Thế giới và Hoa Kỳ cho đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng, sửng sốt mỗi khi ôn lại biến cố 11 tháng 9 năm 2001, khi những tên khủng bố cướp máy bay đâm vào hai cao ốc tại Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York. Đối với nhóm Hồi Giáo cực đoan, thì những tên khủng bố kia chính là những anh hùng, những nhà tuẫn giáo đã hành động một cách hết sức can đảm. Nhưng đối với phần đông nhân loại, thì đây chỉ là hành động nông nổi, nhất thời của những đầu óc bệnh hoạn và cuồng tín. Cũng một hành động mà người thì cho là anh hùng, can đảm; kẻ cho là điên rồ, bệnh hoạn. Vậy can đảm là gì? Làm thế nào để một hành động của ta được chấp nhận và coi là can đảm.
Tâm lý học không có một định nghĩa nào cho hành động can đảm, nhưng có những giải thích cho một hành động được gọi là can đảm. Những giải thích này liên quan đến định nghĩa của can đảm. Theo The American Heritage Dictionary, thì can đảm là khả năng của trí tuệ giúp một người đương đầu với những nguy hiểm bằng cách làm chủ được mình, tự tin, và biết cách giải quyết vấn đề. Như vậy, hành động can đảm bao gồm 3 đặc tính mà một hành động của người trưởng thành cần phải có là tự tin, trực diện với thực tế, và làm chủ được chính mình. Thiếu tự tín là một căn bệnh của tâm lý, vì người thiếu tự tín không thể làm chủ được chính mình, và cũng không có can đảm đối diện với sự thật. Do đó, can đảm hoàn toàn khác với bồng bột, nóng nẩy, và liều lĩnh.
Tâm lý học khi trình bày về đặc tính của người thủ lãnh cũng cho thấy rằng, họ là những người có khả năng đối diện với những khó khăn lớn lao, hoặc những nguy hiểm đang rình chờ trước mặt, những họ không muốn và không thích đương đầu với những vấn đề vượt quá sức của mình, những hành động đòi hỏi những cố gắng phi thường, và có kết quả bất ngờ. Họ luôn luôn muốn là những người thực tế, biết người, biết mình theo đúng nghĩa: “Tri kỷ, tri bỉ”. Ngược lại, đối với những người thiếu khả năng lãnh đạo thì khuynh hướng muốn lại chuyện lớn nhờ vào những may rủi, những quyết định bao đồng và liều lĩnh, hoặc những chuyện bất ngờ rất nhỏ mọn nhưng mang lại những thắng lợi lớn lao lại rất trổi vượt. Có nghĩa là họ không muốn chịu khó, không muốn can đảm chấp nhận và đương đầu với sự thật, nhưng chỉ mong thành công dựa vào những yếu tố may, rủi bất ngờ.
Tâm lý sống và tâm lý khảo cứu không khác nhau khi nhìn về hành động can đảm. Hành động ấy phải luôn luôn chừng mực, có mục đích, và kết quả thực tiễn, dù phải chịu khó, và hy sinh để mang lại kết quả. Yếu tố hy sinh, thử thách chính là những nét làm nên ý nghĩa của hành vi can đảm, chứ không phải là những hành động cuồng bạo, liều lĩnh, và nông nổi.
Ngoài những đặc tính của can đảm như vừa trình bày trên còn có liên lạc mật thiết với yếu tố thời gian. Thời gian nói lên được thế nào là một hành động can đảm do tính chất bền bỉ của nó. Trong cuộc sống thỉnh thoảng cũng có một vài người làm nổi những việc mà ta cho là phi thường, và gây kinh ngạc, nhưng yếu tố thời gian cũng từ từ loại bỏ những hành động nhất thời, những hành động bị thúc đẩy do những động lực từ bên ngoài ấy. Thí dụ, có người dám dùng thuốc lá xâm tên người yêu của mình trên ngực, như một dấu chỉ của sự can đảm và chung tình. Hoặc cũng có những trường hợp lấy dao rạch ngực, cắt tay lấy máu ăn thề, nhưng trong cuộc sống, với thời gian và những đòi hỏi cần có sự nhẫn nại, chịu đựng, thì những người ấy hoàn toàn không làm chủ được mình, không dám nhìn vào thực tế. Ngược lại, luôn luôn lẩn tránh thực tế bằng hành động và lời nói nóng nẩy, cộc cằn, và thô bạo. Điều này cũng giải thích thêm rằng không phải những việc làm phi thường, nhưng là những việc làm tầm thường nhưng bền bỉ mới là những hành động can đảm.
Chúng ta có thể lấy một thí dụ điển hình về hành động can đảm như sau. Một người vợ trẻ dám hy sinh mang theo những đứa con ngây thơ vượt trùng dương tìm lẽ sống và tương lai cho con. Những ngày đêm kinh hoàng trên đại dương. Những tháng năm mòn mỏi trong các trại tỵ nạn vùng Đông Nam Á. Và những thách đố khi trực diện với nỗi đơn lẻ, sức cám dỗ của tiền, tình, và đam mê dục vọng nơi miền đất tự do. Nhưng nếu thiếu phụ trẻ ấy vẫn một lòng chung thủy với chồng, thiết tha và hy sinh cho con cái, thì đó là một thánh nhân, một nữ lưu vì có trái tim và một cuộc sống can đảm. Tiếc một điều là những con người ấy ngày nay đang bị chìm vào biển người chỉ mong tìm khoái lạc, và những hào nhoáng bên ngoài. Tóm lại, can đảm không phải là một hành động bốc đồng, và càng không phải là những hành động tạo cảm giác và ấn tượng mạnh. Tâm lý sống người Việt Nam có câu rất hay: “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang. Đánh được người mặt vàng như nghệ”. Tâm lý này diễn tả thực chất của một người có hành động can đảm và một người có hành động nhát đảm. Và nó cũng nói lên hành động can đảm nhất chính là làm chủ được mình.
Can đảm nếu được nhìn dưới góc cạnh một nhân đức thì nó còn đòi hỏi sự luyện tập và đặc tính bền bỉ. Thí dụ, ta có thể can đảm xa tránh một hành vi tội lỗi chẳng hạn. Điều này không phải là dễ làm, và không phải là dễ tránh. Đứng trước cám dỗ của tình, của tiền, và của danh vọng, nếu không can đảm tự chủ và không biết cách giải quyết, con người ai cũng dễ sa ngã. Tự bản năng và do hành động tự nhiên, con người ai cũng muốn tìm cho mình cái dễ dàng và thoải mái, những hành động không đòi hỏi nhiều cố gắng và yếu tố bền bỉ của thời gian. Đó cũng là sự khác biệt giữa thánh nhân, quân tử, và loài phàm phu, tục tử.
Nhìn vào thế giới hiện nay, vấn nạn gây nhiều nhức nhối và đổ vỡ nhất trong đời sống là phá thai, là ly dị, là chồng chung vợ cha, là tiềm dâm hậu thú, là hưởng thụ và khoái lạc. Ai cũng biết rằng những việc làm ấy không đúng, sai trái, và tội lỗi, nhưng đã có mấy ai dám can đảm đi ngược lại với xu hướng thời thế, xu hướng khoái lạc chủ nghĩa này. Nếu có, lập tức họ được coi là lập dị, là cù lần, và là những người đạo đức giả. Và để làm một hành động đi ngược lại với những xu hướng này, hiển nhiên phải là một việc làm can đảm.
Tóm lại, trong cuộc sống thường ngày, ta phải can đảm lắm mới dám đối diện với sự thật, đối diện với những khó khăn trước mặt, và mới dám giải quyết những khó khăn ấy một cách cho hơp tình, hợp lý. Nhưng để can đảm trở thành những hành vi nhân đức, thì những việc làm can đảm ấy phải được lập đi, lập lại nhiều lần trong cuộc sống như định nghĩa của nó. Theo đó, can đảm là một khả năng của lý trí giúp kìm hãm, làm chủ con người mình, tự tin, và có khả năng giải quyết những khó khăn trước mặt. Và như vậy, can đảm cũng chính là một đức tính giúp ta làm chủ được chính mình.
Trần Mỹ Duyệt