Lời Chúa: Lc 3, 1-6
Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê, Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê, người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-khô-nít, Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên, Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa. Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, như có lời chép trong sách ngôn sứ I-sai-a rằng: “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.”
HÃY DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA ĐẾN
“Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa,
sửa lối cho thẳng để Người đi.” (Lc 3, 4)
Khi nghĩ về hình ảnh sa mạc, ai trong chúng ta cũng liên tưởng trong đầu của mình, một hình ảnh hoang vắng, khô cằn, sỏi đá, đồi cát, không cây cối, không sinh vật, khí hậu khắc nghiệt ban ngày và se buốt về ban đêm. Mấy đời ai lại đi vào trong vùng hoang mạc để sinh hoạt và để sinh sống? Nhưng theo Kinh Thánh, sa mạc vừa là nơi con người chịu thử thách, vừa là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa.
Trong cuộc sống thiêng liêng, càng biết vào sa mạc, nghĩa là càng sống thinh lặng và cầu nguyện, thì càng cảm nghiệm được sự gặp gỡ với Thiên Chúa một cách mật thiết và gắn bó hơn. Sa mạc tâm hồn là những chặng dừng thích hợp trong dòng chảy của cuộc sống. Trong cô tịch, ta dễ chìm sâu xuống đáy lòng mình để gặp gỡ Chúa. Đó là những giờ cầu nguyện riêng tư thân mật. Một mình chúng ta diện đối diện với Chúa. Trong thân tình, Chúa sẽ dạy cho biết Thánh Ý để chúng ta thi hành. Lời Chúa đã và đang được Giáo Hội loan báo không phải ở trong sa mạc nhưng ở nơi đô hội, ở chốn đông người, vậy mà lời loan báo ấy cũng không khác gì tiếng kêu trong sa mạc. Có nhiều thứ sa mạc ở nơi chính cõi lòng con người hôm nay: Sa mạc của sự lãnh đạm, thờ ơ. Rất nhiều người đã sống như thể không có Chúa và không cần Chúa. Đối với những người này thì sống như vậy sẽ thoải mái hơn nhiều, bởi họ có thể tự do làm mọi sự theo ý mình, theo sự thúc đẩy của bản năng mà không có gì khuấy động lương tâm làm họ phải day dứt cả. Tin Chúa chỉ bận lòng thêm thôi. Chính vì vậy mà Lời Chúa vẫn mãi mãi chỉ là những tiếng kêu trong sa mạc. Giữa Thiên Chúa và con người không có đường để đi đến với nhau. Mà nếu có thì cũng chỉ là những con đường đầy thung lũng, đầy vực thẳm, đầy núi cao không thể vượt qua được.
Mùa vọng, Giáo Hội cho chúng ta chiêm ngắm và học gương sống của thánh Gioan tiền hô: “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Lc 3, 4). Tiếng người kêu gọi trong hoang địa ấy đã thúc giục mọi người ăn năn sám hối để đón nhận ơn cứu độ. Và con đường mà Ngài nhắc tới không phải là một con đường trong không gian, nhưng là con đường nội tâm của mỗi người. Sửa con đường nội tâm là thay đổi cõi lòng, thay đổi cuộc sống để xứng đáng đón tiếp Con Thiên Chúa làm người. Sửa đường cho Chúa đến là điều cần thiết và hợp lý.
Lạy Chúa, Mùa Vọng là mùa của sa mạc cõi lòng, có đi vào sa mạc của nghèo khó và siêu thoát chúng con mới dễ dàng nhận ra được tiếng nói của Chúa. Và từ sa mạc của nghèo khó và siêu thoát, chúng con mới có đủ can đảm để gióng lên tiếng của Chúa: “Mọi thung lũng, phải lấp đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng.” (Lc 3, 5) Khi cuộc sống của chúng con trở thành một lời mời gọi, khi miệng lưỡi của chúng con nói lên những lời can đảm chân thực, thì lúc đó như Tin Mừng nói với chúng con, mọi người sẽ được thấy ơn cứu độ của Chúa.