ĐƯỢC SAI ĐI ĐỂ MỜI GỌI
Là Chủng sinh Thần học IV, vào mỗi Chúa Nhật, chúng tôi được sai đến các giáo xứ trong tinh thần là một người truyền giáo. Với cá nhân người viết, hành trình này không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là một ơn gọi, một cơ hội để chia sẻ niềm tin về Đức Giêsu và ánh sáng của Ngài với những tâm hồn đang tìm kiếm Ngài như “mong đợi hừng đông” (Tv 130,6). Thật vậy, chúng tôi luôn ý thức rằng mình được “sai đi” để “mời gọi” mọi người đến với tình yêu thương của Chúa, đặc biệt là những anh chị em tân tòng và dự tòng.
Trong hành trình này, chúng tôi chuẩn bị cho mình rất nhiều, không chỉ là sách Kinh Thánh hay các tài liệu chia sẻ, mà còn là niềm hy vọng và lời cầu nguyện. Chúng tôi nhớ rõ cảm giác háo hức ra đi cho sứ vụ mới này của mình, lòng chúng tôi như bừng cháy với những dự định và bao hoài bão cho sứ vụ.
Đến với các anh chị em tân tòng và dự tòng, chúng tôi ngay lập tức cảm nhận được sự gần gũi và thân thuộc. Những ánh mắt tò mò, những nụ cười thân thiện của mọi người đã khuyến khích cho chúng tôi thêm sự hăng say dấn thân. Chúng tôi bắt đầu những cuộc trò chuyện giản dị, từ việc chia sẻ những vấn đề sinh hoạt trong Giáo Hội, giáo xứ đến việc lắng nghe những câu chuyện của họ. Lúc này, ngọn lửa trong chúng tôi bừng cháy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Qua đây chúng tôi nhận ra rằng, để mời gọi mọi người, trước tiên, chúng tôi cần xây dựng mối tương quan và thấu hiểu cuộc sống của họ.
Khi xem sứ vụ là một hành trình “ra đi” để “đến với” mọi người, cách riêng là với anh chị em tân tòng và dự tòng, chúng tôi cũng tự dặn lòng về những khó khăn hay vất vả mà chúng tôi sẽ phải đối diện, bởi lẽ con đường truyền giáo thực tế còn nhiều khó khăn hơn những gì chúng tôi đang trải nghiệm đây. Trong sứ vụ này, có những lúc chúng tôi cảm thấy chán nản, mệt mỏi khi đối diện với sự thờ ơ về cuộc sống từ một số người. Chúng tôi biết, có những gia đình rất thân thiện, nhưng sự thân thiện của họ gắn chặt với những thói quen và niềm tin của mình để nói cho chúng tôi cách bảo thủ. Những lúc như vậy, chúng tôi tự hỏi liệu mình có đủ kiên nhẫn để tiếp tục không? Chúng tôi thường nghĩ về lý do chúng tôi ra đi, là mời gọi mọi người đến với tình yêu thương và hy vọng mà Chúa đã ban tặng để tiếp thêm động lực cho việc dấn thân của mình. Bởi thế, chúng tôi cũng phải tập cho mình luôn sẵn sàng dù được đón nhận hay bị khước từ. Thành công không tự phụ, tự mãn và thất bại cũng không cay đắng vì: “Phaolô trồng, Apollo tưới và Chúa mới cho mọc lên” (1Cr 3,6).
Những kỷ niệm đẹp đẽ, những mối tương quan thân thiết đã tạo nên một phần cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi nhận ra rằng, việc ra đi không chỉ là một nhiệm vụ, mà là một hành trình để trở về với chính mình. Chúng tôi trở về với những bài học quý giá, với một trái tim tràn đầy kiên nhẫn và lòng yêu thương.
-Lặng-
Ban Văn Hóa lớp Thần Học IV