Chúa Nhật Lễ Lá Mùa Chay – Năm C – Ngày 13/04/2025

Lời Chúa: Lc 22,14-23,56

Đến giờ, Chúa Giêsu vào bàn ăn với mười hai tông đồ và bảo các ông: “Thầy đã tha thiết ước ao ăn Lễ Vượt Qua này với các con trước khi chịu khổ nạn. Thầy bảo các con, Thầy sẽ chẳng bao giờ ăn lễ này nữa, cho đến khi lễ này được thực hiện trong nước Thiên Chúa”. Rồi Người cầm chén, tạ ơn và phán: “Các con hãy lãnh nhận chén này mà chia cho nhau: Thầy bảo cho các con biết: Thầy sẽ không uống thứ nho này nữa cho đến khi nước Thiên Chúa đến!”. Đoạn Người cầm bánh và tạ ơn, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Này là Mình Ta hiến ban vì các con, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén mà phán: “Chén này là Tân ước trong Máu Ta sẽ đổ ra vì các con.”

Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: “Người này là vua dân Do-thái”. Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: “Nếu ông là Đấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”. Đối lại, tên kia mắng nó rằng: “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao. Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn Ông này, Ông có làm gì xấu đâu?”. Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”. Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu, tối tăm liền bao trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chín. Mặt trời trở nên u ám, màn trong đền thờ xé ra làm đôi ngay chính giữa. Lúc đó Chúa Giêsu kêu lớn tiếng rằng: “Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha”. Nói đoạn, Người trút hơi thở.

Thấy sự việc xảy ra, viên sĩ quan ca tụng Thiên Chúa rằng: “Ông này quả thật là người công chính”. Và tất cả dân chúng có mặt thấy cảnh tượng đó, và chứng kiến những sự việc xảy ra, liền đấm ngực trở về.

Đứng xa xa, có những kẻ quen biết Người, và mấy phụ nữ đi theo Người từ xứ Galilêa, họ cũng chứng kiến. Tuy nhiên, có một công nghị viên tên là Giuse, người tốt lành và công chính. Ông này đã không đồng ý với mưu toan và hành động của các công nghị viên khác, ông quê ở thành Arimathia trong xứ Giuđêa, chính ông cũng trông đợi nước Chúa. Ông đến gặp Philatô và xin xác Chúa Giêsu. Đoạn ông hạ xác Người xuống, liệm trong khăn và táng trong mồ đã đục sẵn, nơi chưa táng xác ai. Hôm đó là ngày chuẩn bị và sắp bước sang ngày Sabbat. Trong khi đó, những người phụ nữ đã đi với Người từ xứ Galilêa, cũng theo đến xem mồ và xác Người được táng như thế nào. Rồi các bà về sửa soạn thuốc thơm và dầu thơm. Nhưng trong ngày Sabbat, các bà nghỉ theo đúng luật.

 

NGHỊCH LÝ CỦA TIN MỪNG

“Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha. Nói đoạn, Người trút hơi thở.” (Lc 23,46)

Cổ nhân có câu: “Ở hiền gặp lành”. Điều này quả là hợp lý vì được rút ra từ kinh nghiệm cuộc sống. Tuy nhiên, ý nghĩa của ngày Lễ Lá qua các bài đọc đưa chúng ta đi vào một khía cạnh khác mà ở hiền chưa chắc đã gặp lành nhưng gặp một điều khác, được gọi là nghịch lý của Tin Mừng – của người tôi trung Thiên Chúa.

Người tôi trung mang ơn cứu độ của Chúa không phải là một người nắm trong tay những giải pháp dễ dàng và hiệu quả. Người ấy được mô tả như một môn đệ, mỗi sáng cần phải lắng nghe thực tại, để có thể chu toàn sứ mạng cứu độ, hoàn toàn tin tưởng vào sức mạnh của điều thiện. Dù tất cả chúng ta đều cảm nhận trong lòng sự cô đơn, thậm chí đôi khi là sự bị bỏ rơi, lời ngôn sứ Isaia đảm bảo với chúng ta rằng Thiên Chúa luôn dõi theo lịch sử của chúng ta. Ngài không bao giờ rút lui, nhưng chính sự hiện diện của Ngài làm cho chúng ta có khả năng không chùn bước, mà đứng vững, sẵn sàng đối diện với thực tại: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, mà tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, giơ má cho kẻ giật râu” (Is 50,5-6). Tuy nhiên, để đi vào mầu nhiệm Vượt Qua và sự sống mới phát sinh từ đó, chúng ta phải đi qua cánh cửa hẹp của nghịch lý đức tin: ai chọn đặt trọn niềm tin vào tình yêu và lý tưởng phục vụ, người đó sẽ gặp sự từ chối và thù nghịch, ngay cả từ những người cần được cứu độ nhất.

Nghịch lý của Tin Mừng càng trở nên sâu sắc: chính trong sự tự hủy, chính trong giây phút Chúa Giêsu hoàn toàn hủy mình trên thập giá. Chủ đề nghịch lý này đạt đến đỉnh điểm trong trình thuật cuộc Thương Khó vào Chúa Nhật Lễ Lá. Chúng ta chứng kiến Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá trong một “cảnh tượng” (Lc 23,48) của sự im lặng huyền nhiệm. Chúa Cha không trả lời lời cuối cùng của Người Con – “Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha” (Lc 23,46) – không phải vì Ngài xa cách hay vô cảm trước nỗi đau của Con mình, nhưng vì Ngài tham dự vào nỗi đau ấy bằng cách tôn trọng tự do của Người Con một cách sâu sắc nhất. Sự thinh lặng của Ngài không phải là dấu chỉ của sự bỏ rơi, nhưng là niềm tín thác vô hình vào điều mà Người Con đang thực hiện trong tự do của tình yêu. Chúa Cha không can thiệp để Con có thể hoàn thành đến cùng điều Ngài hằng ấp ủ – chúng ta và ơn cứu độ của chúng ta – và để minh chứng đến tận cùng điều mà Ngài sẵn lòng trở thành: một Đấng Kitô nghèo hèn và khiêm nhường, hiến mạng sống vì bạn hữu và ngay cả vì kẻ thù của mình: “Nói đoạn, Người trút hơi thở.” (Lc 23,46)

Chúa Nhật Lễ Lá đưa chúng ta vào bầu khí phụng vụ đầy tính thánh thiêng, nơi niềm vui và nỗi đau không ngừng hòa quyện cách mầu nhiệm. Một bản hòa tấu vừa day dứt vừa nghịch lý, có khả năng đánh động và thức tỉnh vương quyền đích thực trong chúng ta, một vương quyền chỉ có thể hiện hữu khi dám đối diện cách trọn vẹn với thực tại. Ngày hôm nay, chúng ta được mời gọi nhớ rằng sự sống không được ban cho chúng ta để cất giữ trong một chiếc két sắt, nhưng để được hiến dâng một cách tự do. Sự tôn trọng hành trình tự do này – một điều không ai và không gì có thể xóa bỏ – chính là điều quý giá nhất mà chúng ta luôn có thể mong đợi từ Chúa Cha, để danh xưng của chúng ta không bị “hổ thẹn” (Is 50,7), nhưng trở thành một chứng tá rạng ngời về lòng trung tín và tình yêu của Ngài: “Con nguyện loan truyền danh Chúa cho anh em, giữa công hội, con xin dâng lời tán tụng Ngài” (Tv 21,23).

Chúng ta cầu Chúa ban ơn để mỗi người biết đối diện với những thực tại của Tin Mừng – đón nhận thập giá. Xin Chúa giúp sức để chúng ta can đảm sống lội ngược dòng, nói cách khác là chấp nhận những thử thách, can đảm sống theo nghịch lý của Tin Mừng và tin tưởng vào thánh ý Chúa để những điều ta hy vọng sẽ không bao giờ làm ta thất vọng.

 

Comments are closed.