Chúa Nhật XIII Thường Niên Năm C – Lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ

Lời Chúa: Mt 16, 13-19

HAI TÂM HỒN MỘT KHÁT KHAO

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Chúng ta vẫn trong dòng chảy sự sống Giáo hội hiệp hành, nghĩa là đi cùng nhau trên con đường Giêsu để đến với Thiên Chúa. Trong Năm Thánh hy vọng, chúng ta tiếp tục đời lữ hành với hy vọng đến được đích cuộc đời là Thiên Chúa. Thánh lễ mừng kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô làm nổi bật mục đích hành trình đức tin và nét đẹp hiệp hành của người hành hương. Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô là hai con người có nhiều khác biệt nhưng lại chung một mục đích và khát khao; các ngài sống cuộc đời dấn thân cho khát khao đạt đến mục đích. Dẫu khác biệt nhiều điều, trên hành trình đức tin, các ngài lại đi cùng một con đường bởi chung một hy vọng nơi một người mang tên Giêsu Kitô. Chúng ta suy nghĩ 3 điểm:

Thứ nhất: tự hào của bản thân đến tự hạ của tâm hồn.

Thánh Phêrô là người tự tin vào khả năng, vào đức tin, và vào sự trung tín của mình. Ngài mạnh dạn nói với Ðức Giêsu: “Dù mọi người có bỏ Thầy, con quyết liều mạng vì Thầy”(Mt 26,33). Ðể huấn luyện ngài, Chúa đã cho ngài trải qua nhiều thất bại: suốt đêm đánh cá mà không được gì; đi trên mặt nuớc thì bị chìm; hèn nhát chối Thầy trước một người tầm thuờng. Qua thất bại đó, thánh Phêrô mới biết rõ con người thật của mình đã yếu mà thậm chí còn hèn, khả năng thì rất bé mà lại còn rất nhỏ, sự trung tín thì rất mong manh, và đức tin lại như bọt bèo. Thất bại đã giúp Phêrô biết rõ bản thân, mình chẳng là gì, và chẳng có gì. Thất bại đã tập cho Phêrô biết hạ mình sống tự khiêm thẳm sâu.

Còn thánh Phaolô, Ngài rất tự hào, tự tin vào dòng dõi, khả năng, và đạo đức của mình. Ngài đã nói: “Nếu ai khác có lý do để cậy vào xác thịt, thì tôi càng có lý do hơn: tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Israel…là người Hípri, con của người Hípri; giữ luật thì đúng như một người Pharisêu; nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi” (Phil 3,4b). Nhưng trên đường đi Ðamas, khi Phaolô bị ngã ngựa thì niềm tự hào kia cũng biến mất. Bị ánh sáng từ trời chiếu loá mắt, Phaolô chợt nhận ra rằng ánh sáng trí thức nơi mình chỉ là bóng tối. Bị ngựa hất xuống đất, Phaolô mới hiểu rằng sức riêng của mình cùng với những phương tiện trần gian chẳng đưa mình đi tới nơi. Bị mù mắt Phaolô mới hiểu rằng không có ánh sáng của Chúa, chẳng có ai nhìn ra chân lý. Qua đó, thánh Phaolô đã nhận ra: chỉ còn một con đuờng duy nhất là phải hạ mình xuống thật sâu thì mới có thể nhận ra sự yếu hèn của mình đã từ lâu.

Thứ hai: cảm nghiệm sâu tình yêu Thiên Chúa.

Phêrô được sống cùng Chúa Giêsu trong 3 năm, đã được Chúa yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ…. Nhưng cảm nghiệm sâu tình yêu của Chúa Giêsu chỉ đến sau khi thất bại: chối Chúa 3 lần, Chúa nhìn Phêrô (Lc 22, 61). Ánh mắt đau đớn của Chúa bị học trò rất mực yêu thương phản bội; tuy nhiên, ánh mắt ấy cũng mở ra một trời bao dung tha thứ, một biển tình yêu níu Phêrô lại. Ánh mắt ấy cho Phêrô nhận thức được tội lỗi của mình và bừng tỉnh tâm hồn. Ánh mắt của Chúa bộc lộ cho Phêrô biết tình yêu lớn lao của thầy dành cho trò. Cảm nghiệm tình yêu của Chúa đã giúp Phêrô tin tưởng, sám hối và thay đổi cuộc đời. Từ đó, Phêrô tiến một bước dài trên hành trình đức tin với lời tuyên xưng, “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống;” và thánh nhân dành phần đời của mình gắn chặt với đời Giêsu, sẵn sàng làm mọi sự, kể cả chịu chết vì Danh Thầy chí thánh.

Thánh Phaolô đã được tiếp xúc thân mật với Ðức Kitô phục sinh sau biến cố Đamas, được Ðức Kitô dạy dỗ trong cầu nguyện và phản tỉnh cuộc đời, và được ban những ơn đặc biệt. Chắc chắn Phaolô đã cảm nghiệm được tình yêu xót thương vô bờ của Chúa đụng đến cái bờ mong manh của phận người; từ đó, Phaolô kết hợp mật thiết với Ðức Kitô đến độ ngài không còn sống kiểu riêng mà “chính Ðức Kitô sống trong ngài”. Sự kết hợp ấy mật thiết và sâu xa đến độ “dù sự sống hay sự chết, dù hiện tại, tương lai, dù thiên thần, thiên phủ, dù hiểm nguy, khốn khó, dù trần truồng đói khát, dù khổ cực cay đắng, không có gì có thể tách ngài ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Ðức Kitô” (Rm 8,38).

Thứ ba: say mê rao giảng Tin Mừng

Sau khi được Chúa phục sinh biến đổi, đời sống của thánh Phêrô và Phaolô là một hành trình không mệt mỏi rao giảng về Chúa Giêsu Nazareth đã chết và sống lại. Các ngài ra đi đem Tin Mừng đến tận cùng thế giới. Các ngài tận dụng mọi dịp, thích ứng mọi hoàn cảnh, và thích nghi với môi trường để loan báo Ðức Kitô. Dù các ngài chịu đủ mọi thứ nguy hiểm, bắt bớ, roi đòn, lạnh giá… (x.2Cr 11, 23-27), ngọn lửa truyền giáo vẫn thiêu đốt các ngài mãnh liệt đến độ Thánh Phaolô phải thốt lên: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”(1Cr 9,16). Lửa nhiệt tâm cho Tin Mừng đã đưa các ngài tới niềm vui được cùng dâng hiến mạng sống làm chứng nhân cho tình yêu cứu độ và để lại gia sản đức tin cho Giáo hội đến hôm nay.

Hành trình đức tin của thánh Phêrô và Phaolô cũng là hành trình mà mỗi người được mời gọi bước theo nếu muốn chọn Chúa làm lẽ sống và muốn đạt tới hạnh phúc trong Chúa trên đường hành hương để sống thánh và rao giảng Đức Kitô. Khởi điểm của hành trình là nhận thức mình tội lỗi, cần sám hối để được biến đổi. Nhận thức sự thấp hèn của mình để bám chặt vào Chúa và sống đời khiêm nhường giúp ta tiến xa trên con đường gặp Chúa, yêu Chúa và tin Chúa. Một khi đã cảm nghiệm được tình yêu của Chúa trong đời mình, chúng ta sẽ được tình yêu Chúa thiêu đốt và thúc bách dấn thân loan báo Tin Mừng.

Xin hai Thánh Tông đồ giúp chúng ta biết tiến bước theo Chúa Giêsu Kitô trên đường hiệp hành, yêu thương và phục vụ.

Xin hai Thánh Tông đồ giúp chúng ta biết tiến bước theo Chúa Giêsu Kitô trên đường hiệp hành, yêu thương và phục vụ.

 

Comments are closed.