Lời Chúa: Lc 3, 15-16.21-22
Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a! Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.” Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”.
CHÚA GIÊSU – MẪU GƯƠNG KHIÊM HẠ
“Đức Giêsu cũng chịu phép rửa.” (Lc 3, 21)
Bí tích Rửa tội được Chúa Giêsu thiết lập để tha tội và tháp nhập chúng ta vào thân thể của Đức Kitô. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã chịu phép rửa của thánh Gioan không phải vì Chúa có tội nhưng vì muốn nêu gương sống khiêm hạ, liên đới với con người trong thân phận tội lỗi. Người còn tỏ cho ta biết về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và thánh hóa nước để thiết lập Bí tích Rửa Tội.
Trong bức tranh của trích đoạn Tin Mừng (x.Lc 3,15-16.21-22), chúng ta nhìn về hình ảnh của hai con người đại diện cho sự khiêm hạ. Một Gioan Tiền Hô đang được dân chúng săn đón và một Giêsu Nazaret hoàn toàn mới lạ. Người ta hàng hàng, lớp lớp kéo đến với Gioan để bày tỏ lòng sám hối. Gioan khi ấy nổi lên như một hiện tượng trong xã hội thời ấy. Thay vì dương dương tự đắc vì được dân chúng săn đón, Gioan cho ta thấy một hình ảnh đơn sơ và khiêm hạ: “Tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Tôi chỉ rửa anh em trong nước, còn chính Người mới rửa chúng tôi trong Thánh Thần. Vậy xin Người rửa cho tôi đi để tôi được ơn cứu độ” (x.Lc 3,16). Gioan khiêm tốn, tin tưởng và phó thác trót mạng sống cho Đấng Cứu Thế. Ông luôn chu toàn sứ mạng Thiên Chúa trao. Một dấu hỏi đặt ra, tại sao Chúa cũng lãnh phép rửa của Gioan? Chúa Giêsu cũng có tội sao? Không, Chúa Giêsu là Đấng Thánh Thiện vô cùng. Người là Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế (x.Pl 2,7). Người lãnh nhận phép rửa để làm gương về một lối sống khiêm nhường. Chúa cầm uy quyền trong tay, có quyền ban phát Thánh Thần để tha tội còn mạnh hơn phép rửa của Gioan nhưng Chúa lại không làm như vậy. Chúa hạ mình xuống để nâng con người lên cùng Thiên Chúa.
Mỗi người chúng ta đều đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Nói một cách khác, sứ vụ tư tế, vương đế và tiên tri luôn là ơn gọi chính yếu của chúng ta. Làm sao để chu toàn sứ mạng ấy? Chúng ta được mời gọi học ở gương khiêm nhường của Gioan và cao trọng hơn là của Chúa Giêsu trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì tội tổ tông, trong mỗi người luôn nhem nhóm những tư tưởng kiêu căng và tự mãn. Tự bản thân thích được đề cao, tự xem mình hơn người khác. Bản thân lắm lúc nhiều tội lỗi, nhưng lại ngại ngùng hoặc tự xét mình không có tội. Đó là những cám dỗ mà bản thân dễ phạm phải, chỉ có noi gương khiêm nhường của Chúa Giêsu, cúi xuống nhìn nhận thân phận tội lỗi của bản thân để hòa giải và được trở lại làm con Thiên Chúa. Lạy Chúa xin thương xót con, vì con là kẻ tội lỗi (x.Lc 18,13).
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin Ba Ngôi Thiên Chúa hiện diện trong tâm hồn các tín hữu và cho nhân loại nhìn sâu hơn vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Xin cho mỗi người biết xuống tận đáy của sự khiêm tốn để có thể được trở về cùng Thiên Chúa nơi chốn cao quang.