Chúa Nhật XII Thường Niên – Năm B – Ngày 23/06/2024

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 4,35-41″]

Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!” Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người. Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

QUYỀN NĂNG CỦA THIÊN CHÚA NƠI ĐỨC GIÊSU

“Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.” (Mc 4,39)

Sau những dụ ngôn về Nước Thiên Chúa (x. Mc 4,1-33), thánh Mác-cô ghi lại một số phép lạ. Phép lạ Chúa dẹp yên sóng gió trong bài Tin Mừng hôm nay là một trong những phép lạ Chúa tỏ uy quyền thiên sai của Người.

Theo quan niệm của người xưa, đặc biệt người Do Thái, biển là nơi cư ngụ của ác thần, là nơi hỗn mang. Từ đó phát xuất những sức mạnh đối nghịch với Thiên Chúa và con người. Việc Chúa dẹp yên sóng gió trên biển tỏ bày quyền năng của Chúa trên sự dữ. Hôm nay, “đám ác thần” đó đã thình lình tấn công con thuyền của Chúa Giêsu và các môn đệ, làm cho con thuyền chao đảo. Con thuyền là hình ảnh Giáo Hội. “Ma quỷ” tạo ra sóng gió và làm cho nước tràn vào thuyền, nhằm nhấn chìm Giáo Hội. Có nhiều người đặt câu hỏi là: Tại sao có Chúa Giêsu trên thuyền mà “ma quỷ và thần dữ” lại dám tấn công con thuyền Giáo Hội như thế? Tin Mừng Mác-cô trả lời rằng: Cho dù những lúc gặp sóng gió bão tố, kể cả lúc con thuyền như đầy nước gần chìm, Chúa Giêsu vẫn ở trên thuyền với Giáo Hội. Việc Chúa Giêsu nằm ngủ, gợi đến sự vắng bóng của Chúa. Chúa nằm ngủ trên thuyền là hình bóng của Hội Thánh tại thế: vẫn có Chúa hiện diện nhưng bề ngoài ta không cảm thấy. Sự hiện diện của Chúa nơi Hội Thánh, chỉ có thể nhìn thấy qua các dấu chỉ và qua con mắt đức tin.

Con thuyền sang bờ bên kia, là hình ảnh Hội Thánh vượt biển trần gian. Cuộc hành trình vượt biển này đầy cam go và thử thách. Có Chúa hiện diện trong thế ngủ (hiện diện cách vô hình), các Tông Đồ đã không nhận ra quyền năng của Người, nên các ông hoảng sợ khi gặp sóng gió bão táp.

Chúa vẫn hiện diện trong Hội Thánh với tư cách là Đầu Nhiệm Thể, bất cứ lúc nào ta tin tưởng vào Người, ta liền được hiệp nhất với Người, được hiệp thông quyền năng như Người: Khi gặp đau khổ mà tin vào Chúa, ta sẽ cùng được Người thống trị. Khi phải chết mà tin vào Chúa, ta sẽ cùng được phục sinh với Người. Khi còn sống mà tin vào Chúa, thì ta sẽ cảm nghiệm được hạnh phúc với Chúa ở đời này và đời sau.

Chi tiết “Chúa thức dậy, ngăm đe gió …” gợi đến việc Chúa phục sinh. Lời Chúa ngăm đe sóng và biển, giống như lời Chúa vẫn sử dụng khi trừ quỷ, lời đó diễn tả việc Chúa chiến thắng trên ma quỷ sau khi Chúa phục sinh. Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta xác tín hơn vào sự hiện diện cách vô hình của Chúa trong Hội Thánh và cuộc đời mỗi người chúng ta, giúp chúng ta an tâm hơn khi gặp thử thách vì luôn có Chúa hiện diện để gìn giữ, che chở và giúp đỡ ta trên đường về quê trời.

Xin Chúa cho mỗi người chúng con nhận ra sự hiện diện của Chúa, tin tưởng kêu xin Chúa trong mọi hoàn cảnh và xin cho chúng con luôn tin tưởng vào quyền năng của Chúa, để cho Chúa làm chủ bánh lái con thuyền cuộc đời chúng con. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.