CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – NĂM B – Ngày 20/10/2024

Lời Chúa: Mc 10, 35 – 45

Khi ấy, hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.” Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” Đức Giê-su bảo: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được” Đức Giê-su bảo: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”. Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

 

PHỤC VỤ NGƯỜI NGHÈO CHÍNH LÀ PHỤC VỤ CHÚA

“Con Người đến không phải để được người ta phục vụ,
nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10, 45)

Chạy đua tranh giành quyền lực và địa vị là điều thường thấy trong mọi nơi mọi thời. Có người tìm mọi cách để có được địa vị hay nắm được quyền hành trong xã hội. Để đạt được mục tiêu, họ sẵn sàng dùng mọi phương tiện, kể cả những phương tiện xấu nhất. Các môn đệ Chúa cũng không nằm ngoài cái đời thường ấy. Như tham vọng khơi lên nơi lòng của Giacôbê và Gioan cách mạnh mẽ, khiến cho họ bạo gan đòi hỏi Chúa Giêsu cho họ được ngồi ở chỗ quan trọng, bên phải hoặc bên trái khi Ngài tiến vào trong vinh quang của Ngài. Chúng ta không chắc là những tông đồ đã tranh luận điều đó với Chúa Giêsu trong bao lâu, nhưng Giacôbê và Gioan đã không hiểu cả hai: Giáo huấn và gương mẫu của Chúa Giêsu. Giáo huấn chắc chắn của Chúa Giêsu là khiêm nhường không được kiêu ngạo, đó là chúng ta phải sẵn lòng phục vụ người khác, không thống trị người khác. Từ khi Giacôbê, Gioan và những tông đồ khác đã thất bại trong việc nắm bắt Giáo huấn của Chúa Giêsu. Tóm tắt Giáo huấn của Người: “ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.” (Mc 10, 44)

Hôm nay, Giáo hội hoàn vũ cầu nguyện và hướng đến việc truyền giáo. Mỗi chúng ta cùng thao thức, cùng nhịp đập với Chúa Giêsu và Giáo Hội, loan báo cho nhiều người được biết Chúa. Nhưng làm thế nào để công cuộc rao giảng Tin Mừng sinh hoa kết trái? Hãy theo gương mẫu và bài học của Mẹ Thánh Têrêsa Calcuta, Mẹ đã thành công trong việc truyền giáo trước tiên bằng đời sống cầu nguyện. Có nhiều người tưởng Mẹ Têrêsa Calcuta là con người hoạt động nhưng không phải thế. Mẹ là con người cầu nguyện. Những giờ cầu nguyện triền miên phát xuất từ nỗi niềm khao khát Chúa. Cầu nguyện đã đưa Mẹ đến phục vụ người nghèo. Rồi việc phục vụ người nghèo đã đưa Mẹ trở về với kinh nguyện. Dòng chảy cầu nguyện liên lỷ không bao giờ ngừng. Có thể nói cuộc đời Mẹ là cuộc đời chiêm niệm trong hoạt động.

Sống trong một xã hội tôn trọng vật chất, quay lưng lại với đời sống tâm linh, Mẹ Thánh Têrêsa Calcuta đã trở nên một nhân chứng sống động của thế giới. Giữa nước Ấn độ xa lạ với Kitô giáo, Mẹ Têrêsa Calcuta đã trình bày được khuôn mặt dễ thương, dễ mến của Chúa, làm cho mọi người yêu mến đạo Chúa. Giữa những bế tắc Mẹ đã khai thông một lối đi. Lối đi vào thẳng trái tim con người. Trong bóng tối dày đặc, Mẹ đã thắp lên một ngọn đèn. Ngọn đèn đó chiếu lên ánh sáng niềm tin. Giữa trần gian lạnh lẽo, Mẹ đã đốt lên ánh lửa yêu mến. Ánh lửa đó sưởi ấm tình người.

Truyền giáo không chỉ là rao giảng một giáo lý mà thiết yếu là chia sẻ một cuộc sống yêu thương. Đây chính là cốt lõi mà Chúa Giêsu cô đọng trong giới răn mến Chúa và yêu người. Trong một xã hội mà Kitô Giáo chỉ là thiểu số thì truyền giáo đối với Kitô hữu hiện nay là quyết tâm sống như thế nào để rao giảng một thứ Đạo, đó là “Đạo của tình thương.” Mẹ Têrêsa Calcutta, đã định nghĩa về một nhà truyền giáo, đó là một tín hữu Kitô say mê Chúa Giêsu đến độ không có một ước muốn nào khác hơn là làm cho mọi người nhận biết và yêu mến Ngài.

Xin cho mỗi người chúng ta luôn ý thức sứ mệnh truyền giáo trong thế giới mới này, bằng cách sống, trao ban, phục vụ theo tinh thần Tin Mừng, sống chứng nhân giữa đời bằng lòng bác ái, yêu thương, vị tha và bao dung với tha nhân, để mọi người nhận ra Chúa Kitô nơi dung mạo dịu hiền và đáng mến của mỗi người chúng ta.

 

Comments are closed.