Chúa Nhật Tuần XIV Thường Niên – Năm C

Lời Chúa: Lc 10, 1-12.17-20

MẶC LẤY ƯỚC MUỐN CỦA CHÚA

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Trong đời sống gia đình, khi có con cái, chúng ta có nhưng ước mơ, hy vọng cho tương lai gia đình và con cái được đảm bảo. Từ những ước mơ ấy, chúng ta dám chọn cách sống tần tảo, hy sinh, quên mình để mong đạt được những giá trị mình muốn. Dùng chính kinh nghiệm này, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa trọng tâm Lời Chúa là bày tỏ ước mơ mãnh liệt tình yêu cứu độ dành cho nhân loại. tình yêu mãnh liệt ấy được thể hiện qua…

1. Khao khát trao ơn bình an

Trong bối cảnh dân Israel chịu nhiều đau khổ bởi ách thống trị của đế quốc, tiên tri Isaia đã an ủi dân bằng việc nhắc lại lời hứa của Thiên Chúa “sẽ tuôn đổ ơn thái bình tràn lan như thác vỡ bờ và sẽ chăm sóc dân, được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy…” Tiên tri khích lệ dân giữ vững lòng tin vào Thiên Chúa với niềm hy vọng. Tâm tình được diễn tả rõ nét trong bài Tin mừng khi Chúa Giêsu sai thêm 72 môn đệ thực thi sứ mạng rao giảng Tin Mừng cứu độ. Chúa sai thêm sứ giả cho thấy mối bận tâm cho dân biết và đón nhận Tin Mừng. Cốt lõi của việc sai đi để nói cho dân biết, “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần…” Nghĩa là, Con Một Thiên Chúa đến ở với nhân loại và cứu độ mỗi người.

Chúa chọn cách thế ở với để mỗi chúng ta được ở cùng Thiên Chúa. Tình yêu ở với của Chúa sẽ tác sinh sự sống mới trong ước muốn ở cùng của chúng ta. Để rồi, tình yêu ở cùng của chúng ta được tình yêu cứu độ của Thiên Chúa biến đổi và thành toàn cuộc đời rất đỗi bình thường của ta mang nét cao trọng của Chúa. Đây là ơn bình an đích thực mà Chúa Giêsu phục sinh tặng ban (x.Ga 20, 19-23). Thế nên, Chúa dặn các môn đệ đến đâu thì ở lại đó để khi họ sẵn sàng đón tiếp thì “Bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy.” Ơn bình an mà các ông đã nhận từ Chúa được chuyển trao cho dân Chúa. Bình an của Chúa mà chúng ta lãnh nhận chứa đựng mầm sống yêu thương, cảm thông và tha thứ dần lớn lên và sinh hoa trái theo ước muốn của Chúa.

Chúng ta được mời gọi trao ban ơn bình an mà Đức Kitô đã tặng để làm tươi mới niềm hy vọng cho anh chị em. Nhờ ơn bình an của Đức Kitô, Chúa sẽ từng ngày biến đổi chúng ta “trở nên một thụ tạo mới.” Để trao ban ơn bình an của Đức Kitô cho anh chị em, chúng ta cần quay về với nguồn bình an là Thánh Thể và Lời Chúa. Chúng ta cần can đảm buông bỏ ý riêng của mình để dìm sâu trong tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu phục sinh đã trở nên một với chúng ta. Chúa đã trở thành con người và chia sẻ đau khổ, ngay cả cái chết của chúng ta để mặc cho ta cuộc đời mới. Chúng ta nhiệt tâm lan tỏa ơn bình an khi hết lòng cầu mong cho mọi người mở lòng đón nhận. Đức tin của người môn đệ Giêsu là niềm vui của sự chia sẻ, đón nhận, cảm thông và nâng đỡ… để cùng anh chị em thành toàn cuộc đời trong Thánh Thần.

2. Mặc lấy ước muốn của Chúa trên đường hành hương

Quyết định sai thêm 72 môn đệ lên đường rao giảng Tin Mừng diễn tả khát khao mãnh liệt trái tim yêu thương của Chúa dành cho nhân loại. Chúa muốn cứu độ tất cả mọi người, mong từng người được nghe Tin Mừng. Tính cấp bách của việc loan báo Tin Mừng qua việc căn dặn môn đệ tập trung tuyệt đối vào công việc chính chứ đừng lăn tăn các việc phụ như: đồ dùng, ăn uống ở đâu, món gì, chỗ ngủ có không, ai đón… Trọng tâm của Tin Mừng cứu độ là nói cho mọi người biết trái tim yêu thương của Chúa muốn ôm lấy hết mọi người. Môn đệ Giêsu cần kể cho mọi người biết về Giêsu, Con Thiên Chúa đến trần gian để mang Thiên Chúa vào trong thế giới và khao khát đặt Chúa vào tâm hồn chúng ta, chứ không kể chuyện hài hay chuyện ru ngủ… Đây là ước muốn lớn lao của Thiên Chúa và phải trở thành tâm nguyện của người môn đệ được Chúa sai đi.

Đâu là lý do Chúa Giêsu thao thức mãnh liệt như thế? ĐTC Lêô trong ý nguyện tháng 7 cho chúng ta câu trả lời đầy hiện sinh này, “Giữa nhịp sống hối hả trong một thế giới ngày càng bị dẫn dắt bởi cảm xúc nhất thời, những quyết định vội vã và cơn lốc thông tin liên tục, người ta dễ quên rằng cuộc đời là một chuỗi những chọn lựa, và mỗi chọn lựa, dù nhỏ hay lớn, đều có thể đưa ta rời xa hay đến gần Đức Kitô hơn.” Thật là đúng, con lốc hưởng thụ và làn sóng thông tin công nghệ AI đang cuốn trôi con người vào những mê đắm trần gian. Chúng ta không còn giờ để dừng lại hồi tâm, không còn can đảm để tách mình ra khỏi đám đông ồn ào; cũng không còn đủ sức để gạn lọc mớ hỗn độn đang trói chặt đời ta. Chỉ có Chúa mới đủ sức giữ chặt đời ta, mới đủ yêu thương ôm cuộc đời bị thương tích và chữa lành; cũng chỉ có Chúa mới hiểu thấu chúng ta đang có một nội tâm bất an mà lại diễn tả bộ mặt bình an bên ngoài. Chỉ có Đức Kitô mới có trái tim đủ cảm thấu để chấp nhận cảnh đời của ta; trái tim đủ rộng để đón tất cả những ai chạy đến với Ngài.

Thánh Phaolô đã thấu cảm tình yêu xót thương của Chúa biến đổi đời ngài thành một Tông Đồ nên đã khát khao cộng tác tích cực để chương trình cứu độ của Chúa được thành toàn, “Tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giêsu.” Mang lấy dấu tích đời Chúa Giêsu, người môn đệ sẵn sàng chấp nhận sự khước từ như Chúa Giêsu đã chịu; nghĩa là, khi ta không được đón tiếp thì vẫn nói về Tin Mừng cứu độ. Mang lấy dấu tích của Đức Kitô, chúng ta học cách chống lại sự cám dỗ muốn thành công và học cách ước ao truyền đi ngọn đuốc vui mừng hy vọng vì “tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10, 20).

Chúng ta cần xin Chúa ơn biết khôn ngoan phân định chọn lựa thánh ý Chúa trong đời sống hằng ngày theo sự hướng dẫn của ĐTC Lêô, “biết phân định, một hành trình bắt đầu bằng việc dừng lại, lắng nghe, hồi tâm và bước đi trong ánh sáng của Lời Chúa: Xin ban cho con ơn biết dừng lại, để ý thức về cách con hành xử, về những cảm xúc đang ở trong con, và về những tư tưởng trào dâng, mà bao lần con đã không hề nhận ra.”

 

Comments are closed.