[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 13, 33-37″]
Hôm ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
NGƯỜI KITÔ HỮU SỐNG TỈNH THỨC ĐỂ GẶP CHÚA
“Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!” (Mc 13, 37).
Nếu trong đại lễ Giáng Sinh, Hội Thánh kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người thì Mùa Vọng là thời gian con người chuẩn bị để hướng tới đại lễ Chúa Giáng sinh và là thời gian người tín hữu canh tân đời sống, hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai. Do đó, Lời Chúa hôm nay mời gọi “người tín hữu sống tỉnh thức để gặp Chúa Kitô”.
Chúa Giêsu là ánh sáng đã đến thế gian, nhưng dân Do Thái đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng (x.Ga 3, 19). Tâm hồn họ chai đá và không còn biết kính sợ Thiên Chúa nên họ chẳng chịu đón nhận Đấng họ mong đợi. Do đó Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ hãy tỉnh thức để đón nhận Người. Trước khi đi xa, ông chủ đã giao phó mọi công việc cho các đầy tớ và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. Bằng việc tỉnh thức, người giữ cửa chứng tỏ sự trung tín với chủ và cuộc đời của người này được xác định trong tương quan với chủ. Vì không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng (x. Mc 13, 35) nên sự tỉnh thức của người giữ cửa không chỉ là chu toàn trách nhiệm được giao mà còn phải gắn liền với thái độ trông đợi ông chủ trở về và sẵn sàng đón tiếp ông. Khi ông chủ về mà thấy như vậy ông sẽ thắt lưng, đưa vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ (x. Lc 12,37). Đối với người tín hữu cũng vậy, mục đích của việc tỉnh thức là sẵn sàng đón tiếp Chúa Kitô, khi Ngài đến.
Nếu mê ngủ diễn tả lối sống thuộc về đêm tối thì việc sống tỉnh thức diễn tả căn tính của người Kitô hữu là con cái ánh sáng. Mặc dù đã được Chúa Giêsu giải thoát khỏi quyền lực của bóng tối (x.Cl 1,13) và đã trở thành con cái ánh sáng (x.1 Tx 5,5), nhưng người Kitô hữu vẫn có thể bị cám dỗ và sa ngã vì họ vẫn còn sống trong thế gian (x. Ga 17, 11), vẫn phải đối diện với những thử thách của Xatan (x. Lc 22, 31), vẫn mang nơi mình nhiều giới hạn “vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mc 14, 38). Do đó họ phải luôn tỉnh thức và chống lại bóng tối như biểu tượng của sự dữ, của ba thù: ma quỷ, thế gian, xác thịt. Để chiến đấu trong cuộc chiến thiêng liêng này, người tín hữu cần sống tỉnh thức để bám lấy Chúa và kêu cầu danh Chúa (x.Is 64,6). Đặc biệt người tín hữu phải loại bỏ những việc làm đen tối, cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu và hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô (x.Rm 13, 12-14). Vì là con cái ánh sáng nên người Kitô hữu được mời gọi hãy sống tiết độ, mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ (x.1 Tx 5, 8) “để đứng vững trước những mưu chước của ma quỉ” (Ep 6,11) và “dập tắt mọi mũi tên lửa của ác thần” (Ep 6,16) hầu gặp được Chúa.
“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119, 105). Xin cho mỗi người chúng ta biết để cho Lời Chúa soi dẫn cuộc đời. Nhờ đó, chúng ta hiểu biết các mầu nhiệm của Người để có thể sống lương thiện, công chính và chân thật (x. Ep 5, 8-9) hầu xứng đáng là con cái Sự Sáng.
[/loichua]