[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 19, 28-40″]
Khi ấy, Chúa Giêsu đi đầu, tiến lên Giêrusalem. Và khi Người đến gần Bếtphagê và Bêtania, về phía núi gọi là núi Cây Dầu, Người sai hai môn đệ đi và bảo : Các con hãy đi vào làng trước mặt kia, khi vào làng, các con sẽ thấy lừa con cột sẵn đó chưa ai cỡi bao giờ; các con hãy mở dây cho nó và dẫn về. Nếu có ai hỏi các con : “Tại sao các ông mở dây vậy ?” thì hãy nói thế này : “Chúa cần đến nó.” Vậy những người được sai đã ra đi, và thấy như Người bảo. Khi họ đang mở dây cho lừa con, thì những người chủ của nó hỏi : “Sao các ông mở dây lừa vậy ?” Họ đáp : “Chúa cần đến nó.” Họ dắt lừa về cho Chúa Giêsu ; trải áo của họ lên mình lừa và để Chúa Giêsu cởi lên. Trong lúc Người đi, người ta trải áo của họ xuống đường. Khi Người đến gần triền núi Cây Dầu, tất cả đoàn môn đệ vui mừng lớn tiếng ca ngợi Thiên Chúa về mọi phép lạ họ đã thấy mà rằng : “Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa ! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời.” Trong đám đông có vài người Pharisêu nói với Chúa Giêsu : “Thưa Thầy, Thầy quở trách các môn đệ Thầy đi.” Người nói : “Tôi bảo cho các ông biết nếu họ làm thinh, thì những viên đá sẽ la lên.”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
TRUNG THÀNH THỰC THI THÁNH Ý CHÚA
“Khi ấy, Chúa Giêsu đi đầu, tiến lên Giêrusalem” (Lc 19, 28)
Kính thưa cộng đoàn,
Khởi đầu Phụng Vụ Tuần Thánh, chúng ta chiêm ngắm vinh quang của Đức Giêsu Kitô khi Ngài khải hoàn tiến vào Giêrusalem. Cuộc khải hoàn hôm nay của Chúa mang ý nghĩa của một cuộc đăng quang khởi đầu vương quyền của một vị Vua. Tuy nhiên, đằng sau những lời tung hô vang dội mà người Do Thái dành cho Chúa, đó là sự bắt bớ, roi đòn tàn bạo. Sự đối lập trong cách thế người Do Thái đối xử với Chúa khẳng định Đức Giêsu là Vua; nhưng đồng thời cũng chứng tỏ Ngài không giống như bất kỳ vị vua nào khác ở trần gian, Người là Vua Thiên Sai, và là người tôi trung chịu đau khổ của Thiên Chúa. Phụng Vụ Lời Chúa Lễ Lá gợi lên cho chúng ta hai điều suy gẫm:
Thứ nhất: Đức Giêsu Kitô, người tôi trung Thiên Chúa
Khi dẫn đầu các môn đệ lên Giêrusalem, Đức Giêsu cho mọi người thấy rằng Ngài hướng về cuộc khổ nạn trong sự hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa Cha. Dù biết trước mọi việc sẽ xảy đến với mình, nhưng Chúa Giêsu vẫn ung dung cỡi trên lưng lừa, hướng lên thành thánh. Cuộc khải hoàn tiến vào thành thánh của Đức Giêsu như là khởi đầu một cuộc xuất hành mới, cuộc xuất hành từ cõi tạm trần thế vào vinh quang Thiên Quốc. Để chiến thắng trong cuộc xuất hành này, Đức Giêsu phải đi trên một hành trình thiêng liêng mà chỉ mình Ngài và Cha trên trời biết: đó là hành trình dẫn từ “địa vị Thiên Chúa” đến “địa vị của một người tôi tớ”. Đức Giêsu đã trung kiên đi trọn hành trình này cho dẫu phải trút bỏ chính mình, tự huỷ chính mình; và trong thinh lặng cầu nguyện, Ngài sẵn sàng bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (x. Pl 2, 6-8). Ngài đón nhận mọi hiểm nguy rình rập, sẵn sàng chịu mọi đau khổ để hoàn tất công trình cứu độ đã lãnh nhận từ Chúa Cha. Khi tự hạ mình như thế, Chúa Giêsu chứng tỏ Ngài là người tôi trung của Thiên Chúa; đồng thời Đức Giêsu cũng muốn mở ra cho chúng ta con đường đức tin và đi trước chúng ta trên con đường đó.
Thứ hai: Người tôi trung luôn tin tưởng vào Thiên Chúa
Tiến vào Giêrusalem, Đức Giêsu Kitô biết rằng mình sẽ phải chịu đau khổ đến tột cùng, và đón nhận cái chết. Tuy nhiên, không vì thế mà Chúa tỏ ra sợ hãi và thoái thác. Ngài đã không thương lượng với thập giá: hoặc là chấp nhận hoặc là từ chối; nhưng Ngài đón nhận trong thinh lặng và tự do với sự bình an thẳm sâu trong tâm hồn. Chúa kiên định dẫn đầu nhóm môn đệ đi lên thành thánh bởi tin tưởng rằng Thiên Chúa luôn luôn ở cùng Người. Qua đây, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta cách đối diện với những giây phút khó khăn thử thách bằng cách giữ gìn trong tâm hồn chúng ta một sự bình yên. Sự bình yên này không phải là thờ ơ với mọi sự thế trần, nhưng là phó thác cậy trông hoàn toàn vào Lòng Thương Xót của Chúa. Chúng ta chỉ có thể đạt được sự phó thác này bằng cách từ khước những cám dỗ của sự kiêu ngạo, vênh vang chiến thắng. Đồng thời, chúng ta phải kết hợp đời mình với cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô, để Người dẫn đưa chúng ta vào một cuộc xuất hành mới với Người, cuộc xuất hành vượt qua những tội lỗi và sự chết, để khải hoàn tiến vào cuộc sống mới, cuộc sống viên mãn trong Đức Giêsu Kitô.
Xin Chúa cho chúng ta trui rèn mọi suy nghĩ, hành động của chúng ta trong thử thách của thập giá, để chúng ta dám từ bỏ chính mình, trao phó trọn bản thân cho Thiên Chúa . Nhờ đó, chúng ta dám nói không với những thoả hiệp sai trái của thế gian, giữ cho tâm hồn bình lặng mà tiến bước trên con đường hướng về vinh quang Phục Sinh.
[/loichua]