Chúa Nhật Phục Sinh Năm C – 21/04/2019

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 20,1-9″]

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

SỐNG NIỀM TIN VÀO SỰ PHỤC SINH

“Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết” (Ga 20,9).

Phục sinh là ý niệm hoàn toàn mới mẻ đối với cộng đoàn Giáo hội tiên khởi, thậm chí ngay cả trong tâm thức con người thời đại hôm nay. Người ta có thể nghĩ về một cuộc sống bên kia cái chết, hay một cuộc sống hồi sinh từ cái chết, như trường hợp của anh Lazarô, hoặc người con trai bà hóa thành Nain, hay con gái ông Giaia trưởng hội đường. Những người này đã được Chúa Giêsu làm cho sống lại. Còn sự phục sinh của Chúa Kitô là một chiến thắng vĩnh viễn, không trở lại cái chết nữa, thì lại vượt qua tâm trí con người, mà chúng ta gọi là mầu nhiệm.

Mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô không xa lạ hay tách rời khỏi cuộc sống con người, nhưng có một sự gần gũi và liên hệ trực tiếp đến ý nghĩa của đời người. Mầu nhiệm này gần gũi bởi vì chính Đấng Phục Sinh đã hiện ra cùng ăn cùng uống với các môn đệ, và thậm chí còn cho họ xem thương tích cuộc khổ nạn nơi cánh tay và cạnh sườn của Người. Mầu nhiệm này cũng ý nghĩa bởi vì sự phục sinh của Đức Kitô là một bảo đảm cho sự phục sinh của thân xác con người để đi vào một cuộc sống bất tử: “Chết không phải là hết”. Do đó, sự phục sinh của Đức Kitô là nền tảng đức tin của Kitô giáo, nếu Đức Kitô không phục sinh thì niềm tin của chúng ta trống rỗng và chúng ta là những kẻ đáng thương nhất (x. 1Cr 15). Niềm tin này được đặt trên nền tảng đức tin của các Tông đồ, là những người đã sống cùng, đã chứng kiến cái chết và những lần hiện ta của Đấng Phục Sinh. Các Tông đồ không phải là những người dễ tin, niềm tin vào Đấng Phục Sinh đã được các Tông đồ kiểm chứng không chỉ bằng kinh nghiệm giác quan, cảm nghiệm đức tin, mà còn đặt trên nền tảng Kinh thánh. Niềm tin này thúc đẩy các tín hữu phải thay đổi lối sống sao cho sống phù hợp với ơn cứu chuộc mà Chúa Kitô mang lại.

Sứ mạng làm chứng về Đấng Phục Sinh của người Kitô hữu là một khó khăn lớn như thể bước đi trên nước. Bởi vì thông tin vượt quá những gì người nghe có thể hiểu. Thế nhưng chúng ta có thể làm chứng về Đấng Phục Sinh theo cách thức chính Đấng Phục Sinh đã làm cho các chứng nhân của Người. Con người hôm nay sẽ tiếp tục cảm nghiệm bằng giác quan, bằng đức tin và chứng từ Kinh thánh khi chúng ta có một đời sống mới trong Đấng Phục Sinh. Như “rượu mới làm vỡ toang bầu da cũ” thế nào thì cuộc sống của chúng ta cũng cần được biến đổi như vậy nhờ ân huệ phục sinh. Bằng giác quan, khi cuộc sống chúng ta trở nên gần gũi, thân thương và đối xử tử tế với người khác. Bằng đức tin, khi đời sống chúng ta trở nên dạn dĩ thực hành đức tin, dám nói không với giả dối, tội lỗi; sống công chính, tốt lành, thánh thiện. Bằng chứng từ Thánh Kinh, đó là khi chúng ta sống đức bác ái, yêu thương, nâng đỡ, sẻ chia, cảm thông và ứng xử đầy chất Tin Mừng. Thật vậy, người Kitô hữu có thể bước đi trên nước vững vàng khi đôi tay nắm lấy bàn tay của Đấng Phục Sinh. Chúng ta có thể làm chứng về mầu nhiệm phục sinh cho người khác khi cuộc đời chúng ta được lấp đầy Chúa, và tràn ngập niềm vui Phúc Âm.

Lạy Chúa! niềm tin vào sự phục sinh của người tín hữu chúng con không chỉ là một lời hứa hẹn về sự sống đời sau, nhưng đã được triển nở ngay trong cuộc sống đời này. Xin cho chúng con ý thức sứ mạng làm chứng cho sự phục sinh của Chúa bằng đời sống mới, đời sống không còn lụy phục vào tội lỗi và cái chết vì đã được trỗi dậy cùng với Chúa.Amen.

[/loichua]

Comments are closed.