Đường Hướng Huấn Luyện Chủng Sinh

 

 

Đường Hướng Huấn Luyện Chủng Sinh

 

dcv-hoa-tiet

……Trong khi trung thành noi theo những chỉ dẫn của Giáo Hội, đặc biệt những văn kiện nói trên, công việc huấn luyện trong Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc muốn đưa ra những áp dụng cụ thể, với những dấu nhấn cần thiết cho môi trường và thời đại, để làm nổi bật khuôn mặt của linh mục tương lai, như những LINH MỤC HẠNH PHÚC TRONG ƠN GỌI VÀ HĂNG SAY, NHIỆT THÀNH TRONG SỨ VỤ…..

Mục Lục

dcv-hoa-tiet-2

01. Các Ký Hiệu Viết Tắt

02. Lịch Sử Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc

03. Hành Trình Huấn Luyện

04. Mục Đích, Tinh Thần Và Chương Trình Huấn Luyện

05. Chương Trình Huấn Đức

06. Chương Trình Đào Tạo Trí Thức

07. Chương Trình Năm Thử

08. Chương Trình Năm Mục Vụ

09. Một Số Quy Định

10. Hướng Dẫn Sinh Hoạt Đạo Đức

Các Ký Hiệu Viết Tắt

dcv-hoa-tiet-2

BGĐ/ĐCV: Ban Giám đốc / Đại Chủng viện

ĐGH : Đức Giáo Hoàng

ĐLƠG: Động lực ơn gọi

GKPV: Giờ Kinh Phụng Vụ

NB: Nhân bản

TL:  Thiêng liêng

TT: Trí thức

MV:   Mục vụ

LG: Lượng giá

HĐGMVN: Hội đồng Giám mục Việt Nam

GLHTCG: Giáo lý Hội Thánh Công Giáo

 

 

LỊCH SỬ ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE XUÂN LỘC

dcv-hoa-tiet-2

 

1. Quá trình hình thành

     Năm 1975, công việc huấn luyện chủng sinh trải qua một bước ngoặt: các chủng viện tạm thời đóng cửa. Mãi đến năm 1986, Đại Chủng viện Thánh Giuse Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh mới được hoạt động lại và trở thành nơi đào tạo linh mục cho 6 Giáo phận: Đà Lạt, Mỹ Tho, Phan Thiết, Phú Cường, Tp. Hồ Chí Minh và Xuân Lộc. Con số ứng sinh được đề nghị thì nhiều, nhưng số lượng được chấp thuận lại rất hạn chế và cứ hai năm mới được chiêu sinh một lần, trong khi nhu cầu của các Giáo phận lại rất lớn. Do đó, sau khi chấp chính Giáo phận (1988), Đức cha Phaolô-Maria Nguyễn Minh Nhật đã đề xuất dự án mở Đại Chủng viện tại Xuân Lộc. Dự án này được Hội đồng Giám mục Việt Nam chấp thuận và kiến nghị với Chính phủ.

     Ngày 26/10/1999, Ban Tôn giáo Chính phủ thông báo cho Đức Giám mục Giáo phận biết là Thủ tướng đã có chủ trương cho mở Đại Chủng viện tại Xuân Lộc với danh xưng “Cơ Sở II Đại Chủng viện Thánh Giuse Tp. Hồ Chí Minh”. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án còn gặp nhiều trở ngại.

     Ngày 30/09/2004, Đức cha Phaolô-Maria Nguyễn Minh Nhật nghỉ hưu. Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh lên kế vị đã tích cực xúc tiến để dự án sớm được thực hiện.

     Ngày 14/12/2005, Chính phủ chính thức chấp thuận cho thành lập Đại Chủng viện Thánh Giuse Cơ sở II tại Xuân Lộc để đào tạo linh mục cho 4 Giáo phận: Bà Rịa, Đà Lạt, Phan Thiết và Xuân Lộc.

     Ngày 25/04/2011, Chính phủ công nhận Đại Chủng viện Xuân Lộc là một Đại Chủng viện độc lập.

2.  Xây dựng cơ sở

     Với sự cộng tác tích cực của cả Giáo phận, Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh đã cho thực hiện công trình xây cất Đại Chủng viện trên khu đất trước đây là Tiểu Chủng viện Thánh Phaolô.

     Ngày 26/08/2006, Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng Đại Chủng viện và nâng cấp Tòa Giám mục.

     Ngày 26/09/2008, Thánh lễ Tạ ơn công trình gần hoàn thành, nhân dịp có khóa họp của Hội đồng Giám mục Việt Nam tại Tòa Giám mục Xuân Lộc.

     Ngày 19/03/2009, cung hiến Nhà nguyện Đại Chủng viện, kết thúc công trình xây dựng Đại Chủng viện, gồm toà nhà chung cho cả hai Ban: Triết học và Thần học.

     Hai năm sau, ngày 03/01/2011, khởi công xây dựng toà nhà mới cho riêng Ban Triết học để nhận thêm chủng sinh. Từ niên khoá 2011–2012, Đại Chủng viện chiêu sinh mỗi năm 75 chủng sinh mới và, vì vậy, số lượng chủng sinh trong Đại Chủng viện có thể lên tới 525.

     Ngày 13/04/2012, Thánh lễ Tạ ơn công trình tòa nhà Ban Triết học gần hoàn thành, nhân dịp có khóa họp của Hội đồng Giám mục Việt Nam tại Tòa Giám mục Xuân Lộc, và kết thúc cuộc viếng thăm mục vụ của Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại Diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam.

3. Hoạt động

     Năm 2006, vì nhu cầu và hoàn cảnh đòi hỏi, Đại Chủng viện Xuân Lộc đã bắt đầu hoạt động trong khi còn đang xây dựng cơ sở vật chất. Ngày 01/10/2006, Đại Chủng viện Xuân Lộc khai giảng Khóa đầu tiên với 66 chủng sinh của riêng Giáo phận Xuân Lộc, vì các Giáo phận khác chưa kịp chuẩn bị ứng sinh.

Từ niên khóa 2007–2008, Đại Chủng viện bắt đầu đón nhận các chủng sinh của 4 Giáo phận: Bà Rịa, Đà Lạt, Phan Thiết và Xuân Lộc. 

     Ngày 26/09/2010, với tinh thần truyền giáo, Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc đã cho Đại Chủng viện nhận chủng sinh từ các Giáo phận còn quá thiếu linh mục. Trong niên khóa 2010-2011, Đại Chủng viện đã mở cửa đón nhận các chủng sinh của 3 Giáo phận: Hưng Hoá, Lạng Sơn và Phát Diệm.

     Ngày 25/04/2011, phái đoàn Nhà Nước đến thăm Đại Chủng viện với mục đích công bố quyết định của Chính phủ, chính thức công nhận Đại Chủng viện Xuân Lộc là một Đại Chủng viện độc lập với danh xưng “Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc”.

     Tiếp tục phát huy tinh thần truyền giáo, Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc đã nhận thêm các chủng sinh của các Giáo phận khác. Do đó, trong năm học 2013–2014 Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc có các chủng sinh thuộc 10 Giáo phận: Bà Rịa, Bắc Ninh, Đà Lạt, Hải Phòng, Hưng Hoá, Lạng Sơn, Phan Thiết, Phát Diệm, Thanh Hoá và Xuân Lộc.

4. Tổ chức và nhân sự

     Ngay từ những ngày đầu, Đại Chủng viện đã được tổ chức và điều hành do một Ban Đào tạo, dưới sự hướng dẫn của Cha Giám đốc Giuse Nguyễn Năng.

     Ngày 25/07/2009, Cha Giám đốc Giuse Nguyễn Năng được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Phát Diệm.

     Ngày 15/09/2009, Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo, từ Roma, đã về làm Giám đốc Đại Chủng viện do lời mời của Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc.

     Ban Đào tạo và Giáo sư của Đại Chủng viện đã được tăng cường liên tục để đáp ứng các nhu cầu huấn luyện cho các chủng sinh mỗi ngày mỗi đông số.


Về Mục Lục

 

HÀNH TRÌNH HUẤN LUYỆN

dcv-hoa-tiet-2

    Áp dụng những chỉ dẫn của bản Ratio của HĐGMVN, chương trình đào tạo của Đại Chủng viện Xuân Lộc được tổ chức theo ba giai đoạn: Dự tu, Triết học và Thần học.

1.  Chương trình Dự Tu

    Mỗi Giáo phận đều có chương trình dự tu để chuẩn bị các ứng sinh vào Đại Chủng viện, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện của mình. Riêng tại Giáo phận Xuân Lộc, chương trình dự tu được chia ra 2 giai đoạn:

    a)  Giai đoạn Trung học

    Các em có ý hướng dâng mình cho Chúa trong ơn gọi Linh mục được tuyển chọn từ các lớp Trung học. Sau kỳ thi tuyển, các em được chọn vẫn tiếp tục sống tại gia đình và theo học tại các trường Trung học địa phương. Trong thời gian này, có quý Cha, quý Thầy được chỉ định hướng dẫn các em theo chương trình và tinh thần của Ban Giám đốc Đại Chủng viện đề xướng.

    b)  Giai đoạn Đại Học

    Trong thời gian học Đại Học, các em sẽ được qui tụ lại trong các Cộng đoàn Dự tu. Mỗi Cộng đoàn Dự tu có Cha hoặc Thầy đồng hành hướng dẫn theo chương trình và tinh thần do Ban Giám Đốc Đại Chủng viện đề xướng. Hiện nay, Giáo phận Xuân Lộc có 9 Cộng đoàn Dự tu.

2.  Chương trình Triết học

    Chương trình Triết học gồm ba năm học tại Đại Chủng viện và một Năm Thử tại các Giáo xứ. Năm Triết I áp dụng đặc biệt chương trình Tu đức của bản Ratio.

3.  Chương trình Thần học

    Chương trình Thần học gồm bốn năm học tại Đại Chủng viện và một Năm Thực tập Mục vụ tại các Giáo xứ. Các chủng sinh hội đủ mọi điều kiện của hành trình tu luyện đề xướng, sẽ lãnh chức Linh mục vào cuối Năm Thực tập Mục vụ.

⇒Về Mục Lục

 

MỤC ĐÍCH, TINH THẦN VÀ CHƯƠNG TRÌNH HUẤN LUYỆN

dcv-hoa-tiet-2

I.  Viễn tượng và mục đích việc đào tạo

    Mục đích việc huấn luyện trong Đại Chủng viện là đào tạo chủng sinh thành Linh mục Giáo phận cho Giáo Hội của Chúa. Từ đầu thế kỷ XX, nhất là từ Công Đồng Vaticanô II (1965), các Đức Thánh Cha và các Bộ của Tòa Thánh đã ban hành nhiều hướng dẫn về việc đào tạo các ứng viên chức Linh mục (chủng sinh) qua nhiều văn kiện, trong đó, có những văn kiện trình bày những nét chính yếu và căn bản, có những văn kiện nói đến một khía cạnh cần được chú ý đặc biệt tùy theo mỗi thời điểm. Ngoài những văn kiện nói trên, việc đào tạo chủng sinh còn được soi sáng bởi những văn kiện về đời sống linh mục[1].

    Dựa theo những văn kiện đó, nhiều Hội đồng Giám mục quốc gia đã soạn thảo bản Ratio riêng, áp dụng các nguyên tắc chung của Giáo Hội vào hoàn cảnh tôn giáo, văn hóa, xã hội cụ thể của mình.

    Tại Việt Nam, Ủy ban Giám mục về Giáo sĩ và Chủng sinh đã soạn thảo bản Ratio của mình. Bản Ratio này đã được HĐGMVN chấp thuận vào ngày 08 tháng 04 năm 2010, trong Hội nghị Hội đồng Giám mục Việt Nam, tại Trung tâm Đức Mẹ Bãi Dâu, Vũng Tàu và được Tòa Thánh phê chuẩn qua sắc lệnh của Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc, ký ngày 31 tháng 10 năm 2011.

    Việc huấn luyện chủng sinh trong các Đại Chủng viện cần phải dựa vào các văn kiện của Tòa Thánh, nhất là bản Ratio Fundamentalis ấn bản 1970 và 1985 của Bộ Giáo Dục Công Giáo và Tông huấn Pastores Dabo Vobis của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1992). Riêng tại Việt Nam, ngoài các văn kiện của Tòa Thánh, việc huấn luyện chủng sinh còn cần phải tham khảo bản Ratio của HĐGMVN như kim chỉ nam.

    Trong khi trung thành noi theo những chỉ dẫn của Giáo Hội, đặc biệt những văn kiện nói trên, công việc huấn luyện trong Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc muốn đưa ra những áp dụng cụ thể, với những dấu nhấn cần thiết cho môi trường và thời đại, để làm nổi bật khuôn mặt của linh mục tương lai, như những LINH MỤC HẠNH PHÚC TRONG ƠN GỌI VÀ HĂNG SAY, NHIỆT THÀNH TRONG SỨ VỤ[2], thể hiện qua 5 yếu tố sau đây:

1. Say mến Chúa Giêsu, Đấng đã được Chúa Cha sai xuống thế gian để cứu chuộc nhân loại trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Đây là yếu tố nền tảng, là sức mạnh, là trung tâm điểm của đời sống của Đại Chủng viện và là lý do của các lựa chọn, các chương trình. Lòng say mến Chúa Giêsu sẽ dẫn đưa người chủng sinh gắn bó với Ngài, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, hạnh phúc được thuộc trọn về Ngài[3], để Ngài trở thành lực đẩy cho tất cả cuộc sống và công tác tông đồ[4], đồng thời để được thúc đẩy bởi lòng ao ước giới thiệu Chúa Kitô chịu đóng đinh cho tha nhân[5].

2. Sẵn sàng hy sinh và từ bỏ tất cả vì Chúa (x. Pl 3, 7-9), thực hành theo những đòi hỏi và tinh thần của ba Lời khuyên Phúc âm (Khiết tịnh, Khó nghèo và Vâng phục). Nhờ đó, lòng được thanh thoát để sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì Chúa muốn[6] và để có khả năng sử dụng tất cả những gì mình có nhằm phục vụ Chúa và lo cho đoàn Dân Thánh của Chúa[7].

3. Đầy lòng thao thức, hăng say mục vụ và truyền giáo[8]: với tinh thần và tâm tình của Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, “mang vào mình mùi của chiên”[9], thương yêu chăm sóc đoàn Dân Thánh Chúa trao phó và thao thức lo lắng để anh chị em lương dân được biết Chúa.

Thấm nhuần tình yêu đối với Giáo Hội: trong tinh thần đức tin, yêu mến Đức Thánh Cha, gắn bó với Giáo phận, kính yêu và vâng lời bề trên, thương yêu và cộng tác chân thành với anh em linh mục, với mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận. Quan tâm đến các nhu cầu chung của Giáo Hội hoàn vũ và của công việc truyền giáo khắp nơi trên thế giới.

4. Có khả năng trí thức để:

Hiểu sâu xa mầu nhiệm Thiên Chúa.

Hiểu ngọn nguồn, căn rễ các vấn đề của con người và của xã hội đương thời dưới ánh sáng của Đức Tin.

Có sáng kiến mục vụ đem Tin Mừng đến người thời đại cách thích hợp.

Có khả năng diễn tả tư tưởng cách rõ ràng và thích hợp với thời đại.

5. Có các đức tính nhân bản theo gương Chúa Giêsu : trưởng thành, tinh thần trách nhiệm, hiệp thông và tận tâm phục vụ.

II.  Những yếu tố cần được để ý đặc biệt 

    Tất cả chương trình sống và các sinh hoạt trong Đại Chủng viện nhắm đến mục tiêu huấn luyện nói trên. Một số yếu tố sau đây cần được để ý đặc biệt:

1. Đời sống thiêng liêng

    Chương trình đào tạo nhắm giúp các chủng sinh luyện tập để có đời sống nội tâm sâu xa, có nếp sống thân tình và gần gũi với Chúa Giêsu Thánh Thể, yêu mến suy niệm Lời Chúa để được biến đổi theo tinh thần của Chúa về tâm tư, tiêu chuẩn và nếp sống, có lòng xác tín và yêu thích việc cầu nguyện theo cộng đoàn cũng như cá nhân. Do đó, ngoài Nhà nguyện chung của Đại Chủng viện, còn có những Nhà nguyện riêng cho từng lớp để các chủng sinh có cơ hội gần gũi với Chúa Giêsu Thánh Thể. Dưới đây là một số chỉ dẫn cho những khía cạnh cần được để ý hơn trong hành trình luyện tập đời sống tâm linh:

a) Viếng Chúa Giêsu Thánh Thể và cầu nguyện riêng: Ngoài những giờ cầu nguyện đã được ấn định trong chương trình của Đại Chủng viện, các chủng sinh được khích lệ tìm giờ viếng Chúa Giêsu Thánh Thể và cầu nguyện riêng để có một nếp sống thân thiết với Chúa Giêsu, trong tình yêu của Chúa Thánh Thần nhằm tiến đến cùng Chúa Cha, vì không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Con Một của Ngài (x. Ga 14,6-7).

b) Đọc (Nghe) sách thiêng liêng (Lectio spiritualis), Nguyện gẫm (Meditatio), Chiêm niệm (Contemplatio).

Trong hành trình thiêng liêng đi vào chiều sâu của đời sống nội tâm, có ba tác động chính yếu, tuy khác nhau nhưng liên hệ mật thiết với nhau. Đó là Đọc (Nghe) sách thiêng liêng, Nguyện gẫm và Chiêm niệm.

♦ Đọc (Nghe) sách thiêng liêng nhằm nuôi dưỡng tâm hồn bằng những tư tưởng tốt, vì “tư tưởng điều khiển hành động”. Nếu tâm hồn được nuôi dưỡng bằng những tư tưởng cao thượng, các hành động cũng có thể cao thượng.

♦ Nguyện gẫm: đọc sách thiêng liêng là điều tốt, nhưng chưa đủ vì chỉ giúp tích lũy những tư tưởng tốt, trong khi những tư tưởng và tình cảm xấu vẫn còn chất chứa trong tâm khảm. Cần phải có nguyện gẫm để biến đổi con người qua việc chiếu soi và thay đổi các tư tưởng và tình cảm, đồng thời tăng cường ý chí thường rất yếu đuối và dòn mỏng. Trong việc nguyện gẫm, phải sử dụng cách tích cực 3 khả năng là Trí nhớ (Memoria), Trí hiểu (Intellectus) và Ý chí (Voluntas). Trí nhớ gợi lại sự hiểu biết đã có về mầu nhiệm đang suy niệm. Trí hiểu phải tích cực suy tư để khám phá thêm những khía cạnh mới của mầu nhiệm hay ít nữa để xác tín sâu xa hơn những điều đã hiểu. Sau đó, việc suy tư phải hướng về chính mình để nhận diện và chiếu soi các tư tưởng, tình cảm, thái độ, nếp sống của mình nhờ ánh sáng của những điều đã hiểu. Sau cùng, ý chí quyết định thay đổi các tư tưởng, tình cảm, thái độ, nếp sống theo ánh sáng của mầu nhiệm đã suy gẫm. Tác động nguyện gẫm đòi phải có thời gian thinh lặng lâu dài để có thể huy động các khả năng hoạt động tích cực. Nhờ đó, người ta mới có thể nhận ra con người thực của mình, với những ý tưởng và tình cảm thầm kín trong lòng và quyết tâm cách sâu đậm thay đổi những điều đó và nhờ vậy, con người của mình mới được biến đổi.

♦ Chiêm niệm (tạm gác một bên sự phân biệt giữa “contemplatio acquisita” và “contemplatio infusa”) là sự hiện diện và ngơi nghỉ trước mặt Chúa và trong tình thương yêu của Ngài. Chiêm niệm cũng được gọi là kinh nguyện dâng hiến và kinh nguyện thinh lặng vì không những không dùng lời nói, mà cũng không tích cực suy tư như khi nguyện gẫm, nhưng chỉ hiện diện và ngơi nghỉ trong tình yêu của Chúa.

c) Lectio Divina (cầu nguyện Lời Chúa riêng tư một mình): ba cấp độ cầu nguyện chiều sâu nói trên được thể hiện nối tiếp với nhau trong hình thức cầu nguyện Lời Chúa “Lectio Divina”. Có nhiều phương thức cầu nguyện Lời Chúa, nhưng phương thức của cha dòng chiêm niệm Guigo II đề nghị vào thế kỷ XI đã đem lại rất nhiều kết quả thiêng liêng cho nhiều thế hệ các tín hữu và đã được ĐTC Bênêđictô XVI nhắc lại trong tông huấn Verbum Domini (Lời Chúa), đặc biệt trong số 86-87. Theo phương thức này, cầu nguyện Lời Chúa có 5 giai đoạn, không kể phần chuẩn bị và kết thúc: 1) Lectio (đọc); 2) Meditatio (gẫm); 3) Oratio (cầu nguyện); 4) Contemplatio (chiêm niệm); 5) Actio (thực hành).

    Lectio Divina theo nhóm: việc cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa trong nhóm vừa soi sáng tâm hồn mỗi người, vừa làm cho tinh thần hiệp thông trong cộng đoàn được vững mạnh và có chiều sâu. Một phương thức Lectio Divina theo nhóm đã được nhiều nơi áp dụng và đem lại nhiều kết quả thiêng liêng:

1)   Làm dấu Thánh Giá, kinh Chúa Thánh Thần và một giây lát thinh lặng để đi vào chiều sâu nội tâm.

2)   Một người đọc đoạn Kinh Thánh đã được chọn để suy gẫm.

3)   Người hướng dẫn đọc những điểm hướng dẫn suy gẫm đã dọn trước.

4)   Một người khác đọc lại đoạn Kinh Thánh.

5)   Sau giây phút thinh lặng, mỗi người tham dự nói lên câu hay từ đã đánh động sự chú ý của mình.

6)   Mỗi người trình bày ý nghĩa câu hay từ đã nói trước.

7)   Mỗi người dâng một lời cầu nguyện cho Giáo Hội, cho thế giới, cho Quê hương, Giáo phận hay bất cứ ý chỉ nào khác.

8)   Kết thúc bằng kinh Lạy Cha.

d)  Giờ Kinh Phụng Vụ: cử hành trọng thể Kinh Sáng và Kinh Chiều II ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng.

e)  Lòng sùng kính: đời sống nội tâm được nuôi dưỡng đặc biệt qua lòng sùng kính mà người ta có thể thấy rất nhiều trong truyền thống Giáo Hội và qua kinh nghiệm của các thánh. Mỗi người có những lòng sùng kính riêng, nhưng trong Đại Chủng viện, một vài lòng sùng kính sẽ được khích lệ chung: Phép Thánh Thể, Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse, Quan Thầy Đại Chủng viện, các Thánh Tử Đạo Việt Nam và Thánh Gioan Maria Vianney.

2. Những yếu tố nhân bản cần được chú ý đặc biệt

     Các văn kiện của Giáo Hội về đào tạo linh mục, nhất là Tông huấn Pastores Dabo Vobis (số 43-44) nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc huấn luyện nhân bản trong hành trình đào tạo linh mục. Bản Ratio của HĐGMVN cũng coi trọng khía cạnh nhân bản và đặt thành một trong bốn chiều kích chính yếu của hành trình đào tạo các ứng sinh linh mục. Dựa theo giáo huấn của các văn kiện của Giáo Hội và của bản Ratio của HĐGMVN, Đại Chủng viện Xuân Lộc muốn đề ra một số yếu tố, như dấu nhấn cần thiết trong hoàn cảnh văn hóa và xã hội Việt Nam hiện nay:

a) Những đức tính nhân bản cần luyện tập

♦ Lòng ngay thẳng và thành thật, khả năng hy sinh và khổ chế, khiêm nhường, “kính trên nhường dưới”, tín trung trong lời nói, can đảm nhận lỗi và chịu trách nhiệm về lỗi đã phạm, hòa hợp các yếu tố: lắng nghe – vâng lời – cộng tác – sáng kiến.

♦ Đức công bằng, lòng nhân ái, lòng chung và tinh thần trách nhiệm trong cộng đoàn, tinh thần và khả năng lãnh đạo, quy tụ, nối kết, tình yêu gia đình và lòng yêu quê hương dân tộc theo ánh sáng Đức Tin.

♦ Khả năng tương trợ, lắng nghe, sống chung, làm việc chung. Yêu mến con người và nơi mình được sai đến. Tế nhị khéo léo trong sự kế thừa công việc của người đi trước.

b)  Những tật xấu cần diệt trừ

♦ Tự ái, háo danh, mê ăn uống, nóng nảy, cộc cằn, gian dối, trọng hình thức, bệnh thành tích, ươn lười, tính toán tư lợi, hình thức giải trí khơi lòng dục, nói đùa tục tĩu.

♦ Thích lý sự, cãi cọ, phê bình, chỉ trích người khác, nhất là người vắng mặt, kể truyện làm quà, đổ lỗi cho người khác để chạy tội, trốn tránh trách nhiệm.

♦ Thiên tư, thành kiến, bè phái, kiêu căng, quá coi trọng cái tôi và ý kiến riêng của mình, dửng dưng với việc chung.

c)  Sự hỗ trợ của các chuyên viên

    Để luyện tập các đức tính nhân bản và diệt trừ các tật xấu, ngoài việc huấn đức và hướng dẫn của các cha Đồng hành, Đại Chủng viện sẽ xin sự hỗ trợ của những nhà chuyên môn có phương pháp và kỹ năng.

3.  Đức Thinh lặng

    Thinh lặng là một đức tính cần thiết cho đời sống và sứ mệnh mục vụ của linh mục. Đức tính này lại càng cần thiết hơn cho linh mục trong xã hội ngày nay, khi khuynh hướng chung là thích ồn ào, lãng phí thời giờ trong những câu truyện vô bổ. Hơn nữa, nhiều người còn lạm dụng lời nói và chữ viết để phê bình, chỉ trích, bêu xấu và có khi còn vu vạ cáo gian làm mất danh dự của người khác, hoặc xuyên tạc sự thật gây hiểu lầm, chia rẽ, nghi kỵ, hiềm khích và thù nghịch.

    Luật thinh lặng trong Đại Chủng viện nhằm huấn luyện những linh mục tương lai yêu thích sự thinh lặng như một đức tính chứ không phải chỉ là một sự kiềm chế, hay là một qui luật phải tuân giữ khi ở Đại Chủng viện. Để được như vậy, cần phải hiểu một số lý do và mục đích của luật thinh lặng:

♦ Thinh lặng để bổ dưỡng tâm hồn và giữ cho tâm hồn được an bình.

♦ Thinh lặng để ý thức những tình cảm, ý nghĩ sâu thẳm trong lòng đã và đang thúc đẩy mình nói và hành động. Nhờ đó, biết được con người thực của mình, biết những gì cần phải sửa đổi.

♦ Thinh lặng để biết suy nghĩ, đắn đo trước khi nói và hành động, sao cho phù hợp với nơi chốn, với tình huống, với những con người khác nhau.

♦ Thinh lặng để nghe tiếng Chúa nói trong nội tâm và đáp lại bằng sự ưng thuận. “Giữ thinh lặng chính là để nghe Thiên Chúa – Faire silence, c’est écouter Dieu” (Madeleine Delbrêl).

Nhằm giúp các chủng sinh ý thức và tập luyện đức thinh lặng, những nơi chốn và thời gian cần phải giữ thinh lặng được qui định như sau:

♦ Những nơi luôn giữ thinh lặng :  khu vực Nhà nguyện, phòng Thánh Thể, các phòng ngủ, các phòng học riêng.

 NB. Tránh gây ồn ào, tụ tập quá đông, nô giỡn ở các cầu thang và hành lang trên lầu.

♦ Những lúc luôn giữ thinh lặng :

▫  ♦ Thời gian thinh lặng thánh : từ sau giờ Kinh tối đến giờ ăn sáng.

▫   ♦ Các giờ đạo đức, các giờ học, giờ huấn đức, giờ ngủ.

4. Việc sử dụng các phương tiện di chuyển và truyền thông: Xe gắn máy, Điện thoại di động, Máy vi tính, Tivi, Internet, MP4, iPod, và các thiết bị có thể truy cập internet (3G, tablet, smartphone, smartwatch…)

    Các phương tiện di chuyển và truyền thông có thể làm cho cuộc sống thêm phong phú và giúp ích rất nhiều cho việc tông đồ. Giáo Hội nhìn các phương tiện truyền thông cách rất tích cực. Chính Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và ĐTC Bênêđictô XVI đã nhiều lần mời gọi các linh mục, tu sĩ cũng như các tông đồ giáo dân phải biết sử dụng các phương tiện truyền thông, như Internet, CD, DVD…, để loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, các phương tiện di chuyển và truyền thông có một sức thôi miên, dẫn đến đam mê, làm bại hoại tâm hồn. Thay vì sử dụng chúng như phương tiện để hỗ trợ cuộc sống và loan báo Tin Mừng, nhiều người đã trở thành nô lệ cho chúng, khiến cuộc sống trở nên mệt mỏi và trống rỗng. Do đó, cần phải luyện tập cho lòng được thanh thoát và tự do để có thể sử dụng chúng một cách tích cực, như những phương tiện hỗ trợ việc loan báo Tin Mừng và làm ích cho tha nhân.

    Một số yếu tố cần được lưu ý trong hành trình luyện tập:

a) Sức mạnh của các phương tiện tân tiến và sự yếu đuối của ý chí: cần phải ý thức là các phương tiện tân tiến này có một sức hấp dẫn và lôi cuốn mãnh liệt hoặc vì chính chúng đã có sức lôi cuốn, hoặc vì chúng cung cấp những điều có sức lôi cuốn, trong khi ý chí của con người lại rất yếu đuối.

b) Cạm bẫy: các phương tiện tân tiến chỉ là những phương tiện hay dụng cụ, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều khi chúng được coi như biểu hiện của sự văn minh tiến bộ và như thước đo lường giá trị của một người. Do đó, người ta hãnh diện vì có những dụng cụ tân tiến, hoặc bị mặc cảm khi không có chúng hay chỉ có thứ ít chức năng.

c) Viễn tượng huấn luyện:

Lý do và nguồn lực: lý do căn bản cần phải luyện tập cho lòng được thanh thoát khỏi tất cả, trong đó có các phương tiện tân tiến, là để “chọn lựa chỉ một Chúa Giêsu” với tất cả lòng say mến và phó thác. Đây cũng chính là nền tảng và là nguồn lực của tất cả hành trình tu luyện. Vì vậy, việc tu luyện phải được xây đắp trên đời sống cầu nguyện, sống thân tình, mật thiết với Chúa Giêsu: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Chúa Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Chúa Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Chúa Kitô và được kết hợp với Người” (Pl 3,7-9).

♦ Lý tưởng: việc luyện tập cho lòng được thanh thoát khỏi các phương tiện tân tiến nhằm giúp chủng sinh làm chủ chính mình để khi không còn kỷ luật cộng đoàn và không có ai bên cạnh, vẫn có khả năng quyết định chỉ sử dụng chúng khi cần và chỉ sở hữu chúng ở mức độ cần thiết theo tinh thần khó nghèo của Lời khuyên Phúc âm.

♦ Tự luyện: hành trình luyện tập cốt yếu là việc tự luyện, theo nghĩa là mỗi người phải ý thức về tầm quan trọng của sự tự chủ trước những phương tiện tân tiến và ra sức luyện tập. Quý Cha phụ trách chỉ có thể hướng dẫn và trợ lực chứ không thể thay thế. Vì vậy, việc luyện tập có ba yếu tố bổ túc lẫn nhau: 1/ đời sống cầu nguyện thiết nghĩa với Chúa Giêsu; 2/ cố gắng liên lỉ: “Thua keo này, bày keo khác”; 3/ cởi mở, lắng nghe và trao đổi với các cha, nhất là cha Linh hướng và cha Đồng hành trong các giờ huấn đức và những lần gặp gỡ đối thoại.

♦ Qui luật (trợ lực bên ngoài cho sự  yếu đuối):

 Để trợ lực cho những lúc yếu đuối, cần phải có những qui luật. Ngoài những qui luật chung, mỗi người phải tự biết mình để, nếu cần, đưa ra những qui luật riêng cho chính mình, sau khi đã bàn hỏi với Cha Linh hướng. Sau đây là một số qui luật chung:

Điện thoại di động và các phương tiện khác như MP4, iPod, và các thiết bị có thể truy cập internet (3G, tablet, smartphone, smartwatch…): nên để ở nhà. Ai đưa về Đại Chủng viện, xin nộp cho các Cha Đồng hành. Trong những trường hợp đặc biệt, có thể xin phép Cha Đồng hành sử dụng trong một thời gian giới hạn.

NB:

♦ Máy MP3 và Kim Từ điển (không có chức năng nối mạng hay xem phim): được sử dụng cho việc học, trong các giờ học riêng.

♦ Việc thu âm, ghi hình trong Đại Chủng viện và đưa lên mạng: cần có phép.

     Máy vi tính: chỉ sử dụng máy vi tính trong thời gian và ở nơi qui định. Điều quan trọng là phải luyện tập để giải thoát lòng trí khỏi máy vi tính. Sau đây là một số qui định cụ thể cần thiết cho việc luyện tập làm chủ mình trong việc sử dụng máy vi tính:

               Các lớp Triết: cất giữ và sử dụng máy vi tính ở phòng chung được chỉ định.

               Lớp Thần I & II: cất giữ máy nơi chung, sử dụng máy tại phòng riêng trong những giờ qui định.

               Lớp Thần III & IV: cất giữ máy trong phòng riêng và chỉ sử dụng vào những giờ qui định.

     Ngoài những qui định chung trên đây, mỗi người phải chân thành với Cha Linh hướng của mình để tìm ra những qui luật cần thiết theo thực trạng riêng của mình.

▫  ♦ Xe máy: chỉ sử dụng cho việc mục vụ ngày Chúa Nhật. Ai cần sử dụng trong những dịp khác, phải xin phép. Ngoài những lý do chung của việc xin phép như sẽ được nói đến trong phần nguyên tắc ở các trang 75-78, việc xin phép ở đây giúp tập suy xét, đắn đo và kiềm chế chính mình để lòng được thanh thoát khỏi các phương tiện có mãnh lực chi phối lòng trí con người trong xã hội hôm nay.

▫  ♦ Mạng Internet: chỉ nối mạng theo thời biểu đã được qui định. Khi có nhu cầu đặc biệt, có thể xin phép Cha Đồng hành hay Cha Giáo phụ trách Internet.

     Những qui luật trên đây được áp dụng trong thời gian ở Đại Chủng viện, với mục đích luyện tập làm chủ mình, cho lòng thanh thoát, không vấn vương, không bị lệ thuộc vào bất cứ điều gì. Trong các mùa nghỉ, Năm Thử và Năm Mục vụ, được sử dụng các phương tiện nói trên để kiểm tra sự tự chủ, sự thanh thoát trong việc sử dụng các phương tiện đó. Sau mỗi mùa nghỉ, Năm Thử và trong Năm Mục vụ, khi trở về Đại Chủng viện, cần phải cùng với quý Cha Đồng hành, duyệt xét lại kinh nghiệm cụ thể của sự luyện tập để rút kinh nghiệm cho hành trình tiếp theo.

5.   Ngày Chúa nhật Mục vụ Tinh thần và chương trình

a)  Chương trình ngày Chúa Nhật Mục vụ được thực hiện trong các ngày Chúa Nhật, trừ ngày Chúa Nhật tĩnh tâm tháng và những ngày Chúa Nhật có chương trình đặc biệt.

b)  Trong ngày Chúa Nhật Mục vụ, Lớp Triết I (Tu đức) học tập kỹ năng mục vụ.

c)  Trong việc thực hiện chương trình ngày Chúa Nhật Mục vụ cần để ý những điểm sau đây:

     Mục đích: khơi dậy và nuôi dưỡng tinh thần và lòng thao thức mục vụ truyền giáo nơi các chủng sinh; giúp các chủng sinh ý thức những nhu cầu mục vụ chính yếu hiện nay; tạo cơ hội để các chủng sinh có thể tiếp xúc cụ thể với những nhu cầu mục vụ truyền giáo; học hỏi kinh nghiệm nơi những vị đang dấn thân phục vụ trong các môi trường mục vụ truyền giáo. Do đó, mỗi năm học, các chủng sinh sẽ được hướng dẫn đến những môi trường mục vụ truyền giáo khác nhau.

     Một số điểm cần được để ý đặc biệt:

  ♦ Luyện tập tinh thần dấn thân và óc sáng kiến mục vụ: với sự hướng dẫn và trợ lực của Cha Đồng hành, các chủng sinh (từng hai hay bốn người) phải đi tìm môi trường hoạt động theo mảng mục vụ đã được ấn định cho Lớp của mình. Nếu gặp khó khăn, phải có sáng kiến và khi có nhu cầu, cần bàn hỏi với Cha Đồng hành để tìm giải pháp. Sau cùng, Cha Đồng hành Nhân bản và Mục vụ chính thức liên hệ và xác nhận với Cha xứ hoặc Cha Phụ trách.

  ♦ Tinh thần đơn sơ và khó nghèo: trên nguyên tắc, đem theo thức ăn trưa. Tuy nhiên khi cha xứ mời dùng cơm, tùy nghi có thể nhận lời, nhưng nên bàn hỏi với Cha Đồng hành cho những lần sau.

  ♦ Luyện tập lòng thao thức mục vụ theo gương Chúa Giêsu (x. Lc 4,40-44): khi xong công tác mục vụ, phải về Đại Chủng viện ngay, không thăm viếng bạn bè hay gia đình. Khi về Đại Chủng viện, nếu còn thì giờ, nên đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để cầu nguyện cho những người hay những hoàn cảnh đã gặp trong ngày mục vụ. Nếu về Đại Chủng viện sau 16g00, phải trình với Cha Đồng hành Nhân bản và Mục vụ.

d)    Các mảng Mục vụ

Các lớp TRIẾT

Triết I    : Học kỹ năng mục vụ

Triết II  : Người bệnh, người già

Triết III : Giới trẻ, Thiếu nhi

Các lớp THẦN

Thần I   : Di dân

Thần II  : Ơn gọi

Thần III : Sinh viên, Tân tòng

Thần IV : Truyền giáo

* Ngoài ra, trong suốt hành trình tu luyện tại Đại Chủng viện, sau giờ cơm tối mỗi ngày, có các chương trình rèn luyện kỹ năng mục vụ: xướng âm, đàn, ca trưởng, chương trình vi tính cần thiết cho sinh hoạt giáo xứ… Đàng khác, còn có các khóa huấn luyện đặc biệt về Thiếu Nhi Thánh Thể.

6.   Mùa hè mục vụ giáo xứ và bác ái truyền giáo

a)  Các lớp Thần học trong mùa hè sẽ đến thực tập mục vụ tại các giáo xứ theo chương trình của Giáo phận.

b)  Lớp Triết I và Triết II sau khóa học Anh ngữ, từng nhóm từ ba đến năm người sẽ đi chia sẻ đời sống và phục vụ những người nghèo khổ, anh chị em lương dân.

III.  Phương thức, Nhân sự, Tổ chức và Cơ sở huấn luyện

1. Nguyên tắc và mục đích

    Mục đích của việc đào tạo và huấn luyện trong Đại Chủng viện là dạy cho biết những ý niệm, lý thuyết triết học, thần học, trau dồi các khả năng kỹ thuật và giữ các luật lệ cho hoàn hảo, và nhất là huấn luyện con người trong mọi chiều kích, giúp chủng sinh biến đổi từ một thanh niên thành một môn đệ của Chúa trong ơn gọi Linh mục.

    Trong công việc đào tạo và huấn luyện nhằm biến đổi con người của chủng sinh, vai trò chính yếu là Chúa Thánh Thần và chủng sinh. Bên cạnh đó, các cha phụ trách huấn luyện giữ vai trò trung gian, hướng dẫn, khích lệ. Anh em chủng sinh trợ giúp và làm gương sáng. Dù sao, công cuộc đào tạo và huấn luyện vẫn đòi hỏi mỗi chủng sinh phải tự huấn luyện và dấn thân tu luyện.

2. Nhân sự huấn luyện

    Để thực hiện mục đích của việc đào tạo và huấn luyện như đã trình bày ở trên, và để cho đời sống Đại Chủng viện thực sự là một cộng đoàn đào tạo, trong đó mỗi chủng sinh đều ý thức dấn thân tu luyện và tham gia vào đời sống cộng đoàn, công tác huấn luyện được tổ chức như sau:

a) Cha Đồng hành

    Mỗi lớp có ba Cha Đồng hành cùng chịu trách nhiệm về hành trình tu luyện của các chủng sinh trong lớp mình phụ trách. Công việc của các ngài, tuy có những dấu nhấn khác nhau, vẫn liên hệ mật thiết và bổ túc cho nhau.

   * Cha Đồng hành Nhân bản và Mục vụ (người chịu trách nhiệm chính): hướng dẫn và uốn nắn về đời sống nhân bản và mục vụ, trong tinh thần, thái độ và cung cách hành xử.

   * Cha Đồng hành thiêng liêng: hướng dẫn và uốn nắn về các sinh hoạt thiêng liêng chung.

   * Cha Đồng hành trí thức: hướng dẫn luyện tập khả năng trí thức về ba khía cạnh chính yếu:

    Huấn luyện khả năng diễn tả tư tưởng cách mạch lạc, theo một diễn tiến luận lý chặt chẽ và sử dụng các từ ngữ cách chính xác.

    Huấn luyện khả năng nhận xét, “phê bình” các hoàn cảnh của cuộc sống và công tác mục vụ, hay một bản văn, một cuốn sách, một lời xác quyết trong tư tưởng và trong cách lập luận.

    Huấn luyện thói quen đọc sách và suy tư.

b)  Cha Linh hướng

    Hướng dẫn riêng từng chủng sinh, trong đời sống nội tâm và lương tâm cho đến hết hành trình tu luyện trong Đại Chủng viện.

3. Tổ chức sinh hoạt

    Các sinh hoạt của Đại Chủng viện được tổ chức thành ba cấp bậc, trong tinh thần tương trợ và bổ túc lẫn nhau.

Sinh hoạt chung toàn Đại Chủng viện

       ♦ Chúa Nhật và Lễ Trọng: Kinh Sáng, nguyện ngắm, Thánh Lễ và Kinh Chiều II (trừ Chúa nhật Tĩnh tâm tháng có chương trình riêng).

♦ Thứ Năm: tất cả các giờ đạo đức trong ngày (trừ việc đọc Kinh Thánh tại lớp).

♦ Thánh lễ dịp kỷ niệm chức thánh của Vị Giám đốc Đại Chủng viện và những dịp có nhu cầu theo sự quyết định của Ban Giám đốc.

♦ Các giờ chơi và các giờ ăn (trừ lớp Triết I). 

Sinh hoạt theo Ban

♦ Các ngày Tĩnh tâm Năm và Tĩnh tâm Tháng.

♦ Thánh lễ dịp kỷ niệm chịu chức Linh mục và lễ Bổn Mạng của quý Cha trong Ban và những dịp có nhu cầu theo sự quyết định của quý Cha trong Ban.

♦ Các công tác vệ sinh trong Ban (các tổ sinh hoạt sẽ được phân chia theo Ban).

Sinh hoạt theo Lớp

▫   ♦  Các giờ thiêng liêng hằng ngày (trừ các giờ chung của Đại Chủng viện và theo Ban như đã nói ở trên).

▫   ♦  Các sinh hoạt học vấn và mục vụ.

4. Cơ sở phục vụ các sinh hoạt

    Cơ sở Đại chủng viện được sắp xếp thích hợp với các sinh hoạt chung toàn Đại Chủng viện, theo Ban và theo Lớp. Đặc biệt, ngoài nhà nguyện chung cho cả Đại Chủng viện, còn có nhà nguyện cho mỗi Ban và cho mỗi Lớp phục vụ cho các sinh hoạt thiêng liêng riêng của Lớp.

IV.  Phương pháp Huấn luyện

Trong việc huấn luyện, người ta thường áp dụng một trong hai phương pháp:

    1) Đưa ra những luật lệ rõ ràng, chi tiết và kiểm soát kỹ càng để mọi khoản luật được triệt để thi hành.

    2) Trình bày cho biết những qui luật thiết yếu và sau đó, để mỗi người tự do thực hiện vì “mỗi người đã trưởng thành, biết mình phải làm gì”. Ai không tuân giữ thì sẽ phải chịu trách nhiệm.

    Riêng tại Đại Chủng viện Xuân Lộc, phương pháp đào tạo và huấn luyện là:  gây ý thỨc, gẦn gũi đỂ hưỚng dẪn cỤ thỂ, nâng đỠ, khích lỆ VÀ TẠO ĐIỀU KIỆN, MÔI TRƯỜNG để mỗi chủng sinh hiểu và dấn thân luyện tập, nhắm biến đổi con người của mình và tạo nên một nếp sống phù hợp với Tin Mừng và với ơn gọi Linh mục. Phương pháp này đòi phải có những điều kiện thiết yếu sau đây:

Mỗi chủng sinh

♦  Chọn lựa rõ ràng về ơn gọi và chân thành chấp nhận mọi đòi hỏi của ơn gọi.

♦  Biết mình với những đức tính cũng như yếu đuối và tật xấu để luyện tập nhằm biến đổi con người của mình.

♦  Sống nội tâm sâu xa để nghe tiếng Chúa và múc nguồn sức mạnh từ Chúa.

♦  Cởi mở và tin tưởng đối với quý Cha trong Ban Giám Đốc, đặc biệt với quý Cha đồng hành lớp.

Quý Cha phụ trách huấn luyện

♦  Ngoài tình yêu đối với Chúa, với Giáo Hội và với ơn gọi linh mục, cần phải có tình yêu đối với các chủng sinh, đặc biệt các chủng sinh thuộc trách nhiệm đồng hành. Tình yêu dành cho mỗi chủng sinh đòi khả năng kiên nhẫn, cương quyết hòa lẫn với lòng bao dung, thương mến.

♦  Khơi lên lòng tin tưởng và cởi mở nơi các chủng sinh để các chủng sinh không lo sợ khi yếu đuối sai lỗi, hơn nữa còn dám tỏ lộ con người thật của mình. Nhờ vậy, Cha Đồng hành sẽ hiểu được thực tại của chủng sinh để hướng dẫn và trợ giúp.

♦  Chí thú dồn tất cả tâm huyết, sức lực và thời giờ để đào tạo cho Giáo Hội những linh mục hạnh phúc trong ơn gọi và hăng say, nhiệt thành trong sứ vụ. Việc đào tạo được thực hiện qua việc giảng dạy, và nhất là qua chính đời sống.

♦  Trân trọng nhau trong Ban huấn luyện và đồng tâm nhất trí trong tinh thần và phương thức huấn luyện đã đặt ra.

Tầm quan trọng của những cuộc gặp gỡ và đối thoại cá nhân

    Trong phương pháp huấn luyện này, những cuộc gặp gỡ, đối thoại riêng của mỗi chủng sinh với quý Cha đồng hành là yếu tố quan trọng và có tính quyết định của hành trình tu luyện. Qua những cuộc gặp gỡ đối thoại, quý Cha dễ hiểu được mỗi chủng sinh để hướng dẫn cách thích hợp; còn các chủng sinh thì nhờ sự hướng dẫn của quý Cha, sẽ nhận ra thực tại của mình, để gìn giữ, phát huy những đức tính, đồng thời sửa đổi những khuyết điểm và tật xấu.

    Trên nguyên tắc, mỗi tháng, mỗi chủng sinh cần gặp Cha Linh hướng, Cha Đồng hành Nhân bản-Mục vụ, và Cha Đồng hành Trí thức, mỗi Cha một lần.

Cấu tạo, gìn giữ và nuôi dưỡng “bầu khí”

    Điều quan trọng trong việc huấn luyện không chỉ là những chương trình, qui luật và các giờ huấn đức, dạy dỗ, nhưng còn là bầu khí trong Đại Chủng viện. Vì những giờ giảng dạy, huấn đức có hạn và nhiều khi vẫn trừu tượng,  còn “bầu khí” thì tất cả cùng “hít thở” ngày đêm. Vì thế, để tạo được “bầu khí”, mỗi người, từ quý Cha đến các chủng sinh và những người phục vụ, tất cả phải tích cực đóng góp.

    Cần phải tạo được “bầu khí” trong Đại Chủng viện có những yếu tố:

♦ Linh thiêng : thánh thiện, trầm lắng trong tình say mến Chúa Giêsu.

♦ Gia đình: thương yêu, hiệp nhất, cộng tác, tha thứ, trân trọng nhau.

♦ Luyện tập: say mê học hỏi, tinh thần trách nhiệm, tinh thần hy sinh, từ bỏ.

♦ Hồn tông đồ: thao thức, băn khoăn, hăng say mục vụ và loan báo Tin Mừng.

Những lãnh vực căn bản của việc huấn luyện

I

Nối nguồn →

II

Ý thức, xác tín và chân thành chấp nhận những đòi hỏi của Đức Tin và Ơn Gọi Linh mục →

III

Luyện tập áp dụng cụ thể vào thực tại và hoàn cảnh sống riêng của mình

Tất cả hành trình ơn gọi tùy thuộc vào sự thân tình với Chúa Giêsu. Ngài là lý do, là động lực, là nguồn mạch. Do đó, cần phải luyện tập để có đời sống thân thiết với Chúa Giêsu, kết hiệp liên lỉ và sâu đậm với Ngài để tìm được ánh sáng soi dẫn và sức mạnh trợ lực cho tất cả hành trình tu luyện.

 

♦ Cũng như mọi ơn gọi khác, ơn gọi linh mục có những đòi hỏi và điều kiện cần được hiểu rõ và chấp nhận cách ý thức.

♦ Trong xã hội và môi trường sống, có thể có những cách suy nghĩ và cách sống không phù hợp hoặc cản trở ơn gọi linh mục. Cần phải ý thức và phân định để tránh những cách suy nghĩ và cách sống đó.

♦ Không phải hễ biết là làm được ngay mà phải cố công luyện tập mới được.

♦Thực tại của mỗi người khác nhau. Cần phải hiểu thực tại và hoàn cảnh riêng của mình để luyện tập cách thích hợp. Do đó, việc đồng hành của quí Cha Phụ trách hết sức quan trọng.

♦ Ở lãnh vực này cần để ý đặc biệt đến việc huấn luyện lương tâm, rèn luyện ý chí và sửa đổi những khuynh hướng và thói quen.

⇒Về Mục Lục

 

 

CHƯƠNG TRÌNH HUẤN ĐỨC

dcv-hoa-tiet-2

Chương trình huấn đức được soạn thảo theo những tiêu chí sau :

1. Trung thành với chỉ dẫn của Tòa Thánh và HĐGMVN về đào tạo linh mục, việc đào tạo chủng sinh tại Đại Chủng viện Xuân Lộc muốn làm nổi bật khuôn mặt của linh mục tương lai, là Linh mục hạnh phúc trong ơn gọi và hăng say, nhiệt thành trong sứ vụ. 

2.  Chương trình huấn đức trải dài từ Năm Dự tu I tới Năm Thực tập Mục vụ, gồm 13 năm, được chia thành ba phần:

a) Phần I:

    Gồm ba năm Dự tu Trung học bốn năm Dự tu Đại học với điểm nhấn là Ý ngay lành: nhìn tổng quát về hành trình theo Chúa và định hướng theo Chúa. Những đề tài huấn đức cho những năm Dự tu được soạn riêng, không có trong bản Đường Hướng Huấn Luyện này.

b) Phần II:

    Gồm ba năm Triết học (trong đó năm Triết I thực hiện chương trình của Năm Tu đức), và một năm Thử với điểm nhấn Hiểu và Say mến Chúa Giêsu: tập sống nên giống Chúa Giêsu (sống con người Mầu nhiệm).

c) Phần III:

    Gồm bốn năm Thần học và một năm Thực tập Mục vụ với điểm nhấn Thanh thoát và Dấn thân theo gương Chúa Giêsu: luyện tập lòng yêu mến Giáo Hội (Sống con người Hiệp thông) và lòng yêu mến con người (Sống con người Sứ vụ).

3. Những chủ đề và những định hướng chung cho mỗi năm được phác họa như sau:

Năm Triết I (Tu Đức): SAY MẾN CHÚA GIÊSU (I)

    o Định hướng chung: Say mến Chúa Giêsu

♦  Tập sống thân tình với Chúa Giêsu.

♦  Uốn mình theo đường lối Chúa Giêsu.

♦  Cậy nhờ Chúa, cố gắng vươn lên cho phù hợp với ơn gọi.

Năm Triết II: SAY MẾN CHÚA GIÊSU (II)

    o   Định hướng chung: Say mến Chúa Giêsu

♦ Uốn mình nên giống Chúa Giêsu nhờ tập nhân đức.

♦ Uốn mình nên giống Chúa Giêsu nhờ diệt trừ nết xấu.

Năm Triết III: LUYỆN TẬP THANH THOÁT THEO CHÚA GIÊSU

    o   Định hướng chung: Luyện tập thanh thoát

♦  Luyện tập thanh thoát trong tâm trí.

♦  Luyện tập thanh thoát nhờ các phương thế thiêng liêng.

♦  Nỗ lực vì Chúa Giêsu: điều Chúa muốn, con muốn.

Năm Thử: ỨNG DỤNG THANH THOÁT THEO CHÚA GIÊSU

    o   Định hướng và mục đích: Sống thanh thoát

♦  Thanh thoát để trung thành với Chúa Giêsu Mục Tử.

♦  Thanh thoát để Danh Chúa được cả sáng và các linh hồn được mưu ích.

Năm Thần I: YÊU MẾN GIÁO HỘI: LIÊN ĐỚI, TRÁCH NHIỆM

    o   Định hướng chung: Hiệp thông trong tình liên đới trách nhiệm

♦  Sứ mạng loan báo Tin Mừng được Chúa Giêsu ủy thác cho tập thể là Giáo Hội.

♦  Người tông đồ nhận sứ mạng tông đồ từ Chúa Giêsu qua Giáo Hội.

♦  Người tông đồ chỉ thực hiện sứ mạng cách đúng đắn khi biết hành động cùng với Giáo Hội và trong Giáo Hội.

Năm Thần II: YÊU MẾN GIÁO HỘI: HIỆP THÔNG, BÁC ÁI

    o   Định hướng chung: Hiệp thông trong tình bác ái.

♦  Tình yêu là chất liệu của Tin Mừng.

♦  Theo gương Chúa Giêsu, người tông đồ phải biết “chạnh lòng thương”.

Năm Thần III: YÊU MẾN CON NGƯỜI: TRUYỀN GIÁO, ĐỐI THOẠI

    o   Định hướng chung: Truyền giáo, Đối thoại

♦  Yêu mến Chúa đòi hỏi phải yêu mến con người.

♦  Truyền giáo là phương thức yêu mến con người cách độc đáo của Kitô giáo.

♦  Truyền giáo trong tinh thần đối thoại.

Năm Thần IV: YÊU MẾN CON NGƯỜI: TRYỀN GIÁO, DẤN THÂN PHỤC VỤ

    o   Định hướng chung: Truyền giáo, Dấn thân phục vụ

♦  “Thế giới hôm nay cần chứng nhân hơn thầy dạy” (Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI).

♦   Theo gương Chúa Giêsu, người tông đồ phải biết “lên đường”.

Năm Mục Vụ: THANH THOÁT, DẤN THÂN LÊN ĐƯỜNG

    o   Định hướng chung: Lên đường thực tập mục vụ

♦  Lên đường trong tinh thần thanh thoát.

♦  Lên đường với thái độ dấn thân.

♦   Lên đường để Danh Chúa cả sáng hơn, hầu mưu ích các linh hồn.

⇒Về Mục Lục

 

 

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TRÍ THỨC

dcv-hoa-tiet-2

    Trong hành trình huấn luyện tại Đại Chủng viện, các văn kiện của Giáo Hội và bản Ratio của HĐGMVN quan tâm đặc biệt đến chiều kích trí thức, vì “tư tưởng điều khiển hành động”. Theo bản Ratio của HĐGMVN, chiều kích trí thức là một trong 4 chiều kích căn bản của việc huấn luyện.

I. Hướng Dẫn

1.  Điều kiện để được theo chương trình Đại Chủng viện

♦ Bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông.

♦  Bằng cử nhân Đại học (4 năm) hay khả năng tương đương được Đức Giám mục Giáo phận chứng nhận.

♦  Khả năng ngoại ngữ (Anh, Pháp…) tương đương trình độ B.

2.  Điều kiện lấy văn bằng Cử nhân Thần học của Đại học Urbaniana

♦  Điểm tổng kết các năm học từ 14/20 trở lên.

♦  Bài luận văn ra trường phải viết bằng ngoại ngữ (Anh, Pháp…).

♦  Được Ban Giám Đốc xét duyệt.

3.  Tinh thần

    Việc học trong chương trình tu luyện tại Đại Chủng viện cần phải được hướng dẫn bởi những yếu tố tinh thần sau đây:

a) Việc học, đối với người chủng sinh, không phải là phương tiện tiến thân hay để thoả mãn tính tò mò, nhưng là để chuẩn bị cho trách nhiệm tông đồ của người linh mục mai sau. Vì vậy, lòng say mến Chúa Giêsu và thao thức mục vụ truyền giáo sẽ giúp cho người chủng sinh hăng say và bền chí trong việc học hành.

b) Cần vượt thắng tâm thức học thuộc lòng và thoả mãn với những điều được nghe trong các bài giảng, nhưng phải luyện tập tinh thần tìm tòi, nghiên cứu. Do đó, cần sử dụng Thư viện.

c) Các yếu tố trên đây thúc đẩy tinh thần và nếp sống thinh lặng, lắng nghe và suy tư. Cũng nên lưu ý để khỏi lãng phí thời gian trong những câu truyện vô bổ, hoặc đọc báo chí, tin tức không cần thiết.

4. Việc thi cử

♦ Trung thực trong thi cử, làm bài.

♦ Thi lại lần 2: lấy điểm trung bình cộng của hai lần thi.

♦ Sau 3 lần thi không đạt, dù chỉ 01 môn, sẽ đặt lại vấn đề ơn gọi.

5.  Tăng cường khả năng ngoại ngữ

    Trong viễn tượng nối kết với Đại học Giáo Hoàng Urbaniana tại Roma và để mở rộng kiến thức, Đại Chủng viện tạo điều kiện để các chủng sinh được thăng tiến trong khả năng Anh ngữ, nhờ sự hỗ trợ của Đại Học Holy Family (Philadelphia, USA), Giáo phận Broken Bay (Australia) và Viện Đào Tạo và Nâng Cao Tp. HCM.

II. Các Môn Học

TRIẾT HỌC

1.  Những môn triết Kinh viện

Tr 100            : Vũ trụ luận

Tr 101            : Luận lý học

Tr 102            : Nhân luận triết học

Tr 103            : Thần lý học

Tr 104            : Tri thức luận

Tr 105            : Triết học về luân lý

Tr 106            : Hữu thể học

2.  Những môn triết Tây phương

Tr 110            : Thượng cổ

Tr 111            : Trung cổ

Tr 112            : Cận đại

Tr 113            : Hiện đại

3. Những môn triết Đông phương

Tr 120            : Triết Trung Hoa

Tr 121            : Triết Ấn Độ

4.  Những môn triết học tổng quát

Tr 130            : Triết học nhâp môn

Tr 131            : Tâm lý thực nghiệm

Tr 132            : Trắc nghiệm tâm lý

Tr 133            : Triết học tôn giáo

5. Những môn liên quan với triết học

Tr 140            : Việt văn

Tr 141            : Anh văn

Tr 142            : Latinh

Tr 143            : Hy Lạp

Tr 150            : Nhân bản

Tr 151            : Cơ sở văn hóa Việt Nam

Tr 152            : Nhạc lý

Tr 153            : Thánh nhạc

Tr 160            : Đào tạo Linh mục – Ratio

Tr 161            : Phương pháp luận

Tr 162            : Huấn giáo

Tr 163            : Giáo lý Hội Thánh Công Giáo

Tr 164            : Lịch sử cứu độ

Tr 165            : Linh đạo căn bản – Lectio Divina

Tr 170            : Phụng Vụ nhập môn

Tr 171            : Phụng vụ Thánh lễ

Tr 172            : Kinh Thánh nhập môn

Tr 173            : Môi trường Kinh Thánh

Tr 174            : Đời sống tâm linh

THẦN HỌC

A. Hiểu chân lý siêu nhiên

1. Kinh Thánh

Th 100      : Kinh Thánh nhập môn

Th 101      : Môi trường Kinh Thánh

Th 102      : Ngũ thư – Các sách lịch sử

Th 103      : Văn chương Khôn ngoan-Thánh vịnh

Th 104      : Các sách Tiên tri

Th 105      : Sự kiện Nhất lãm

Th 106      : Matthêu – Marcô

Th 107      : Luca và Công vụ

Th 108      : Gioan – Khải huyền

Th 109      : Thư Phaolô

Th 110      : Thư Công giáo

Th 111      : Phúc âm Chúa Nhật

Th 112      : Thần học Kinh Thánh

2. Tín lý

Th 120      : Thần học nhập môn

Th 121      : Thần học căn bản

Th 122      : Giáo Phụ

Th 123      : Bí tích đại cương

Th 124      : Bí tích khai tâm

Th 125      : Bí tích Truyền Chức – Xức Dầu Bệnh Nhân

Th 126      : Giải Tội – Hôn Phối

Th 127      : Kitô học

Th 128      : Nhân học Kitô giáo 1
(Sáng tạo – Nguyên tội)

Th 129      : Nhân học Kitô giáo 2
(Ân sủng – Cánh chung)

Th 130      : Lịch sử tín điều

Th 131      : Giáo Hội học

Th 132      : Thánh Mẫu học

Th 133      : Thần học tôn giáo

Th 134      : Ba Ngôi

3. Giáo sử

Th 140      : Giáo sử cổ đại – trung đại

Th 141      : Giáo sử cận đại – hiện đại

Th 142      : Giáo sử Việt Nam

B. Loan báo chân lý siêu nhiên

Mục vụ

Th 150      : Giảng thuyết

Th 151      : Thần học mục vụ

Th 152      : Mục vụ Giáo lý

Th 153       : Mục vụ Chuyên biệt
 (gia đình, giới trẻ, Di dân, truyền thông, tâm lý, truyền giáo)

Th 154      : Mục vụ thực hành

Th 155      : Tâm lý mục vụ

Th 156       : Truyền giáo học I
 (Thần học Truyền giáo)

Th 157       : Truyền giáo học II
 (Tu đức Truyền giáo)

Th 158       : Truyền giáo học III
 (Mục vụ Truyền giáo)

Th 159      : Mục vụ di dân

C. Cử hành, sống chân lý siêu nhiên

1. Phụng vụ

Th 160      : Năm phụng vụ

Th 161      : Phụng vụ bí tích

Th 162      : Phụng vụ giờ kinh

2. Luân lý

Th 170      : Luân lý căn bản

Th 171      : Thần học luân lý – Thập giới

Th 172      : Luân lý xã hội

Th 173      : Vấn nạn luân lý – Giải tội

Th 174      : Đạo đức sinh học

Th 175      : Học thuyết xã hội Công giáo

3. Linh đạo

Th 180      : Cầu nguyện

Th 181      : Thần học linh đạo – Phần 1: Nền tảng tín lý

Th 182      : Thần học linh đạo – Phần 2: Tăng trưởng  trong sự thánh thiện

Th 183      : Lịch sử linh đạo

Th 184      : Linh đạo linh mục Giáo phận

Th 185      : Thực hành linh hướng

4. Giáo luật

Th 190      : Giáo luật 1

Th 191      : Giáo luật 2

Th 192      : Giáo luật 3 – Vấn đề Hôn phối

D. Seminar

Th 200      : Seminar 1

Th 201      : Seminar 2

⇒Về Mục Lục

 

CHƯƠNG TRÌNH NĂM THỬ

dcv-hoa-tiet-2

I. Định hướng

    Định hướng của năm thử nhằm tạo cơ hội thực tế cho “các chủng sinh phải học nghệ thuật hoạt động tông đồ không những trên lý thuyết nhưng trên thực hành” (OT 21; x. Ratio 339).

II. Mục đích

    Chương trình năm thử nhắm đến hai mục đích:

1. Thực tập mục vụ: tập làm quen với đời sống và sứ vụ của linh mục tại giáo xứ với ba chức năng, nhờ đó, giúp chủng sinh có khả năng tự lập và trưởng thành.

2. Phân định ơn gọi: với những gì đã được học hỏi và tập luyện tại Đại Chủng viện trong chu kỳ triết học, các chủng sinh đối chiếu với bối cảnh thực tế của đời sống và sứ vụ linh mục nhằm biết mình có thích hợp với ơn gọi linh mục hay không? (x. Ratio 340)

III. Cộng tác huấn luyện

    Nếu trong những năm học tại Đại Chủng viện, các chủng sinh được giúp đỡ và hướng dẫn chủ yếu từ Ban Huấn luyện của Đại Chủng viện, thì trong năm thử, Đại Chủng viện sẽ phối hợp với các cha xứ, nơi chủng sinh được gửi tới, để giúp chủng sinh đánh giá về ý hướng chọn lựa ơn gọi linh mục cũng như khả năng thích hợp với đời sống linh mục.

IV. Những tiêu chuẩn đào tạo

    Ngoài việc đi vào thực hành về bốn chiều kích đào tạo trong Đại Chủng viện: nhân bản, thiêng liêng, trí thức và mục vụ, chủng sinh trong năm thử được nhấn mạnh đến việc xác định động lực ơn gọi. Việc xác định này giúp chủng sinh khám phá sâu sắc hơn lý do chọn lựa ơn gọi của mình, vì có những cảm nhận từ môi trường thực tế.

    ♦ Nhờ các thử thách trong thời gian phục vụ tại giáo xứ, động lực tình yêu nơi các chủng sinh sẽ được lớn mạnh, giúp họ trở thành người linh mục tương lai biết “chạnh lòng thương” như Chúa Giêsu (x. Ratio 344).

   ♦ Trong việc đào tạo nhân bản, chủng sinh tập sống tương quan với cha xứ và cộng đoàn dân Chúa. Đây là thời gian cần thiết để họ có cơ hội rèn luyện những đức tính nhân bản của người mục tử như: trách nhiệm, hiệp thông, trưởng thành tình cảm, sử dụng tự do, huấn luyện lương tâm ngay lành … (x. Ratio 346).

   ♦ Điều quan trọng trong năm thử của chủng sinh là phải biết phối hợp giữa đời sống thiêng liêng và hoạt động. Đời sống thiêng liêng phải là nền tảng và là nguồn sức mạnh của đời tông đồ mục vụ. Vì thế, các chủng sinh phải trung thành với các việc đạo đức đã được làm quen trong Đại Chủng viện như dâng mình, nguyện gẫm, viếng Chúa, xét mình, tĩnh tâm… (x. Ratio 348-349).

    ♦ Đối với việc đào tạo trí thức, các chủng sinh phải phối hợp giữa lý thuyết và thực hành xoay quanh ba chức năng rao giảng, thánh hóa và lãnh đạo. Các chủng sinh trau dồi thêm kiến thức qua kinh nghiệm của cha xứ và qua việc nghiên cứu tài liệu sách vở (x. Ratio 354).

    ♦ Nhờ việc thực tập mục vụ, các chủng sinh sẽ học hỏi những kinh nghiệm sống của một mục tử, để biết mở ra với những mối tương quan nhân bản của cuộc sống, biết nhạy bén trước các vấn đề nóng bỏng của xã hội (x. Ratio 355).

V. Lượng giá

    Qua những ngày tháng thực tập mục vụ tại các giáo xứ, các chủng sinh phân định ơn gọi của mình nhằm:

♦ Xem mình có thích hợp với đời sống ơn gọi linh mục không ?

♦ Có cảm thấy hạnh phúc và bình an trong đời sống ơn gọi không?

♦ Có thấy quá khó khăn trước ba lời khuyên Phúc Âm không?

   Kết quả lượng giá này sẽ giúp cho các chủng sinh quyết định tiếp tục ơn gọi linh mục hay chuyển hướng (x. Ratio 358).

⇒Về Mục Lục

 

 

CHƯƠNG TRÌNH NĂM MỤC VỤ

dcv-hoa-tiet-2

(x. HĐGMVN, Đào tạo Linh mục – Định hướng và chỉ dẫn, số 437-448)

I. Mục đích và định hướng

 1. Năm mục vụ được tổ chức trong vòng một năm nhằm ba mục đích:

– Để các ứng sinh thực hành thừa tác vụ thánh, đồng thời đạt đến sự trưởng thành trong đời sống nhân bản và thiêng liêng qua sứ vụ mà các ứng sinh đang tập đảm nhận.

– Tạo thời giờ và hoàn cảnh cho các ứng sinh có dịp gặp gỡ thân tình với Đức Giám mục Giáo phận để vun đắp mối tương quan cha – con thân thiết.

– Dựa vào kiến thức đã hấp thụ trong Đại Chủng viện, với những kinh nghiệm sống và nhận xét thực tế mục vụ trong những tháng hè và Năm Thử, soạn thảo một chương trình mục vụ để áp dụng trong đời sống linh mục của mình.

2. Định hướng

– Các ứng sinh được ĐGM gởi đến các giáo xứ để thực tập mục vụ theo chức năng của mình dưới sự giúp đỡ của các cha xứ và sự hướng dẫn của “một số linh mục do ĐGM chỉ định”.

– Đào tạo tập trung tại Đại Chủng viện/TGM mỗi tháng một lần.

II. Nội dung đào tạo

1. Động lực tình yêu trong ơn gọi linh mục: sống và cảm nghiệm về đức ái mục tử qua việc huấn đức của ĐGM và các vị phụ trách, chia sẻ Lời Chúa, tĩnh tâm.

2. Những khả năng thích hợp với đời sống linh mục

– Nhân bản: đạt đến một nhân cách trưởng thành: Lắng nghe, thông cảm, phục vụ, trách nhiệm (PDV 43)

– Thiêng liêng: thực hiện thánh ý Chúa trong cầu nguyện và những chọn lựa hằng ngày. Thống nhất đời sống cầu nguyện với hoạt động mục vụ.

– Trí thức: hệ thống hóa những kiến thức đã học và áp dụng vào ba chức năng: rao giảng, thánh hóa và lãnh đạo cộng đoàn.

– Mục vụ: biết cộng tác, làm việc chung với hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Tham dự các khóa hội thảo về giảng huấn, phụng vụ bí tích, giáo luật… Áp dụng phương pháp xem – xét- làm vào việc mục vụ để nhận diện – phác thảo kế hoạch – thực tập ba chức năng (rao giảng, thánh hóa, lãnh đạo) của linh mục cách cụ thể tại giáo xứ.

3. Kiểm tra đào tạo

– Mức độ nhiệt tình trong khi thực tập mục vụ và sự trung thành, sốt sắng trong đời sống cầu nguyện.

– Khả năng thi hành ba sứ vụ dựa theo bốn chiều kích nhân bản, thiêng liêng, trí thức và mục vụ.  

⇒Về Mục Lục

 

MỘT SỐ QUY ĐỊNH

dcv-hoa-tiet-2

 I. Quy Định Về Y Phục

    Cách chung việc ăn mặc, cũng như hành vi, cử chỉ và lối sống, diễn tả căn tính của con người. Như vậy, y phục của chủng sinh một mặt diễn tả tâm hồn của người theo Chúa; mặt khác là biểu tượng nhắc nhở người ta nghĩ đến Chúa. Do đó, y phục của chủng sinh cần có 3 yếu tố sau đây:

♦ Diễn tả căn tính chủng sinh là người của Chúa.

♦ Đơn sơ, khó nghèo vì đã nhận Chúa làm gia nghiệp.

♦ Chứng tá cho Chúa: nhắc nhở người khác nghĩ đến Chúa.

    Ngoài nguyên tắc tổng quát trên đây, Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc có một số qui định cụ thể như sau:

♦ Thánh lễ, Chầu Phép Lành trọng thể: mặc áo chùng đen (soutane), đi giầy hoặc sandale.

♦ Giờ Kinh Chiều trọng thể, và khi ra ngoài Đại Chủng viện với tính cách chung cũng như những dịp chào đón khách: đồng phục (áo sơmi trắng dài tay, quần đen, đi giầy hoặc sandale).

♦ Các giờ đạo đức, giờ lớp, giờ huấn đức, giờ cơm và khi ra ngoài Đại Chủng viện với tính cách cá nhân: áo bỏ trong quần và đi giầy dép cho xứng hợp.

♦ Không mặc quần ngủ hoặc quần cộc khi ra khỏi phòng riêng, trừ giờ chơi và giờ lao động.

II.  Việc Tiếp Khách

1. Thời gian

♦  Chiều Chúa Nhật, từ 14g00-16g30

♦  Ngày thường: xin phép cha Đồng hành, và tiếp khách ngắn gọn (không tiếp khách trong giờ lớp, giờ đạo đức chung)

2. Nơi chốn

♦  Ban Triết: phòng khách của Ban

♦  Ban Thần: phòng khách chung

3. Y phục: áo bỏ trong quần (nếu đang giờ chơi, phải thay y phục, không mặc đồ thể thao tiếp khách)

III.  Hiệu Báo Chương Trình Chung

     Để luyện tập tinh thần trách nhiệm và tự ý thức, đồng thời cũng tôn trọng khả năng thăng tiến tiệm tiến trong hành trình tự huấn luyện, việc báo hiệu các chương trình chung được qui định như sau:

♦ Ban Triết: có chuông báo cho tất cả những giờ chung.

♦ Ban Thần: có chuông báo cho những giờ chung, nhưng không có chuông báo trước các giờ đạo đức. Mỗi người phải tự lo giữ chương trình.

IV. Việc Xin Phép

Mục đích của việc xin phép

     Ở bất cứ tổ chức nào cũng có việc xin phép để cho công việc được trôi chảy và có trật tự. Việc xin phép trong Đại Chủng viện không chỉ nhắm mục đích nói trên, nhưng còn có một viễn tượng cao rộng và sâu xa hơn. Đó là giúp chủng sinh luyện tập đức vâng lời và chuẩn bị cho cuộc đời linh mục mai sau. Nhờ đó trong các giao tiếp và trong các hoạt động tông đồ, biết để ý đến những người và những hoàn cảnh liên hệ. Cần lưu tâm hai điều:

a) Giá trị của mỗi hoạt động: cần suy nghĩ, đắn đo để chọn lựa trúng các hành động. Vì vậy, xin phép cũng là hỏi ý kiến, xin soi sáng để phân định cho trúng.

b) Những người liên hệ: bề trên chấp thuận; những người có trách nhiệm liên quan đến công việc và những người cộng tác thực hiện. Xin phép nhằm luyện tập để ý đến những người liên hệ để tránh ‘qua mặt’ (bề trên), tránh ‘dẵm chân’ lên người khác và tránh coi thường hay làm ngơ những người liên hệ, kể cả bề dưới.

Những hướng dẫn cụ thể cho việc xin phép trong những trường hợp khác nhau

a) Các việc cá nhân trong Đại Chủng viện: Xin phép Cha Đồng hành Nhân bản và Mục vụ. Nếu ngài vắng mặt, xin Cha Đồng hành Trí thức hay Cha Đồng hành Thiêng liêng.

b) Các việc cá nhân ngoài Đại Chủng viện: Xin phép Đức Cha Giám Đốc. Nếu ngài vắng mặt, xin Cha Phó Giám Đốc phụ trách Ban.

c) Các việc chung theo trách nhiệm phục vụ: Xin phép Cha Phụ trách mảng sinh hoạt.

     Trong cả ba trường hợp trên, sau khi được phép, cần báo cho các Cha và anh em liên hệ.

Những dịp có thể xin phép tham dự

     Việc tu học tại Đại Chủng viện cần phải có tâm hồn và bầu khí tĩnh lặng để học hỏi và hiểu biết mầu nhiệm của Chúa, hiểu biết chính mình để tùy theo thực tại của mình mà ra công luyện tập. Nếp sống của chủng sinh trong thời gian tu học tại Đại Chủng viện phải khác với nếp sống của các cha lo việc mục vụ và của anh em chủng sinh trong Năm Thử và Năm Thực tập Mục vụ.

    Mặc dù ưu tiên là việc tu học trong Đại Chủng viện, nhưng cũng cần giữ một số liên hệ nhân bản thiết yếu. Ngoài ra, có một số chủng sinh vì trong gia đình một phần thuộc tôn giáo bạn nên Bề trên sẽ có những chỉ dẫn áp dụng cụ thể cho từng trường hợp.

    Dưới ánh sáng của nguyên tắc nói trên, Đại Chủng viện qui định một số trường hợp các chủng sinh có thể xin phép tham dự.

a) Tang chế:

♦  Cha Mẹ: khi được tin Cha hay Mẹ qua đời, có thể xin về ngay và ở nhà lo tang lễ ; trở về Đại Chủng viện hôm sau ngày lễ An táng.

♦  Ông bà nội ngoại và anh chị em (ruột hay dâu, rể) trong gia đình: về gia đình chiều trước ngày có Thánh lễ An táng. Trở về Đại Chủng viện ngay sau Thánh lễ An táng và chôn cất (tất cả hai ngày). Nếu nơi ông, bà hay anh chị em qua đời ở gần Đại Chủng viện, có thể xin về viếng xác ngay rồi trở lại Đại Chủng viện.

♦  Chú Bác Cô Dì (dượng, ruột), ông bà cố cha đỡ đầu: hoặc viếng xác hoặc tham dự Thánh lễ An táng (đi trong ngày).

♦  Cha đỡ đầu, cha sở hiện tại: về chiều trước ngày có Thánh lễ An táng. Trở về Đại Chủng viện ngay sau Thánh lễ An táng và chôn cất (tất cả hai ngày). Nếu nơi quàn xác ở gần Đại Chủng viện, có thể xin đi viếng xác ngay rồi trở lại Đại Chủng viện.

NB. Không về nhà các dịp lễ giỗ.

b) Lễ cưới: Chỉ về dự lễ cưới của anh chị em ruột và đi trong ngày.

c) Chức Linh mục và Khấn dòng:

♦  Lễ Truyền chức Linh mục

– Anh em ruột và chú, bác, cậu ruột: lễ Truyền chức và lễ Mở Tay, nếu tổ chức ngay hôm sau và ở gần (tất cả 2 ngày).

– Anh em con cùng cha đỡ đầu: lễ Truyền chức (đi trong ngày).

♦  Lễ Ngân khánh, Kim khánh, Ngọc khánh của Cha đỡ đầu, cha chú, bác, cậu, anh chị em ruột: chỉ đi trong ngày.

♦  Khấn dòng trọng thể (Khấn trọn) của chú, bác, cậu, dì, anh chị em ruột: chỉ đi trong ngày.

NB. Không về dự các lễ Ngân Khánh, Kim Khánh, lễ Thêm sức… của các Giáo xứ.

d) Việc xin phép đi nước ngoài:

♦  Đối với chủng sinh Giáo phận Xuân Lộc: xin phép Giám đốc Đại Chủng viện.

♦  Đối với chủng sinh Giáo phận khác: theo quy định của Giáo phận mình.

V. Áp Dụng Ba Lời Khuyên Phúc Âm

1. Lời khuyên Phúc Âm Độc Thân Khiết Tịnh

    Mục đích của lời khuyên Độc Thân Khiết Tịnh là luyện tập cho lòng thanh thoát trước mọi tình cảm nhân loại để thực sự thuộc về Chúa Giêsu và yêu thương mọi người, nhất là những người yếu kém, bị bỏ rơi. Vì vậy, yếu tố căn bản là chính nội tâm của mình. Để trợ lực cho việc luyện tập nội tâm, cần để ý đến những chỉ dẫn cụ thể dưới đây:

a) Không nhận con thiêng liêng, anh chị em thiêng liêng hay anh chị em kết nghĩa.

b) Không đi uống cà phê, ăn uống ngoài tiệm hay đi hành hương hoặc thăm thắng cảnh riêng với một người nữ.

c) Tránh các liên hệ có tính cách ràng buộc với bất cứ ai.

d) Liên hệ thân tình với mọi người, nhất là với những anh em ít bạn hữu. Do đó, trong nhà cơm và khi đi dạo, tránh thường xuyên ngồi hoặc đi với những anh em hợp tính.

2.  Lời khuyên Phúc Âm Nghèo Khó

     Mục đích của lời khuyên Phúc Âm Nghèo Khó là luyện tập cho lòng thanh thoát trước sự giầu có và của cải tiền bạc để nhận Chúa Giêsu làm gia nghiệp đời mình. Cũng như đối với lời khuyên Phúc Âm Độc Thân Khiết Tịnh, ở đây, yếu tố căn bản cũng là chính nội tâm của mình. Để trợ lực cho việc tập luyện nội tâm, cần để ý đến những chỉ dẫn cụ thể dưới đây:

a) Hạnh phúc với điều kiện sống của mình để cảm tạ Chúa và không than vãn, tả khổ, cầu cạnh người ta thương hại hoặc lạm dụng xin tiền.

b) Tránh sử dụng hoang phí tiền bạc riêng, nhưng tiết kiệm để giúp người nghèo, hoặc một công trình ích lợi chung.

c) Tiết kiệm điện, nước và ý tứ gìn giữ của chung trong Đại Chủng viện. Tránh lấy của chung sử dụng như thể của riêng.

d) Khi lỡ làm hư hại của chung, cần báo cho Cha Quản lý hoặc Cha phụ trách sinh hoạt.

e) Không nhận bố mẹ nuôi. Ai đã được phép nhận bố mẹ nuôi, xin báo cho Giám đốc Đại Chủng viện hoặc cha Đồng hành.

f) Luyện tập để biết đắn đo sử dụng tiền bạc cách thích hợp và có khả năng phân biệt tiền chung, tiền riêng trong đời sống và sứ vụ linh mục. Do đó, mỗi chủng sinh cần có sổ chi thu theo hai đề mục, tiền riêng và tiền nhận được cho người khác hoặc cho các công việc chung và công tác từ thiện, bác ái. Để thắng vượt sự yếu đuối, chủng sinh cần trình bày sổ thu chi này với cha Linh hướng riêng của mình vào đầu mỗi học kỳ.

g) Biết phân biệt nhu cầu thực sự với nhu cầu giả tạo; và biết nhận định để từ chối những quà tặng nghịch với lời khuyên Phúc Âm Nghèo Khó.

3.  Lời khuyên Phúc Âm Vâng Phục

    Mục đích của lời khuyên Phúc Âm Vâng Phục là luyện tập cho lòng thanh thoát trước chính mình khỏi những tính toán tư lợi, tham vọng, danh giá, để chỉ tìm và làm theo ý Chúa diễn tả qua nhiều cách, đặc biệt qua các Bề trên. Cũng như đối với các lời khuyên Phúc Âm trên đây, yếu tố căn bản là chính nội tâm của mình. Để trợ lực cho việc luyện tập nội tâm, cần để ý đến những chỉ dẫn cụ thể dưới đây:

a) Không than phiền, nhưng sẵn sàng đón nhận các qui luật, chương trình và chỉ dẫn trong Đại Chủng viện.

b) Nếu thấy có điều gì không hiểu, không phù hợp hay có thể thay đổi tốt hơn, thì chân thành, an bình trình bày và bàn hỏi với các bề trên liên hệ. Sau đó, đón nhận ý các ngài trong tinh thần vâng phục Đức Tin.

VI.  Tinh Thần Hy Sinh Và Khổ Chế

    Hy sinh và khổ chế là điều kiện thiết yếu để làm chủ mình, mong có khả năng đáp lại những đòi hỏi tình yêu của Đức Kitô và phục vụ Dân Chúa theo tinh thần Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành. Ở hoàn cảnh nào và trong bất cứ môi trường nào, giầu cũng như nghèo, đầy đủ tiện nghi cũng như thiếu thốn vật chất đều có thể luyện tập tinh thần hy sinh khổ chế. Mỗi người cần ý thức và tự tìm cho mình những cơ hội để luyện tập. Cần bàn hỏi với cha Linh hướng để tìm ra những phương thức thích hợp cho mình. Dưới đây là một vài gợi ý:

a) Áp dụng những chỉ dẫn về ba lời khuyên Phúc Âm.

b) Hài lòng với thức ăn chung của Đại Chủng viện. Nếu cha mẹ hay người thân cho thức ăn, có thể mang xuống nhà ăn mời anh em cùng bàn, nhưng không gợi ý để người khác tặng và không đi mua thêm thức ăn hợp khẩu vị, sở thích.

VII. Tinh Thần Cộng Đoàn: Đồng Trách Nhiệm, Cộng Tác

    Tinh thần cộng đoàn là một trong những yếu tố căn bản của đời sống và công việc tông đồ của Linh mục Giáo phận, nhất là trong mối tương quan giữa cha xứ – cha phó, giữa anh em linh mục với nhau và giữa linh mục với giáo dân. Vì vậy, ngay từ trong Đại Chủng viện cần phải luyện tập kỹ càng tinh thần cộng tác chung và đồng trách nhiệm với anh em. Sau đây là một số chỉ dẫn cụ thể cho việc luyện tập tinh thần cộng đoàn:

a) Khi lãnh một nhiệm vụ nào, tập bàn hỏi với những người sẽ cộng tác với mình.

b) Nhiệt thành tham gia các công tác chung, góp ý cách chân thành, đồng thời lắng nghe ý kiến của anh em trong tinh thần đối thoại để không tranh cãi hay áp đặt ý kiến của mình.

c) Cố gắng hết mình thực hiện phần trách nhiệm đã được trao phó.

d) Nếu có lý do không thể thực hiện phần trách nhiệm đã được trao phó, cần tìm người làm thay mình.

e) Hiện diện tích cực với anh em trong các sinh hoạt chung.

VIII. Hướng Dẫn Chủng Sinh Nhập Đại Chủng Viện

  Các chủng sinh khi nhập Đại Chủng viện thánh Giuse Xuân Lộc, cần chuẩn bị và hoàn tất các mục sau đây:

1. Giấy giới thiệu của Đức Giám mục Giáo phận.

2. Chứng thư Hôn Phối của cha mẹ.

3. Giấy Khai sinh, chứng minh nhân dân, chứng chỉ bí tích Rửa tội và Thêm sức.

4. Bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông.

5. Các văn bằng hay chứng chỉ học vấn sau Trung Học Phổ Thông (nếu có).

6. Giấy khám sức khoẻ tổng quát và xét nghiệm máu (HIV/AIDS, viêm gan siêu vi B, C, lao phổi, phong…) tại một phòng khám đa khoa được Đấng Bản quyền chỉ định. Ứng sinh có các bệnh truyền nhiễm cần phải điều trị hết bệnh trước khi nhập Đại Chủng viện.

7. Sách Giờ Kinh Phụng vụ, Kinh Thánh trọn bộ và chuỗi Mân Côi.

8. Áo chùng đen (soutane) và áo các phép (surplis).

9. Đồng phục: áo sơ mi trắng dài tay và quần tây mầu đen.

10. Mùng mền và đồ dùng cá nhân.

11. Dép, sandale hoặc giày.

NB. Bản gốc các giấy chứng nhận nói ở số 2-5 sẽ được trả lại.

       

⇒Về Mục Lục

 

 

  HƯỚNG DẪN SINH HOẠT ĐẠO ĐỨC

dcv-hoa-tiet-2

A.  Ngày Trong Tuần

++++++++++

Chúa Nhật

Kính Thiên Chúa Ba Ngôi

 

Cầu nguyện cho Giáo Hội và công cuộc Truyền giáo

Cầu nguyện cho các ân nhân của Chủng viện

1. Buổi sáng (Tại Nhà nguyện Đại Chủng viện)

♦  Dấu Thánh giá

♦  Kinh Truyền Tin

♦  Kinh Sáng (Hướng lên Nhà Tạm, bè bên phải đọc trước)

▫Giáo đầu: Tv 94

▫Lời cầu:

– Người xướng sẽ đọc hết ý nguyện.

– Sau mỗi ý nguyện, cộng đoàn lập lại câu đáp

♦  Rao Lịch Phụng vụ

♦  Thánh Lễ

▫Tung hô sau truyền phép: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến” (Mẫu 1)

♦  Nguyện ngắm

▫Thinh lặng suy gẫm và cầu nguyện đến 6g15

2. Buổi trưa

Chúa Nhật Mục vụ: những trường hợp không đi Mục vụ (tại Nhà nguyện Lớp)

▫Dấu Thánh giá

▫Hát (tâm tình thờ lạy Chúa)

▫ Kinh cầu cho việc truyền giáo (Sách Kinh, trang 40)

▫Viếng Chúa – Xét mình

▫Kinh Truyền Tin

Chúa Nhật tĩnh tâm tháng: theo chương trình tĩnh tâm.

3. Buổi chiều (Tại Nhà nguyện Đại Chủng viện)

♦  Kinh Chiều (trọng thể)

♦  Kinh “Nghĩa Đức Tin”

♦  Đọc Kinh Thánh

♦  Kinh Truyền Tin

4. Buổi tối  (Tại Nhà nguyện Lớp)

♦  Dấu Thánh Giá

♦  Kinh Chúa Thánh Thần (hát)

♦  Kinh Tin, Cậy, Mến, Ăn năn tội

♦  Chầu Thánh Thể

♦  Kinh Tối (Hát)

♦  Hát kính Đức Mẹ

♦  Công bố Tin Mừng: Lời Chúa trong Tin mừng theo Thánh…

♦  Gợi ý nguyện ngắm.

Chúa nhật Tĩnh tâm tháng:

▫ Lần hạt

▫ Kinh Tối (hát)

Lưu ý :

♦  Chương trình này cũng áp dụng cho những ngày Lễ Trọng.

♦  Lần hạt riêng (Năm sự MỪNG).

+++++++++++++

Thứ Hai

KÍNH CHÚA THÁNH THẦN

và CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Cầu nguyện cho Giáo Hội Việt Nam

Cầu cho các Đẳng linh hồn

1. Buổi sáng (Tại Nhà nguyện Lớp)

♦  Dấu Thánh giá

♦  Kinh Truyền Tin

♦  Kinh  Sáng (Hướng lên Nhà Tạm, bè bên trái đọc trước)

▫  Giáo đầu: Tv 99

▫  Lời cầu:

–  Người xướng đọc ½ ý nguyện (đến dấu -) và cộng đoàn đọc phần còn lại.

–  Sau khi đọc hết các lời cầu, cộng đoàn đọc lại câu đáp.

♦  Nguyện ngắm

▫Thinh lặng suy gẫm và cầu nguyện.

♦  Thánh Lễ

▫Tung hô sau truyền phép – Mẫu 1 

2. Buổi trưa (Tại Nhà nguyện Lớp)

♦  Dấu Thánh giá

♦  Hát (tâm tình thờ lạy Chúa)

♦  Kinh các thánh Tử đạo Việt Nam (Sách kinh trang 17)

♦  Viếng Chúa – Xét mình

♦  Kinh Truyền Tin

3. Buổi chiều (Tại Nhà nguyện Lớp)

♦  Kinh Chiều

♦  Kinh Truyền Tin

4. Buổi tối (Tại Nhà nguyện Lớp)

♦  Dấu Thánh Giá

♦  Kinh Chúa Thánh Thần

♦  Kinh Tin, Cậy, Mến, Ăn năn tội

♦  Lần hạt: Năm sự VUI

▫  Mùa Giáng sinh, Mùa Chay, Mùa Phục sinh: linh động chọn ngắm phù hợp

▫  Qui luật này cũng áp dụng cho các ngày khác trong tuần

♦  Kinh Tối

♦  Hát kính Đức Mẹ

♦  Công bố Tin Mừng: Lời Chúa trong Tin mừng theo Thánh…

♦  Gợi ý nguyện ngắm.

Lưu ý:

♦  Khi không có Lễ Trọng, Lễ Kính hoặc Lễ Nhớ buộc, tuỳ các Cha Đồng hành lớp, có thể làm lễ ngoại lịch theo luật Phụng vụ cho phép.

♦  Qui luật này được áp dụng tương tự cho các ngày khác trong tuần.

+++++++++++++

Thứ Ba

KÍNH THIÊN THẦN BẢN MỆNH

và THÁNH QUAN THẦY

Cầu nguyện cho cha mẹ, bản thân và ơn gọi

1. Buổi sáng (Tại Nhà nguyện Lớp)

♦  Dấu Thánh giá

♦  Kinh Truyền Tin

♦  Kinh Sáng (Hướng lên Nhà Tạm, bè bên phải đọc trước)

▫  Giáo đầu: Tv 94

▫  Lời cầu:

– Người xướng đọc hết ý nguyện

– Sau mỗi ý nguyện, cộng đoàn sẽ lập lại câu đáp

♦  Nguyện ngắm

▫  Thinh lặng suy gẫm và cầu nguyện

♦  Thánh Lễ

▫Tung hô sau truyền phép: Lạy Chúa, mỗi lần ăn bánh và uống chén này, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa đến (Mẫu 2)

2. Buổi trưa (Tại Nhà nguyện Lớp)

♦  Dấu Thánh giá

♦  Hát (tâm tình thờ lạy Chúa)

♦  Kinh cầu cho Ơn Thiên Triệu (ĐGH Phaolô VI, Sách Kinh, trang 39)

♦  Viếng Chúa – Xét mình

♦  Kinh Truyền Tin

3. Buổi chiều (Tại Nhà nguyện Lớp)

♦  Kinh Chiều

♦  Kinh Truyền Tin

4. Buổi tối

Tại các địa điểm qui định: Tổ nhỏ

▫Dấu Thánh Giá

▫Kinh Chúa Thánh Thần (hát)

▫Kinh Tin, Cậy, Mến, Ăn năn tội

▫Lần hạt: Năm sự Thương

♦  Kinh tối: Tại Nhà nguyện Lớp

▫Kinh Tối

▫Hát kính Đức Mẹ

▫Công bố Tin Mừng: Lời Chúa trong Tin Mừng theo Thánh…

▫Gợi ý nguyện ngắm

Lưu ý:

Quý Cha trong Ban Giám đốc đọc kinh chung.

+++++++++++++

Thứ Tư

KÍNH THÁNH GIUSE

Cầu cho Gia đình Chủng viện và các Gia đình Công giáo

1. Buổi sáng (Tại Nhà nguyện Lớp)

♦  Dấu Thánh giá

♦  Kinh Truyền tin

♦  Kinh Sáng (Hướng lên Nhà Tạm, bè bên trái đọc trước)

▫Giáo đầu: Tv 66

▫Lời cầu

– Người xướng đọc ½ ý nguyện (đến dấu -) và cộng đoàn đọc phần còn lại.

– Sau khi đọc hết các lời cầu, cộng đoàn đọc lại câu đáp.

♦  Nguyện ngắm

▫Thinh lặng suy gẫm và cầu nguyện

♦  Thánh Lễ

▫Tung hô sau truyền phép: Lạy Chúa Cứu Thế, Chúa đã dùng Thánh giá và sự Phục sinh của Chúa để giải thoát chúng con, xin cứu độ chúng con (Mẫu 3) 

2. Buổi trưa (Tại Nhà nguyện Lớp)

♦  Dấu Thánh giá

♦  Hát (tâm tình thờ lạy Chúa)

♦  Kinh thánh Giuse, Quan thầy Giáo phận (Sách Kinh, trang 9)

♦  Viếng Chúa – Xét mình

♦  Kinh Truyền Tin

3. Buổi chiều (Tại Nhà nguyện Lớp)

♦  Kinh Chiều

♦  Kinh Truyền Tin

4. Buổi tối:

♦ Lectio Divina theo tổ nhỏ: Tại các địa điểm đã được ấn định.

♦ Tại Nhà nguyện Lớp:

▫Kinh Tối

▫Đọc ca vãn kính Đức Mẹ

▫Công bố Tin Mừng: Lời Chúa trong Tin mừng theo Thánh…

▫Gợi ý nguyện ngắm.

Lưu ý: Lần hạt riêng (Năm sự MỪNG)

+++++++++++++

Thứ Năm

KÍNH MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA

Cầu nguyện cho các Linh mục,

Tu sĩ nam nữ và Chủng sinh

1. Buổi sáng (Tại Nhà nguyện Đại Chủng viện)

♦  Dấu Thánh giá

♦  Kinh Truyền Tin

♦  Kinh Chúa Thánh Thần

♦  Kinh Tin, Cậy, Mến, Ăn năn tội

♦  Nguyện ngắm

▫Thinh lặng suy gẫm và cầu nguyện

♦  Thánh Lễ (kết hợp với Kinh Sáng. Hướng nhìn lên Nhà Tạm, bè bên phải đọc trước)

▫Tung hô sau truyền phép – Mẫu 1

2. Buổi trưa (Tại Nhà nguyện Đại Chủng viện)

♦  Dấu Thánh giá

♦  Hát (tâm tình thờ lạy Chúa)

♦  Kinh cầu cho các linh mục của Bộ Giáo Sĩ (Sách Kinh, trang 34)

♦  Viếng Chúa – Xét mình

♦  Kinh Truyền Tin

3. Buổi chiều

♦  Tại Nhà nguyện Lớp: Đọc Kinh Thánh

♦  Tại Nhà nguyện Đại Chủng viện: Kinh Chiều

4. Buổi tối (Tại Nhà nguyện Đại Chủng viện)

♦  Dấu Thánh Giá

♦  Kinh Chúa Thánh Thần (hát)

♦  Kinh Tin, Cậy, Mến, Ăn năn tội

♦  Chầu Thánh Thể – Cầu Nguyện Riêng

♦  Kinh Tối

♦  Hát kính Đức Mẹ

♦  Công bố Tin Mừng: Lời Chúa trong Tin mừng theo Thánh…

♦  Gợi ý nguyện ngắm (Lớp Thần III)

Lưu ý: Lần hạt riêng(Năm sự SÁNG)

+++++++++++++

Thứ Sáu

KÍNH THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

Đền tạ tội lỗi nhân loại

Cầu nguyện cho những người đau khổ, bệnh tật

1. Buổi sáng (Tại Nhà nguyện Lớp)

♦  Dấu Thánh giá

♦  Kinh Truyền Tin

♦  Kinh Sáng (Hướng lên Nhà Tạm, bè bên trái đọc trước)

▫Giáo đầu: Tv 23

▫Lời cầu

– Người xướng đọc ½ ý nguyện (đến dấu -) và cộng đoàn đọc phần còn lại.

– Sau khi đọc hết các lời cầu, cộng đoàn đọc lại câu đáp.

♦  Nguyện ngắm

▫ Thinh lặng suy gẫm và cầu nguyện

♦  Thánh Lễ

▫Tung hô sau truyền phép – Mẫu 2

2. Buổi trưa (Tại Nhà nguyện Lớp)

♦  Dấu Thánh giá

♦  Hát (tâm tình thờ lạy Chúa)

♦  Kinh Đền tạ trái tim Chúa Giêsu (Sách Kinh, trang 26)

♦  Viếng Chúa – Xét mình

♦  Kinh Truyền Tin

3. Buổi chiều (tại Nhà nguyện Lớp)

♦  Kinh Chiều

♦  Kinh Truyền Tin

4. Buổi tối  (Tại Nhà nguyện Lớp)

♦  Dấu Thánh Giá

♦  Kinh Chúa Thánh Thần (hát)

♦  Kinh Tin, Cậy, Mến, Ăn năn tội

♦  Đàng Thánh Giá (Mùa Vọng, Giáng sinh và Phục sinh: lần hạt)

▫Kinh mở đầu (quỳ): “Lạy ơn Đức Chúa Giêsu…”

▫Hát: chủ đề về Thập giá (đứng)

▫X : Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô.

Đ : Vì Chúa đã dùng thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

▫Nơi thứ…

▫X : Lạy Chúa, xin Chúa thương xót chúng con.

Đ : Xin Chúa thương xót chúng con.

▫Hát : “Thập giá ngất cao” (tùy nghi)

▫Chặng nào cũng vậy (đứng, quỳ tùy nghi và không dùng mõ)

▫  Kết thúc: Kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh (quỳ)

♦  Kinh Tối

♦  Đọc ca vãn kính Đức Mẹ

♦  Công bố Tin Mừng: Lời Chúa trong Tin mừng theo Thánh…

♦  Gợi ý nguyện ngắm

Lưu ý: Lần hạt riêng vào những ngày đi Đàng Thánh Giá

+++++++++++++

Thứ Bảy

KÍNH ĐỨC TRINH NỮ MARIA

Cầu cho hoà bình thế giới

1. Buổi sáng (Tại Nhà nguyện Lớp)

♦  Dấu Thánh giá

♦  Kinh Truyền Tin

♦  Kinh Sáng (Hướng lên nhà Tạm, bè bên phải đọc trước)

▫Giáo đầu: Tv 94

▫Lời cầu:

–       Người xướng đọc hết ý nguyện

–       Sau mỗi ý nguyện, cộng đoàn sẽ lập lại câu đáp

♦  Nguyện ngắm

▫Thinh lặng suy gẫm và cầu nguyện

♦  Thánh lễ

▫Tung hô sau truyền phép – Mẫu 3

2. Buổi trưa (Tại Nhà nguyện Lớp)

♦  Dấu Thánh giá

♦  Hát (tâm tình thờ lạy Chúa)

♦  Kinh cầu cùng Mẹ Maria cho chủng sinh (Sách Kinh, tr. 38)

♦  Viếng Chúa – Xét mình

♦  Kinh Truyền Tin

3. Buổi chiều (Tại Nhà nguyện Lớp)

♦  Kinh Chiều

♦  Kinh Truyền Tin

4. Buổi tối (Tại Nhà nguyện Lớp)

♦  Dấu Thánh Giá

♦  Kinh Chúa Thánh Thần

♦  Kinh Tin, Cậy, Mến, Ăn năn tội

♦  Lần hạt: Năm sự VUI

♦  Kinh Tối

♦  Hát kính Đức Mẹ

♦  Công bố Tin Mừng: Lời Chúa trong Tin mừng theo Thánh…

♦  Gợi ý nguyện ngắm

Lưu ý:

o   Tuần I và tuần III (theo lịch thường): Giờ Kinh tối như các ngày trong tuần (19g15).

o   Tuần II và IV (theo lịch thường): có thể xem phim từ 18g45 – 20g15. (lần hạt và Kinh Tối riêng)

B. CHƯƠNG TRÌNH THEO THÁNG VÀ THEO NĂM

I. CHÚA NHẬT ĐẦU THÁNG: Tĩnh tâm tháng

1. Buổi sáng & Buổi trưa

♦  Chương trình riêng theo Phân Ban

2. Buổi chiều (như ngày Chúa Nhật)

3. Buổi tối (Tại Nhà nguyện Lớp)

♦  Lần hạt Năm sự Mừng.

II. THÁNG TRONG NĂM

1. Tháng 10: Tháng Mân Côi

♦  Tùy nghi tổ chức việc lần hạt cách trọng thể theo sự sắp xếp của lớp.

2. Tháng 11: Các đẳng linh hồn

♦  Đọc thêm Kinh Vực sâu theo sự sắp xếp của mỗi lớp.

3. Tháng 12: Mùa Vọng

♦  Tuần cửu nhật Mừng Chúa Giáng Sinh thay cho giờ Kinh Tối, hoặc lồng vào giờ Chầu Thánh Thể.

4. Tháng 1: Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất (18 – 25.1)

5. Tháng 3: Kính thánh Giuse – Quan thầy Đại Chủng viện

♦  Đọc thêm Kinh thánh Giuse (tháng 3) tùy sự sắp xếp của mỗi lớp.

6. Tháng 4: Mùa chay

♦  Nghi thức Sám hối trọng thể

7. Tháng 5: Tháng hoa kính Đức M

♦  Đọc thêm Kinh cầu Đức Bà tùy theo sự sắp xếp của mỗi lớp. Có thể đọc thế vào chỗ kinh đọc hằng ngày vào buổi trưa.

Untitled-1

1. Dưới đây là các văn kiện chính yếu của Giáo Hội về việc đào tạo các ứng sinh chức Linh Mục:

I. Công Đồng Vaticanô II

1. Optatum Totius (Sắc lệnh về việc đào tạo các ứng sinh lên chức Linh mục) (1965).

2. Presbyterorum Ordinis (Sắc lệnh về Sứ vụ và Đời sống của các Linh mục) (1965).

3. Ad Gentes (Sắc lệnh về các hoạt động truyền giáo của Giáo Hội) (1965).

II. Các Đức Thánh Cha

1. Benêđictô XV, Maximum Illud (Tông Thư về sứ vụ truyền giáo) (1919).

2. Pio XI, Rerum Ecclesiae (Thông điệp về công tác truyền giáo của Giáo Hội) (1926).

3. Pio XII, Evangelii Praecones (Thông điệp về việc truyền giáo) (1951).

4. Pio XII, Fidei Donum (Thông điệp về việc truyền giáo bên Phi Châu) (1957).

5. Gioan XXIII, Princeps Pastorum (Thông điệp truyền giáo trong hoàn cảnh mới) (1959).

6. Phaolô VI, Sacerdotalis Coelibatus (Thông điệp về Đời sống độc thân của các Linh mục) (1967).

7. Phaolô VI, Tự sắc Ministeria Quaedam (về các Thừa tác vụ Giúp Lễ và Đọc Sách) (1972).

8. Gioan Phaolô II, Sapientia Christiana (Tông huấn về các Đại Học và các phân khoa của Giáo Hội) (1979).

9. Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis (Tông huấn về việc huấn luyện linh mục trong hoàn cảnh hiện tại) (1992).

10. Gioan Phaolô II, Ordinatio Sacerdotalis (Tông thư về sự dành riêng việc truyền chức Linh mục cho người nam) (1994).

11. Gioan Phaolô II, Thư gửi Hàng Linh Mục ngày Thứ Năm Tuần Thánh (1979-2005).

12. Phanxicô, Bài Giảng Thánh lễ Truyền Dầu năm 2013.

III.    Văn kiện của các Cơ Quan Tòa Thánh

1. 1970 Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis (Bộ Giáo Dục Công Giáo).

2. 1970 Văn kiện về Ơn gọi và việc đào tạo các nhà truyền giáo (Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc). 

3. 1972 Việc học Triết Lý trong các Chủng Viện (Bộ Giáo Dục Công Giáo).

4. 1974 Chỉ dẫn về việc huấn luyện sống Đời Độc Thân Linh Mục (Bộ Giáo Dục Công Giáo).

5. 1976 Việc huấn luyện thần học cho các Linh mục tương lai (Bộ Giáo Dục Công Giáo).

6. 1979 In Ecclesiam Futurorum, Huấn thị về việc đào tạo phụng vụ trong các Chủng viện (Bộ Giáo Dục Công Giáo).

7. 1980 Thư luân lưu về một số khía cạnh khẩn cấp nhất trong việc đào tạo thiêng liêng trong các Chủng viện (Bộ Giáo Dục Công Giáo).

8. 1985 Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis (Bản mới bổ túc bản Ratio Fundamentali 1970)( Bộ Giáo Dục Công Giáo).

9. 1986 Các chỉ dẫn về việc đào tạo các Linh mục tương lai liên quan đến các Phương tiện truyền thông (Bộ Giáo Dục Công Giáo).

10. 1987 Thư luân lưu về việc đào tạo trong các Đại Chủng viện (Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc).

11. 1988 Hướng dẫn về việc học và giảng dạy học thuyết xã hội của Giáo Hội trong việc đào tạo các linh mục (Bộ Giáo Dục Công Giáo).

12. 1989 Đức Trinh Nữ Maria trong việc huấn luyện Trí thức và Thiêng liêng (Bộ Giáo Dục Công Giáo).

13. 1989 Huấn dụ Inspectis Dierum (Về việc học các Giáo Phụ trong việc huấn luyện các Linh mục (Bộ Giáo Dục Công Giáo).

14. 1989 Chỉ nam về đời sống mục vụ cho các Linh mục giáo phận trong các giáo phận thuộc quyền Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc (Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc).

15. 1993 Chỉ dẫn về việc chuẩn bị các Nhà Đào Tạo trong Chủng viện (Bộ Giáo Dục Công Giáo).

16. 1995 Các Hướng dẫn về việc huấn luyện các Chủng sinh về các vấn đề liên quan đến Hôn nhân và Gia đình (Bộ Giáo Dục Công Giáo).

17. 1996 Huấn thị gửi các Hội Đồng Giám Mục về việc thâu nhận vào Chủng viện các ứng viên đến từ các Chủng viện khác hay từ các Dòng tu (Bộ Giáo Dục Công Giáo).

18. 1997 Thư luân lưu gửi các Giám Mục Giáo Phận và các Vị Hữu Trách theo giáo luật có quyền nhận vào các Chức Thánh về việc kiểm tra kỹ lưỡng sự xứng hợp của các ứng viên lên các Chức Thánh (Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật các Bí tích).

19. 1997 Ecclesiae de Mysterio, Huấn dụ của Liên Bộ về một số vấn đề liên quan đến việc cộng tác của các giáo hữu không có Chức Thánh vào Sứ vụ Thánh của các Linh mục (Liên Bộ).

20. 1999 Linh mục là Thầy dạy Lời Chúa, Thừa Tác Viên các bí Tích và Hướng dẫn viên lãnh đạo Cộng đoàn trong viễn tượng Thiên Niên Kỷ Thứ Ba Kitô (Bộ Giáo Sĩ).

21. 2002 Huấn thị: Linh mục, Mục tử và Hướng đạo của Cộng đoàn Giáo xứ (Bộ Giáo Sĩ).

22. 2006 Huấn dụ liên quan đến Tiêu chuẩn trong việc biện phân ơn gọi nơi những người có khuynh hướng đồng tính trong viễn tượng thâu nhận vào Chủng viện và các Chức Thánh (Bộ Giáo Dục Công Giáo).

23. 2008 Chỉ dẫn về việc sử dụng những phương pháp tâm lý trong việc thu nhận và đào tạo các ứng sinh lên chức Linh mục (Bộ Giáo Dục Công Giáo).

24. 2013 Directoire pour le ministère et la vie des prêtres, Hướng dẫn sứ vụ và đời sống Linh mục của Thánh Bộ Giáo Sĩ.

25. 2013 Thư của Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ gửi các Chủng sinh nhân ngày thánh hóa các Linh mục.
[2]

 – Hạnh phúc: Hạnh phúc khác với thú vui hay thoả mãn. Đây là tình trạng nội tâm an bình trong ơn gọi Linh mục giáo phận. Nhờ quyết định lựa chọn theo Chúa và chấp nhận mọi đòi hỏi của ơn gọi Linh mục, lòng người Chủng sinh được đầy tràn và, do đó, không còn tìm kiếm hay mơ ước thú vui nào khác: an bình, hạnh phúc vì được là Linh mục của Chúa, thân thiết với Chúa và thuộc về Chúa nên sẵn sàng từ bỏ tất cả để gìn giữ tình thân với Chúa; an vui ngay chính trong điều kiện sống và trách nhiệm của một Linh mục giáo phận.

– Hăng say, nhiệt thành trong sứ vụ: toàn tâm, toàn trí, toàn sức cho sứ mệnh cụ thể (giáo xứ, hay đoàn thể, v.v.) được trao phó, cho dù không thích. Do đó, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, chịu cực khổ, thiệt thòi vì sứ mệnh đã lãnh nhận, đối với một linh mục tại giáo xứ là nuôi dưỡng Đức tin của cộng đoàn tín hữu và loan báo Tin Mừng cho anh chị em lương dân.
[3] “Đối với tôi, sống là Chúa Kitô” (Pl 1,21).
[4] “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-39).
[5] “Trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr 1,22-24); “Hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1 Cr 2,2).
[6] “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Chúa Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Chúa Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Chúa Kitô và được kết hợp với Người” (Pl 3,7-9).
[7] “Tất cả tôi làm vì Tin Mừng” (1 Cr 9,22-23); x. Tđ Sứ Mệnh Đấng Cứu Thế, s. 88.
[8] x. Lc 12,49-50; x. Maximum Illud (Bênêđictô XV), Rerum Ecclesiae (Piô XI), Evangelii Praecones (Piô XII), Fidei Donum (Piô XII), Princeps Pastorum (Gioan XXIII), Evangelii Nuntiandi (Phaolô VI), Pastores dabo vobis (Gioan Phaolô II).
[9]  x. Bài Giảng Thánh Lễ Truyền Dầu của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 28-3-2013.
[10] Các số trong ngoặc ở phần này chỉ số tham chiếu trong cuốn “Đào tạo linh mục – Định hướng và chỉ dẫn” của HĐGMVN

Find the best write my essay firm if you’re looking for an experienced writer to help you write an essay. There are numerous factors to consider, including their standing and the standard of their work. There are additional factors to pay someone to write my essay take into consideration prior to placing an order. These are the primary factors to consider when choosing the best essay writing service. It will be a pleasure in the event that you get a top-quality essay before the deadline.

Your essay’s body is the primary part of your paper. For each main idea, you should have two paragraphs. In the first, you should define the issue. In the second paragraph, you will discuss what the concept means. Thirdly, the last paragraph will elaborate on the key point. Though a clear and logical structure may seem simple when written on paper, it’s difficult to follow. That’s one of website that writes essays major reasons why many students choose to buy an essay online. One of these is Ultius.