Chúa Nhật Tuần II Mùa Thường Niên – Ngày 17-01-2021

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 1,35-42″]

Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười. Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Ðá”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

NHỮNG NGƯỜI HỖ TRỢ ĐỨC TIN

“Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu” (Ga 1,35-37).

Đức tin là ơn huệ chúng ta được lãnh nhận từ Thiên Chúa chứ không phải do mình tạo nên. Hơn nữa, con người sống là sống cùng mọi người, nhờ mọi người và cho mọi người. Như thế, trong đời sống đức tin, chúng ta cần những người xung quanh để bắt đầu, tiếp tục và triển nở cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa.

Chúng ta thấy rõ điều này trong bài Tin Mừng hôm nay. Qua vị thầy Gioan Tẩy Giả, hai học trò đã gặp và ở lại với Đức Giêsu. Tương tự, Phêrô, trước khi trở thành vị tông đồ trưởng, cũng đã nhờ tới Anrê để có cơ hội gặp được Đấng Mêsia. Trong thời Cựu Ước, có một người tên là Samuel, Thiên Chúa đã đặt ông giữ những vai trò quan trọng đối với dân: vừa là thẩm phán xét xử, vừa là ngôn sứ chuyển lời Thiên Chúa. Dầu vậy, trước khi trở nên khuôn mặt vĩ đại như thế, Samuel cũng phải nhờ tới thầy Êli để nhận ra tiếng Chúa gọi. Như thế, trong hành trình đức tin, chúng ta cần đến những người hỗ trợ đức tin. Chúng ta có thể ví vai trò của những người này như chiếc cầu nối kết chúng ta với Thiên Chúa. Chiếc cầu tạo một hướng đi rõ ràng và nâng đỡ bước chân chúng ta đi. Nói rõ hơn, chúng ta cần đến những lời động viên, khuyên nhủ, nhắc nhở và thậm chí là phê phán đời sống đức tin của chính mình, để đức tin của chúng ta trở nên vững mạnh hơn. Chúng ta cần đến những anh chị em khác trong tư cách là những ngôn sứ: họ có thể an ủi chúng ta trong cơn thử thách đức tin, cũng có thể góp ý, phê bình khi chúng ta sống nghịch lại với đức tin.

Quả thật, chúng ta mang một phần trách nhiệm trên đời sống đức tin của người khác. Sách Sáng Thế kể lại rằng, sau khi Cain giết em mình là Aben, Thiên Chúa hỏi Cain rằng: “A-ben em ngươi đâu rồi?” (St 4,9). Cain từ chối trách nhiệm và Thiên Chúa tiếp tục hỏi Cain: “Ngươi đã làm gì vậy?” (St 4,10). Tương tự, về tình trạng đức tin của những người xung quanh, Thiên Chúa cũng có thể hỏi chúng ta rằng “ngươi đã làm gì vậy?” Chúng ta đã làm gì khiến người thân chúng ta suy yếu đức tin? Chúng ta đã làm gì khiến người khác không còn muốn đến nhà thờ nữa? Có lẽ đó là những câu hỏi không ai trong chúng ta thích nghe. Muốn như vậy, chúng ta hãy đón nhận lời thánh Phaolô khuyên nhủ “Bổn phận của chúng ta, những người có đức tin vững mạnh, là phải nâng đỡ những người yếu đuối, không có đức tin vững mạnh, chứ không phải chiều theo sở thích của mình” (Rm 15,1). Nhiều lúc, chúng ta phải biết bớt những thời gian thư giãn để thăm hỏi và động viên những ai yếu lòng. Gần gũi hơn nơi đời sống gia đình, cha mẹ hãy biết chịu đựng mệt nhọc để chăm lo cho con cái được tham dự thánh lễ, học giáo lý và hơn cả là cùng cầu nguyện với con cái.

“Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Ki-tô” (Gl 6,2). Như lời của thánh Phaolô, uớc gì trên hành trình đức tin, chúng ta dám mang gánh nặng cho nhau để nâng đỡ đức tin cho những người trong gia đình, cho những người chung quanh mình.

[/loichua]

Comments are closed.