[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 14,1.7-14″]
Một ngày sabát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa. Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
Rồi Đức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
ƠN GỌI YÊU THƯƠNG
Chúa Giêsu nói với vị thủ lãnh nhóm Pharisêu: “khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại” (Lc 14,13-14).
Đoạn Tin Mừng thuật lại sự kiện Chúa Giêsu đến dùng bữa tại nhà của một thủ lãnh nhóm Pharisêu (x. Lc 14,1). Trong bữa tiệc, Ngài ngỏ với khách dự tiệc rằng: cần sống tinh thần khiêm nhường (Lc 14,7-11); đồng thời, Ngài mời gọi vị thủ lãnh đã mời Ngài dùng bữa sống quan tâm và thể hiện lòng nhân ái đối với người nghèo (x. Lc 14,12-14).
Lời mời gọi trên của Chúa Giêsu dường như đi ngược với quan điểm sống thời bấy giờ cũng như thời hiện đại. Bởi lẽ, “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại; ông đưa miếng giò, bà thò hũ rượu;…”. Tuy nhiên, đó không phải là điều không thể thực thi, vì chính Chúa đã nêu gương cho mỗi chúng ta. Bằng cớ là trong sứ vụ của mình Chúa đã đón tiếp và chữa lành cho mọi người đau yếu, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền trong dân; Chúa đã không từ chối một ai khi họ tìm đến Ngài. Chính gương sống của Chúa là nền tảng để chúng ta thực thi ơn gọi yêu thương của mình. Hơn nữa, rất nhiều bậc cha mẹ của chúng ta cũng đã để lại gương sáng cho chúng ta về lòng nhân ái. Cách đây chưa lâu, chỉ độ khoảng những năm cuối thập niên 90. Khi ấy, ở những vùng kinh tế mới, bà con từ nhiều nơi tìm về kiếm sống, hầu hết các gia đình chỉ đủ ăn đủ mặc chứ không khá giả gì. Dù vậy, khoảng thời gian này, ông bà cha mẹ chúng ta đã chẳng từ chối bất cứ ai đến xin quá cảnh vì lỡ đường, hay xin nắm gạo để sống qua ngày. Và hình ảnh đáng nói nhất, là mỗi khi có ai đến xin giúp đỡ, người lớn trong nhà sẽ không trực tiếp giúp, thay vào đó, họ sai sắp nhỏ vào bếp xúc cho cụ ông, cụ bà vài lon gạo, hoặc là dúi vào tay chúng đôi ba đồng để chúng đưa cho người cần giúp đỡ. Đó là cách mà bậc cha ông dạy chúng ta sống lòng nhân ái, sống ơn gọi yêu thương.
Trong cuộc sống hiện tại, xung quanh ta, còn đó bao cảnh đời cơ cực cần được quan tâm, yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ và cầu nguyện. Chớ gì lời ngỏ của Chúa Giêsu dành cho vị thủ lãnh nhóm Pharisêu hôm nào cũng thôi thúc lòng nhân ái của chúng ta trong suy nghĩ, lời nói và hành động; ngõ hầu cuộc sống chúng ta tỏ lộ cho người khác thấy chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu, vì chúng ta thật sự sống ơn gọi yêu thương như Chúa đã yêu.
“Phần anh em, hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí!” (2Tx 3,13). Xin Chúa ban thêm lòng tin, lòng mến và lòng nhiệt thành cho chúng con, để chúng con biết yêu mến Chúa hơn, và nhờ đó, biết thể hiện lòng mến Chúa qua việc sẵn lòng yêu thương giúp đỡ mọi người xung quanh.
[/loichua]