CẢM NGHIỆM MỤC VỤ TRUYỀN GIÁO TẠI GIÁO XỨ ĐĂNKAR
“Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,48), Lời Chúa của ngày Thứ Năm trong tuần Bát Nhật Phục Sinh thật ý nghĩa cho ngày tiếp cận mục vụ truyền giáo của tập thể lớp Thần IV – Khóa XIII. Sau Thánh Lễ, chúng con lên đường trong niềm vui của những ngày mừng Chúa Phục Sinh. Nhóm chúng con lên đường đi đến với Giáo xứ Đănkar, thuộc giáo hạt Túc Trưng, Giáo phận Xuân Lộc. Một giáo xứ nhỏ bé, đơn sơ, nhưng lại là vùng đất màu mỡ cho sự phát triển của đời sống đức tin.
Vừa đặt chân đến Giáo xứ, chúng con đã hết sức ấn tượng với lối kiến trúc độc đáo của nhà thờ. Ngôi thánh đường toát lên vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc, thể hiện rõ nét những giá trị văn hóa đặc trưng của anh chị em đồng bào nơi đây. Từ ấn tượng đầu tiên, chúng con cảm nhận rằng nơi đây có rất nhiều điều quý giá mà chúng con sẽ được học hỏi. Giáo xứ Đănkar là một giáo xứ nhỏ nằm trên vùng đất Định Quán. Giáo xứ có khoảng hơn 800 giáo dân, đa phần là anh chị em đồng bào Châu Mạ. Đến với Giáo xứ, chúng con được cha Bênađô Tô Ngọc Hân – Chánh xứ tiếp đón rất ân cần và nồng hậu. Ngài chia sẻ cho chúng con một số thông tin về giáo xứ, cũng như hướng dẫn chúng con những công việc trong ba ngày chúng con ở đây.
Trong ít ngày ngắn ngủi ở giáo xứ, chúng con được cha chánh xứ tạo cơ hội tiếp xúc, thăm viếng nhiều gia đình trong giáo xứ. Qua những cuộc gặp gỡ, chúng con được hiểu hơn về hoàn cảnh sống, cũng như đời sống đức tin của bà con giáo dân nơi đây. Nhìn chung, các tín hữu nơi đây hầu hết là những người lao động vất vả. Sự vất vả được nhận thấy không chỉ nơi cuộc sống thường ngày, mà nó đã in hằn lên khuôn mặt đầy cơ cực của những con người nơi đây. Tuy đời sống vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhưng chúng con lại nhận thấy một đời sống đức tin thật mạnh mẽ và sống động. Điều ấy ít nhiều thể hiện qua các thánh lễ có khá đông các tín hữu tham dự. Các tín hữu cũng rất siêng năng tham dự các giờ cầu nguyện của tại giáo xứ. Họ tham dự các việc phượng tự với một tâm hồn đơn sơ, chân thành, nhưng thật sống động và đáng quý.
Đến với các gia đình, chúng con được lắng nghe các gia đình chia sẻ về những khó khăn mà họ đang phải đối diện từ kinh tế, việc mưu sinh, những bấp bênh trong đời sống gia đình, và cả những thử thách trong việc sống đời sống đức tin. Từ những chia sẻ ấy, chúng con nhận thấy nơi họ một lòng khao khát Chúa rất chân thành, một niềm tin mạnh mẽ vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa dù cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhiều người trong số họ thật sự là chứng nhân cho Tin Mừng Phục Sinh của Chúa.
Chúng con cũng thật vui vì được chia sẻ niềm vui Phục Sinh với các em thiếu nhi sau thánh lễ chiều thứ Năm. Nụ cười hồn nhiên, nét vui tươi và tâm hồn đơn sơ nơi các em nhắc nhở chúng con về sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa nơi vùng đất này. Từ những hình ảnh đó, chúng con thấy rằng hạt giống đức tin đã và đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ nơi cộng đoàn giáo xứ.
Sau hành trình tiếp cận mục vụ truyền giáo, mỗi anh em đã góp nhặt thêm được nhiều bài học quý giá cho bản thân. Với chúng con, hành trình này là cơ hội để rèn luyện bản thân, hun đúc hồn tông đồ, và chuẩn bị cho bản thân hành trang hữu ích cho sứ vụ mai sau. Chúng con nhận thấy rằng, việc truyền giáo không hệ tại ở việc trình bày giáo lý cách Hàn Lâm, những là sự hiện diện đậm chất Tin Mừng nơi chúng ta sống. Trên hết, đó là việc cậy trông vào sự tác động của Chúa Thánh Thần trên các hoạt động tông đồ.
Nguyện xin Chúa Giêsu Phục Sinh tuôn đổ ơn thánh của Niềm Hy Vọng xuống trên cộng đoàn giáo xứ Đănkar, để giáo xứ luôn là một cộng đoàn yêu thương và hiệp nhất, và xin ơn thánh trong mùa Phục Sinh biến đổi mỗi thành viên trong giáo xứ trở nên những chứng nhân sống động cho Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Kitô.
CẢM NGHIỆM SAU HÀNH TRÌNH MỤC VỤ TRUYỀN GIÁO
TẠI GIÁO XỨ QUẢNG XUÂN
Từ ngày 24 đến 26 tháng 4 năm 2025, anh em Thần học IV, Khóa XIII – Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc – đã có cơ hội quý báu tham gia hành trình mục vụ tiếp cận truyền giáo tại Giáo xứ Quảng Xuân. Đây không chỉ là một chuyến đi thực tập mục vụ thông thường, nhưng là một trải nghiệm sâu sắc, mở ra cho quý Thầy cái nhìn mới mẻ về các tôn giáo bạn, về đời sống xã hội phong phú, và đặc biệt là về căn tính mục tử mà mỗi người đang hướng đến.
Hành trình mục vụ kéo dài ba ngày đã đưa quý Thầy đến với những cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa – từ các cơ sở tôn giáo như Thánh đường Hồi giáo, chùa, tịnh thất, đến các cơ sở xã hội như mái ấm cho người già neo đơn và trung tâm chăm sóc người khuyết tật. Tất cả những nơi này đều trở thành môi trường học hỏi sống động và là điểm chạm thiêng liêng, giúp quý Thầy cảm nhận rõ hơn về sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời thường, qua những con người âm thầm phục vụ và trao ban tình yêu.
1. Giáo xứ Quảng Xuân: Nơi bắt đầu cho hành trình tiếp cận truyền giáo
Ngay khi đặt chân đến Giáo xứ Quảng Xuân, quý Thầy đã được Cha xứ Tôma Aquinô Trần Bá Huy và Ban Hành giáo đón tiếp trong bầu khí thân tình, vui tươi. Sự hiếu khách và hỗ trợ tận tình của Cha xứ và cộng đoàn đã tạo điều kiện thuận lợi cho toàn bộ hành trình mục vụ.
Ấn tượng đặc biệt là nơi đây hiện diện một đời sống đức tin mạnh mẽ: giáo dân nhiệt thành trong việc phục vụ nhà thờ, bầu khí cầu nguyện diễn ra thường xuyên, và các em thiếu nhi tích cực đến viếng Thánh Thể. Trong thời gian lưu lại, quý Thầy cũng có buổi giao lưu sinh hoạt đầy sinh động với các em thiếu nhi sau Thánh lễ chiều – một dịp quý báu để cảm nhận nhịp sống mục vụ thực tế và nối kết với cộng đoàn đức tin trẻ.
Đặc biệt, quý Thầy đã đến thăm một Cha cố cao niên – người dù đã ngoài 90 tuổi và phải ngồi xe lăn, nhưng vẫn toát lên sự bình an của một mục tử đã trọn đời dâng hiến. Cũng trong tinh thần hiệp thông, quý Thầy đã viếng thăm ông cố của một Cha giáo – người đang trong quá trình phục hồi sau chấn thương. Những cuộc thăm viếng này giúp quý Thầy nhận ra rằng đời sống mục tử không chỉ là hoạt động mục vụ năng động, mà còn là sự hiện diện âm thầm, trung thành và bền bỉ giữa đau khổ và thử thách.
2. Thánh đường Hồi giáo Masjid Nourul Ehsaan: Nhịp cầu liên tôn
Mở đầu hành trình tiếp cận liên tôn là chuyến thăm Thánh đường Hồi giáo Masjid Nourul Ehsaan. Tại đây, quý Thầy được ông Từ – người trông coi Thánh đường – đón tiếp và chia sẻ về đời sống tín ngưỡng của cộng đồng Hồi giáo: từ việc cầu nguyện, học tiếng Ả Rập đến sinh hoạt giáo lý.
Dù không được gặp trực tiếp Giáo cả – vị lãnh đạo tôn giáo – nhưng qua lời kể, quý Thầy được mở mang tầm nhìn về cách thức tổ chức và đời sống đạo trong cộng đồng Hồi giáo. Giáo cả là người có đời sống gia đình, học tập tại Malaysia, sống đơn sơ và tự túc về kinh tế – hình ảnh của một nhà lãnh đạo vừa bình dị, vừa tận tụy.
Qua chuyến thăm này, quý Thầy cảm nhận được vẻ đẹp thầm lặng của lòng đạo và sự chân thành nơi tín đồ tôn giáo bạn. Điều đó mời gọi mỗi người sống ơn gọi mục tử trong tinh thần đối thoại, biết nhận ra và trân trọng dấu chỉ của Thiên Chúa nơi người khác, dù khác niềm tin.
3. Chùa Bảo Lâm: Gặp gỡ trong thân tình và vui vẻ
Tiếp tục hành trình, quý Thầy đến thăm Chùa Bảo Lâm và được sư cô Trụ trì đón tiếp trong tinh thần cởi mở và chân thành. Không gian thanh tịnh, trầm mặc nơi chùa, cùng với nếp sống quy củ của vị tu sĩ đã gợi lên nơi quý Thầy một cảm thức thiêng liêng sâu xa: thinh lặng không chỉ là sự vắng tiếng, mà là không gian cho tiếng Chúa vang vọng nơi tâm hồn.
Đời sống nội tâm, kỷ luật và khiêm nhu của sư cô là một tấm gương quý báu. Người mục tử tương lai được mời gọi noi theo tinh thần ấy, để trở nên người mục tử biết lắng nghe, thấu hiểu và hiện diện cách có chiều sâu giữa lòng đời.
4. Thiện Duyên Tự: Rao giảng bằng bàn tay và trái tim
Tại Thiện Duyên Tự – do Thầy Thích Thiện Lai sáng lập – quý Thầy gặp gỡ một vị tu sĩ Phật giáo tận tụy với sứ mạng chăm sóc người nghèo qua việc khám bệnh và bốc thuốc nam. Dù công việc bận rộn, Thầy vẫn đón tiếp quý Thầy với nụ cười hiền hậu và tấm lòng rộng mở.
Hình ảnh Thầy Thiện Lai phục vụ tha nhân bằng hành động cụ thể là một lời chất vấn mạnh mẽ đến người mục tử Công giáo: việc rao giảng không chỉ dừng lại nơi lời nói, mà phải được thể hiện bằng chính đôi tay phục vụ và trái tim đầy lòng thương xót.
5. Mái ấm người già neo đơn: Thực tại của lòng thương xót
Một trong những điểm nhấn xúc động nhất của hành trình là chuyến thăm mái ấm do các nữ tu Dòng Thừa Sai Bác Ái phụ trách. Tại đây, quý Thầy chứng kiến cảnh các sơ âm thầm chăm sóc cho gần 20 cụ bà – những người đã đi gần hết cuộc đời trong cô đơn và bệnh tật.
Từng cử chỉ ân cần, từng ánh mắt trìu mến của các sơ đã để lại dấu ấn sâu sắc nơi quý Thầy. Sự hiện diện đầy yêu thương ấy chính là hiện thân của lòng thương xót Chúa giữa đời thường. Người mục tử, hơn ai hết, phải trở thành một khí cụ của sự dịu dàng, của lòng trắc ẩn, để mang ánh sáng và hy vọng đến cho những người bị bỏ quên.
6. Cơ sở khuyết tật Long Thuận: Hiến thân giữa đời thường
Chặng cuối của hành trình là Cơ sở khuyết tật Long Thuận – nơi các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết đang phục vụ những trẻ em khiếm thính và khuyết tật. Công việc ở đây đòi hỏi nhiều hy sinh, nhưng các sơ luôn phục vụ với sự kiên nhẫn và nụ cười.
Tại nơi tưởng chừng như bị lãng quên ấy, quý Thầy cảm nghiệm được rằng sứ vụ mục tử không thể thiếu việc đồng hành với những người nhỏ bé, yếu thế. Chính nơi đó, lời mời gọi “Hãy theo Thầy” vang lên cách sống động nhất – không phải trên bục giảng, mà là giữa những mảnh đời đầy thử thách, nơi tình yêu được trao đi cách âm thầm và vô điều kiện.
Kết luận
Ba ngày mục vụ truyền giáo tuy ngắn ngủi, nhưng lại trở thành một hành trình thiêng liêng, để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn quý Thầy. Qua những cuộc gặp gỡ, quý Thầy không chỉ học hỏi tri thức liên tôn hay nhận diện nét đẹp nhân bản, mà còn cảm nghiệm sự hiện diện sống động của Thiên Chúa nơi những con người bé nhỏ, âm thầm phục vụ trong yêu thương.
Chính những chứng tá khiêm tốn mà mạnh mẽ ấy đã trở thành bài học sống động về đời sống mục tử: biết lắng nghe, khiêm tốn, yêu thương và dấn thân phục vụ không mỏi mệt. Hành trình tiếp cận truyền giáo không chỉ là một hoạt động bên ngoài, nhưng còn là bước sâu vào nội tâm để lắng nghe tiếng Chúa gọi trong từng nhịp sống đời thường.
Nguyện xin Chúa Giêsu, Vị Mục Tử Nhân Lành, tiếp tục đồng hành và uốn nắn tâm hồn quý Thầy, để mỗi người trở nên mục tử theo lòng Chúa mong ước – sẵn sàng yêu thương, đối thoại, hiệp thông và phục vụ, giữa một thế giới còn nhiều chia rẽ và thương tích.
BÀI CẢM NHẬN CHUYẾN ĐI MỤC VỤ TRUYỀN GIÁO
TẠI GX. THANH HÓA
Theo chương trình của Đại Chủng Viện, từ thứ năm đến thứ bảy trong tuần Bát Nhật Phục Sinh, chủng sinh thần học IV sẽ đi mục vụ tiếp cận truyền giáo. Anh em tổ 3 đã có dịp đến với giáo xứ Thanh Hóa để tham gia sứ vụ truyền giáo này. Đây là một trải nghiệm quý báu, không chỉ giúp chúng tôi thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng – sứ mạng của mọi tín hữu, mà còn là cơ hội để học hỏi, cảm nghiệm và chuẩn bị cho xứ vụ tương lai.
Ngay từ khi đặt chân đến giáo xứ, chúng tôi đã cảm nhận được sự đón tiếp nồng hậu và tinh thần huynh đệ từ quý cha và cộng đoàn nơi đây. Cha xứ ( tuy vắng nhà vì công việc mục vụ), cha phó và thầy xứ không chỉ hỗ trợ chúng tôi nơi ăn chốn ở mà còn tạo mọi điều kiện thuận lợi để chúng tôi có thể chu toàn tốt nhất sứ vụ mục vụ. Sự ân cần, nhiệt tình và gần gũi của các ngài đã khiến chúng tôi không thấy mình là người khách lạ, nhưng như một người con trở về với gia đình của mình.
Trong kế hoạch ban đầu, chúng tôi chia làm hai nhóm, mỗi nhóm bốn người để có thể đến thăm và gặp gỡ các gia đình trong giáo xứ, đặc biệt là anh chị em di dân, những người đang ốm đau, già yếu, neo đơn hay gặp hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, sau buổi đầu tiên, nhận thấy số lượng người cần được thăm viếng khá đông và phân bố ở nhiều khu vực, chúng tôi đã linh hoạt điều chỉnh, chia thành nhiều nhóm nhỏ hơn, mỗi nhóm hai người. Nhờ đó, chúng tôi có thể tiếp cận với nhiều hoàn cảnh hơn.
Những ngày mục vụ, chúng tôi được đồng hành với quý ông trùm các giáo họ, các anh chị huynh đoàn Đa Minh và hội viên Legio Mariae – những người giáo dân rất nhiệt thành và gắn bó lâu dài với công cuộc truyền giáo. Họ không chỉ dẫn đường, mà còn là người cầu nối, người bạn đồng hành, giúp tôi hiểu thêm về đời sống đức tin và những khát khao thầm lặng của nhiều anh chị em trong giáo xứ.
Ấn tượng mạnh mẽ nhất trong tôi chính là những lần đến thăm các anh chị em di dân, phần lớn là công nhân trẻ từ các vùng quê nghèo lên thành phố làm việc. Họ sống trong những căn phòng trọ chật hẹp, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn và thường xuyên đối mặt với áp lực công việc, thiếu thời gian nghỉ ngơi và đôi khi vì công việc phải tăng ca mà không thể nghỉ để tham dự Thánh lễ Chúa Nhật. Dù vậy, nơi họ vẫn le lói một ánh sáng đức tin – ngọn lửa ấy dù mong manh nhưng vẫn đủ để làm ấm lòng người khác. Có bạn công nhân chia sẻ rằng đã hơn ba tháng chưa được đi lễ vì ca làm liên tục; có người thì lặng lẽ rơi nước mắt khi kể về gia đình ở quê, những ngày lễ lớn chỉ biết gọi điện về cầu chúc, không được quây quần bên nhau. Khi viếng thăm họ, chúng tôi được cha xứ gửi gắm những túi gạo như một cách chia sẽ với anh chị em phần nào nỗi khó khăn vất vả, cùng với đó là những lời hỏi thăm, động viên, những câu chuyện, và kết thúc với ít lời kinh nguyện dâng lên Chúa, nhưng dường như chính sự hiện diện ngắn này lại làm cho nhiều người cảm thấy được yêu thương và nâng đỡ.
Không chỉ có những người trẻ, chuyến mục vụ còn đưa chúng tôi đến gặp gỡ những người già, người bệnh tật, neo đơn. Có cụ già sống một mình, nằm liệt giường nhiều năm, ngày ngày chỉ biết nhìn lên ảnh Chúa và Mẹ Maria mà thầm thĩ cầu nguyện. Có cụ ông câm chỉ biết cầm tay tôi, đưa ánh mắt cảm động khi chúng tôi đến thăm. Trong những giây phút đó, chúng tôi thấy lòng mình lặng lại, thấy mọi học thuyết, mọi lý lẽ thần học trở nên sống động qua từng hoàn cảnh đời thường, qua từng khuôn mặt mà chúng tôi có dịp gặp gỡ.
Chuyến mục vụ không chỉ là hành trình “đi ra” để thực thi sứ vụ, mà còn là một hành trình “đi vào” chính nội tâm từng người trong anh em chúng tôi – nơi Chúa vẫn đang nói với chúng tôi về ơn gọi và sứ mạng của người linh mục. Chúng tôi học được rằng, thi hành sứ vụ không nhất thiết phải là làm những điều to lớn, nhưng chính là sống gần gũi, hiện diện cách đơn sơ, chân thành, sẵn sàng lắng nghe và đồng hành. Chính những người nghèo, người đau khổ, người bé mọn mà tôi gặp trong chuyến đi đã trở thành thầy dạy cho chúng tôi. Họ dạy chúng tôi biết yêu bằng sự kiên nhẫn, biết tin tưởng vào Chúa giữa đau khổ, biết vui với niềm vui nhỏ nhoi và dâng hiến âm thầm cho người khác.
Chúng tôi cũng cảm phục tấm gương phục vụ âm thầm của các thành phần giáo dân trong giáo xứ: quý ông trùm tận tụy, các thành viên huynh đoàn và Legio luôn sẵn sàng hy sinh thời gian và sức lực để đến với những người bị lãng quên. Trong họ, chúng tôi thấy hình ảnh của một Hội Thánh phục vụ và gần gũi với người nghèo – một Hội Thánh mà mỗi anh em chúng tôi ước ao được góp phần xây dựng trong tương lai.
Kết thúc ba ngày mục vụ, chúng tôi ra về mang theo những khuôn mặt, những câu chuyện, những nụ cười và cả những giọt nước mắt in sâu trong trái tim mình. Chúng tôi cảm thấy biết ơn Chúa vì đã cho mình cơ hội sống trong sứ vụ, được gặp gỡ Ngài nơi những con người cụ thể và được củng cố hơn nữa trong hành trình ơn gọi. Chuyến đi này sẽ không dừng lại ở ba ngày, mà sẽ tiếp tục đồng hành với chúng tôi trong suốt hành trình còn lại của đời chủng sinh, và xa hơn nữa, trong sứ mạng linh mục mai sau.
Xin Chúa Phục Sinh tiếp tục đồng hành và làm cho ngọn lửa yêu thương, nhiệt thành được nhóm lên trong tim chúng tôi, để chúng tôi luôn sẵn sàng thưa với Ngài: “Lạy Chúa, này con đây, xin sai con đi!”
“TỪ NHỮNG CUỘC GẶP GỠ ĐẾN TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA: CẢM NHẬN MỤC VỤ TRUYỀN GIÁO – ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN TẠI GIÁO XỨ BẾN GỖ”
Chuyến mục vụ truyền giáo trong mảng đối thoại liên tôn mà anh em chúng tôi vừa thực hiện là một dịp đặc biệt để sống tinh thần bác ái và phục vụ, đồng thời học hỏi, chia sẻ với anh chị em trong các tôn giáo khác. Đây là cơ hội quý báu để mỗi người trong chúng tôi thực hành và củng cố đức tin Kitô giáo của mình, đồng thời xây dựng những cầu nối tình thân ái với cộng đồng tôn giáo bạn. Với sự đồng hành của Cha Phaolô Trần Thanh Phong – Chánh xứ Bến Gỗ, chuyến đi không chỉ là cơ hội để thực hiện công tác mục vụ, mà còn là dịp để chúng tôi phát triển lòng bác ái qua đối thoại và chia sẻ trong đức tin.
Ngày thứ nhất: Ngày đầu tiên của chuyến mục vụ diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm và đầy ý nghĩa. Buổi sáng, anh em chúng tôi đến trình thư giới thiệu mục vụ truyền giáo mảng đối thoại liên tôn, và cùng Cha Phaolô Trần Thanh Phong trao đổi, học hỏi những kinh nghiệm quý báu trong công tác mục vụ và truyền giáo dưới sự hướng dẫn tận tình của Cha. Chúng tôi đã lắng nghe những chia sẻ chân thành từ Cha về việc xây dựng và duy trì mối tương quan với cộng đoàn giáo xứ, đặc biệt là tại môi trường đa tôn giáo, nơi yêu cầu sự khôn ngoan, tôn trọng và yêu thương trong việc loan báo Tin Mừng.
Buổi tối, anh em tham gia sinh hoạt và chia sẻ với các em thiếu nhi trong giáo xứ.
Đây là cơ hội để chúng tôi không chỉ chia sẻ tình yêu thương mà còn là dịp để anh em thể hiện niềm vui, hạnh phúc khi sống trong tình yêu của Chúa. Những trò chơi, câu chuyện đức tin và niềm vui qua việc gặp gỡ các em thiếu nhi làm cho không khí buổi tối trở nên ấm áp và tràn đầy hy vọng.
Ngày đầu tiên kết thúc với phần kinh tối và lượng định nhóm. Mỗi anh em đều cảm nhận được sự bình an và niềm vui trong lòng, khi suy ngẫm về những gì đã được học hỏi và chia sẻ trong ngày.
Ngày thứ hai: Ngày thứ hai của chuyến mục vụ tiếp tục với các hoạt động đầy ý nghĩa. Buổi sáng, anh em cùng với Cha xứ, Cha Phó và quý chức trong giáo xứ đi thăm các bệnh nhân, trao Mình Thánh Chúa và cầu nguyện cho những anh chị em đang phải đối mặt với bệnh tật. Qua những cuộc thăm viếng này, chúng tôi cảm nhận rõ hơn về lòng thương xót của Chúa, khi thấy được niềm tin và hy vọng mà những bệnh nhân này vẫn giữ vững trong những giây phút khó khăn nhất.
Cùng Qúy Cha trao Mình Thánh Chúa và tặng quà cho các bệnh nhân
Buổi chiều, anh em chúng tôi thăm Chùa Long Bửu, nơi chúng tôi gặp gỡ và trao đổi với sư Thích Tịnh Hiệp – Ban Quản Trị Chùa. Cuộc đối thoại, lắng nghe và trao đổi về tôn giáo diễn ra trong bầu không khí cởi mở và thân thiện, khi chúng tôi cùng nhau chia sẻ về những giá trị đạo đức và tín ngưỡng của mỗi tôn giáo. Chúng tôi được nghe về những khó khăn trong việc quản trị và xây dựng Chùa, và cùng nhau trao đổi những suy nghĩ về việc duy trì sự hòa hợp, đối thoại và cộng tác giữa các tôn giáo trong xã hội hiện đại. Đây là một dịp quý báu để chúng tôi hiểu biết thêm về Phật giáo và củng cố thêm niềm tin vào giá trị của tình yêu thương và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các tôn giáo.
Chụp hình lưu niệm với Sư Thầy Thích Tịnh Hiệp tại Chùa Long Bửu
Anh em trong Tổ và Sư Thầy Thích Tịnh Hiệp – Trụ trì Chùa Long Bửu tại Chánh Điện
Đối thoại và trao đổi với Sư Thầy tại phòng khách
Sư Thầy giới thiệu về Chùa Long Bửu tại Hậu Điện
Ngày thứ hai kết thúc với phần kinh tối và lượng định nhóm, nơi anh em chúng tôi cùng nhau chia sẻ những suy tư và cảm nhận về những điều đã học hỏi trong suốt ngày hôm đó.
Ngày cuối cùng: Ngày cuối cùng của chuyến mục vụ là dịp để chúng tôi thực hiện và sống công tác bác ái, chia sẻ tình yêu thương của Chúa với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong giáo xứ. Chúng tôi chia thành bốn nhóm nhỏ, đi thăm các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và trao quà cho họ. Đặc biệt, trải nghiệm gặp gỡ các hộ gia đình sống lênh đênh trên sông đã để lại trong chúng tôi những cảm xúc mạnh mẽ và sâu sắc. Cảnh tượng những người dân có hoàn cảnh khó khăn đang vật lộn với cuộc sống nhiều bấp bênh và thiếu thốn, nhưng vẫn mang trong mình niềm tin vào Chúa, thực sự là một minh chứng sống động về sức mạnh của đức tin và tình yêu thương trong cuộc sống.
Cầu nguyện trước khi lên đường thăm các gia đình có hoàn cảnh khó khăn
Đi xuồng đến với các gia đình sống trên nhà bè
Gặp gỡ và lắng nghe gia đình có hoàn cảnh khó khăn
Chuyến mục vụ truyền giáo mảng đối thoại liên tôn đã mang đến cho chúng tôi những bài học quý báu về tình yêu thương và sự sẻ chia trong đức tin Kitô giáo. Thông qua những cuộc gặp gỡ và trao đổi với anh chị em trong các tôn giáo khác, chúng tôi đã học được cách sống yêu thương, tôn trọng và đối thoại chân thành. Chuyến đi này cũng giúp chúng tôi nhận ra rằng, dù có sự khác biệt về tôn giáo hay tín ngưỡng, nhưng tình yêu và lòng thương xót của Chúa vẫn luôn là sợi chỉ đỏ kết nối mọi người lại với nhau. Hy vọng những trải nghiệm này sẽ tiếp tục đồng hành cùng chúng tôi trong hành trình theo Chúa để sống đức tin và thi hành sứ vụ truyền giáo trong tương lai.
KÍ SỰ TRUYỀN GIÁO TẠI GIÁO XỨ LA DÀY
Gp. Phan Thiết
Mỗi hành trình truyền giáo đều bắt đầu từ một lời mời gọi – đôi khi vang lên thật rõ ràng, đôi khi nhẹ nhàng như một tiếng gió thoảng qua tâm hồn, nhưng vẫn đủ mãnh liệt để lay động và thúc bách những trái tim dấn thân. Chương trình thực tập Tiếp Cận Truyền Giáo là một phần trong chương trình huấn luyện mục vụ của năm IV Thần học tại Đại Chủng Viện. Ban đầu, theo như dự định của nhóm (tổ 6), chúng con sẽ đến Giáo xứ Xuân Hoa – một Giáo xứ thuộc Giáo hạt Phương Lâm, Giáo phận Xuân Lộc – để thực hiện chương trình tiếp cận truyền giáo với anh chị em đồng bào dân tộc thiểu số.
Kế hoạch tưởng như đã an bài, lộ trình tưởng như đã vạch sẵn. Thế nhưng, từ quý Cha đồng hành, chúng con được lời mời gọi đi “ra vùng ngoại biên”, bên ngoài Giáo phận để truyền giáo. Trước lời mời gọi ấy, chúng con họp nhau lại để tìm kiếm một tiếng nói chung cho chuyến đi thực tập này. Ngay từ đầu, chúng con đặt ra những tiêu chí rõ ràng cho việc tìm kiếm địa điểm thích hợp : (1) nơi chúng con đến phải là nơi có đồng bào dân tộc thiểu số, đúng với định hướng mục vụ đã được giao phó ; (2) đó phải là một giáo xứ – để chúng con có thể giữ đời sống thiêng liêng một cách trọn vẹn ; (3) và cuối cùng, nơi ấy phải có đủ chỗ để đón nhận chúng con mà không gây thêm gánh nặng cho Cha xứ địa phương.
Sau những suy tư và trao đổi, chúng con quyết định chọn Giáo xứ La Dày – một trong những giáo xứ vùng sâu vùng xa, thuộc Giáo phận Phan Thiết, nằm trong nhóm ba giáo xứ liền kề nhau trong địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc là La Dày, Đakim I và Đakim II. Giáo xứ này gồm hơn 700 giáo dân, chủ yếu là dân tộc Chơ-ro ; và cha chánh xứ là cha Phaolô Nguyễn Ngọc Trác. Đây là nơi mà chỉ một vài người trong chúng con từng đặt chân đến, một địa danh nghe thật mộc mạc, nằm ẩn mình giữa núi rừng Đa Mi. Nhưng cũng chính sự xa xôi ấy, sự âm thầm ấy, lại khiến trái tim chúng con rạo rực.
Đối với chúng con, đây không chỉ là hành trình địa lý, mà còn là hành trình của lòng mến, của sự hy sinh, và của một niềm khát khao được trở thành khí cụ nhỏ bé trong tay Chúa giữa vùng đất núi rừng còn nhiều thiếu thốn.
NGÀY THỨ I
Chúng con khởi hành từ Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc vào một buổi sáng. Nắng còn vương trên mái ngói đỏ, tiếng chim líu lo giữa khoảng trời cao như cũng thầm chúc lành cho đoàn người lên đường. Hơn 150 cây số không chỉ là quãng đường địa lý, mà là khoảng cách để chúng con rũ bỏ những tiện nghi đời sống thường nhật, để bước vào một miền đất mới – nơi Tin Mừng còn dang dở và những tấm lòng vẫn đang khát khao một ánh sáng yêu thương.
Trạm dừng chân đầu tiên là Đức Mẹ Tà Pao, để cả nhóm có thể thăm viếng và phó thác chuyến đi trong tay Mẹ. Từ Tà Pao, chúng con tiếp tục đi thêm hơn 50 km, rong ruổi qua những cung đường đèo uốn lượn của đèo Đa Mi, núi non chập chùng, rừng già bạt ngàn trải dài tầm mắt. Có những đoạn đường dài hơn chục cây số không một bóng nhà, xe cứ băng băng qua những khúc cua, qua những “khoảng lặng” của núi rừng. Có lúc, anh em đùa nhau : “Nếu hư xe chỗ này chắc chỉ có rước Đức Mẹ đến cứu thôi!”. Nhưng nhờ ơn Chúa và lời cầu bầu của Mẹ, xe chúng con không gặp bất trắc nào. Một quán nước nhỏ bên sườn đèo trở thành trạm nghỉ tạm cho anh em chống say xe, tiếp sức cho đoạn đường cuối.
Và rồi, vào khoảng 10h30’, giáo xứ La Dày hiện ra trước mắt như một nét chấm nhỏ giữa vùng rừng núi này. Vừa bước xuống xe, chúng con đã được Cha xứ – vị mục tử đơn sơ nhưng đầy nhiệt thành – đón tiếp bằng nụ cười rạng rỡ, bằng sự chân thành. Không kịp nghỉ ngơi bao lâu, chúng con đã được Cha dẫn đi – không phải để tham quan, mà để bắt đầu hành trình, đến thăm gia đình một anh chị em dân tộc đang được giáo xứ giúp xây nhà tình thương. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng con là căn “nhà chòi” – nếu có thể gọi là nhà – nơi năm gia đình chen chúc nhau sống qua ngày. Không vách ngăn, không giường chiếu, chỉ một khoảng không 10 mét vuông tạm bợ che mưa, đỡ nắng. Chúng con bắt tay vào phụ hồ, khuân đá, trộn hồ, chuyển gạch… Những bàn tay chủng sinh hôm nào còn cầm sách vở, nay bám đầy vôi vữa. Nhưng lạ thay, trong mỗi giọt mồ hôi đổ xuống, chúng con lại thấy lòng nhẹ bẫng – bởi chúng con biết rằng mình đang cộng tác với Chúa để dựng xây lại một mái ấm cho những con người đang cần đến.
Buổi trưa, cha xứ lại dẫn chúng con đi thăm các gia đình trong xứ – có người đã chịu phép rửa, có người chưa. Nhưng điều khiến chúng con cảm động chính là ánh mắt, nụ cười và cái bắt tay thật chặt từ những con người vốn xa lạ. Dù chưa cùng một niềm tin, họ vẫn quý mến đạo, vẫn tôn trọng Cha xứ – như một người cha của vùng núi này.
Khi mặt trời đứng bóng, chúng con trở về nhà xứ. Cha xứ vì bận công tác mục vụ phải đi xa, nhưng vẫn không quên dặn dò từng điều cho nhóm chúng con. Ngài phân chia chúng con thành hai nhóm: một nhóm tiếp tục phụ hồ, nhóm còn lại sẽ vào rừng hái “lá Bép” – một loại rau đặc sản của người dân tộc.
Chuyến đi rừng như một lớp học giữa thiên nhiên sống động. Người bạn dân tộc đi cùng, dẫn đường và chỉ cho chúng con từng chiếc lá, từng đường mòn. Rừng xanh ngút mắt, chỗ nào cũng giống nhau. Không có người bản địa đi kèm, chúng con có thể hái nhầm lá độc, thậm chí đi lạc không lối về. Vậy mà bạn dân tộc nói: “Chỗ này mới là bìa rừng thôi đó thầy!”. Thử tưởng tượng xem những người dân nơi đây phải vào sâu đến mức nào mỗi ngày chỉ để hái rau mưu sinh? Và chúng con chợt hiểu rằng, đức tin ở nơi đây, nếu có được, cũng là một hành trình đầy “cheo leo” như thế. Trong khi đó, nhóm phụ hồ không chỉ tiếp tục xây nhà mà còn được đưa vào nơi khai thác đá. Nhiệm vụ là phải chất đầy một xe Cải Tiến – công việc nặng nhọc tưởng chừng chỉ dành cho những người thật khoẻ. Có thầy bị đá đập bầm cả tay, có người trượt chân ngã vào hố (nhóm đi rừng). Nhưng tất cả đều mỉm cười: “Tai nạn của mình mà nhân lên nhiều lần chắc mới bằng một ngày thường của người dân tộc!”.
Chiều xuống, anh em trở về nhà xứ với cơ thể rã rời, nhưng tâm hồn lại đầy ắp niềm vui. Buổi tối, cộng đoàn dân tộc đến nhà xứ, mang theo “thịt rừng nấu với lá Bép” – món ăn đặc trưng của núi rừng – để chiêu đãi chúng con. Không phải cao lương mỹ vị, nhưng trong đó có cả tấm lòng. Chúng con ngồi quây quần bên nhau, người Kinh, người dân tộc, không còn ranh giới. Chỉ còn lại tiếng cười, tình người, và niềm tin nơi Thiên Chúa. Một cảm giác ấm áp, thân thương như thể chính Chúa đang ngồi đó, cùng ăn, cùng cười với chúng con.
NGÀY THỨ HAI
Sáng sớm, La Dày còn vương hơi chào đón chúng con bằng một màn sương mỏng, làn gió núi lạnh thấu tâm can phả qua từng hàng cây rừng. Trong cái không khí thanh sạch của vùng cao, chúng con thức dậy sau một đêm yên bình nơi vùng đất xa lạ nhưng cũng đã dần trở nên thân quen. Sau khi chăm lo đời sống thiêng liêng và những nhu cầu cá nhân, chúng con quây quần bên nhau, cùng nấu bữa sáng giản dị để ăn cùng nhau và chờ nhiệm vụ của ngày mới.
Và quả thật, thử thách không đợi lâu. Nhiệm vụ buổi sáng là tiếp tục “bốc đá”, chất đầy một chiếc xe Cải Tiến, rồi chở về giáo xứ. Lần này, không chỉ nhóm “phụ hồ” ngày hôm qua mà cả nhóm “đi rừng” cũng nhập cuộc – tất cả cùng nhau, như một đội ngũ nhỏ hiệp nhất trong tinh thần phục vụ (ít nhất mình cũng từng góp công góp sức xây dựng ngôi nhà thờ La Dày này). Dù mồ hôi có ướt áo, dù đôi tay đã nhức mỏi, nhưng nơi khóe mắt của mỗi người đều ánh lên niềm vui – thứ niềm vui không thể mua được bằng tiền, mà chỉ có được khi chúng ta dấn thân vì sứ vụ.
Xong việc cũng vừa gần trưa, chúng con được một ông trùm trong giáo xứ dẫn đi thăm các gia đình dân tộc trong vùng. Những nếp nhà đơn sơ lẩn khuất dưới bóng cây rừng, cuộc sống của bà con nơi đây chất chứa biết bao vất vả. Có nhà nghèo đến mức không đủ cơm ăn ; có nhà quanh năm không có công việc ổn định, chỉ biết vào rừng hái “lá Bép” – thứ lá mà ngày hôm qua chúng con đã cùng nhau tìm hái – để bán kiếm sống. Một ngày lội rừng, leo dốc, tìm lá… cũng chỉ đổi được vài chục ngàn đồng – con số bé nhỏ đến nhói lòng. Nhưng giữa bao thiếu thốn, nơi ánh mắt và nụ cười của những người dân ấy, vẫn có một sự bình thản lạ thường.
Buổi trưa, cha xứ trở về sau công việc mục vụ, ngài dẫn chúng con đến dùng bữa với một gia đình người Kinh trong giáo xứ. Bất ngờ thay, gia đình ấy lại đến từ Phương Lâm – vùng đất thuộc Giáo phận Xuân Lộc. Gặp lại người “đồng hương” nơi đất lạ, trong lòng chúng con dâng lên một cảm xúc thật đặc biệt – như gặp lại một nét thân quen giữa bao điều xa lạ. Qua những câu chuyện đời thường, chúng con hiểu thêm về vùng đất này – hóa ra, bên cạnh đồng bào dân tộc thiểu số, còn có không ít người từ các vùng khác đến đây làm ăn, sinh sống, an cư. Họ là những “mảnh đời” tha hương, lang bạt khắp nơi, vượt qua không biết bao nhiêu thăng trầm để rồi dừng chân nơi núi rừng hẻo lánh này với mong ước đơn sơ : tìm một chốn “cắm dùi”, một mái nhà để trở về.
Chiều đến, cha xứ lại dẫn chúng con vào núi. Lần này là để thăm một hộ gia đình người công giáo sống giữa lòng núi. Đường đi gập ghềnh, khúc khuỷu, có đoạn có thể chạy xe, nhưng cũng có đoạn phải để xe lại giữa rừng, lội bộ qua những con đường mòn hẹp, cây rừng rậm rạp phủ kín lối. Gia đình ấy sống bằng nghề trồng cây ăn trái – cả một quả đồi sầu riêng nằm cheo leo giữa sườn dốc, minh chứng cho nỗ lực bền bỉ của con người giữa thiên nhiên khắc nghiệt. Người ta đã thôi trồng cà phê – loại cây không còn cho nhiều lợi tức – để đổi sang trồng sầu riêng, dù biết rằng con đường mưu sinh này không hề dễ dàng. Nhưng họ vẫn kiên cường bám đất, bám rừng, bám lấy niềm tin rằng ngày mai sẽ khác.
Và rồi, điểm đến cuối cùng trong buổi chiều hôm ấy – Hồ Tràn. Một phần của Hồ Hàm Thuận, rộng lớn mênh mông, nước xanh và mát. Tại đây, có hai hộ gia đình công giáo đang sinh sống – không phải trên đất, mà là trên những căn “nhà nổi”, trôi bồng bềnh giữa lòng hồ. Những căn nhà không có cầu, không có lối đi, muốn đến được với họ, chỉ có thể đi xuồng… hoặc… bơi. Trớ trêu thay, hôm ấy không có xuồng nào sẵn sàng. Và thế là, chúng con – những người chưa từng nghĩ mình sẽ bơi giữa một trong bốn hồ lớn nhất Việt Nam – đã mặc áo phao, bước xuống làn nước sâu đến hơn hai mươi mét, để rồi từ từ bơi qua trong tiếng cười đùa xen lẫn chút hồi hộp. Cảm giác ấy thật mạnh – vừa mạo hiểm, vừa thiêng liêng – bởi chúng con biết rằng mình đang đi đến với những con người cụ thể, đang mang Tin Mừng Phục Sinh đến cho họ bằng cả trái tim.
Căn nhà nổi hiện ra, nhỏ bé giữa mênh mông sóng nước, nơi những con người âm thầm sống với nhau trong đơn sơ, đạm bạc. Chúng con thăm hỏi, lắng nghe, và hiện diện – như một lời khẳng định rằng Hội Thánh không bao giờ bỏ quên bất cứ ai, dù họ ở tận cùng của hồ sâu, hay lặng lẽ giữa núi rừng hoang vu.
Kết thúc một ngày dài, chúng con vội trở về giáo xứ để dâng Thánh lễ – như điểm tựa thiêng liêng cho hành trình đức tin. Niềm vui vỡ òa khi chúng con được đón tiếp một người Cha rất đỗi thân quen – Cha Đồng hành Phaolô Đinh Chí Hiền của lớp Thần học IV. Sự hiện diện bất ngờ mà đầy ấm áp ấy như tiếp thêm lửa cho trái tim mỗi người trong nhóm. Ở nơi xa, chúng con vẫn cảm nhận rõ ràng sự đồng hành, quan tâm của quý Cha Đồng hành, quý trong ban Giám đốc Đại Chủng Viện – những người luôn theo dõi từng bước chân truyền giáo của chúng con với tất cả yêu thương và nâng đỡ. Hành trình ngày thứ hai khép lại trong lời kinh nguyện giữa núi rừng, bên nhửng “người lạ mới quen”, cùng nhau dâng lên Thiên Chúa một Thánh Lễ thật trang nghiêm và sốt sắng.
NGÀY THỨ BA
Bình minh ngày cuối cùng nơi miền đất truyền giáo bắt đầu bằng Thánh Lễ sốt sắng cùng cộng đoàn giáo dân trong khung cảnh giản dị và chân thành của vùng xa xôi hẻo lánh. Cuối Thánh Lễ, Cha xứ trân trọng thông báo với bà con rằng nhóm chúng con sẽ rời giáo xứ sau giờ cơm trưa. Ngài không quên gửi lời cám ơn sâu sắc đến quý trong ban Giám đốc Đại Chủng Viện, anh em chúng con và Cha Đồng Hành Phaolô vì sự hiện diện và đồng hành trong những ngày vừa qua. Nghe lời cám ơn ấy, trong lòng mỗi người chúng con lại dâng lên một niềm xúc động xen lẫn chút ngại ngùng – bởi lẽ, trong suốt ba ngày qua, chính chúng con mới là những người đã nhận được quá nhiều từ nơi đây: từ tình người, đức tin đến những bài học sâu sắc về đời sống và sứ vụ.
Sau Thánh lễ, Cha xứ đưa cả nhóm ra viếng linh đài Thánh Antôn – vị thánh bổn mạng của Giáo xứ La Dày. Trước linh đài, ngài long trọng ban phép lành cho cả nhóm như một lời chúc lành cho hành trình sắp tới và như một sự tiễn đưa đầy yêu thương từ cộng đoàn. Kế đó, sau bữa ăn sáng, chúng con được cùng ngài tiếp tục chuyến viếng thăm những hộ giáo dân đang sinh sống ven hồ Hàm Thuận – một trong những hồ thủy điện lớn nhất cả nước. Ngài cho biết, nơi đây có khoảng 32 hộ gia đình rải rác khắp khu vực, dọc theo hơn 10 cây số quanh hồ. Trên đường ra hồ, chúng con bắt gặp nhiều giáo dân bên đường, gửi tặng chúng con những trái do tự tay họ trồng, như những món quà chia tay đầy chân thành. Quả thật, giữa núi rừng mênh mông và cuộc sống thiếu thốn, nhưng những con người nơi đây vẫn sống trọn nghĩa tình và hiếu khách.
Lần này, chúng con được đi xuồng máy để đến thăm các gia đình đang sinh sống trên những căn nhà bè nổi giữa lòng hồ. Cùng với những lời hỏi thăm, chúng con cũng mang theo ít quà nhỏ gồm gạo, mì tôm và sữa (Cha xứ chuẩn bị) như một sự sẻ chia thiết thực trong tình huynh đệ. Chính trong chuyến đi này, chúng con tận mắt chứng kiến cảnh sống đầy cơ cực của những con người vì mưu sinh mà chấp nhận lênh đênh giữa sóng nước, giữa sự cô lập và thiếu thốn đủ điều. Có người bộc bạch: “Ước mơ lớn nhất của con là được sống trên đất liền. Ở trên bè cực khổ lắm thầy ơi! Thầy cầu nguyện cho chúng con nghe Thầy!…”. Nghe những lời ấy, tim chúng con như thắt lại, một lần nữa, chúng con thật sự cảm tạ Chúa vì đã cho chúng con được sống trong những điều kiện tốt đẹp hơn, và cũng để nhắc nhớ mình sống sao cho xứng đáng với hồng ân ấy.
Trong chuyến viếng thăm, chúng con được biết đến một sáng kiến truyền giáo đầy sáng tạo và cảm động của Cha xứ : ngài cho dựng một ngôi Nhà Nguyện nổi trên mặt hồ, có thể chứa khoảng 100 người. Cứ mỗi ba tháng, ngài lại dùng Nhà Nguyện này như một “con thuyền đức tin”, đi vòng quanh hồ để đón các giáo dân đến dâng lễ. Một hình ảnh thiết thực và tuyệt đẹp về một vị mục tử không ngại gian khó, lặng lẽ chăm sóc đoàn chiên của mình giữa những vùng nước mênh mông, hoang vắng.
Kết thúc chuyến thăm, Cha xứ đưa chúng con dạo một vòng “nhỏ” quanh lòng hồ để cảm nhận phần nào sự mênh mông, trắc trở của địa bàn mà ngài đang mục vụ. Dù chỉ là một vòng nhỏ, xuồng máy cũng phải mất hơn một giờ mới quay lại điểm xuất phát. Cha xứ mỉm cười nói: “Vì Cha giáo và các Thầy không có thời gian, chứ nếu không thì mình đi hẳn một vòng lớn luôn. Mà đi vòng lớn thì phải tới chiều mới về được…”. Lời nói ấy, giản dị thôi nhưng hàm chứa biết bao tâm huyết, bao vất vả lặng thầm của người mục tử nơi vùng sâu vùng xa.
Sau giờ cơm trưa, chúng con thu xếp hành trang lên đường trở về. Cảm xúc vẫn còn đong đầy trong từng ánh mắt, từng cái bắt tay đối với người dân tộc nơi đây. Trên đường về, như một lời tri ân và phó thác, chúng con ghé lại bên Đức Mẹ Tà Pao để cùng đọc kinh trưa, dâng lên Mẹ lời cảm tạ vì ba ngày truyền giáo thật ý nghĩa, đồng thời cầu xin Mẹ gìn giữ chặng đường về được bình an.
Chúng con về đến Đại Chủng Viện lúc khoảng 16h00’, khép lại hành trình truyền giáo với tâm hồn đầy ắp kỷ niệm, kinh nghiệm và một ngọn lửa âm ỉ đang cháy lên trong lòng : ngọn lửa yêu mến sứ vụ, yêu mến con người, và yêu mến chính Thiên Chúa qua từng phận người nhỏ bé.
CẢM NHẬN SAU CHUYẾN ĐI
Ba ngày, tưởng chừng chỉ là một khoảnh khắc thoáng qua giữa dòng chảy thời gian, nhưng lại để lại trong chúng con những dấu ấn sâu đậm, khó có thể phai mờ. Chuyến đi truyền giáo đến Giáo xứ La Dày không chỉ đơn thuần là một chuyến viếng thăm mục vụ hay thực tập tông đồ, nhưng hơn hết, đó là một cuộc trở về – trở về với cội nguồn của đời sống đức tin đơn sơ, mộc mạc và đầy sức sống giữa những người anh chị em nơi vùng sâu vùng xa.
Chúng con đã đến để trao đi, nhưng lại ra về với một tâm hồn đầy ắp điều đã nhận. Nhận nơi những nụ cười chân chất, nơi từng ánh mắt hiền lành của anh chị em dân tộc. Nhận nơi những bữa ăn đạm bạc nhưng thấm đượm nghĩa tình. Nhận nơi cách bà con lắng nghe Lời Chúa một cách sốt sắng, thinh lặng mà sâu xa. Và chúng con nhận ra : đức tin, một khi được sống giữa gian khó, lại càng trở nên vững vàng biết bao.
Qua từng bước chân rong ruổi, từ những căn nhà đơn sơ trên triền dốc đến những bè nổi lắc lư giữa lòng hồ mênh mông, chúng con đã được trải nghiệm một kinh nghiệm mục vụ mà không sách vở hay bài giảng nào có thể truyền đạt trọn vẹn. Đó là kinh nghiệm của những người mục tử âm thầm gieo hạt giữa núi rừng, là đời sống của giáo dân vẫn luôn kiên trung giữ vững niềm tin giữa bao thiếu thốn, và cũng là một lời mời gọi âm thầm nhưng mạnh mẽ cho chính chúng con : sống đời hiến dâng như thế nào cho trọn, tình Chúa, vẹn tình người.
Chuyến đi kết thúc, nhưng những tâm tình còn ở lại. Chúng con không chỉ mang về những tấm ảnh lưu niệm, những món quà nhỏ hay vài mẩu chuyện kể – mà mang về cả một hành trang quý báu cho hành trình ơn gọi : đó là bài học về sự cho đi cách khiêm nhu, bài học về đời sống phục vụ âm thầm, và trên hết là bài học về lòng biết ơn : biết ơn những con người đã đón nhận chúng con, và biết ơn Thiên Chúa đã cho chúng con cơ hội được sống những ngày thật đẹp, thật đậm chất Tin Mừng.
Xin dâng tất cả những gì chúng con đã thấy, đã nghe và đã sống lên Thiên Chúa, Đấng đã gọi và sai chúng con đi. Nguyện xin Ngài tiếp tục dẫn dắt chúng con trong hành trình ơn gọi, để một ngày kia, chính chúng con cũng có thể trở thành những mục tử sẵn sàng ra đi, sẵn sàng cúi xuống, sẵn sàng sống với và sống cho đoàn chiên – đặc biệt là nơi những vùng đất xa xôi và thầm lặng như La Dày.