Chúa Nhật IV Phục Sinh Năm B – Ngày 25-04-2021

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 10,11-18″]

Khi ấy, Chúa Giê-su phán : “Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này, cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn ; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Ðó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

CHÚA GIÊSU – MỤC TỬ TỐT LÀNH, CHÂN THỰC VÀ MẪU MỰC

“Ta là Mục Tử tốt lành” (Ga 10,11)

Chúa Giêsu khẳng định Ngài là Mục tử tốt lành (c. 11). Hai chữ “tốt lành” (kalos) trong tiếng Hy Lạp còn có nghĩa là chân thực, mẫu mực . Điều này thật có ý nghĩa với mỗi chúng ta là những người đang hướng tới chức linh mục. Vậy đâu là những phẩm chất cụ thể của vị Mục tử Giêsu mà chúng ta cần phải trau dồi và luyện tập? Dựa vào đoạn Tin Mừng hôm nay, xin được gợi lên ba điểm.

Thứ nhất, Mục tử Giêsu biết chiên của Ngài: “Tôi biết chiên của tôi” (c. 14). Trong Tin Mừng Gioan, “biết” không chỉ là có được thông tin, nhưng còn là có được tương quan. “Biết” ai đó là dấn thân đi vào mối liên hệ với người đó . Như vậy, biết chiên có nghĩa là thân thiết, là gắn kết với chiên, là mang mùi chiên, như cách nói của Đức Thánh Cha Phanxicô . Nhưng phải gắn kết thế nào và thân thiết làm sao? Tiêu chuẩn của Mục tử Giêsu là: “như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha” (c. 15). Tương quan giữa Chúa Giêsu và chiên có nguồn gốc và khuôn mẫu là tương quan giữa Ngài với Thiên Chúa. Giêsu là Mục tử tốt lành vì có cùng lúc hai tương quan tốt: với Chúa và với chiên .

Thứ hai, Mục tử Giêsu tìm chiên lạc: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về” (c. 16). Chúa nói là “phải đưa về”, chứ không nói là nên đưa về. Như vậy, loan báo Tin Mừng là nhiệm vụ nằm trong bản chất của ơn gọi mục tử, là nhiệm vụ thiết yếu cấu thành nên sứ vụ mục tử, để sao “chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (c. 16). Mục tử duy nhất đó là Chúa Giêsu, chứ không phải bất kỳ ai khác. Và dấu hiệu nhận biết chiên thuộc về đàn này là chúng nghe tiếng Chúa (c. 16), chứ không phải tiếng của bất kỳ người nào khác.

Thứ ba, Mục tử Giêsu “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (c. 11). Xuất hiện 5 lần trong 8 câu, cụm từ “hy sinh mạng sống” diễn tả ý tưởng chủ đạo của toàn đoạn Tin Mừng và bao trùm cả hai phẩm chất chúng ta vừa nói đến: Chúa sẵn sàng bỏ mạng Chúa để cứu mạng chiên, vì Chúa thân thiết với chiên của Ngài, và vì Chúa tha thiết với chiên còn đi lạc. Đây không phải là một lối nói quá, nhưng là một thực tế lịch sử. Đây không phải là một việc xảy ra trái ý Chúa, nhưng là một hành vi dâng hiến tự do: “Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống” (c. 18). Đây không phải là hậu quả của hận thù, nhưng là kết quả của tình yêu: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Mỗi chúng ta đều ao ước trở nên những mục tử đẹp ý Chúa và giống như Chúa. Nguyện xin Chúa Giêsu, Mục tử tốt lành, chân thực và mẫu mực chúc lành cho thiện chí của chúng ta, và thêm sức cho chúng ta thực hiện thiện chí đó.

[/loichua]

Comments are closed.