[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 1,1-8″]
Khởi đầu Phúc Âm của Ðức Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa. Như có lời tiên tri Isaia chép rằng : “Ðây Ta sai Thiên Thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi”. Có tiếng kêu trong hoang địa rằng : “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”.
Gio-an Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội. Dân cả miền Giu-đê-a và Giê-ru-sa-lem tuôn đến với người, thú tội và chịu phép rửa trong sông Gio-đan.
Lúc đó Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Người rao giảng rằng : “Ðấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi ; còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
SÁM HỐI CANH TÂN, CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN ƠN CỨU ĐỘ
“Có tiếng kêu trong hoang địa rằng : Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” (Mc 1,3).
Thiên Chúa đã đi bước trước để dẫn đưa con người đi vào trong giao ước tình yêu, ngõ hầu trao ban nguồn ân sủng và ơn cứu độ cho con người. Tuy nhiên, nguồn ân sủng và ơn cứu độ của Thiên Chúa chỉ được triển nở cách trọn vẹn khi mỗi người sẵn sàng trở về với Ngài trong tinh thần sám hối canh tân.
Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe là một lời âm vang về sự viên mãn của ơn cứu độ được thực hiện trong Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Lời âm vang này là sự kết tinh của các lời loan báo thời Cựu Ước và trở nên rõ nét nơi lời loan báo của Gioan Tẩy Giả. Quả thế, sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả đã khơi dậy niềm hy vọng về ơn cứu độ nơi dân Israel. Ngài kêu gọi toàn dân sám hối và họ đã nghe theo. Tại sao dân chúng lại nghe theo lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả đến như vậy? Trước hết, ngay từ lúc thụ thai cho đến lúc chào đời, bàn tay uy quyền của Thiên Chúa đã ở với Gioan Tẩy Giả (x. Lc 1,66b). Chính cha ngài là Dacaria đã cảm nghiệm được điều này, vì thế ông đã hát vang bài ca “Chúc Tụng” Thiên Chúa (x. Lc 1,67-79). Bên cạnh đó, ông còn nhắc đến sứ mạng của con trai mình đó là: Trở thành tiên tri của Đấng Tối Cao (x. Lc 1,76-77). Đây là điều đã được tiên tri Isaia loan báo: “Ðây Ta sai Thiên Thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi” (Mc 1,2). Thứ đến, theo quan niệm lúc bấy giờ, mọi sự dữ hay bất hạnh xảy đến cho dân, đồng nghĩa với việc toàn dân đã phạm tội. Vì thế, thái độ sám hối canh tân là điều cần thiết trong hoàn cảnh này, ngõ hầu Thiên Chúa sẽ nhớ lại lời giao ước mà giải thoát dân Ngài khỏi ách đô hộ của đế quốc Rôma. Sau cùng, với dân chúng, Gioan Tẩy Giả được xem là người của Thiên Chúa. Thế nhưng, ngài lại loan báo về sự xuất hiện của Đấng Messia, quyền năng hơn ngài. Chính Đấng ấy sẽ mang lại ơn cứu độ viên mãn cho nhân loại trong Chúa Thánh Thần.
Từ việc lắng nghe Lời Chúa, mỗi người chúng ta lại được mời gọi sống tinh thần sám hối và canh tân trong mỗi ngày sống của mình. Với một thái độ chân thành và khiêm tốn, chúng ta hãy thưa lên cùng Thiên Chúa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13b). Khi ý thức được thân phận tội lỗi, mỏng giòn và yếu đuối của mình, cũng là lúc chúng ta chân nhận quyền năng cao cả của Thiên Chúa, ngõ hầu luôn tín thác vào lòng thương xót của Ngài. Bên cạnh đó, đời sống đức tin được bén rễ sâu trong Lời Chúa và Thánh Thể là điều rất cần thiết. Đây chính là nền tảng của lời loan báo về Tin Mừng Cứu Độ được thực hiện cách viên mãn trong Đức Giêsu Kitô. Quả thế, một mối tương quan cá vị và thân tình với Đức Giêsu, sẽ làm triển nở nhiều mối tương quan liên vị khác.
Thánh Augustinô nói: “Chúa dựng nên con không cần đến con, nhưng cứu chuộc con Chúa cần con cộng tác”. Xin cho mỗi người chúng ta ý thức được điều này, để mỗi ngày sống luôn là sự trở về không ngừng với Thiên Chúa trong tinh thần sám hối, ngõ hầu canh tân đời sống của mình.
[/loichua]