khích lệ mỗi chủng sinh dấn thân luyện tập.
Đồng hành và trợ giúp mỗi chủng sinh, nương theo thực tại cụ thể của họ.
Trong viễn tượng này, qui luật chỉ có giá trị “chỉ đường” và nâng đỡ khi yếu đuối; những giờ gặp gỡ và đối thoại riêng tư với Cha Linh hướng, Cha Đồng hành, Cha Giáo sư có tính cách “quyết định” sẽ được coi trọng chú ý đặc biệt.
Tiến trình đào tạo
Dựa theo chỉ dẫn của bản Ratio về việc huấn luyện trong các chủng viện, việc đào tạo các ứng sinh linh mục của Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc được tổ chức theo tiến trình gồm 4 giai đoạn: Giai đoạn Dự tu Mỗi Giáo phận đều có chương trình riêng về giai đoạn dự tu là thời gian chuẩn bị để vào chủng viện. Riêng đối với Giáo phận Xuân Lộc, các nam sinh viên công giáo muốn theo đuổi ơn gọi linh mục, nếu trúng tuyển, sẽ được gọi là Dự tu. Các em sẽ tiếp tục theo học chương trình Đại học, kéo dài 3 – 4 năm, tùy ngành học.Trong thời gian này, các em được quy tụ lại trong các “Cộng đoàn dự tu”, có một Cha Đồng hành hướng dẫn.
Chu kỳ Triết học (3 năm)
Chương trình Triết học kéo dài 3 năm, trong đó, Năm Triết I sẽ thực hiện chương trình của Năm Tu Đức theo chỉ dẫn của bản Ratio.
* Năm thử (1 năm)
* Sau chu kỳ Triết học, các chủng sinh trở về Giáo phận mình để sinh hoạt Năm Thử tùy theo sự chỉ định của Đức Giám mục Giáo phận của mình.
* Chu kỳ Thần học (4 năm)
* Sau Năm Thử, các chủng sinh trở lại chủng viện để tiếp tục việc tu học theo chương trình của 4 năm Thần học. Kết thúc 4 năm Thần học cũng là kết thúc chu kỳ huấn luyện trong chủng viện, các chủng sinh sẽ trở về Giáo phận của mình. Việc lãnh chức phó tế và linh mục sẽ tùy theo chương trình của mỗi Giáo phận.
Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo
Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc