Chúa Nhật XVIII Thường Niên – Năm B – Ngày 04/08/2024

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 6,24-35″]

Vậy khi dân chúng thấy Đức Giê-su cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người. Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?”. Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” Đức Giê-su trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.” Họ lại hỏi: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời.” Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.” Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

TIN LÀ PHƯƠNG THẾ ĐÁP LẠI LỜI CỦA THIÊN CHÚA

“Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6,35)

Ngay từ khởi đầu của bình minh cứu độ, Thiên Chúa đã tỏ mình ra cách hiển nhiên trong suốt dòng lịch sử mà chóp đỉnh là Đức Kitô[1]. Tuy nhiên, chân lý này không chỉ để biết mà hơn nữa là để tin. Nhưng Tin vào ai? Thánh Phêrô khẳng định với Giáo Hội, với mỗi người chúng ta: ‘Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống’[2].

Tin trước hết là gắn bó bản thân con người với Thiên Chúa, đồng thời và không thể tách biệt, là tự nguyện chấp nhận tất cả chân lý được Thiên Chúa mạc khải[3]. Hay nói gọn, tin là phương thế đáp trả Lời của Thiên Chúa[4]. Xem, đọc và ngẫm lại các trang đầu của Thánh Kinh Cựu ước, nhờ tin mà Abraham đã để Thiên Chúa hoạt động không những trong cuộc sống của ông mà còn như một Đấng là Chủ Thể của lịch sử. Nhờ tin, mà Môsê đã vâng phục, đã sẵn sàng đáp trả thánh ý của Thiên Chúa qua việc giải thoát dân Israel khỏi nô lệ Ai Cập. Và nhờ tin mà các ngôn sứ phó thác cậy trông vào một mình Thiên Chúa, để Ngài dẫn dắt, để Ngài hướng dẫn và để Ngài thực thi trọn vẹn kế hoạch cứu độ của Ngài ngang qua Chúa Giêsu Kitô. Thật vậy, Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể “là Đấng được sai đến với loài người”, “nói Lời của Thiên Chúa” và hoàn tất công trình cứu độ của Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu chính là bánh trường sinh mà bất cứ ai đến với Chúa thì không hề phải đói; ai tin vào Chúa cũng chẳng khát bao giờ (x. Ga 6,35).

Hành trình theo Chúa là hành trình của đức tin. Và hành trình của đức tin là hành trình của những lần đáp trả Lời của Thiên Chúa. Chính vì thế, tự sâu thẳm cõi lòng của mỗi người, chúng ta chân nhận rằng mọi hiểu biết trong cuộc sống này cuối cùng cần phải dừng lại, để nhường bước cho đức tin. Vì đức tin siêu việt hóa tâm hồn và con người của chúng ta, giúp cho chúng ta thấy, hiểu, biết, kinh nghiệm, cảm nếm, làm và sống những điều mà người khác không thể… Chính vì thế, tâm hồn của chúng ta sẽ còn khoắc khoải cho đến khi được biết, được tin, được cảm nếm, được chạm vào Đấng là bánh trường sinh mà bất cứ ai đến với Ngài thì không hề phải đói; ai tin vào Ngài thì cũng chẳng khát bao giờ (x. Ga 6,35).

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn đức tin để chúng con hiểu và nghiệm thấy tình yêu của Chúa nơi Bí tích Thánh Thể dành cho mỗi người chúng con.

 

 

[1]. GHHV Pio X, “Công Đồng Vatican II – Hiến Chế “DEI VERBUM”, số 2.

[2]. x. Mc 8, 27-30.

[3]. Bản dịch của Uỷ ban Giáo Lý Đức Tin – Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, nxb Tôn Giáo, 2011, số 150.

[4]. Lm Gioakim Nguyễn Đăng Chí, “Thần học căn bản- Phần Mạc Khải”, tr 76.

[/loichua]

Comments are closed.