[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 17,11-19″]
Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Thấy vậy, Đức Giêsu bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samari. Đức Giêsu mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
THỂ HIỆN LÒNG BIẾT ƠN THIÊN CHÚA
“Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?.” (Lc 17, 18)
Hầu như bất cứ nơi nào, thời đại nào, dân tộc nào hay nền văn hóa nào, người ta cũng khuyên dạy con người phải có lòng biết ơn: “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Còn đối với người Kitô hữu chúng ta, lòng biết ơn không chỉ là một nhân đức căn bản cần phải có, nhưng đó còn là sự thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa. Sứ điệp lời Chúa hôm nay nhắc lại cho chúng ta về lòng biết ơn và tột đỉnh của lòng biết ơn đó là lòng tin vào Thiên Chúa, tôn vinh Người. Vì Người hằng yêu thương gìn giữ và ban muôn hồng ân cho chúng ta.
Suy niệm:
Trang Tin mừng hôm nay thuật lại trên hành trình lên Giêrusalem, Chúa Giêsu đã tỏ lòng thương xót, chữa lành cho mười người phong cùi. Việc Chúa Giêsu chữa bệnh tật chính là để mặc khải về sứ vụ cứu thế của Người. Do đó, Ngài đã không ngần ngại chữa bệnh cho những người Do Thái có đạo lẫn người Samaria ngoại đạo, vì ơn cứu độ dành cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, mười người phong cùi được khỏi bệnh trên đường đi trình diện với các tư tế, thì chỉ có người Samaria không thuộc về dân riêng của Chúa quay trở lại cám ơn và tôn vinh Thiên Chúa, còn chín người kia thì không. Họ đã không nhận thấy là một trật tự mới đã được thiết lập, mà tiếp tục hành trình theo quy ước và đi theo những cách hành đạo truyền thống. Trước sự vô ơn của họ Chúa Giêsu buồn lòng thốt lên: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu?”. Câu hỏi của Chúa Giêsu chấp vấn và thức tỉnh chúng ta biết nhìn lại những hồng ân của Thiên Chúa ban mà dâng lời cảm tạ.
“Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh” (1Cr 4, 7b). Thật vậy, nhìn lại đời sống, chúng ta đã nhận được biết bao nhiêu là hồng ân của Chúa ban ngang qua vũ trụ, qua mọi người và nhất là qua những người thân cận, những người xung quanh ta. Chúa luôn ban ơn cho người lành cũng như kẻ dữ, cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Nhưng thử hỏi có bao nhiêu người ý thức được điều này và tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa? Thậm chí còn có người kiêu ngạo, vô ơn đã loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Thực ra, Thiên Chúa đâu cần con người phải cám ơn. Tuy nhiên, việc chúng ta cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban. Vì những lời chúng ta ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng ta ơn cứu độ.
Tin mừng thuật lại rằng người ngoại giáo này “thấy mình được sạch” nên đã quay trở lại. Chính cái “thấy” này đã đưa anh đến một hành động của đức tin, là đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con thấy mình được tình yêu và lòng thương xót bao la của Chúa tuôn trào hàng ngày trên cuộc đời chúng con. Và xin cho chúng con biết thể hiện lòng tri ân qua việc trung thành bước theo Chúa và biết ơn những đấng bậc thay mặt Chúa để sinh thành, dạy dỗ và giúp đỡ chúng con cách này hay cách khác làm cho cuộc đời chúng con hạnh phúc hơn. Amen.
[/loichua]